Thường xuyên chảy máu chân răng là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề cần được điều trị. Vậy chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu của bệnh gì, cách khắc phục ra sao, Bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Thường xuyên chảy máu chân răng là bệnh gì?
Chảy máu chân răng là triệu chứng phổ biến rất nhiều người gặp phải. Nguyên nhân có thể do thói quen chăm sóc răng miệng và sinh hoạt chưa tốt, hoặc xuất phát từ một số bệnh lý cần chẩn đoán và điều trị tận gốc. Dưới đây là nguyên nhân chính gây chảy máu chân răng
1.Bệnh viêm nướu
Đầu tiên, chảy máu chân răng thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu. Sau khi ăn uống và bạn chưa làm sạch sẽ các mảng bám, chúng sẽ đọng lại tại viền nướu. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nướu bị sưng, đau, đôi khi chảy máu khi bạn đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Nếu không điều trị sớm, hậu quả là lợi bị tụt xuống làm lộ chân răng ra ngoài ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ.
2. Bệnh nha chu
Bệnh viêm nha chu là tiến triển nặng hơn của viêm nướu với dấu hiệu chảy máu chân răng thường xuyên hơn. Hiện nay bệnh này có thể mắc ở cả người trẻ và người trung niên nếu không vệ sinh răng miệng cẩn thận, sạch sẽ.
3. Bị áp xe răng
Áp xe răng là tình trạng tích tụ dịch mủ nhiễm trùng bên trong răng. Ngoài chảy máu chân răng, nó đi kèm với những cơn đau, bị sưng chân răng, sốt cao. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bạn cần thăm khám để tránh hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tìm hiểu: Các thuốc điều trị áp xe răng
4. Mất răng
Những bệnh lý viêm nha khoa ở trên đều khiến nướu có xu hướng tách ra khỏi răng dẫn tới mất răng. Đối tượng nguy cơ cao hơn là người già, người bị mắc chứng loãng xương.
5. Bị sốt xuất huyết
Chảy máu chân răng là dấu hiệu thường xuất hiện ở giai đoạn nghiêm trọng, đi kèm với chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam,… Nếu không điều trị kịp thời có thể gây xuất huyết tiêu hóa, tổn thương não, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Xem thêm: Chảy máu chân răng do sốt xuất huyết nguy hiểm không?
6. Thuốc làm chảy máu chân răng
Một số loại thuốc làm loãng máu, làm giảm khả năng đông máu. Thời gian sử dụng kéo dài thì khả năng bạn bị chảy máu chân răng thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc chữa bệnh khác làm miệng bị khô. Điều này cũng ảnh hưởng đến lượng nước bọt tiết ra trong miệng để trung hòa các axit béo, tiêu diệt vi khuẩn tích tụ.
7. Chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng
Dinh dưỡng rất quan trọng với sức khỏe nói chung và sức khỏe răng miệng nói riêng. Nếu bị thiếu hụt một số vitamin đặc biệt như vitamin C, vitamin K thì chảy máu chân răng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Đây là những chất cần thiết giúp cho việc đông máu nhanh chóng, hiệu quả.
8.Thay đổi nội tiết tố ở nữ
Thay đổi nội tiết tố nữ cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Hiện tượng này xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau như dậy thì, mang thai, mãn kinh,… Ví dụ với nhiều người, chảy máu chân răng là dấu hiệu nhận biết sớm của thai kỳ. Trong thời điểm này, progesterone được sản sinh nhiều hơn sẽ làm tăng lưu lượng máu tới lợi gây chảy máu chân răng.
9.Bệnh tiểu đường
Viêm lợi, chảy máu chân răng thường xuyên gặp với người bị tiểu đường. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu cao khiến lượng đường trong nước bọt quanh răng và dưới nướu cũng tăng theo. Khi đó vi khuẩn có hại cùng với mảng bám liên tục phát triển. Chúng kích ứng nướu, dẫn tới bệnh nướu răng, sâu răng, thậm chí là mất răng.
