Nghiến răng khi ngủ là một vấn đề phổ biến nhiều người gặp phải. Tuy chứng nghiến răng không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngắn hạn nhưng về lâu dài chắc hẳn tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả nhất định cho sức khỏe. Dùng mẹo chữa nghiến răng khi ngủ là giải pháp hữu ích và dễ thực hiện giúp chấm dứt tình trạng này. Các mẹo chữa nghiến răng khi ngủ hiệu quả sẽ được chúng tôi chia sẻ ngay sau đây.
Mục lục
Tìm hiểu về chứng nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng khi ngủ là biểu hiện của tình trạng rối loạn vận động cơ nhai do nhiều nguyên nhân gây ra như kích thích thần kinh, rối loạn tâm lý, hành vi, vấn đề răng hàm hoặc tác dụng phụ của thuốc…
Chứng nghiến răng khi ngủ có thể bắt gặp ở cả trẻ em và người lớn, tỷ lệ trẻ em dưới 10 tuổi bị nghiến răng thường cao hơn. Biểu hiện của tình trạng nghiến răng khi ngủ là hai hàm răng siết chặt quá mức trong vô thức và phát ra âm thanh kèn kẹt. Những cơn nghiến răng thường không kéo dài lâu, mỗi đợt nghiến răng 3 -5 lần sau đó dừng lại và tiếp tục các đợt như thế trong giấc ngủ.
Nếu như không có ai bên cạnh phát hiện bạn bị nghiến răng trong lúc ngủ, bạn cũng có thể nghi ngờ gặp phải hội chứng này nếu như buổi sáng thức dậy cảm thấy đau đầu, đau mỏi hàm, đau răng.
Ngoài ra các dấu hiệu khác như men răng bị bào mòn khiến răng trở nên ê buốt, nhạy cảm, răng có vết nứt, sứt mẻ hoặc lung lay cũng có thể bạn đã bị nghiến răng khi ngủ trong thời gian dài.
Mẹo chữa nghiến răng khi ngủ
Uống sữa nghệ ấm
Căng thẳng, mất ngủ, trầm cảm là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ. Có thể nhiều người trong chúng ta cũng thường có thói quen uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ để có một giấc ngủ ngon. Sữa chứa dồi dào thành phần tryptophan – đây là axit amin tiền chất của serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định tâm trạng và đưa con người vào trạng thái ngủ sâu.
Uống sữa ấm giúp cơ thể thư giãn, dễ chịu, thả lỏng về thể chất và tinh thần. Đặc biệt, trong sữa còn giàu các thành phần magie, canxi những chất quan trọng để củng cố hệ thần kinh, giảm rối loạn thần kinh.
Để tăng cường hiệu quả chữa nghiến răng khi ngủ, các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên uống sữa ấm có pha thêm tinh bột nghệ bởi curcumin trong nghệ có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa các tổn thương và thoái hóa hệ thần kinh.
Chườm ấm
Hiện tượng các cơ bị cơ hàm bị co thắt hay tăng trương lực cơ nhai khiến cho hai hàm răng nghiến chặt, đau cứng, nhức mỏi hàm, thái dương. Mẹo nhỏ trong trường hợp này giúp giãn cơ, tăng lưu thông máu, giảm nghiến răng đó là chườm ấm.
Bạn hãy dùng một chiếc khăn ngâm vào nước ấm, vắt khô sau đó áp khăn lên vùng cơ hàm trong 3 – 5 phút. Thường xuyên thực hiện động tác này trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy sẽ cải thiện tích cực triệu chứng nghiến răng khi ngủ.
Tìm hiểu thêm: Chữa nghiến răng bằng đậu đen có được không?
Massage hàm
Tương tự như chườm ấm, massage hàm sẽ giúp thư giãn các cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm nhức mỏi hàm hiệu quả. Các động tác massage hàm rất đa dạng, bạn có thể tham khảo cách làm sau
Massage cơ hàm Dùng hai ngón tay trỏ và ngón giữa massage nhẹ nhàng theo động tác xoay tròn, đi từ cằm tới thái dương và theo chiều ngược lại. Massage đều hai bên hàm trong ít nhất 2 phút.
Massage khớp thái dương hàm Dùng ngón tay cái đặt tại vị trí khớp thái dương hàm – chỗ hõm ngay trước tai và massage theo chiều kim đồng hồ với lực nhẹ nhàng, lặp lại 10 – 20 lần.
Khi massage cơ hàm có thể mở rộng xoa bóp các vùng cơ mặt, trán, cổ, vai để tăng cường lưu thông máu để hiệu quả điều trị đạt được tốt hơn.
Giảm mức độ căng thẳng
Tâm lý căng thẳng quá mức sẽ sản sinh hormone cortisol khiến các nhóm cơ bắp bị co thắt trong đó có các cơ nhai bị ảnh hưởng. Để giảm căng thẳng có nhiều cách trong đó cần chú ý tới lối sống, tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống đủ chất và ngủ ngon giấc.
Đặc biệt, trong các tình huống quá tải cảm xúc, căng thẳng quá mức chúng ta cần có kỹ năng quản lý căng thẳng như học cách hít thở sâu, thiền định, suy nghĩ tích cực… Một số biện pháp giúp giảm tải căng thẳng như dùng tinh dầu, ngâm mình trong nước nóng, chơi với thú cưng, nghe nhạc… cũng nên được áp dụng.
