Sâu răng là một bệnh lý răng miệng phổ biến nhất trên thế giới, già trẻ, nam nữ đều có thể gặp phải. Thuật ngữ sâu răng khiến nhiều người liên tưởng đến một vật thể sống ăn mòn chiếc răng đó là con sâu răng. Vậy có con sâu răng hay không? Cùng tìm hiểu chi tiết từ A – Z về bệnh lý sâu răng trong nội dung dưới đây.
Mục lục
Sâu răng là gì?
Sâu răng là bệnh lý có thể ảnh hưởng tới cấu trúc của răng, gián tiếp làm suy giảm hiệu quả của chức năng ăn nhai, thẩm mỹ của hàm răng. Tình trạng sâu răng hình thành do quá trình hủy khoáng men răng gây ra bởi axit và vi khuẩn từ mảng bám trên răng. Vi khuẩn sâu răng phá hủy men răng dần dần và tạo thành các lỗ hổng trên bề mặt răng gọi là lỗ sâu răng.
Có con sâu răng hay không?
“Con sâu răng” thực chất chỉ là một khái niệm được hình ảnh hóa tượng trưng cho tác động ăn mòn răng của bệnh sâu răng.
Trong khoang miệng của chúng ta có tới gần 700 loài vi sinh khác nhau và chúng đều có hoạt tính gây sâu răng. Vai trò chính trong sự phát triển sâu răng thuộc về vi khuẩn Streptococcus Mutans, vi khuẩn chiếm phần lớn mảng bám răng. Các chuyên gia cho rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa số lượng vi khuẩn này và mức độ nguy hiểm của bệnh. Sự sinh sản tích cực của S. Mutans dẫn đến sự phá hủy dần dần men răng, dẫn đến hình thành các sâu răng sâu.
Một nguồn sâu răng khác là lactobacilli, tạo ra axit lactic. Chúng bắt đầu hoạt động tích cực khi đã có một khoang sâu trên bề mặt răng. Vi khuẩn thuộc nhóm xạ khuẩn cũng ảnh hưởng đến độ axit của môi trường trong khoang miệng, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương sâu răng.
Các nhà nghiên cứu nói rằng mặc dù có sự đa dạng của vi khuẩn trong khoang miệng, nhưng chính vi khuẩn S. mutans mới tạo ra một tổ chức không gian nhiều lớp, bao gồm các loại vi khuẩn khác. Nghĩa là, nếu không có những vi khuẩn này thì quá trình sâu răng là không thể.
Như vậy nếu mắt thấy tai nghe những câu chuyện liên quan tới các mẹo bắt con sâu răng thì bạn tuyệt đối không nên tin tưởng bởi không hề có con sâu răng nào cả. Nếu cố tình thực hiện các mẹo, các cách làm không được kiểm chứng khoa học, có thể bạn sẽ gặp những rắc rối liên quan đến sức khỏe của mình.
Sâu răng có lây không?
Có thể bạn sẽ bất ngờ với thông tin bệnh sâu răng có thể lây từ người này qua người khác, thực chất là do vi khuẩn sâu răng lây lan qua tuyến nước bọt khi nói chuyện, ho, hắt hơi, dùng chung dụng cụ vệ sinh răng miệng, dụng cụ ăn uống…
Trẻ em có nguy cơ bị lây vi khuẩn sâu răng cao hơn người lớn nhất là các bé từ 2 tuổi trở lên khi bị nhiễm vi khuẩn sâu răng kết hợp với sở thích ăn nhiều đồ ngọt và chưa tự giác vệ sinh răng miệng thường xuyên.
Theo các chuyên gia, trẻ em dễ bị sâu răng và sâu nhiều răng cùng lúc do men răng còn non trẻ, dễ bị hủy khoáng, vi khuẩn sâu răng tấn công khiến răng bị sâu nhanh đến mức răng sâu còn trắng chưa kịp đổi màu sắc.
Bên cạnh đó, vi khuẩn gây sâu răng cũng có thể có thể lây lan sang các răng lân cận thông qua môi trường chung trong khoang miệng, dẫn đến phát triển sâu răng ở nhiều răng cùng lúc.
