Những cơn đau răng khi ngắt quãng, lúc kéo dài âm ỉ cả ngày lẫn đêm khiến bạn “ăn không ngon, ngủ không yên”. Muốn nhổ bỏ răng lúc này có phải là giải pháp tốt nhất? Dưới đây các bác sĩ sẽ giải đáp cụ thể: Đang bị đau răng có nên nhổ răng không? Trường hợp nào nên và không nên nhổ răng?
Mục lục
1. Đang bị đau răng có nên nhổ răng không?
Răng của người trưởng thành là răng vĩnh viễn nên khi nhổ bỏ sẽ không thể mọc lại. Do vậy nguyên tắc hàng đầu của nha sĩ cố gắng bảo tồn tối đa răng thật cho bệnh nhân. Tuy nhiên trong một số trường hợp răng đã bị tổn thương quá sâu, không thể khắc phục thì nhổ răng chính là giải pháp tốt nhất. Điều này vừa để giải quyết cơn đau nhức khó chịu, vừa không để chúng ảnh hưởng đến các răng xung quanh.
Đang bị đau răng có nên nhổ răng không còn tùy thuộc vào tình trạng răng miệng thực tế của bạn. Sau khi thăm khám cụ thể, chụp phim X-quang cẩn thận, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Trường hợp răng đau ít
Trường hợp người bị đau răng ở mức độ nhẹ, thuốc tê có thể giúp bạn giảm bớt cơn đau thì bác sĩ sẽ tiến hành nhổ răng ngay. Sau khi nhổ, bạn còn cảm thấy hơi đau buốt trong 1- 2 ngày đầu khi vết thương chưa lành.
Trường hợp răng đau nặng
Trường hợp răng của bạn đang bị nhiễm trùng và đau nặng mà muốn nhổ, bác sĩ sẽ không thực hiện nhổ ngay vì 2 lý do.
- Thứ nhất để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Thứ hai là thuốc tê không có nhiều tác dụng giảm đau. Muốn nhổ răng, bác sĩ cho bạn uống thuốc giảm đau, kháng sinh để giảm bớt tình trạng nhiễm trùng trước. Sau khoảng 1- 3 ngày khi tình trạng đã ổn định, bạn có thể được nhổ răng như bình thường.
2. Khi nào nên nhổ răng đau?
Nhổ răng được xem là chỉ định cuối cùng của bác sĩ khi bệnh nhân bị sâu răng và hư hỏng ở mức độ quá nặng không thể phục hình. Tuy nhiên, một số trường hợp nhất định dưới đây, các bác sĩ sẽ thực hiện nhổ răng để loại bỏ nguy cơ sức khỏe của bạn
Răng bị sâu nặng và có nguy cơ hư hỏng
Sâu răng tưởng đơn giản nhưng hậu quả gây ra nguy hiểm nhiều hơn bạn nghĩ. Có nhiều khách hàng chủ quan không điều trị bệnh sớm dẫn tới răng sâu nặng, bị ăn mòn gần như toàn bộ răng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn nhai cũng như dễ lây lan sang răng lân cận. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng sâu ngay. Sau đó, bạn có thể chọn cấy ghép implant hoặc trồng răng giả để để phục hình răng.
Răng bị viêm tủy, hoại tử tủy
Tủy răng có vị trí đặc biệt quan trọng khi chứa rất nhiều dây thần kinh cảm giác. Tủy răng lành lặn, khỏe mạnh giúp chiếc răng khỏe mạnh và bạn có thể cảm nhận được nhiệt độ, vị giác khi ăn uống. Tuy nhiên một số người bị sâu răng, chủ quan không điều trị sớm dẫn tới chân răng bắt đầu hoại tử xung quanh, tủy răng cũng bị viêm nhiễm. Các biện pháp nội khoa lúc này không thể can thiệp được. Để tránh đe dọa đến tính mạng, bạn sẽ buộc phải nhổ bỏ răng.
Xem thêm: Vì sao xuất hiện màng trắng sau khi nhổ răng?
