Sâu răng là vấn đề răng miệng gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt, ăn uống và việc điều trị răng sâu có thể tốn kém nhiều chi phí. Vì vậy, nhiều người chọn cách chữa sâu răng bằng lá cây. Vậy người ta thường dùng lá gì chữa sâu răng và tác dụng thực sự của phương pháp này ra sao? Hãy cùng kiểm chứng trong nội dung sau:
Một số loại lá cây được cho là có khả năng chữa sâu răng
Chữa sâu răng bằng lá lốt
Lá lốt là một loại cây quen thuộc trong vườn nhà được sử dụng trong nhiều món ăn tạo nên nét độc đáo cho ẩm thực người Việt. Có nhiều nguồn thông tin truyền miệng hoặc được thảo luận trên các diễn đàn mạng rằng lá lốt có công dụng chữa sâu răng. Theo các thông tin đó, người ta dùng lá lốt chữa sâu răng bằng các cách sau:
Cách 1 – Đắp lá lốt lên chỗ sâu răng
Bước 1: Dùng 2 – 3 lá lốt tươi, chọn các lá lành không bị sâu và rửa thật sạch dưới vòi nước. Pha 1 bát nước muối loãng và cho lá lốt vào ngâm 5 phút sau đó rửa sạch lại và để ráo nước.
Bước 2: Giã nát lá lốt đã chuẩn bị và đắp lá lốt đã giã lên vùng răng bị sâu. Sau khi đắp lá lốt 15 phút thì nhổ bỏ và súc miệng sạch lại với nước.
Cách 2 – Súc miệng nước lá lốt
Bước 1: Rửa sạch 1 nắm lá lốt và cho vào nồi đun cùng 500ml nước sạch tới khi sôi, cho thêm 1/2 thìa muối. Chắt nước lá lốt bỏ đi phần bã và để nguội.
Bước 2: Dùng nước lá lốt đã đun để súc miệng nhiều lần trong ngày vào buổi sáng, trưa và tối. Khi súc miệng nên ngậm dung dịch trong ít nhất 2 phút sau đó mới nhổ bỏ.
Chữa sâu răng bằng lá ổi
Lá ổi được cho rằng có chứa các chất kháng khuẩn, chống viêm có tác dụng trong việc sát khuẩn răng miệng, loại bỏ vi khuẩn gây sâu răng. Các phương pháp dùng lá ổi để chữa sâu răng gồm có
Cách 1 – Đắp nước cốt lá ổi lên răng bị sâu
Bước 1: Hái khoảng 5 lá ổi non và rửa sạch với nước. Dùng cối giã nhuyễn lá ổi và thêm vào 1 chút muối. Chắt lấy phần nước cốt sau khi giã lá ổi.
Bước 2: Dùng tăm bông hoặc bông gòn thấm đẫm nước cốt lá ổi đã chuẩn bị sau đó đắp bông lên vị trí lỗ sâu răng và giữ nguyên trong 10 phút.
Cách làm này được khuyên nên thực hiện liên tục 3 – 4 lần/ngày.
Cách 2 – Nhai lá ổi
Sau mỗi bữa ăn, bạn nhai 2 – 3 lá ổi non trong miệng, nhai thật kỹ và tập trung vào khu vực răng bị sâu trong 2 phút. Trong quá trình nhai bạn có thể nuốt nước lá ổi mà không có vấn đề gì. Sau khi nhai kỹ lá ổi, bạn nhổ bỏ và súc miệng thật sạch lại với nước.
Cách 3 – Uống nước lá ổi
Bước 1: Chọn khoảng 100 gr lá ổi non hoặc có thể dùng lá ổi đã phơi khô, đem rửa kỹ với nước và để ráo.
Bước 2: Đun sôi 1 lít nước lọc và cho lá ổi đã chuẩn bị vào đun nhỏ lửa thêm 2 phút thì tắt bếp.
Bước 3: Dùng nước lá ổi uống thay nước giống như uống một loại trà thảo dược.
Chữa sâu răng bằng lá chè xanh
Theo những kinh nghiệm sưu tầm, uống nước lá chè xanh mỗi ngày có tác dụng chữa trị sâu răng. Cách dùng chè xanh để chữa sâu răng phổ biến đó là nấu nước chè xanh để uống hàng ngày.