Dấu hiệu của sâu răng
Phát hiện sâu răng càng sớm thì có thể ngăn chặn sâu răng phát triển diện rộng đồng thời dễ dàng điều trị để giữ răng hơn. Sau đây là các dấu hiệu sớm cho biết bạn có đang bị sâu răng hay không.
- Xuất hiện các vết sâu răng, các vết này ban đầu là các đốm rải rác, sau đó số lượng và diện tích của nó tăng dần, sau một thời gian vị trí sâu răng có dạng lỗ và màu đen rõ rệt.
- Cảm giác ê buốt răng khi răng tiếp xúc với nhiệt độ cao, thức ăn quá ngọt hoặc quá chua hoặc ê buốt khi răng chịu lực tác động mạnh do sâu răng khiến ngà răng bị khoáng hóa nên chiếc răng trở nên nhạy cảm.
- Hôi miệng thường xuyên là dấu hiệu bị sâu răng khi thức ăn dễ đọng lại các vết sâu răng và bị vi khuẩn phân hủy sinh ra mùi hôi miệng.
- Đau nhức răng là biểu hiện những chiếc răng đã bị sâu khá nặng, vi khuẩn xâm nhập vào buồng tủy gây nhiễm trùng, tổn hại dây thần kinh gây cảm giác đau nhức, đau buốt.
Nguyên nhân của sâu răng
Nói về nguyên nhân gây sâu răng, chúng ta cần xem xét 2 yếu tố bao gồm
Yếu tố chung:
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Những chất dinh dưỡng quan trọng góp phần tạo nên men răng chắc khỏe bao gồm canxi,vitamin D, phốt pho, vitamin A, C… Hàm lượng fluoride trong nước uống đóng vai trò rất quan trọng để củng cố men răng. Việc thiếu hụt toàn bộ vitamin và khoáng chất trên dẫn đến rối loạn cấu trúc của răng, men răng yếu và nhạy cảm, dễ bị hủy khoáng bởi axit.
- Các bệnh lý cơ thể có thể gây nguy cơ sâu răng như bệnh tiểu đường, bệnh trào ngược dạ dày, giảm tiết nước bọt hoặc suy giảm miễn dịch…
- Những tác động từ môi trường ngoài tới răng như nhiệt độ thức ăn đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh khiến men răng bị nứt, vi khuẩn xâm nhập gây sâu răng.
- Do gen di truyền quy định việc hình thành hoàn chỉnh cấu trúc và thành phần hóa học của mô răng. Vì thế, có người bẩm sinh có men răng bóng đẹp chắc khỏe, có người men răng yếu dễ bị tổn thương. Hoặc người có hàm răng cấu trúc khấp khểnh, thức ăn dễ bị mắc lại khi ăn thì cũng dễ sinh ra sâu răng hơn bình thường.
- Thói quen ăn uống thực phẩm giàu đường và axit tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn gây sâu răng hoạt động.
Tìm hiểu về: Mối liên hệ giữa thực phẩm ngọt và sâu răng
Yếu tố tại chỗ:
- Răng nhiều mảng bám và cao răng hình thành do vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân khiến vi khuẩn sâu răng tích tụ và tấn công men răng gây sâu răng.
- Thành phần của nước bọt hay lượng nước bọt có liên quan đến khả năng bị sâu răng bởi nước bọt có chứa chất diệt khuẩn và trung hòa axit, hạn chế tình trạng men răng bị ăn mòn. Khi miệng bị khô, ít tiết nước bọt thì nguy cơ bị sâu răng cao hơn.
Cách điều trị sâu răng
Điều trước tiên cần phải khẳng định là chúng ta không thể tự chữa sâu răng ở nhà mà cần tới khám bác sĩ nha khoa để kiểm tra và điều trị răng sâu. Ở mỗi giai đoạn phát triển của bệnh sâu răng, bác sĩ sẽ có các phác đồ điều trị khác nhau, bao gồm
Sâu răng ở giai đoạn đầu
Khi mới chớm bị sâu răng, bạn sẽ quan sát bề mặt răng có các đốm trắng – là dấu hiệu men răng đang bị mất đi khoáng chất. Quá trình này diễn ra âm thầm, không đau đớn gì. Nếu phát hiện sâu răng ở giai đoạn này, bác sĩ thường sẽ chỉ định phương pháp điều trị tái khoáng hóa men răng. Hỗ trợ tái khoáng hóa men răng bằng các dung dịch và gel chuyên dụng ( dung dịch canxi gluconate 10%, gel canxi, calci nova, natri florua…) Liệu trình điều trị gồm nhiều lần tới khi các đốm trắng biến mất.
