Điều trị lấy tủy là kỹ thuật tác động vào cấu trúc sâu nhất của một chiếc răng. Chính vì vậy, không ít bệnh nhân tỏ ra dè dặt và băn khoăn khi nhận được chỉ định này từ phía nha sĩ. Vậy, lấy tuỷ răng mất bao lâu và khi nào cần điều trị lấy tuỷ? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những vấn đề xoay quanh phương pháp này.
Mục lục
Khi nào cần lấy tủy răng?
Tủy răng là một tổ chức bào gồm mô, dây thần kinh và mạch máu được bao bọc bởi thân răng và chân răng. Thông thường, một răng sẽ có từ 1 – 4 ống tủy đóng vai trò nuôi dưỡng phần ngà răng và dẫn truyền cảm giác cho răng. Tổ chức tủy răng bị viêm, nhiễm trùng gây suy giảm chức năng của hệ thần kinh quanh răng, khiến người bệnh đau đớn, giảm khả năng ăn nhai và gây ra các bệnh lý nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh cần loại bỏ tủy răng để giảm triệu chứng và ngăn nhiễm trùng lây lan sang những vị trí khác.
Những trường hợp thường được chỉ định điều trị tủy răng bao gồm:
- Người có răng bị sứt mẻ, nứt vỡ do va đập, chấn thương.
- Người bệnh từng trám răng nhiều lần, miếng trám chạm vào tuỷ răng.
- Người bị sâu răng nghiêm trọng, ổ sâu vượt qua lớp ngà răng và gây viêm tuỷ.
Việc điều trị lấy tủy kịp thời giúp bảo tồn được răng thật, qua đó duy trì tốt chức năng ăn nhai và giảm nguy cơ biến chứng tiêu xương hàm. Việc giữ lại được răng thật cũng giúp người bệnh tiết kiệm chi phí khi không phải cắm implant hoặc làm răng sứ thay thế.
Hỏi đáp: Chữa viêm tủy răng có đau không?
Lấy tủy răng mất bao lâu?
Kỹ thuật lấy tủy răng được hiểu đơn giản là phương pháp loại bỏ mô tủy đã chết hoặc hoại tử và làm sạch phần ống tủy, tái tạo dạng và trám kín ống tủy. Quá trình này có thể diễn ra trong khoảng 15 – 90 phút phụ thuộc vào số lượng ống tủy trong răng. Tuy nhiên, trước khi thực hiện lấy tủy răng, người bệnh có thể cần thực hiện điều trị tủy đang bị viêm. Thời gian này có thể kéo dài khoảng 3 – 5 ngày tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng người bệnh.
Như vậy, thời gian thực hiện lấy tủy răng là không cố định. Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này bao gồm:
- Số lượng ống tủy: Răng cửa và răng nanh (răng số 1, 2 và 3) có một ống tủy, răng tiền hàm (răng 4 và 5) có 2 ống tủy, răng hàm (răng 6, 7 và 8) có 4 ống tủy. Số lượng ống tủy nhiều thì thời gian lấy tủy dài hơn và có thể phải chia thành nhiều lần lấy.
- Tình trạng răng: Nếu mắc thêm các bệnh lý khác như: nhiễm trùng chóp răng, viêm nướu, viêm chân răng,… người bệnh cần thực hiện điều trị nhằm bảo tồn răng thật sau khi lấy tủy. Điều này có thể kéo dài quá trình lấy tủy răng.
- Khả năng đáp ứng thuốc: Một số trường hợp cần đặt thuốc diệt tủy trước khi lấy tủy răng. Thời gian chết tủy hoàn toàn có sự khác biệt ở mỗi người. Do đó, quá trình điều trị lấy tủy răng của mỗi bệnh nhân là không giống nhau.
- Trình độ bác sĩ: Bác sĩ giỏi sẽ tính toán chuẩn lượng thuốc cần dùng, thao tác chính xác trong quá trình lấy tủy nên thời gian lấy tủy nhanh gọn hơn. Ngoài ra, những bác sĩ giỏi cũng kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn cho người bệnh tốt hơn.
