Cao răng là vấn đề răng miệng gây ra nhiều phiền toái không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười mà còn là nơi chứa đựng vi khuẩn gây sâu răng, viêm nướu… Loại bỏ cao răng là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Lấy cao răng bằng vỏ chuối là cách làm được nhiều người truyền nhau thực hiện, thực hư về hiệu quả của cách làm này như thế nào? Hãy khám phá trong nội dung sau đây:
Mục lục
- Cao răng là gì? Sự hình thành cao răng
- Các cấp độ cao răng
- Mọi người thường mách nhau cách lấy cao răng bằng vỏ chuối như thế nào?
- Lấy cao răng bằng vỏ chuối có thực sự hiệu quả không?
- Loại bỏ cao răng hiệu quả tại nha khoa
- Lấy cao răng tại nha khoa có đau không?
- Hướng dẫn cách giữ vệ sinh răng miệng, ngăn ngừa cao răng
Cao răng là gì? Sự hình thành cao răng
Để tìm hiểu về cao răng, trước tiên chúng ta hãy quan tâm đến khái niệm mảng bám bởi đó là khởi đầu cho quá trình hình thành cao răng.
Mảng bám là một lớp màng trong suốt bám dính trên bề mặt răng được tạo thành từ nước bọt, vi khuẩn và chất thừa thức ăn. Nếu mảng bám không được làm sạch, sau khoảng 1 tuần sẽ bị vôi hóa bởi các khoáng chất trong nước bọt và thức ăn sau đó chuyển thành cao răng hay vôi răng.
Tìm hiểu chi tiết: Quá trình hình thành và đối tượng có nguy cơ cao bị mảng bám
Cao răng thường bám chặt và khó loại bỏ bằng các biện pháp làm sạch thông thường như xỉa răng hoặc chải răng.
Cao răng ban đầu có màu trắng đục hoặc vàng nhạt, tồn tại nhiều ở mặt trong và ngoài thân răng sau đó tích tụ nhiều ở quanh cổ răng và ăn sâu xuống nướu.
Khi bị cao răng lâu ngày, vi khuẩn từ cao răng có thể xâm nhập xuống nướu gây viêm nướu và chảy máu, máu ngấm vào cao răng khiến cao răng chuyển thành màu đỏ nâu, hay gọi là cao răng huyết thanh.
Các cấp độ cao răng
Trong nha khoa, các mức độ cao răng được chia thành 4 cấp độ, trong đó:
- Cao răng cấp độ 1 là trạng thái mới hình thành, cao răng còn mềm, trắng nhạt khó có thể thấy bằng mắt thường.
- Cao răng cấp độ 2 thường bám dính chặt hơn và có màu vàng nhạt.
- Cao răng cấp độ 3 là dạng cao răng đã khá dày và tồn tại lâu ngày, chúng có màu vàng đậm hoặc nâu nhạt, bám dính rất chắc chắn.
- Cao răng cấp độ 4 là dạng cao răng nghiêm trọng, chúng bám chắc vào chân răng và có thể ăn sâu vào xương hàm bên trong.
Nhận biết được các mức độ cao răng giúp chúng ta có các biện pháp xử lý cao răng phù hợp. Thông thường, lấy cao răng tại nha khoa là phương pháp tối ưu giúp loại bỏ cao răng triệt để nhất.
Tuy nhiên, các biện pháp lấy cao răng tại nhà cũng phát huy tác dụng đối với những trường hợp cao răng còn mới. Lấy cao răng bằng vỏ chuối là cách làm được nhiều người áp dụng, hiệu quả và cách thực hiện được nêu trong phần dưới đây.
Mọi người thường mách nhau cách lấy cao răng bằng vỏ chuối như thế nào?
Nếu bạn là một người luôn quan tâm tìm hiểu những cách chăm sóc răng miệng tự nhiên. Chắc hẳn bạn đã từng nghe đâu đó về cách dùng vỏ chuối lấy cao răng với những bước rất đơn giản dưới đây.
- Bước 1: Lột vỏ quả chuối chín, loại chuối nào cũng được. Sau đó, cắt nhỏ vỏ chuối thành các miếng hình chữ nhật.
- Bước 2: Chà các miếng vỏ chuối đã cắt lên khắp các bề mặt của răng.
- Bước 3: Đánh răng như bình thường để làm sạch răng một lần nữa.
Lấy cao răng bằng vỏ chuối có thực sự hiệu quả không?
Mặc dù cách làm trên nghe có vẻ sẽ giúp bạn lấy cao răng một cách dễ dàng mà chẳng hề tốn kém. Tuy nhiên thực tế hiệu quả lấy cao răng bằng vỏ chuối là chưa được kiểm chứng.
Cũng đã có một số nghiên cứu cho rằng cấu trúc của vỏ chuối có nhiều lỗ xốp, và thành phần gồm các polime có khả năng hấp phụ các mảng bám trên răng. Vì thế sau khi chà vỏ chuối lên răng sẽ khiến hàm răng sạch sẽ hơn.