Răng mọc lệch, mọc sai vị trí
Răng mọc lệch, mọc sai vị trí thường xảy ra với trường hợp của răng khôn. Chúng mọc lên khá muộn trong khi các răng còn lại đã lấp đủ chỗ trống trên cung hàm. Do vậy răng khôn xoay đủ các hướng để phát triển. Nếu răng khôn mọc lệch 90 độ sẽ đâm vào răng bên cạnh gây đau đớn. Còn nếu răng khôn mọc lệch từ 45 độ trở xuống, bạn thấy giữa răng khôn và răng số 7 xuất hiện khe dính thức ăn. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn bệnh sâu răng rất lớn. Việc nhổ bỏ răng khôn nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Răng bị viêm nha chu nghiêm trọng
Viêm nha chu được biết tới là bệnh nhiễm trùng nướu răng cấp độ nặng do vi khuẩn và các vi sinh vật khác bám lên bề mặt mặt, trong các túi xung quanh răng gây ra. Khi nhân lên theo cấp độ lớn, hệ thống miễn dịch phản ứng dẫn tới viêm quanh chân răng.
Bệnh viêm nha chu tiến triển nặng sẽ ảnh hưởng đến tủy răng, chóp răng, xương ổ răng. Nếu không điều trị hoặc điều trị sai cách có thể hủy hoại toàn bộ răng và buộc phải nhổ bỏ.
Răng bị gãy với tỷ lệ và số lượng lớn
Không may bạn bị té ngã hoặc tai nạn dẫn tới gãy răng và tỷ lệ gãy quá cao rất khó để phục hình. Điều này ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như chức năng ăn nhai. Nhổ bỏ răng cũ và thay một chiếc răng mới bằng phương pháp cấy ghép implant hoặc làm cầu răng giả là việc làm cần thiết.
Nhổ bớt răng khi niềng răng
Trường hợp muốn niềng răng nhưng do răng bạn mọc quá dày thì bác sĩ sẽ cần nhổ một vài chiếc để lấy không gian đặt khí cụ. Như vậy sẽ hỗ trợ quá trình dịch chuyển các răng về đúng vị trí hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, độ sát khít. Thông thường các răng nhổ bỏ lúc này là răng cối số 4 hoặc số 5 ít có chức năng ăn nhai.
Xem thêm:Niềng răng có phải nhổ răng khôn không?
3. Các trường hợp không được nhổ răng đau
Răng bị đau với những trường hợp dưới đây được chỉ định là không được nhổ. Vì khi nhổ dễ gây ra biến chứng khó lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bị các bệnh về máu
Nếu người bệnh mắc các bệnh liên quan về máu như máu khó đông thì không được tự ý nhổ răng. Để nhổ răng thành công, an toàn, hạn chế tối đa biến chứng, bác sĩ phải thăm khám cho bệnh nhân một cách cẩn thận. Sau đó lên phương án điều trị, có thể kiểm soát tốt tình hình.
Bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc các bệnh ác tính khác
Một số bệnh khác như tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh ác tính cũng không nên nhổ răng khi chưa có sự đảm bảo chắc chắn của bác sĩ. Những bệnh này đặc biệt nguy hiểm và hậu quả sẽ khó lường trước nếu không đảm bảo đầy đủ yếu tố kỹ thuật, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao khi tiến hành nhổ răng.
Bệnh nhân đang được điều trị xạ trị
Trường hợp bệnh nhân đang điều trị xạ trị thì cũng không được nhổ răng. Khi đó, người bệnh cần đảm bảo an toàn và sức khỏe tốt nhất sau khi điều trị. Tiếp đến, bác sĩ sẽ hướng dẫn thăm khám và đưa ra quyết định khách hàng có thể nhổ răng được hay không.
Răng đang bị nhiễm trùng
Nhổ răng trong khi răng đang đau nhức, bị nhiễm trùng cũng rất nguy hiểm. Các vi khuẩn có thể lây lan phát triển nhanh qua đường máu hoặc vết thương do nhổ răng gây ra. Từ đó gây ra hậu quả nghiêm trọng và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Người đang không có sức khỏe tốt nhất
Với mỗi người thì sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng. Cảm thấy sức khỏe của mình chưa thật tốt, bạn cũng không nên nhổ răng. Ví dụ như phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, người vừa mới khỏi bệnh,… Hãy để cho cơ thể hồi phục hoàn toàn và chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi xử lý răng bị đau nhức. Như vậy quá trình nhổ răng mới diễn ra an toàn, thoải mái, vết thương nhanh lành, không gặp những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai cực kỳ nhạy cảm về cả sức đề kháng lẫn sự thay đổi về nội tiết tố. Bạn cần tránh việc nhổ răng hoặc có những tác động đến răng miệng. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm trước khi quyết định.