Cách nấu nước chè xanh thực hiện như sau:
Bước 1: Chè xanh bạn hái hoặc mua về cần nhặt lại, bỏ cuống và rửa sạch với nước sau đó để ráo sau đó vò nhẹ và thả vào ấm pha trà.
Bước 2: Đun 2 lít nước lọc cho tới khi nước sôi già, đổ trước một phần nước vào ấm chứa lá chè xanh sao cho nước xăm xắp ngập lá chè mục đích là để tráng lá chè giúp nước chè xanh được thơm ngon hơn.
Sau khi tráng chè 1 lượt, bạn đổ phần nước sôi còn lại vào ấm chứa lá chè xanh, ủ khoảng 10 phút cho chè ngấm ra nước và có thể thưởng thức.
Uống 3 – 4 cốc nước chè xanh trong ngày để cải thiện các vấn đề răng miệng.
Chữa sâu răng bằng lá diếp dại (bồ công anh)
Rau diếp dại hay lá bồ công anh là một vị thuốc nam có tác dụng chữa trị nhiều bệnh tật. Theo dân gian, rau diếp dại có khả năng chống viêm và chứa nhiều canxi, củng cố men răng chắc khỏe, hỗ trợ tốt các trường hợp bị sâu răng gây hủy khoáng men răng.
Dùng bồ công anh để chữa sâu răng theo cách Dùng 7 cây diếp dại rửa sạch và ngầm cùng 60 ml rượu trắng trong 24 giờ. Sau đó súc miệng bằng rượu, ngày súc miệng 3-5 lần.
Ưu nhược điểm khi chữa sâu răng bằng lá cây
Ưu điểm
Chữa sâu răng bằng lá cây ít tốn kém chi phí, nguyên liệu dễ tìm và cách thực hiện đơn giản.
Nguyên liệu thiên nhiên nên an toàn, lành tính và ít nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.
Có thể áp dụng kết hợp với các phương pháp điều trị sâu răng khác.
Nhược điểm
Các mẹo dân gian chữa sâu răng bằng lá cây hầu hết chưa được khoa học kiểm chứng hiệu quả qua các nghiên cứu thực tiễn. Có thể những loại lá này có chứa các thành phần có lợi cho tình trạng sâu răng như các chất kháng khuẩn, chống viêm… Tuy nhiên hàm lượng và cách dùng ở dạng cơ bản thường không có nhiều hiệu quả đáng kể, nhất là trường hợp răng sâu nghiêm trọng.
Cách tốt nhất là bạn nên kết hợp chữa trị răng sâu bằng cách dùng lá cây với những phương pháp điều trị nha khoa chính thống. Và nếu muốn sử dụng những loại thảo dược kể trên để bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn hãy tìm chọn và sử dụng những sản phẩm chăm sóc răng miệng có chứa thành phần chiết xuất từ các loại lá trên như kem đánh răng, nước súc miệng… Khi đó, những chiết xuất từ thảo dược sẽ được bào chế với hàm lượng phù hợp và công nghệ đảm bảo cho sức khỏe.
Phương pháp điều trị sâu răng hiệu quả nhất là gì?
Sâu răng là một tình trạng tổn thương khi các mô cứng của răng bị mất đi dần do sự hủy khoáng mà vi khuẩn sâu răng gây ra. Nếu như chúng ta không có những hành động kịp thời để ngăn chặn sự phá hủy của vi khuẩn thì bệnh lý sâu răng sẽ ngày một nghiêm trọng và gây ra những biến chứng khôn lường.
Hiện nay, nha khoa có đa dạng các phương pháp điều trị sâu răng căn cứ vào mức độ tình trạng răng sâu để chữa trị. Sau đây là tổng hợp các biện pháp chữa trị sâu răng khoa học và hiệu quả đang được sử dụng.
1. Tái khoáng men răng
Phương pháp tái khoáng men răng là cách thức sử dụng các chế phẩm nha khoa để củng cố lớp men răng đã bị tổn thương do sâu răng, mài mòn. Chú ý rằng tái khoáng men răng để điều trị sâu răng chỉ áp dụng khi sâu răng ở giai đoạn mới chớm, trên răng xuất hiện các lỗ nhỏ li ti màu trắng đục và xuất hiện cảm giác ê buốt, nhạy cảm khi ăn nhai.
Các sản phẩm nha khoa thường được sử dụng để tái khoáng men răng gồm có:
Chế phẩm chứa Flouride như kem đánh răng, nước súc miệng, gel bôi răng, gel, lớp phủ fluoride nồng độ cao.
