Mòn cổ răng là một dạng xói mòn men răng phổ biến và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp toàn bộ thông tin liên quan đến tình trạng mòn cổ răng gồm nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp khắc phục, phòng ngừa. Bạn đọc quan tâm hãy theo dõi ngay nhé!
Mục lục
Biểu hiện mòn cổ răng
Cổ răng là phần mô cứng bao bọc ngà răng nằm ở vị trí giữa thân răng và chân răng. Mòn cổ răng là một tình trạng xói mòn diễn ra trong một thời gian dài và biểu hiện qua các giai đoạn như sau:
– Giai đoạn đầu: Trên bề mặt răng tại vị trí đường chân răng tiếp xúc với nướu thấy xuất hiện những rãnh nhỏ có thể quan sát bằng mắt thường hoặc nha sĩ phát hiện khi đi khám nha khoa. Mòn cổ răng ở giai đoạn này thường không gây cảm giác khó chịu gì nên khó phát hiện.
– Giai đoạn tiếp theo: Những rãnh mòn răng mở rộng tạo ra các vết lõm hình chữ V ở mặt ngoài của răng tính từ đường viền nướu về phía chân răng. Những vết lõm này lộ rõ, có màu sắc ngả vàng và bạn sẽ cảm thấy ê buốt, nhạy cảm khi răng tiếp xúc với nhiệt độ nóng, lạnh, axit hoặc khi đánh răng.
Khi cổ răng bị mòn nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng tụt nướu, cổ răng và chân răng bị lộ ra nhiều hơn, xuất hiện các khe hoặc lỗ trống giữa hai răng gây mất thẩm mỹ. Không chỉ như vậy, mòn cổ răng còn kèm theo nguy cơ bị viêm tủy răng, mất răng do men răng bị xói mòn quá mức khiến răng dễ bị gãy ngang.
Nguyên nhân bị mòn cổ răng
Thiểu sản men răng
Men răng là lớp mô cứng bao phủ ngoài cùng của răng giúp bảo vệ tủy răng và ngà răng. Men răng khỏe mạnh thường sáng bóng không tì vết. Khi bị thiểu sản men răng trên bề mặt răng xuất hiện các đốm màu vàng nhạt và dần chuyển sang màu nâu. Thiểu sản men răng là khiếm khuyết cấu trúc men răng gây ra do di truyền, thiếu chất hoặc do các chấn thương…
Thiểu sản men răng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng men răng bị mòn và răng nhạy cảm. Ngoài ra, bệnh lý này còn làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm tủy do vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công cấu trúc răng.
Chải răng không đúng cách
Chải răng thường xuyên là phương pháp bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả nhưng việc chải răng cần được thực hiện đúng cách. Những sai lầm khi chải răng sau đây có thể dẫn tới tình trạng mòn cổ răng:
Chải răng với lực quá mạnh hoặc bàn chải có lông quá cứng khiến cho phần men răng ở cổ răng bị bào mòn bởi men răng tại vị trí này mềm hơn các vị trí khác.
Chải răng sai kỹ thuật khi có thói quen chải răng theo chiều ngang và lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Chải răng ngay sau khi ăn có thể tăng tốc độ mòn cổ răng do khi mới ăn xong, các chất hóa học, axit từ thức ăn khiến men răng bị mềm, chải răng ngay dễ dẫn tới xói mòn.
Đọc thêm: Tác hại khi đánh răng quá nhiều lần
Tụt lợi
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng tụt lợi như viêm nướu, viêm nha chu, răng mọc lệch, thói quen nghiến răng…. Khi xảy ra tình trạng tụt lợi, phần cổ răng sẽ lộ ra nhiều hơn và bởi vì phần men răng ở cổ răng mềm và dễ bị ăn mòn.
Hỏi đáp: Lấy cao răng xong có bị tụt lợi không?
Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân góp phần gia tăng nguy cơ bị mòn cổ răng gồm có thói quen tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa axit và đường, thói quen nghiến răng, hoặc người bị bệnh gút, thiếu canxi, rối loạn khớp thái dương hàm, giảm tiết nước bọt…
Mòn cổ răng có nguy hiểm không?
Mòn cổ răng là một tình trạng răng miệng không thể tự hồi phục. Nếu không có biện pháp điều trị sớm, cổ răng sẽ bị xói mòn dần gây ra nhiều hậu quả như sau:
- Bị ê buốt, răng nhạy cảm mỗi khi ăn uống đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, đồ ăn chua, cay.
- Khi răng bị mòn, vị trí ngà răng bị lộ ra dễ thu hút vi khuẩn tấn công, chúng xâm nhập sâu vào bên trong răng gây viêm tủy, viêm chóp răng khiến người bệnh đau nhức và mệt mỏi.