- Phục hình sau lấy tủy: Người bệnh có thể cần trám bít ống tủy vĩnh viễn hoặc bọc răng sứ để hoàn thành quá trình điều trị lấy tủy. Lựa chọn này cũng ảnh hưởng đến thời gian điều trị tủy của bệnh nhân.
Sau khi thăm khám tình trạng răng miệng của người bệnh, bác sĩ điều trị có thể tính toán được điều trị lấy tủy mất bao lâu. Do đó, bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để biết rõ quy trình điều trị tủy răng của mình diễn ra như thế nào, những vấn đề cần lưu ý cũng như thời gian cụ thể.
Lấy tủy răng có chích thuốc tê không?
Lấy tủy răng có chích thuốc tê không còn phụ thuộc vào tình trạng của từng người bệnh. Cụ thể, với những trường hợp tủy răng mới bị viêm nhiễm một phần, các dây thần kinh vẫn còn hoạt động thì người bệnh cần chích thuốc tê khi lấy tủy. Việc này làm giảm cảm giác đau, đảm bảo an toàn và giúp người bệnh bớt sợ hãi.
Ngược lại, trường hợp tủy răng đã chết hoàn toàn người bệnh sẽ không cần phải tiêm tê. Nguyên nhân là do các dây thần kinh cảm thụ không còn hoạt động nên người bệnh sẽ không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện. Việc tiêm tê trong trường hợp này là không cần thiết và có thể khiến người bệnh gặp phải tác dụng phụ không đáng có.
Bên cạnh đó, chích tê cũng không được thực hiện nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc tê. Với những bệnh nhân này, bác sĩ có thể chỉ định đặt thuốc diệt tủy trong khoảng 3 – 5 ngày, đợi tủy chết hoàn toàn và thực hiện lấy tủy mà không cần tiêm tê. Trong thời gian đặt thuốc, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, ê buốt ở răng. Nếu bị đau nhức nhiều, bạn cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ.
Tìm hiểu thêm: Quy trình lấy tủy răng đúng chuẩn nhất hiện nay
Tại sao một số trường hợp phải lấy tủy răng nhiều lần?
Số lần lấy tủy răng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng răng, tay nghề của bác sĩ và thiết bị kỹ thuật của nha khoa. Theo đó, những người phải lấy tủy răng nhiều lần thường rơi vào các trường hợp sau:
- Ống tủy phức tạp: Một số răng có ống tủy bị cong hoặc dị dạng có thể gây khó khăn cho quá trình lấy tủy. Lúc này, bác sĩ có thể chia nhỏ số lần lấy tủy để tìm được phương án phù hợp nhất và giảm khó chịu cho bệnh nhân.
- Khả năng đáp ứng thuốc: Đối với bệnh nhân được đặt thuốc diệt tủy, nếu sau thời gian hẹn mà tủy răng chưa chết hoàn toàn, người bệnh sẽ cần đặt thêm thuốc và tiếp tục lấy tủy sau đó.
- Tay nghề của bác sĩ: Những bác sĩ có ít kinh nghiệm sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý quá trình điều trị tủy, đặc biệt là với những răng có ống tủy phức tạp. Điều này cũng khiến người bệnh cần trải qua nhiều lần lấy tủy hơn.
- Thiết bị y tế: Những nha khoa sở hữu thiết bị y tế hiện đại, công nghệ tiên tiến sẽ giúp quá trình lấy tủy hiệu quả và nhanh chóng. Ngược lại, nếu nha khoa sử dụng phương pháp lấy tủy truyền thống, thời gian và số lần lấy tủy sẽ nhiều hơn.
Lấy tủy răng nhiều lần đồng nghĩa với việc người bệnh mất nhiều thời gian, tốn chi phí và tăng thêm trải nghiệm khó chịu trong quá trình điều trị. Vậy nên, để tránh gặp phải tình trạng này, bạn nên lựa chọn những cơ sở nha khoa uy tín, có bác sĩ tay nghề cao và trang thiết bị uy tín, hiện đại.
Hỏi đáp: Tuổi thọ răng lấy tủy?
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp của người bệnh liên quan đến phương pháp điều trị lấy tủy răng:
Phụ nữ mang thai có lấy tủy răng được không?
