Gần đây, phương pháp mewing nổi lên như một trào lưu làm đẹp cho khuôn mặt mà không cần can thiệp phẫu thuật. Rất nhiều người theo đuổi giải pháp này nhưng không phải ai cũng thật sự hiểu đúng về nó. Vậy, mewing là gì và mewing đúng cách là như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Mewing là gì?
Mewing (hay proper tongue posture) là kỹ thuật giúp thay đổi đường viền hàm và hình dáng khuôn mặt thông qua điều chỉnh vị trí lưỡi trên vòm miệng. Phương pháp này cũng được cho là có khả năng cải thiện hội chứng ngưng thở khi ngủ, viêm xoang, đau hàm và các rối loạn về giọng nói.
Cơ chế hoạt động của phương pháp mewing được xây dựng dựa trên sự tác động vào cấu trúc của nhóm xương – sụn tách rời ở vùng hàm. Thông qua việc điều chỉnh vị trí của lưỡi, một lực được tạo ra giúp đẩy xương hàm lên cao và ra phía trước. Nhờ đó, khuôn mặt của người tập trở nên thon gọn và sống mũi cũng cao hơn.
Mewing được đặt theo tên của bác sĩ chỉnh nha người Anh – John Mew. Thuật ngữ này bắt nguồn từ một phong trào trực tuyến của những muốn thay đổi diện mạo đường viền hàm của mình mà không trải qua các phương pháp phẫu thuật chỉnh hình.
Lợi ích của mewing
Lợi ích chính của mewing được cho là cải thiện hình dạng khuôn mặt. Theo đó, phương pháp này tác động lên cấu trúc xương sụn, tăng cường trương lực cơ mặt, qua đó giúp mở rộng và làm sắc nét đường viền hàm đồng thời tạo ra tỷ lệ lý tưởng giữa mũi và cằm.
Ngoài ra, mewing cũng đem đến những lợi ích khác cho sức khoẻ như:
- Chỉnh nha: Mewing được cho là giúp mở rộng xương hàm, nhờ đó cung cấp cho răng nhiều không gian hơn để tự căn chỉnh tự nhiên.
- Ngưng thở bằng miệng: Tập mewing cần phải khép môi và thở bằng mũi. Sau thời gian tập luyện, tư thế này trở nên tự nhiên, giúp người tập bỏ được thói quen thở bằng miệng khi ngủ.
- Khắc phục chứng ngưng thở khi ngủ: Mewing giúp mở rộng đường hô hấp trên và ngăn thở bằng miệng. Do vậy, người tập sẽ khắc phục được tình trạng ngáy ngủ và các cơn ngưng thở khi ngủ.
- Giải quyết rối loạn ngôn ngữ: Mewing cải thiện tư thế lưỡi và tăng trương lực cơ mặt. Điều này giúp tăng cường khả năng phối hợp của lưỡi và các cơ liên quan đến phát âm, giúp người tập phát âm rõ ràng và tròn trịa hơn.
- Cải thiện đau hàm: Nhờ cải thiện cấu trúc và định hình lại hàm, mewing giúp giảm tình trạng tỳ đè, chèn ép lên hàm, nhờ đó giảm tình trạng đau hàm.
- Hỗ trợ điều trị viêm xoang: Thông qua việc mở rộng đường thở, mewing thúc đẩy dẫn lưu xoang, từ đó cải thiện tình trạng tắc mũi do viêm xoang.
Có rất ít bằng chứng khách quan cho thấy việc mewing sẽ thay đổi khuôn mặt của bạn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự tác động qua lại giữa: tư thế miệng – vị trí của răng và lưỡi – sự phát triển của hàm. Vì vậy, mewing có thể là giải pháp thẩm mỹ nếu được thực hiện đúng cách.
Mewing sai cách thật sự nghiêm trọng
Đa phần người tập mewing chỉ tập trung vào lợi ích mà không chú ý rằng phương pháp này có thể đem lại rủi ro cho khuôn mặt và sức khoẻ nếu thực hiện sai cách. Cụ thể:
- Răng mọc lệch: Nếu lưỡi đặt sai vị trí, lực ép được đặt vào răng trong thời gian dài có thể khiến các răng di chuyển lệch khỏi hàm, dẫn đến tình trạng khấp khểnh hoặc hô.
- Sai khớp cắn: Lưỡi đặt không cân bằng có thể ảnh hưởng đến vị trí và sự phát triển của xương hàm, gây lệch hàm. Đây là nguyên nhân dẫn đến sai khớp cắn, lệch mặt.
- Đau khớp thái dương hàm: Lực ép sai hướng từ lưỡi có thể gây đau khớp hàm và cấu trúc dây chằng xung quanh, khiến người tập cứng hàm, khó mở miệng hoặc phát ra tiếng lục khục khi cử động hàm.
- Yếu răng: Lực đẩy từ lưỡi có thể làm suy yếu và tổn thương mô nha chu. Điều này làm răng bị suy yếu, dễ lung lay, thậm chí là rụng răng.
Để giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi mewing, người tập nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn kỹ thuật đúng. Các động tác cần được bắt đầu từ từ và nhẹ nhàng. Trong thời gian tập, bạn theo dõi chặt chẽ các thay đổi trên khuôn mặt mình và dừng ngay khi có bất kỳ triệu chứng đau nhức hoặc khó chịu nào.