10. Các bệnh ung thư
Chảy máu chân răng có thể là dấu hiệu ban đầu của một số loại bệnh ung thư như bệnh bạch cầu, đa u tủy, ung thư gan, ung thư máu, ung thư miệng…
11. Bàn chải đánh răng thô cứng
Nhiều người bị chảy máu chân răng cũng do sử dụng bàn chải quá thô cứng. Ngoài ra khi chải, có thể bạn dùng lực quá mạnh gây tổn thương vùng nướu.
12. Thói quen dùng chỉ nha khoa
Dùng chỉ nha khoa chưa đúng cách cũng dễ dẫn tới chảy máu nướu răng. Nếu chưa quen, bạn thao tác từ từ từng chút một, đừng nóng vội. Có thể lên mạng tìm kiếm các video hướng dẫn sử dụng đúng chuẩn.
13.Thói quen hút thuốc lá
Hút thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe răng miệng. Ngoài làm vàng răng, hôi miệng, nó có thể gây ra tình trạng chảy máu chân răng thường xuyên. Thói quen hút thuốc tích tụ các mảng bám quanh vùng nướu, lợi. Không làm sạch cẩn thận sẽ khiến nướu bị sưng, viêm.
2. Làm sao khắc phục chảy máu chân răng hiệu quả?
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp bạn phòng tránh được chảy máu chân răng và nhiều bệnh khác.
– Chọn bàn chải đánh răng và kem đánh răng
Bạn nên ưu tiên chọn bàn chải đánh răng có đầu nhỏ, lông mềm. Như vậy khi chải sẽ hạn chế được tổn thương cho vùng nướu. Nếu điều kiện tài chính cho phép, bạn có thể chọn mua bàn chải điện với các chế độ rung và chăm sóc nướu khác nhau. Nên đổi bàn chải đánh răng (hoặc đầu bàn chải điện) từ 3- 4 tháng/lần.
Tiếp đến là chọn kem đánh răng có chứa hàm lượng flouride tiêu chuẩn. Flouride giúp chống lại vi khuẩn gây sâu răng, cung cấp hàng rào bảo vệ cho men răng bền vững hơn. Tùy theo sở thích về mùi cũng như thương hiệu, bạn chọn sản phẩm phù hợp nhất.
– Đánh răng đúng cách
Đánh răng thường xuyên thôi chưa đủ mà bạn cần thao tác đúng cách mới loại bỏ được mảng bám tích tụ trên răng, hạn chế vi khuẩn gây sâu răng, viêm lợi. Các bước cụ thể như sau:
- Trước tiên, bạn để bàn chải răng nằm ngang và nằm nghiêng một góc khoảng 45 độ so với viền nướu, đầu lông bàn chải tiếp xúc với cả răng và nướu
- Sau đó, bạn chải nhẹ nhàng mặt ngoài của tất cả răng ở hàm trên và hàm dưới với khoảng cách 2- 3 răng (hàm trên xuống và hàm dưới lên). Hoặc bạn xoay tròn bàn chải răng cho lông bàn chải có thể chui được vào từng kẽ răng
- Bạn thực hiện thao tác trên từ 5- 10 lần để lấy hết thức ăn bị bám vào răng
- Tiếp đến chải mặt trong của răng ở hàm trên và hàm dưới tương tự như mặt ngoài bằng cách chải lên, chải xuống hoặc xoay tròn
- Bạn đặt lông bàn chải với các mặt nhai của răng rồi nhẹ nhàng di chuyển bàn chải khoảng 10 lần từ trong ra ngoài.
Mọi người cố gắng duy trì thói quen đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ để bảo vệ răng miệng.
– Vệ sinh lưỡi
Ngoài tích tụ trên răng, các mảng bám, vi khuẩn còn xuất hiện ở cả lưỡi gây ra các vấn đề sức khỏe răng miệng, hơi thở có mùi. Khi đánh răng, bạn chú ý kết hợp chải cả mặt trên của lưỡi bằng bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng.