- Hậu quả nghiêm trọng nhất khi bị mòn cổ răng đó là bạn có thể bị gãy rụng, vỡ răng bất cứ lúc nào do phần cổ răng đã bị ăn mòn nhiều hoặc do viêm tủy dẫn tới răng bị chết tủy.
- Trên đây là những ảnh hưởng ở khía cạnh sức khỏe mà tình trạng mòn cổ răng có thể gây ra. Không chỉ thế, mòn cổ răng còn khiến cho chân răng lộ rõ, vị trí cổ răng bị khuyết lõm và ngả màu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hàm răng. Nhiều người trở nên e ngại, tự ti mỗi khi cười hoặc nói chuyện khi bị mòn cổ răng.
Các phương pháp điều trị mòn cổ răng
Phương pháp điều trị mòn cổ răng cần căn cứ vào nguyên nhân và mức độ răng bị ăn mòn.
Điều trị chăm sóc tại nhà
Nếu như cổ răng mới chị mòn ở mức độ nhẹ do các nguyên nhân như chải răng quá mạnh thì bạn có thể khắc phục tại nhà bằng các biện pháp như:
- Chải răng nhẹ nhàng theo phương thẳng đứng, dùng bàn chải có lông mềm.
- Chọn kem đánh răng, nước súc miệng chứa Fluoride để tái khoáng men răng.
- Hạn chế ăn nhai thức ăn quá lạnh như đá, kem hoặc quá chua.
Trám răng
Nếu như trường hợp mòn cổ răng có thể quan sát bằng mắt thường tại các vị trí men răng bị mòn thì cần đi khám nha khoa để thực hiện trám bít. Trám răng là phương pháp sử dụng vật liệu composite để trám đầy các lỗ hổng do mòn răng, sâu răng. Đối với trường hợp bị mòn cổ răng mức độ nhẹ nên áp dụng phương pháp này để bảo vệ và phục hình cho răng.
Tác dụng của phương pháp trám răng do mòn cổ răng
- Ngăn chặn tình trạng xói mòn cổ răng tiếp tục diễn ra.
- Giải quyết vấn đề răng nhạy cảm, ê buốt hiện tại.
- Bảo vệ tủy răng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn qua các lỗ hổng do mòn men răng.
- Quá trình thực hiện không xâm lấn, không đau.
- Khôi phục màu sắc, hình thức thẩm mỹ cho hàm răng.
Chi phí trám cổ răng bị mòn thường dao động từ 200.000 đ – 500.000 đ/răng tùy vào bảng giá của từng đơn vị nha khoa. Ngoài ra bạn có thể phải chi trả thêm chi phí vệ sinh cao răng, chụp X-quang… hãy hỏi tư vấn viên của đơn vị nha khoa rõ hơn về tất các các chi phí để trám răng bị mòn.
Có thể bạn quan tâm: Trám răng rồi có bị sâu lại không?
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là phương pháp xử lý hiệu quả khi cổ răng bị mòn quá nhiều không thể thực hiện trám bít răng được. Khi đó, những chiếc răng bị mòn cổ răng nhiều sẽ được mài cụt sau đó gắn mão sứ tương thích để đảm bảo chức năng ăn nhai cũng như giữ lại răng gốc.
Tác dụng của phương pháp bọc răng sứ
- Bọc răng sứ giúp bảo vệ răng đang bị ăn mòn, chống ê buốt và nhạy cảm khi răng tiếp xúc với các điều kiện khắc nghiệt.
- Giúp phục hồi chức năng ăn nhai nên tốt cho sức khỏe nói chung.
- Bọc răng sứ có độ bền cao hơn trám răng và tuổi thọ có thể được 8 – 10 năm.
- Răng sứ thẩm mỹ khắc phục được các khuyết điểm hình thức của răng bị mòn, cho nụ cười thoải mái tự tin.
Hỏi đáp: Răng sứ có tẩy trắng được không?
Tương xứng với hiệu quả cải thiện thẩm mỹ và khôi phục chức năng ăn nhai của phương pháp bọc răng sứ, bạn sẽ phải chi trả một số tiền khá lớn cho dịch vụ nha khoa này. Hiện nay, giá thành bọc răng sứ tại các phòng khám, bệnh viện có nhiều khác biệt phụ thuộc vào loại răng sứ, uy tín, tên tuổi của đơn vị nha khoa.
Trung bình gói dịch vụ bọc răng sứ tại các cơ sở nha khoa tại Hà nội dao động từ 1 – 12 triệu đồng, trong đó, răng sứ có mặt trong bằng kim loại giá từ 1 – 3 triệu đồng/răng; răng sứ Cercon giá từ 3 – 5 triệu đồng và răng sứ Zirconia cao cấp có giá từ 5 – 10 triệu đồng/răng.
