Tình trạng “bị đau dưới hàm phải” khi kết hợp với từng nhóm triệu chứng sẽ gợi ý đến các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Trong mỗi trường hợp, người bệnh cần có hướng xử trí khác nhau để giảm khó chịu và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Bài viết hôm nay cùng bạn đọc tìm hiểu về tình trạng đau dưới hàm bên phải trong một số tình huống thường gặp.
Mục lục
Nhận biết dấu hiệu đau dưới hàm phải
Hàm là cấu trúc được tạo thành từ khớp thái dương, cơ hàm và răng. Sự liên kết và phối hợp vận động giữa các cấu trúc này giúp đảm bảo chức năng ăn nhai và giao tiếp của một người diễn ra bình thường. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, khi một trong những bộ phận trên gặp phải vấn đề, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng bất thường như: đau hàm, khó há miệng, phát âm khó khăn.
Triệu chứng đau dưới hàm phải thường được mô tả như sau:
- Đau căng tức góc hàm bên phải khi ăn nhai, nói chuyện hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Đau cứng hàm gây khó khăn khi há miệng hoặc cử động nhai.
- Cơn đau từ hàm xuyên lan vào tai, đến đầu hoặc vùng vai gáy.
Nguyên nhân bị đau dưới hàm phải
Đau dưới hàm bên phải khi kết hợp cùng các triệu chứng đi kèm sẽ gợi ý đến những nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp và dấu hiệu nhận biết:
Loạn năng khớp thái dương hàm
Rối loạn khớp thái dương hàm xảy ra khi hoạt động cơ nhai và vận động của khớp nối thái dương – hàm bị rối loạn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do chấn thương (ví dụ như chấn thương cơ gập duỗi cổ), chấn thương vi mô (thường do nghiến răng, siết răng hoặc nhai kẹo cao su quá nhiều) và rối loạn toàn thân (thường gặp như viêm khớp dạng thấp, bệnh tự miễn).
Loạn năng khớp thái dương hàm gây ra các cơn đau tập trung ở góc xương hàm gần thái dương, phía trước và bên trong tai. Ngoài ra, các triệu chứng khác thường gặp trong tình trạng này gồm:
- Mỏi hàm khi nhai, nói chuyện.
- Cơn đau xuyên lên vùng thái dương, cổ vai gáy.
- Người bệnh thường xuyên bị nhức đầu, đau nửa đầu.
Loạn năng khớp thái dương hàm có thể được điều trị bằng các phương pháp như: sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, điều trị nha khoa kết hợp cùng điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học.
Viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm xảy ra khi khớp nối hoặc đĩa đệm đặt giữa khớp nối thái dương – hàm bị lệch hoặc hư hỏng. Đây là nguyên nhân chiếm trên 50% các ca bệnh bị đau xương hàm bên phải, bên trái hoặc cả hai bên. Thời gian đầu, viêm khớp thái dương hàm chỉ gây ra cơn đau thoáng qua và tự biến mất. Tuy nhiên, khi tiến triển nặng hơn, triệu chứng đau xuất hiện với tần suất dày đặc, kéo dài, theo chu kỳ và đau dữ dội.
Một số dấu hiệu khác thường gặp trong viêm khớp thái dương hàm gồm:
- Đau phía trong và xung quanh tai.
- Miệng khó cử động, khi cử động phát ra tiếng kêu lục cục.
- Phì đại cơ hàm nhai khiến góc mặt bên phải phình to hoặc sưng tấy.
- Người bệnh có thể bị đau đầu dai dẳng, ù tai, chóng mặt.
Điều trị viêm khớp thái dương hàm không quá phức tạp. Phương pháp hiệu quả và thường được áp dụng là các biện pháp can thiệp ngoại khoa như: điều chỉnh khớp cắn, phục hình răng, niềng răng. Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp chọc rửa khớp để loại bỏ phần viêm.
Tìm hiểu thêm: Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi được không?
Sái quai hàm
Sái quai hàm hay trật khớp hàm xảy ra khi quai hàm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu gây đau đớn và khiến hàm không thể hoạt động bình thường. Tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn ở những người đã từng bị trật khớp hàm trước đó.
Dấu hiệu gợi ý đến tình trạng sái quai hàm thường gồm:
- Đau mỏi vùng hàm, cổ – vai – gáy theo chu kỳ.
- Cứng cổ, quai hàm khi vận động cổ hoặc khi há miệng.
- Khi ăn uống hoặc nói chuyện sẽ nghe thấy tiếng lộc cộc phát ra từ khớp hàm.
Trật khớp hàm không phải tình trạng nguy hiểm và có thể khắc phục dễ dàng thông qua nắn chỉnh khớp hàm. Tuy nhiên, những trường hợp không được điều trị kịp thời dẫn đến trật khớp nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật để khắc phục.