– Dùng chỉ nha khoa
Chỉ nha khoa là dụng cụ làm sạch mảng bám rất đơn giản, hiệu quả. Nó giúp lấy đi mọi thứ nhẹ nhàng mà không làm tổn thương đến nướu răng. Để sử dụng chỉ nha khoa đúng cách, bạn thực hiện theo các bước:
- Trước tiên, bạn cắt 1 đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 45- 60cm. Sau đó quấn chỉ nha khoa xung quanh 2 ngón giữa và chừa lại khoảng 3- 5cm chỉ để vệ sinh răng
- Bạn giữ sợi chỉ nha khoa bằng ngón tay cái và ngón trỏ
- Đặt chỉ nha khoa giữa 2 răng, rồi nhẹ nhàng lướt sợi chỉ nha khoa lên xuống, chà xát vào cả 2 mặt của mỗi kẽ răng để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa. Lưu ý tránh lướt chỉ vào nướu.
- Bạn lặp lại các bước trên cho tất cả các răng. Cuối cùng nâng nhẹ sợi chỉ nha khoa ra khỏi kẽ răng và cho ra ngoài.
– Dùng nước súc miệng
Sau khi đã hoàn thành công việc ở trên, bạn có thể kết thúc quá trình chăm sóc răng miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng. Chúng có thể làm sạch hoàn toàn vụn thức ăn, vi khuẩn, giảm lượng axit trong miệng và tái khoáng hóa cho răng.
Ngoài ra, bạn nhai kẹo cao su không đường sau mỗi bữa ăn sẽ làm tăng tiết nước bọt, giúp trung hòa axit và làm sạch vi khuẩn bám trên bề mặt răng.
Bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết
* Các thực phẩm cần bổ sung
Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ rất có lợi cho sức khỏe răng miệng nói riêng và cơ thể nói chung. Bạn nên bổ sung thêm một số thực phẩm dưới đây nhé.
– Thực phẩm giàu canxi
Thực phẩm giàu canxi giúp tăng cường sức mạnh cho răng, củng cố lớp bảo vệ che chắn cho phần ngà răng và tủy răng. Bạn có thể tìm thấy canxi nhiều nhất trong sữa, phomat, các loại hạt, xương, tôm, cua, cá,…
– Thực phẩm chứa vitamin C
Vitamin C là axit ascorbic giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và tham gia nhiều chức năng bình thường của cơ thể. Chúng ta thường bị thiếu hụt vitamin C do tiếp xúc môi trường ô nhiễm, stress, hút thuốc, hồi phục sau phẫu thuật,… Để tăng cường dưỡng chất này, bạn lưu ý một số thực phẩm như họ nhà bưởi gồm cam, chanh, bưởi, quýt, hoặc ổi, kiwi, bông cải xanh, dâu tây, đu đủ,…
– Thực phẩm chứa vitamin D
Vitamin D là dưỡng chất giúp quá trình hấp thụ canxi trở nên dễ dàng. Nhờ đó xương sẽ phát triển khỏe mạnh, tăng cường chức năng thần kinh, hệ miễn dịch, giảm viêm,… Ngoài cách hấp thụ tự nhiên khi để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, bạn có thể bổ sung bằng một số thực phẩm như sữa, nước cam, dầu gan cá, trứng cá, sò, ngũ cốc, đậu hũ, sữa đậu nành,…
– Thực phẩm chứa vitamin E
Vitamin E là chất chống oxy hóa rất có lợi cho việc phòng ngừa và điều trị các bệnh răng miệng. Chúng có nhiều trong các loại đậu, hạt cứng như hạnh nhân, đu đủ, xoài, bơ, rau cải xanh, rau chân vịt,…
– Thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm này làm tăng tiết nước bọt là cách tự nhiên để chống lại sự tấn công của axit và hao hụt khoáng chất. Bạn nên tăng cường ăn thêm đậu phộng, bắp cải tí hon, rau củ chứa nhiều chất xơ khác trong bữa ăn hằng ngày.
