Lấy cao răng là một hành động chăm sóc răng miệng cần được thực hiện định kỳ. Vì sao cần phải làm thế và bao lâu lấy cao răng 1 lần là thắc mắc của nhiều người, bài viết sau đây sẽ trả lời ngay cho bạn.
Tầm quan trọng của việc lấy cao răng
Lấy cao răng là cách mà các nha sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên nghiệp để loại bỏ các mảng cao răng bám chắc trên răng. Những mảng cao răng này không mang lại lợi ích gì mà ngược lại chúng là nơi trú ẩn của các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe răng miệng.
Sau đây là những tác dụng cụ thể của thủ thuật lấy cao răng tại nha khoa:
Phòng ngừa nguy cơ gặp phải các bệnh lý răng miệng
Cao răng thường bó quanh chân răng và kẽ răng khiến cho quá trình vệ sinh răng miệng khó khăn hơn.
Các vụn thức ăn thừa dễ dàng bám lại trên răng và là miếng mồi béo bở cho vi khuẩn, chúng hoạt động sinh ra độc tố gây viêm nướu, sinh ra axit bào mòn men răng.
Vì thế, lấy cao răng giúp phòng ngừa các bệnh lý răng miệng phổ biến như mòn răng, sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu… Đây là các bệnh lý nghiêm trọng dẫn tới tình trạng tụt lợi, tiêu xương, mất răng.
Hạn chế tình trạng hôi miệng
Hôi miệng có thể do nhiều nguyên nhân như hơi thở có mùi do trào ngược thực quản, viêm dạ dày hoặc bị sâu răng, cao răng. Trong đó cao răng gây hôi miệng là tình trạng phổ biến.
Những người bị hôi miệng do cao răng phản ánh rằng dù họ cố súc miệng hay đánh răng nhiều lần thì tình trạng này vẫn tái phát.
Lấy cao răng giúp giải quyết nhanh chóng và dứt điểm vấn đề mùi hôi miệng do cao răng, cho hơi thở thơm tho để bạn tự tin giao tiếp.
Cho hàm răng trở nên trắng sáng
Lớp cao răng ố vàng bám dính trên răng khiến bề mặt răng trở nên ngả màu xấu xí. Quá trình lấy cao răng sẽ bóc tách lớp này sau đó đánh bóng răng khiến hàm răng trở nên trắng bóng.
Hỏi đáp: Vôi răng tự tróc có xảy ra hay không?
Bao lâu lấy cao răng 1 lần?
Cao răng hình thành bởi mảng bám tích tụ từ thức ăn thừa, vi khuẩn và nước bọt. Thế nên có thể nói cao răng luôn âm thầm được tạo nên mỗi ngày. Bởi vậy, dù cho bạn đã tới nha khoa lấy cao răng thì không phải là từ nay bạn sẽ không bị cao răng nữa.
Việc lấy cao răng cũng ít nhiều tác động lên bề mặt răng nên không cần thiết phải lấy cao răng liên tục. Các chuyên gia về răng miệng khuyến cáo thời gian giữa các lần lấy cao răng là khoảng 3 – 6 tháng/lần.
Các đối tượng nên đi lấy cao răng thường xuyên hơn, khoảng 3 – 4 tháng/lần bao gồm:
Người sở hữu hàm răng có cấu trúc khấp khểnh, không đều sẽ dễ bị tích tụ cao răng hơn một hàm răng thẳng đều.
Người có nhiều cao răng lộ rõ, bám dính nhiều quanh răng và thường xuyên bị viêm nướu, chảy máu nướu.
Người hút nhiều thuốc lá hoặc sử dụng nhiều các thực phẩm đậm màu khiến vôi răng ngả màu đậm.
Còn lại các trường hợp ít cao răng, sức khỏe răng miệng tốt thì có thể để 6 tháng mới đi lấy cao răng một lần là phù hợp.
Xem thêm: Chi phí lấy cao răng là bao nhiêu?
Kinh nghiệm đi lấy cao răng
Để quá trình lấy cao răng tại nha khoa trải qua nhẹ nhàng, thuận lợi, có thể bạn sẽ cần đến một số kiến thức cần biết trước khi lấy cao răng.
Một số trường hợp chống chỉ định lấy cao răng
Bệnh nhân máu khó đông, đang bị sốt xuất huyết không được lấy cao răng.
Người mắc bệnh lý hô hấp trên nên không thở được bằng mũi hoặc khó khăn khi há miệng.
Các trường hợp đang bị bệnh lý răng miệng nghiêm trọng như viêm nha chu cấp, viêm tủy răng khi lấy cao răng sẽ dễ bị đau buốt.