Hỏi đáp: Răng sữa bị sâu có nên hàn răng không?
Sâu răng mức độ nhẹ
Ở giai đoạn này, bạn quan sát thấy men răng có dấu hiệu bị phá hủy, các lỗ sâu li ti ngả màu trên bề mặt răng. Răng thường xuất hiện cảm giác ê buốt khi ăn đồ chua, ngọt, cay. Khi bị sâu răng ở giai đoạn nhẹ bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách làm sạch răng, mài phần men răng bị khiếm khuyết và bắt đầu tái khoáng hóa bằng các sản phẩm nha khoa chuyên dụng..
Sâu răng mức độ trung bình
Khi bệnh sâu răng tiến triển thêm một mức độ, dấu vết sâu răng xuất hiện rõ rệt. Bạn sẽ cảm thấy những cơn đau, ê buốt khi răng tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc lạnh. Điều trị sâu răng thường được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ, chuẩn bị xoang và hàn trám răng để ngăn chặn sâu răng tiếp tục phát triển.
Sâu răng nặng
Sâu răng mức độ nặng khi men răng bị tổn thương sâu, những cơn đau tăng khi ăn nhai thức ăn, lỗ sâu rộng khiến cho thức ăn dễ bị mắc lại. Điều trị sâu răng trong trường hợp này vẫn ưu tiên hàn trám lỗ sâu răng và có thể bọc sứ để bảo vệ răng.
Sâu răng có biến chứng
Bệnh sâu răng kéo dài không điều trị có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
Viêm tủy là tình trạng tủy răng trong khoang răng bị nhiễm trùng gây ra các cơn đau nhức dữ dội. Điều trị viêm tủy là phương pháp tiếp cận và loại bỏ tủy răng bị tổn thương, làm sạch ống tủy và trám bít ống tủy bằng vật liệu chuyên dụng. Sau khi điều trị tủy hoàn thiện bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật hàn trám hoặc bọc sứ cho răng sâu để giữ răng.
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng dây chằng nha chu khiến cho răng dễ bị lung lay, lỏng lẻo, nướu bị tụt… làm tăng nguy cơ bị mất răng. Viêm nha chu có thể là một biến chứng của tình trạng sâu răng nghiêm trọng khiến vi khuẩn lây lan đến tổ chức nha chu. Để điều trị tình trạng viêm nha chu, bác sĩ có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật làm sạch túi nha chu và kê thuốc kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng.
Cách phòng ngừa sâu răng
Có thể thấy rằng sâu răng là một vấn đề gây nhiều phiền toái cho sức khỏe và ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống của người bệnh. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa sâu răng bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Sau đây là những lời khuyên từ chuyên gia nha khoa giúp phòng ngừa bệnh lý sâu răng hiệu quả:
- Chải răng hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có chứa fluoride không chỉ giúp làm sạch răng, loại bỏ mảng bám, vi khuẩn mà còn củng cố men răng chắc khỏe.
- Sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên để lấy đi những vụn thức ăn còn bám dính tại các kẽ răng và ngóc ngách khó làm sạch. Nên dùng chỉ nha khoa ngay sau các bữa ăn trong ngày.
- Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường nhằm hạn chế vi khuẩn sản sinh ra axit ăn mòn men răng.
- Súc miệng sau khi ăn và uống nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm cho khoang miệng, từ đó ngăn chặn vi khuẩn sâu răng phát triển.
- Đi khám răng định kỳ sau 3 – 6 tháng để lấy cao răng và kiểm tra tình hình sức khỏe răng miệng.
Trên đây là những chia sẻ hữu ích từ chuyên gia nha khoa về vấn đề sâu răng. Đây là bệnh lý thường trực có thể phát sinh bất cứ lúc nào nếu bạn lơ là việc chăm sóc răng miệng. Vì thế, hãy hình thành thói quen vệ sinh răng miệng và ăn uống khoa học để có được một hàm răng khỏe mạnh.