* Các thực phẩm nên tránh
Ngoài những thực phẩm ở trên, mọi người cũng nên loại bỏ dần các món ăn gây hại cho sức khỏe răng miệng. Điển hình là:
– Thực phẩm chứa nhiều đường
Như bạn đã biết, đường làm cho vi khuẩn không ngừng sinh sôi, phát triển và tấn công vào men răng. Lớp men này một khi mất đi sẽ rất khó tái tạo lại. Hậu quả xấu hơn là gây sâu răng, viêm tủy, mất răng. Do vậy, ngay từ bây giờ, bạn nên hạn chế tối đa các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo ngọt.
– Thức ăn dính răng
Thức ăn dính răng càng lâu thì vi khuẩn càng có nhiều thời gian tạo ra axit gây hại cho men răng. Một số thực phẩm như bơ đậu phộng, nho khô, kẹo socola dẻo, bánh mì, khoai tây chiên,… vừa chứa đường lại còn dính răng bạn nên tránh xa.
– Đồ uống có ga
Đồ uống có ga là niềm yêu thích của rất nhiều người. Nhưng chúng cũng trở thành tác nhân chính giúp vi khuẩn sinh sôi. Nhấp nháp đồ uống này cả ngày vừa bào mòn men răng, vừa gây hại cho sức khỏe. Bạn chỉ nên dùng với tần suất thấp, uống cùng với thức ăn thay vì uống nhiều trong một lần.
– Chất làm khô
Chất làm khô ở đây có nhiều trong rượu, café. Chúng dẫn tới tình trạng bị khô miệng, ngăn cản nước bọt thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bổ sung khoáng chất cho răng.
– Thức ăn cứng
Thức ăn cứng dễ làm hỏng men răng, dẫn tới lộ ra ngà răng ở bên trong. Bạn vẫn nên hạn chế chúng mà thay bằng những món ăn mềm, mịn, dễ tiêu hóa hơn.
Bỏ thói quen xấu
Ngoài cách chăm sóc răng miệng ở trên, bạn cần biết loại bỏ những thói quen xấu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể như:
– Ăn vặt và lạm dụng thức ăn có nhiều đường
– Dùng tăm để loại bỏ thức ăn từ kẽ răng
– Chứng nghiến răng khi ngủ hoặc khi tức giận, lo lắng, tập trung cao độ
– Nhai đá vào mùa hè
– Cắn các vật cứng như mở nắp chai, xé bao bì, giật mác quần áo
– Không lấy cao răng
Thường xuyên thăm khám sức khỏe toàn thân và răng miệng
Nhiều người chủ quan cho rằng hàm răng vẫn tốt, không bị làm sao thì cần gì đi kiểm tra. Một số khác thì sợ đau, sợ chảy máu,… Đây cũng là lý do có tới 90% người Việt Nam bị mắc các bệnh răng miệng. Khi tới nha khoa thường trong tình trạng xấu như nhiều cao răng, sâu răng, viêm lợi,… vì ít khi đi khám răng định kỳ. Một hàm răng chắc khỏe, sáng bóng sẽ giúp bạn tự tin, thoải mái trong giao tiếp, ăn uống ngon miệng hơn. Để duy trì điều này, mọi người nên đến gặp nha sĩ 6 tháng/lần. Còn với một số người có nguy cơ lớn về răng miệng như bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ mang thai, hút thuốc lá,… thì nên đến nha khoa kiểm tra thường xuyên hơn.
Chảy máu chân răng tuy đơn giản nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nghiêm trọng như viêm nướu, viêm nha chu,… Bạn nên tìm kiếm địa chỉ nha khoa uy tín để thăm khám và điều trị một cách triệt để.