Kem đánh răng, nước súc miệng, gel chứa canxi, photsphate, xylitol
Gel hydroxyapatite để bôi lên bề mặt răng sau đó dùng máy thổi cát để trám gel vào các lỗ sâu li ti trên răng.
Đặc điểm của phương pháp này là điều trị không xâm lấn và bạn có thể tự thực hiện được tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng tái khoáng men răng không thể ngăn chặn tình trạng sâu răng tái phát nếu như không chăm sóc và giữ vệ sinh răng miệng đúng cách.
Hỏi đáp: Cho tôi hỏi sâu răng nhẹ đánh răng có hết không?
2. Trám răng
Trám răng là kỹ thuật gắn các chất liệu trám vào các vị trí sâu răng do vi khuẩn ăn mòn giúp bảo vệ răng khỏi sự tấn công tiếp tục của vi khuẩn, tạo hình và phục hồi chức năng cho răng bị sâu. Kỹ thuật này được áp dụng khi răng sâu nhẹ, có các lỗ sâu răng trên bề mặt răng nhưng chưa bị nhiễm trùng tủy.
Khi trám răng, bác sĩ sẽ tiến hành theo các bước sau:
Khám lâm sàng, kiểm tra tổng quát sức khỏe răng miệng, chụp X-quang nếu cần để kết luận tình trạng và mức độ sâu răng.
Làm sạch các mô răng bị sâu bằng các dụng cụ nha khoa chuyên dụng và tạo hình khoang để trám răng.
Vệ sinh khoang trám và đặt thuốc lót nếu cần thiết, sau đó trám đầy lỗ sâu răng bằng chất liệu hàn trám răng rồi định hình bằng ánh sáng xanh.
Chỉnh sửa bề mặt trám răng để bệnh nhân có thể ăn nhai thoải mái như bình thường.
Có thể bạn muốn biết:
3. Chữa tủy răng
Chữa tủy răng cần thiết khi tình trạng răng sâu trở nên nghiêm trọng, vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng gây viêm nhiễm, hoại tử tủy. Khi bị viêm tủy do sâu răng và không điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phải trải qua những cơn đau nhức dữ dội, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt.
Chữa tủy răng hay điều trị nội nha là kỹ thuật sử dụng dụng cụ nha khoa chuyên dụng để chọc ống tủy theo đường khoan trên thân răng hoặc lỗ sâu, sau đó tiến hành nạo bỏ phần tủy tổn thương. Sau khi làm sạch ống tủy, bác sĩ tiền hành trám bít lại và bảo tồn răng bằng cách bọc răng sứ.
Hỏi đáp: Nuốt phải thuốc diệt tủy răng có nguy hiểm không?
4. Nhổ răng
Nhổ răng sâu thường được thực hiện trong các trường hợp bất khả kháng như sâu răng gây chết tủy, chiếc răng sâu bị bào mòn gần hết hoặc bị vỡ mẻ, gãy rụng nhưng vẫn còn chân răng. Ngoài ra chiếc răng khôn bị sâu cũng thường được xem xét để nhổ bỏ, loại trừ các mối nguy mà răng khôn bị sâu có thể gây ra cho sức khỏe răng miệng.
Kỹ thuật nhổ răng hiện nay thường được áp dụng theo 2 hướng, hoặc là nhổ răng bằng tay sử dụng các dụng cụ truyền thống như kìm, bẩy, nạy, khoan… hoặc nhổ răng bằng máy siêu âm – nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn.
5. Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là phương pháp giúp bảo tồn chiếc răng bị sâu nghiêm trọng tới mức chết tủy. Sau khi trị tủy, chiếc răng này sẽ trở thành răng chết và dễ bị thoái hóa, giòn xốp, dễ vỡ hỏng. Vì vậy, bọc răng sứ giúp bảo vệ răng gốc tối đa, phục hình thẩm mỹ cho răng và khôi phục chức năng ăn nhai.
Tham khảo thêm: Bọc răng sứ không mài có đắt không? Giá bao nhiêu?
Trên đây là các phương pháp điều trị sâu răng hiệu quả nhất, bạn có thể áp dụng cách chữa sâu răng bằng lá cây kết hợp với điều trị nha khoa để đạt được hiệu quả trị liệu cao nhất.