Mọc răng khôn
Răng khôn là răng số 8 trên cung hàm, thường mọc ở giai đoạn từ 18 – 25 tuổi. Lúc này, các răng khác đã ổn định trên cung hàm và cấu trúc lợi đã hoàn thiện. Vì vậy, răng khôn mọc lên thường gây chen lấn và khiến lợi tổn thương, gây tình trạng đau nhức – sưng tấy vùng hàm bên phải.
Các dấu hiệu cho thấy răng khôn dưới hàm bên phải đang mọc gồm:
- Nướu sưng, tấy đỏ, phù nề hơn so với vùng xung quanh.
- Vùng má góc hàm bên phải sưng to và đau nhức.
- Cứng hàm gây khó khăn khi nhai, nói chuyện hoặc há miệng.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Đau họng, sốt cao, chán ăn.
Đau nhức dưới hàm bên phải do mọc răng khôn có thể được cải thiện bằng các loại thuốc như: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu răng khôn mọc lệch, người bệnh cần phẫu thuật nhổ răng để tránh bị hỏng răng số 7 và tổn thương các cấu trúc khác quanh chân răng.
Hỏi đáp: Tôi nhổ răng khôn thì tốn những chi phí nào, giá bao nhiêu?
Viêm tủy xương
Viêm tủy xương là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vùng tuỷ ở phía trong xương hàm. Viêm tủy xương thường là biến chứng sau các phẫu thuật nha khoa hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch.
Các triệu chứng nhận biết tình trạng viêm tủy xương gồm:
- Đau dữ dội vùng góc hàm, cường độ đau có xu hướng tăng dần theo thời gian.
- Vùng mặt góc hàm sưng phù, sờ ấm, ấn đau.
- Nướu răng sưng tấy, đỏ rực.
- Người bệnh sốt cao, mệt mỏi, hơi thở mùi khó chịu.
- Cử động mở đóng miệng bị hạn chế hoặc không thể cử động hàm.
- Cảm giác tê bì ở hàm, môi hoặc toàn bộ miệng.
Nhiễm trùng tủy xương có thể lan rộng và hoại tử dẫn đến hủy xương nếu không được điều trị kịp thời. Biện pháp điều trị hiện nay là sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Hiệu quả phụ thuộc lớn vào thời điểm điều trị. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám càng sớm càng tốt khi gặp phải những dấu hiệu trên.
Tìm hiểu thêm: Viêm tủy răng nguy hiểm thế nào?
Khối u hoặc u nang
Khôi u và u nang là khối mô hoặc bọc chứa chất lỏng phát triển bất thường ở hàm. Khi kích thước tăng đến mức độ nhất định, chúng có thể đẩy răng khỏi vị trí ban đầu hay thậm chí phá huỷ xương và mô trong hàm của người bệnh. Một số khối u và u nang hàm thường gặp như: u bào nguyên thuỷ, u nang nhiều hạt và Odontoma.
Các dấu hiệu gợi ý đến tình trạng u hoặc u nang hàm gồm:
- Xuất hiện mảng trắng, đỏ trong miệng.
- Có vết loét hở hoặc chảy máu.
- Có thể sờ thấy khối u.
- Người bệnh khó cử động hàm và khó nuốt.
- Mô mềm phát triển xung quanh răng.
- Sưng mặt một bên
Khối u hoặc u nang hàm được điều trị bằng cách chích rạch hút dịch hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Người bệnh nên thăm khám và can thiệp sớm để có hiệu quả điều trị tốt và giảm nguy cơ biến chứng.
Cách chẩn đoán đau dưới hàm bên phải
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau dưới hàm bên phải, người bệnh thường trải qua các bước chẩn sau đây:
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong quá trình kiểm tra sức khoẻ của người bệnh. Tại bước khám náy, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình, các phương pháp điều trị đã sử dụng.
Sau đó, bác sĩ có thể thao tác kiểm tra chi tiết hơn như:
- Sờ các vị trí: cơ cắn, cơ thái dương, cơ dưới móng, cơ ức đòn chũm, cơ nâng đầu cổ, cơ vai để kích thích và phát hiện các điểm kích đau.
- Sờ vùng mang tai, trong tai và thử nghiệm tải lực đánh giá nội khớp.
Khi nắm được các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng cần thiết trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Khám cận lâm sàng
Đa số trường hợp đau dưới hàm phải sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như: chụp X – quang hoặc MRI nhằm xác định tình trạng khớp thái dương hàm, răng và xương hàm hiện tại. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm máu để xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc loại trừ nguyên nhân.