Bệnh nhân động kinh, co giật hoặc không kiểm soát được hành vi.
Nên làm sạch răng miệng trước khi đi lấy cao răng
Mặc dù bắt đầu quá trình lấy cao răng, nha sĩ cũng sẽ thực hiện sát khuẩn răng miệng của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên chủ động làm sạch răng miệng trước khi đến phòng khám nha và tốt nhất đừng ăn gì ngay trước khi lấy cao răng.
Chọn lựa địa chỉ lấy cao răng uy tín
Lấy cao răng là một kỹ thuật thông thường không quá phức tạp trong nha khoa. Thế nhưng, bạn cũng cần lựa chọn kỹ càng bệnh viện hoặc phòng khám nha nào có đội ngũ nha sĩ tay nghề cao cũng như máy móc, thiết bị lấy cao răng tiên tiến.
Chi phí lấy cao răng
Chi phí bỏ ra cho mỗi lần lấy cao răng cũng là điều mà nhiều người quan tâm. Giá dịch vụ lấy cao răng ở mỗi nha khoa có thể khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như:
Mức độ cao răng của khách hàng. Có một số cơ sở nha khoa sẽ tính giá tiền lấy cao răng mức độ 1, 2 khác với cao răng mức độ 3, 4 bởi thời gian thực hiện kéo dài hơn và phức tạp hơn.
Tên tuổi, thương hiệu, cơ sở vật chất của cơ sở nha khoa: Những thương hiệu nha khoa lớn, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, nằm ở những vị trí trung tâm… thường có giá dịch vụ cao hơn.
Cụ thể, giá dịch vụ lấy cao răng ở các nha khoa thường rơi vào khoảng 150.000 – 500.000 đồng/lượt lấy.
Chăm sóc răng miệng thế nào sau khi lấy cao răng?
Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Lấy cao răng xong phải chăm sóc thế nào để duy trì trạng thái răng miệng khỏe mạnh, hạn chế tốc độ hình thành cao răng. Sau đây là hướng dẫn chi tiết những gì cần làm sau khi lấy cao răng để bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Đánh răng sau mỗi bữa ăn hoặc tối thiểu là 2 lần vào lúc trước khi đi ngủ và buổi sáng khi mới thức dậy. Mục đích của việc đánh răng thường xuyên là để loại bỏ các mảng bám ngay khi chúng mới hình thành, ngăn chặn chúng phát triển thành cao răng.
Dùng chỉ nha khoa để len vào các ngóc ngách sâu trong răng hàm, khe kẽ răng và lấy đi các vụn thức ăn thừa còn lại. Từ đó giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây ra các bệnh lý răng miệng đồng thời phòng ngừa tình trạng cao răng.
Súc miệng bằng nước muối loãng hoặc nước súc miệng kháng khuẩn để loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng, chống sâu răng và cho hơi thở thơm tho.
Một số mẹo giảm cao răng tại nhà
Nhai lá ổi
Nhai lá ổi là một mẹo dân gian giúp làm trắng răng hiệu quả, loại bỏ mảng bám và cao răng nhanh chóng. Bạn chỉ cần rửa sạch 3 – 4 lá ổi non rồi cho vào miệng nhai kỹ trong 3 phút. Sau đó đánh răng như bình thường và súc miệng thật sạch.
Dùng vỏ cam
Biết được mẹo lấy cao răng bằng vỏ cam, ăn cam xong bạn đừng vứt bỏ vỏ nhé. Dùng mặt trong của vỏ cam có dính phần cùi và chà nhẹ lên khắp các mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai của răng. Vỏ cam không chỉ làm sạch mảng bám trên răng mà vitamin C trong vỏ cam còn rất tốt cho nướu, hạn chế tình trạng chảy máu nướu.
Hỏi đáp: Cách lấy cao răng tại nhà bằng muối có đáng tin không?
Nhai hạt vừng, mè
Quá trình nhai hạt vừng hoặc hạt mè tác động cơ học nhẹ nhàng lên bề mặt răng giúp cuốn đi mảng bám cho răng bóng khỏe hơn. Hạt vừng hoặc hạt mè rang chín, sau đó bạn lấy khoảng 1 thìa canh hạt cho vào miệng nhai trong 2 phút. Súc miệng thật sạch để loại bỏ hết hạt trên răng và trong miệng.
Cuối cùng chúng tôi nhắc lại rằng, việc kiểm tra sức khỏe răng miệng và lấy cao răng định kỳ là điều quan trọng nhất để bảo vệ răng miệng. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh răng miệng cũng quan trọng không kém, hy vọng bạn sẽ cần đến những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ chi tiết ở trên.