Phụ nữ mang thai có thể điều trị lấy tủy răng. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cần thăm khám kỹ lưỡng, đánh giá tình trạng của mẹ, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi đưa ra chỉ định. Bởi lẽ, việc điều trị lấy tủy răng trong thời gian mang thai có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như:
- Tia xạ chụp X – quang có thể làm tăng nguy cơ thai chậm phát triển, sinh non hoặc dị tật thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
- Các thuốc trong sử dụng khi điều trị lấy tủy mặc dù đã được lựa chọn để không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng vẫn có nguy cơ gây tác dụng phụ cho mẹ. Nếu điều này xảy ra, thai nhi bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.
Để giảm những ảnh hưởng này, phụ nữ mang thai thường được chỉ định lấy tủy răng vào tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 của thai kỳ. Đây là giai đoạn thai đã hoàn thiện các cấu trúc cơ thể và phát triển tương đối ổn định. Điều này làm giảm nguy cơ dị tật, giảm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và giảm nguy cơ sinh non. Mẹ bầu cần thăm khám kỹ lưỡng, chọn lựa cơ sở nha khoa uy tín để được điều trị và theo dõi chặt chẽ.
Phụ nữ cho con bú có lấy tủy răng được không?
Phụ nữ cho con bú có thể lấy tủy răng như những người bệnh khác. Tuy nhiên, trong và sau khi lấy tủy có thể cần phải sử dụng một số loại thuốc như: thuốc diệt tủy, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc tê,… Một số hoạt chất có thể qua hàng rào sữa mẹ và đi vào cơ thể em bé. Do đó, mẹ cần thông báo cho nha sĩ tình trạng của mình để được điều chỉnh loại thuốc phù hợp.
Trong một số trường hợp, nếu người mẹ mắc kèm các bệnh lý răng miệng nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ tạm ngưng cho con bú để uống thuốc điều trị. Sau khi dừng thuốc, mẹ có thể tiếp tục duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Lấy tủy răng có hại gì không?
Điều trị lấy tủy răng là biện pháp được chỉ định cho những người có tủy răng bị viêm, nhiễm trùng không thể hồi phục. Bằng cách loại bỏ ổ tổn thương, người bệnh không còn đau nhức và tránh được nguy cơ lây lan sang những mô khoẻ mạnh xung quanh. Sau điều trị, người bệnh có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Như vậy, lấy tủy răng là biện pháp cần thiết và có lợi cho người bệnh.
Tuy nhiên, lấy tủy răng là kỹ thuật khó thực hiện. Vì vậy, nếu người điều trị không đủ chuyên môn và kinh nghiệm có thể thao tác sai và dẫn đến những vấn đề như:
- Khiến răng thật bị hư hại và phải loại bỏ.
- Sót tủy khiến người bệnh bị đau nhức, ê buốt và giảm chức năng ăn nhai.
- Gây tổn thương các mô xung quanh dẫn đến sưng viêm, nhiễm trùng.
Lấy tủy răng được thực hiện như thế nào?
Quy trình lấy tủy răng thường gồm 7 bước như sau:
- Bước 1: Bác sĩ thăm khám và đánh giá tình trạng răng, qua đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
- Bước 2: Gây tê cục bộ giúp giảm đau buốt trong quá trình lấy tủy.
- Bước 3: Đặt đế cao su để cách ly khu vực răng lấy tủy, ngăn sự xâm nhập của nước bọt.
- Bước 4: Bác sĩ mở ống tủy bằng mũi khoan chuyên dụng và loại bỏ phần tủy viêm bằng dụng cụ nha khoa chuyên dụng.
- Bước 5: Tạo hình lại cho ống tủy.
- Bước 6: Bác sĩ trám bít lỗ lấy tủy hoặc thực hiện bọc sứ để ngăn chặn sự xâm nhập của thức ăn và vi khuẩn gây bệnh.
- Bước 7: Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra răng và xử lý những vấn đề phát sinh.
Trên đây là bài viết giải đáp cho câu hỏi: Lấy tủy răng mất bao lâu và những vấn đề liên quan. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn và có được lựa chọn phù hợp với tình trạng của mình. Nếu cần thêm thông tin tư vấn, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua hotline: 093 186 3366 hoặc 096 361 4566 để được giải đáp.