Với những người được phát hiện có khối u vùng hàm, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết để đánh giá khối u lành tính hay ác tính. Sau khi người bệnh thực hiện kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đọc kết quả, đưa ra chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Cách giảm đau dưới hàm bên phải
Khi cơn đau tiến triển và trở nên trầm trọng, nhu cầu giảm đau của người bệnh là bức thiết. Một số phương pháp giảm đau hiệu quả phải kể đến như:
Uống thuốc
Dùng thuốc giảm đau là cách nhanh nhất để kiểm soát triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Đa số cơn đau dưới hàm bên phải đều có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau không kê đơn chứa thành phần paracetamol (Acetaminophen).
Thuốc được sử dụng với liều 10 – 15mg/ kg/ lần, mỗi lần uống cách nhau 4 – 6 tiếng. Người bệnh cần chú ý không uống thuốc sau khi sử dụng các thức uống chứa cồn. Những bệnh nhân mắc các bệnh về gan, thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Nếu dị ứng paracetamol, người bệnh có thể giảm đau bằng các thuốc chống viêm NSAIDs như: ibuprofen, diclofenac, aspirin,… Tuy nhiên, những thuốc này có nguy cơ tác dụng phụ cao hơn. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi uống.
Chườm ấm hoặc lạnh
Sử dụng nhiệt là cách hiệu quả để cải thiện cơn đau với điều kiện người bệnh cần áp dụng đúng cách, cụ thể:
Chườm ấm: Thực hiện với những trường hợp đau do căng cơ, cứng khớp và không có triệu chứng viêm kèm theo. Bạn chỉ cần dùng một khăn ấm hoặc một túi chườm đựng nước ấm áp lên vùng hàm bị đau trong khoảng 15 – 20 phút. Nhiệt độ cao giúp làm giãn cơ – khớp, tăng cường lưu thông máu từ đó giảm căng thẳng và giảm cơn đau.
Chườm lạnh: Phù hợp với những người đau hàm bên phải có kèm theo triệu chứng: sưng tấy, nóng đỏ, đau nhức. Bạn dùng một khăn lạnh hoặc túi chườm đựng nước lạnh áp lên vùng hàm đau khoảng 20 – 15 phút. Nhiệt độ lạnh gây co mạch làm giảm lưu thông máu, từ đó giảm phản ứng viêm và hạn chế cơn đau hiệu quả. Chú ý: thời gian chườm không quá 30 phút.
Massage
Massage giúp làm giảm tình trạng căng cơ, cứng khớp và tăng cường lưu thông máu quá vùng bị đau. Phương pháp này rất hữu ích đối với người bệnh bị đau hàm dưới bên phải do rối loạn khớp thái dương hàm. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần:
- Dùng ngón tay trỏ và ngón giữa ấn lực vừa phải vào vị trí hàm bị đau.
- Điều khiến ngón tay để tạo thành các chuyển động tròn, khoảng 5 – 10 vòng.
- Thực hiện cử động miệng để kích thích máu lưu thông qua khớp.
- Lặp lại hoạt động massage và cử động miệng đến khi cơn đau giảm bớt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện xoa bóp, massage để giảm đau mỏi cơ ở vùng cổ – vai – gáy. Cách làm này cũng hỗ trợ giảm đau cơ hàm khá tốt.
Đau hàm bên phải khi nào phải khám ngay?
Đau hàm bên phải là tình trạng khá thường gặp. Hầu hết mọi người đều lựa chọn theo dõi ở nhà một vài ngày và chỉ đi khám khi cơn đau thực sự ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc công việc của mình. Thói quen này có thể khiến người bệnh bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất hoặc nghiêm trọng hơn là tạo cơ hội cho bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo các chuyên gia, người bệnh nên chủ động thăm khám nếu cơn đau kéo dài liên tục trên 3 ngày hoặc triệu chứng đau giảm sau đó lại xuất hiện trở lại. Ngoài ra, một số dấu hiệu cho thấy bạn cần được khám ngay như:
- Cơn đau dữ dội gây mất ngủ, ăn uống khó khăn, khó nuốt hoặc khó thở.
- Cứng khớp khiến miệng không thể cử động nói chuyện như bình thường.
- Hàm sưng đau dữ dội kèm theo sốt cao.
- Đau hàm dữ dội sau đó giảm đột ngột và trong miệng có dịch lỏng mặn, mùi khó chịu.
Để kiểm tra đau dưới hàm bên phải, người bệnh cần đến các bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt. Trong thời gian thăm khám và điều trị, bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, bạn cần tái khám đúng lịch hẹn ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất hoàn toàn.
Trên đây là bài viết về tình trạng đau dưới hàm bên phải. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về triệu chứng này cũng như tình trạng sức khoẻ của mình. Nếu cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp đến hotline: 093 186 3366