Hướng dẫn mewing đúng cách
Hiệp hội chỉnh hình khuôn mặt Bắc Mỹ khuyến cáo rằng mewing có hiệu quả nhất ở trẻ nhỏ trong giai đoạn từ 5 – 10 tuổi. Càng lớn tuổi, hiệu quả mewing sẽ càng hạn chế. Mewing đúng cách được thực hiện như sau:
- Bước 1: Khép môi lại, thả lỏng toàn bộ cơ thể.
- Bước 2: Đặt nhẹ hàm răng dưới lùi về phía sau sao cho răng cửa dưới và răng cửa trên cách nhau một khoảng nhỏ, chú ý môi vẫn khép.
- Bước 3: Từ từ đặt đầu lưỡi vào phía trên nướu của hàm trên, sao cho đầu lưỡi cách chân răng cửa khoảng 1cm.
- Bước 4: Đẩy toàn bộ lưỡi áp lên phía trên vòm miệng và cảm nhận phần cơ hàm được kích hoạt. Lúc này, vị trí của lưỡi tương tự vị trí khi bạn phát ra âm “n”.
- Bước 5: Giữ nguyên tư thế trong khoảng 20 giây. Lặp lại bài tập nhiều lần trong ngày.
Tập mewing bao lâu có kết quả?
Mức độ hiệu quả của mewing phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: kỹ thuật, tần suất, cấp độ và cơ địa của mỗi người. Ví dụ, những người tập mewing đúng cách, tập luyện thường xuyên và có thể tập ở cấp độ hard mewing thường sẽ đem lại hiệu quả nhanh và rõ rệt hơn.
Mewing sẽ không cho kết quả ngay lập tức dù ở trường hợp nào. Thông thường, mọi người có thể nhận thấy những chuyển biến trên đường nét khuôn mặt sau khoảng 3 – 6 tháng. Những người chậm hơn, thời gian này có thể lên đến 2 năm. Tuy nhiên, một vài trường hợp đặc biệt cho biết, họ nhận thấy thay đổi khuôn mặt sau 14 ngày mewing.
Bên cạnh đó, tính từ khi bạn nhận thấy sự thay đổi của khuôn mặt đến khi đạt được hiệu quả về mặt thẩm mỹ là một chặng đường đáng kể. Do đó, mewing cần có sự kiên trì và chăm chỉ thực hành đúng kỹ thuật mỗi ngày.
Một sai lầm thường gặp khi tập mewing
Điều khó nhất khi tập mewing chính cách đặt và duy trì vị trí lưỡi. Đây cũng là lý do khiến người tập dễ dàng gặp phải một số sai lầm sau:
Sai tư thế lưỡi: Tư thế đúng là toàn bộ mặt lưỡi được áp sáp lên vòm miệng để tạo lực ép nâng hàm lên, qua đó tác động vào cấu trúc xương và sụn. Tuy nhiên, nhiều người chỉ đang tập bằng cách đặt đầu lưỡi chạm vào vòm miệng. Tư thế này sẽ không đẹp lại hiệu quả.
Thở bằng miệng: Xuyên suốt thời gian tập mewing, hai môi cần được khép kín và thở bằng mũi. Nếu bạn hở môi và thở bằng miệng, tư thế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ của khuôn mặt như: mặt dài, hóp, hàm dưới phẳng hoặc cằm lẹm, sai khớp cắn.
Đọc thêm: Ngủ thở bằng miệng có phải dấu hiệu bệnh lý?
Dùng lực quá mạnh lên hai hàm: Khi tập không đúng kỹ thuật, người tập có xu hướng cắn chặt hai hàm răng. Tình trạng này làm cản trở khối xương hàm di chuyển lên, tạo ra tác dụng ngược lại với mục đích tập mewing. Thậm chí, động tác này có thể gây đau nhức hàm hoặc tổn thương cấu trúc xương và răng của người tập.
Thiếu kiên nhẫn: Mong muốn nhìn thấy khuôn mặt mỗi ngày với mewing là điều không thể. Điều này có thể khiến bạn thiếu kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc hoặc không duy trì tập luyện mỗi ngày. Vậy nên, hãy chuẩn bị tâm lý và xác định rõ khoảng thời gian để nỗ lực theo đuổi phương pháp này.
Giải đáp một số thắc mắc về mewing
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp cho những người đang tìm hiểu hoặc mới bắt đầu tập mewing:
Mewing có thể làm thẳng răng không?
Không có bằng chứng khoa học nào khẳng định mewing có thể làm thẳng răng. Tuy nhiên, tác động từ mewing có thể thay đổi sự phát triển của xương hàm, khiến xương hàm rộng hơn. Điều này tạo thêm không gian cho răng, cải thiện tình trạng răng xô lệch hoặc khấp khểnh.
Có thể bạn quan tâm: Niềng răng khấp khểnh có phức tạp không?
Mewing có thể khắc phục được cằm lõm không?
Câu trả lời là: Không. Mewing có thể khiến đường viền hàm lộ rõ nét và góc cạnh hơn nhưng không làm thay đổi hình dạng của xương hàm. Vì vậy, những trường hợp như: cằm lõm, hai hằm, cằm dài,… sẽ không được giải quyết bởi mewing.
Hiệu quả của mewing có duy trì vĩnh viễn không?
Câu trả lời là: Không. Cấu trúc hàm sụn có thể được thay đổi thông qua mewing đồng nghĩa rằng nó không cố định. Như vậy, nếu bạn ngừng mewing sau một thời gian, các tác động từ việc: ăn nhai, nói chuyện, sự lão hoá,… có thể làm thay đổi khuôn mặt của bạn một lần nữa. Vì vậy, hãy duy trì mewing ngay cả khi bạn đã đạt được hiệu quả như ý.