Cải thiện giấc ngủ
Giấc ngủ ngon rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng nghiến răng. Bí quyết để có giấc ngủ ngon đó là phân bổ thời gian thức và ngủ ban ngày hợp lý, tạo môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh, chăn nệm êm ái. Chú ý trước khi đi ngủ cần thư giãn hoàn toàn, có thể thực hiện một số hoạt động như thiền, yoga, tắm, đọc sách… Hạn chế dùng các chất kích thích như trà đặc, cà phê, rượu bia trước khi đi ngủ.
Đeo máng chống nghiến răng khi ngủ
Máng chống nghiến răng là một dụng cụ bằng nhựa bán sẵn hoặc được thiết kế theo dấu răng giúp vừa vặn và thoải mái khi đeo. Đeo máng chống nghiến răng vào ban đêm giúp giảm sự cọ xát giữa hai hàm răng, bảo vệ răng, giảm đau đầu, đau cơ hàm và cho một giấc ngủ ngon. Sau một thời gian sử dụng dụng cụ này, thói quen co cơ hàm nghiến răng sẽ dần được xóa bỏ.
Một số câu hỏi thường gặp với tình trạng nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em có tự hết hay không?
Tình trạng nghiến răng khi ngủ bruxism thường rất phổ biến ở trẻ em, ảnh hưởng tới 10 – 20 % trẻ độ tuổi từ 3 – 12 tuổi. Đa số trẻ em bị nghiến răng khi ngủ sẽ tự khỏi khi bước vào độ tuổi dậy thì. Tất nhiên vẫn có những trường hợp trẻ bị nghiến răng kéo dài, cần điều trị nha khoa hoặc các vấn đề nguyên nhân mới chấm dứt được tật nghiến răng.
Có nên dùng ti giả để chữa nghiến răng cho trẻ khi ngủ?
Nhiều phụ huynh mách nhau các dùng ti giả để trị tật trẻ nghiến răng khi ngủ. Tuy rằng, ti giả thực sự có tác dụng trong việc phân tán sự tập trung từ nghiến răng sang mút núm ti nhưng đây cũng không phải cách lâu dài. Bởi vì khi đó trẻ lại hình thành thói quen mới là mút ti giả và đến một lúc cần phải cai ti.
Tìm hiểu thêm về: Nghiến răng ở trẻ em
Ăn gì để hết nghiến răng khi ngủ?
Một số vấn đề rối loạn thần kinh hoặc bệnh lý gây nghiến răng khi ngủ có liên quan đến thiếu hụt chất dinh dưỡng của cơ thể. Các chất dinh dưỡng như canxi, magie, vitamin D, omega – 3… được cho là có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của hệ thần kinh. Vậy chúng ta có thể tăng cường bổ sung dưỡng chất cần thiết qua chế độ ăn uống hằng ngày.
Hơn nữa, việc bổ sung dinh dưỡng cần thiết cũng củng cố độ chắc khỏe của răng, hạn chế những tác hại của tật nghiến răng gây ra như men răng bị phá hủy, mòn răng, nứt gãy tăng.
Những thực phẩm giàu canxi, magie, vitamin D, omega-3 thường là trứng gà, sữa tươi, sữa chua, phô mai, rau xanh lá đậm, cá hồi và hải sản, đậu và các loại hạt….
Nghiến răng khi ngủ khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu như bạn bị nghiến răng khi ngủ và đã áp dụng các mẹo chữa nghiến răng nhưng không thuyên giảm, chứng nghiến răng vẫn kéo dài và ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt. Hãy đi gặp bác sĩ sớm để tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị kịp thời. Các trường hợp bị nghiến răng khi ngủ và có các biểu hiện sau đây cần đi kiểm tra sớm
- Tổn thương men răng bao gồm mòn men răng, nứt, vỡ, sứt mẻ, lung lay răng.
- Đau hàm, đau răng, đau vùng thái dương, đầu, cổ thường xuyên.
- Khó mở miệng, cảm giác cứng hàm.
- Khớp cắn ngày càng sai lệch, ảnh hưởng tới ăn uống và thẩm mỹ.
- Suy giảm chất lượng giấc ngủ, tiếng nghiến răng ảnh hưởng tới người ngủ cùng.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, kém tập trung do ngủ không sâu giấc…
Điều trị nghiến răng khi ngủ ở đâu?
Như bạn đã biết, nghiến răng là triệu chứng của một hoặc kết hợp nhiều yếu tố bao gồm rối loạn thần kinh, tâm thần, các bệnh lý liên quan đến thần kinh, các chất kích thích, tác dụng phụ của thuốc… hoặc xuất phát từ vấn đề răng, hàm, mặt.
Do đó, nhiều người bối rối không biết thực sự nên tới bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa nào để điều trị. Thực tế, chúng ta nên hiểu rằng, trước tiên nghiến răng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của những chiếc răng trên hàm.
Vì thế, khi muốn đi khám để điều trị nghiến răng khi ngủ, bạn hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám nha khoa để kiểm tra trước tiên. Từ đây, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các kiểm tra sức khỏe liên quan đến các chuyên khoa khác như khoa thần kinh, tâm lý… Sau đó lấy ý kiến của bác sĩ chuyên môn trong lĩnh vực này mới có thể xác định nguyên nhân và hướng điều trị nghiến răng khi ngủ.
Bởi vậy, bạn nên tới bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa trong đó có khoa răng hàm mặt và các khoa khác để tiện lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.
Qua bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ đến bạn những mẹo hay để chữa nghiến răng khi ngủ cũng như giải đáp những câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Hy vọng những thông tin được cung cấp sẽ hữu ích với những ai đang quan tâm tới chủ đề nghiến răng khi ngủ.