Nhưng cần lưu ý rằng, cao răng khác với mảng bám, nó là sản phẩm vôi hóa của mảng bám nên độ bám dính trên răng rất chắc chắn. Khi đó, chà vỏ chuối dường như không loại bỏ được tình trạng cao răng mà chỉ giúp ngăn ngừa phần nào đó sự hình thành của cao răng.
Loại bỏ cao răng hiệu quả tại nha khoa
Như đã trình bày ở trên, chúng ta không nên quá tin tưởng vào mẹo lấy cao răng bằng vỏ chuối. Một khi cao răng xuất hiện chúng ta cần tìm đến nha sĩ để được lấy cao răng đúng cách.
Quá trình lấy cao răng tại nha khoa thường diễn ra theo các bước sau:
Bước 1: Kiểm tra tổng quát tình trạng răng miệng
Bước thăm khám này giúp nha sĩ nắm được tình trạng răng miệng hiện tại xem mức độ cao răng như thế nào, có đang gặp các bệnh lý về răng hoặc nướu hay không. Từ đó mới tư vấn cho khách hàng cách xử lý cao răng hoặc điều trị nha khoa phù hợp.
Bước 2: Vệ sinh khoang miệng
Nha sĩ sẽ thực hiện sát khuẩn răng miệng để loại bỏ vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình lấy cao răng.
Bước 3: Xử lý cao răng
Ở bước này, tùy vào phương pháp lấy cao răng tại cơ sở nha khoa mà nha sĩ sẽ thực hiện các thao tác khác nhau. Ví dụ với lấy cao răng bằng máy siêu âm, nha sĩ sẽ đưa đầu mũi siêu âm tới các vị trí cao răng và hệ thống bơm nước áp suất sẽ đẩy cao răng khỏi bề mặt răng.
Bước 4: Đánh bóng răng
Sau khi loại bỏ cao răng bám quanh răng, lúc này có thể bề mặt răng sẽ trở nên sần sùi, bước đánh bóng răng nha sĩ sẽ dùng vật liệu đánh bóng chuyên dụng để làm bóng bề mặt răng.
Hỏi đáp: Lấy cao răng có giúp răng trắng hơn không?
Lấy cao răng tại nha khoa có đau không?
Lợi ích của việc lấy cao răng tại nha khoa đã quá rõ ràng, tuy nhiên vẫn có nhiều người e ngại việc đi gặp nha sĩ bởi sợ bị đau. Thực tế, bạn đừng quá lo lắng bởi kỹ thuật lấy cao răng sẽ không làm tổn hại đến răng và nướu. Có thể trong quá trình lấy cao răng bạn sẽ cảm thấy có chút ê buốt nhưng cảm giác đó sẽ hết nhanh sau vài giờ.
Một số trường hợp lấy cao răng có thể bị đau đó là khi bạn đang gặp các vấn đề răng miệng như viêm nướu, chảy máu nướu, sâu răng, viêm tủy…
Đối với người có cao răng quá dày và bám chặt quanh chân răng và dưới nướu thì việc cạo vôi răng cũng có thể gây cảm giác đau hoặc chảy máu nướu.
Mặt khác, nếu nha sĩ lấy cao răng cho bạn không có giàu kinh nghiệm hoặc sơ xuất trong khi thao tác cũng có thế tác động vào bề mặt răng hoặc nướu gây đau.
Vì thế, kinh nghiệm để lấy cao răng ít bị đau đó là nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín, có nha sĩ tay nghề cao và công nghệ kỹ thuật hiện đại.
Hướng dẫn cách giữ vệ sinh răng miệng, ngăn ngừa cao răng
Thói quen vệ sinh răng miệng là yếu tố hàng đầu bạn cần quan tâm nếu muốn sở hữu một hàm răng khỏe mạnh, nụ cười tự tin. Vệ sinh răng miệng hàng ngày bao gồm các việc làm sau:
- Đánh răng mỗi ngày tối thiểu 2 lần sau khi ăn và thời gian chải răng ít nhất 2 phút mỗi lần.
- Dùng bàn chải sạch, có lông mềm hoặc bàn chải điện để chải răng, thay đầu lông bàn chải sau mỗi 3 tháng.
- Xỉa răng sau khi ăn bằng chỉ nha khoa hoặc tăm nước kết hợp súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng kháng khuẩn.
Có thể thấy chỉ với những hành động đơn giản như vậy bạn đã có thể bảo vệ tối đa cho sức khỏe răng miệng. Điều quan trọng là bạn cần phải thực hiện chúng đều đặn liên tục.
Tóm lại, lấy cao răng bằng vỏ chuối là một mẹo dân gian có thể làm sạch răng nhưng không loại bỏ được cao răng. Vậy nên bạn đừng quên lịch hẹn gặp bác sĩ nha khoa để xử lý cao răng định kỳ. Chúc bạn thành công trong công cuộc chăm sóc răng để sở hữu một nụ cười tỏa sáng.