Người thường xuyên uống thuốc
Nếu bạn có bệnh mạn tính và thường xuyên phải uống thì trước khi nhổ răng, bạn cần thông báo cho bác sĩ. Một số loại thuốc chống đông máu mà không tìm hiểu kỹ thì khi thực hiện tiểu phẫu rất dễ xảy ra biến chứng.
4. Cách chăm sóc sau khi nhổ răng đau
Sau khi nhổ răng đau, bạn cần biết cách chăm sóc răng cẩn thận giúp vết thương nhanh lành và hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm khác.
Cách giảm đau
Khi đã hết thuốc tê, bạn có cảm giác đau nhức trong khoảng 1- 2 ngày đầu. Để giảm đau, cách nhanh nhất là chườm đá lạnh. Bạn cho một vài viên đá lạnh vào khăn sạch. Sau đó chườm lên má quanh vị trí nhổ răng. Chườm khoảng 5- 10 phút rồi cho ra. Bạn chờ một lát lại chườm tiếp đến khi cảm thấy thoải mái hơn.
Hoặc cách khác là uống thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ. Những loại thuốc này vừa là thuốc giảm đau, vừa có cả thuốc chống sưng phù nề, tiêu viêm làm lành vết thương hiệu quả.
Vệ sinh răng miệng
Trong ngày đầu nhổ răng khi đang hình thành cục máu đông, bạn hạn chế việc dùng bàn chải đánh răng. Những tác động mạnh dễ làm cho cục máu vỡ ra. Tuyệt đối không dùng nước muối và các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh răng miệng trong ngày đầu tiên vì có thể làm chết hoặc rửa trôi các tế bào mới vừa được hình thành, khiến máu khó đông hơn. Ngoài ra còn gây đau, xót, căng cứng ở vết thương hở. Từ đó khiến cho quá trình lành thương kéo dà.
Thời gian đảm bảo an toàn nhất là súc miệng bằng nước muối sau khi nhổ răng 2 ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.. Thao tác cũng phải nhẹ nhàng. Đến khi thấy vết thương tốt hơn thì bạn đánh răng như bình thường.
Xem thêm: Tại sao không được ngậm nước muối ngay sau khi nhổ răng?
Chế độ dinh dưỡng
Bạn nên ưu tiên những loại thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo, bún, miến, súp, kết hợp thêm với nước sinh tố, sữa tươi, sữa chua,… Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ khác nhau. Ngoài ra hãy kiêng một số loại thực phẩm dưới đây:
- Kiêng đồ ăn quá cứng như thịt gà chiên, bỏng ngô,…
- Kiêng đồ ăn quá dai như bánh giầy, bánh nếp,…
- Kiêng đồ ăn giòn, dễ có vụn rơi vào vị trí nhổ răng
- Kiêng đồ ăn thực phẩm quá cay hoặc quá nóng
- Kiêng hút thuốc lá hoặc sử dụng những đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia.
Chế độ nghỉ ngơi
Trong thời gian nhổ răng, bạn chú ý dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe. Tránh hoạt động thể chất mạnh, cúi người hay tác động lên vết thương.
Khi ngủ nên kê cao gối hơn bình thường một chút nhằm tránh tình trạng sặc nước bọt hay máu. Bạn nên nằm nghiêng sang bên không nhổ răng.
Vậy là bạn đã hiểu rõ đang bị đau răng có nên nhổ răng không. Điều này còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe răng miệng của mỗi người. Nếu buộc phải nhổ, mọi người cần tìm địa chỉ nha khoa thực sự uy tín, chất lượng với bác sĩ tay nghề cao, trang thiết bị hiện đại nhé.