Lưu ý trước khi bọc răng sứ đối với các răng bị viêm tủy thì bệnh nhân cần trải qua liệu trình điều trị tủy trước tiên. Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật mở ống tủy và nạo hút phần tủy răng bị tổn thương sau đó bít ống tủy và kê thuốc cho bệnh nhân dùng tại nhà. Khi vấn đề về tủy răng được điều trị dứt điểm mới có thể tiến hành bọc răng sứ.
Đọc thêm: Lưu ý quan trọng khi chọn nha khoa bọc răng sứ thẩm mỹ
Dán sứ veneer
Dán sứ veneer thường áp dụng để khắc phục tình trạng mòn răng mức độ nhẹ giúp bảo vệ bề mặt răng và tăng tính thẩm mỹ cho nụ cười của bạn. Dán sứ veneer sử dụng những miếng sứ mỏng, có màu sắc và hình dạng giống như răng thật, được dán cố định lên mặt ngoài của răng thật để cải thiện thẩm mỹ hàm răng.
Phương pháp dán sứ veneer có ưu điểm là cải thiện hiệu quả các khuyết điểm thẩm mỹ của răng như răng xỉn màu, ố vàng, răng bị mòn, nứt… Đồng thời, răng sứ veneer cũng giúp bảo vệ răng khỏi các tác động bên ngoài như axit, vi khuẩn…
Dán sứ veneer có ưu điểm nổi bật hơn so với bọc răng sứ đó là không xâm lấn, nha sĩ chỉ cần mài nhẹ men răng để tạo bề mặt bám dính cho lớp răng sứ mà không làm ảnh hưởng tới cấu trúc trong răng.
Ngay sau khi dán sứ veneer bạn đã có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Với rất nhiều những ưu điểm kể trên, dán sứ veneer có thể sẽ tiêu tốn của bạn một khoản tiền khá lớn khi dịch vụ này hiện nay có giá trung bình từ 6 – 13 triệu đồng/răng.
Phẫu thuật ghép nướu
Phẫu thuật tạo hình nướu áp dụng trong trường hợp răng bị mòn cổ và tụt nướu. Phương pháp này giúp tái tạo nướu bao phủ các chân răng đang bị lộ ra giúp bảo vệ răng khỏi các tác động bên ngoài và khôi phục vẻ ngoài thẩm mỹ cho hàm răng.
Các loại phẫu thuật ghép nướu gồm:
- Phẫu thuật ghép nướu tự thân: là sử dụng mô nướu từ các vị trí khác trong khoang miệng như vòm miệng để cấy ghép vào vùng bị tụt nướu giúp che đi chân răng đang bị lộ ra.
- Phẫu thuật ghép nướu nhân tạo: Sử dụng các vật liệu nhân tạo như các màng collagen để bù đắp lại phần nướu đang bị tụt hoặc mỏng đi, tạo độ che phủ và bảo vệ chân răng, ngăn chặn tình trạng cổ răng bị mài mòn dần.
Mòn cổ răng cần chú ý gì đến ăn uống và vệ sinh răng miệng
- Bổ sung canxi thông qua thực phẩm, thuốc để củng cố men răng, giảm tình trạng men răng bị bào mòn bởi axit và vi khuẩn.
- Ăn nhiều hoa quả, rau xanh để bổ sung vitamin và khoáng chất cho răng và nướu khỏe mạnh, đồng thời chất xơ trong rau xanh, hoa quả giúp cho tuyến nước bọt hoạt động hiệu quả, trung hòa axit trong miệng.
- Hạn chế ăn các món ăn hoặc uống thức uống quá nóng, quá lạnh, quá chua khiến cho các vị trí răng mòn bị kích thích, nhạy cảm và ê buốt.
- Không nên ăn đồ quá dai hoặc cứng có thể tổn hại men răng và rủi ro răng bị gãy rụng.
- Thực phẩm nhiều đường có thể khiến lượng axit trong khoang miệng gia tăng dẫn tới cổ răng bị bào mòn nhiều hơn, vì thế bạn cũng nên hạn chế những món chứa lượng đường cao.
- Hút thuốc lá khiến cho mảng bám, cao răng nghiêm trọng và tăng nguy cơ mòn răng, tụt nướu. Bạn nên sớm từ bỏ thói quen hút thuốc để bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Trên đây là những kiến thức bổ ích liên quan đến vấn đề mòn cổ răng – một bệnh lý nha khoa diễn ra âm thầm và gây hậu quả nghiêm trọng. Hãy phát hiện và ngăn chặn cũng như điều trị sớm tình trạng mòn cổ răng để hàm răng khỏe mạnh và nụ cười tỏa sáng bạn nhé.