Nghiến răng là tình trạng hai hàm răng xiết và chà xát thành những cơn nghiến răng định kỳ, tình trạng này thường diễn ra trong giấc ngủ. Nghiến răng thường xuyên và kéo dài không còn là một hiện tượng vô hại mà có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe phía sau. Cùng tìm hiểu bị nghiến răng là bệnh gì trong nội dung sau.
Mục lục
Giải thích sinh lý của chứng nghiến răng khi ngủ
Những cơn nghiến răng tạo thành do cơ nhai hàm bị co thắt khiến hai hàm nghiến chặt và chuyển động mạnh ngược chiều giữa hai hàm. Nghiến răng thường xảy ra trong vô thức vào giấc ngủ ban đêm hoặc vào ban ngày khi người ta quá lo lắng, căng thẳng hoặc tức giận. Trẻ em là đối tượng thường mắc chứng nghiến răng khi ngủ và triệu chứng này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên khoảng ngoài 7 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết ngủ nghiến răng
- Hiện tượng nghiến răng chính là dấu hiệu, khi bệnh nhân đang ngủ thường không nhận biết được mà người thân phản ánh lại cho bệnh nhân.
- Nghiến răng khiến bệnh nhân có thể bị tăng huyết áp và nhịp tim nên thường thở mạnh khi ngủ.
- Đau khớp thái dương hàm, mỏi cơ hàm sau khi thức dậy.
- Sau một thời gian dài bị nghiến răng, bề mặt răng bị mài mòn trở nên nhạy cảm, xuất hiện các vết nứt vỡ răng.
- Răng bị viêm nha chu, lung lay và dễ gãy rụng.
- Một số trường hợp bị tổn thương niêm mạc miệng do nghiến răng nhiều, lưỡi có vết cắn của răng.
- Các biểu hiện khác như thường xuyên nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày.
- Nghiến răng lâu dài khiến cơ nhai bị viêm và sưng khiến mặt to hơn.
Phân loại nghiến răng
Mặc dù chưa có hệ thống phân loại nghiến răng chính thức nào được thống nhất, các nha sĩ thường chia nghiến răng thành một số loại sau:
Theo âm thanh:
- Nghiến răng có tiếng ồn: Loại này gây ra tiếng kẽo kẹt hoặc nghiến răng do ma sát giữa các răng. Đây là loại nghiến răng gây bào mòn và tổn thương răng nhanh nhất.
- Nghiến răng im lặng: Loại này thường không gây ra tiếng ồn lớn, nhưng vẫn có thể dẫn đến mòn men răng và các tổn thương khác.
Theo thời điểm xảy ra:
- Nghiến răng ban ngày: Thường gặp ở những người có thói quen nghiến răng khi căng thẳng, lo âu hoặc tập trung cao độ.
- Nghiến răng ban đêm: Xảy ra trong khi ngủ, thường không tự nhận thức được. Đây là loại nghiến răng phổ biến nhất.
- Nghiến răng cả ngày lẫn đêm: Kết hợp cả hai loại nghiến răng trên.
Theo mức độ nghiêm trọng:
- Nhẹ: Xảy ra ít thường xuyên, ít gây tổn hại cho răng.
- Vừa phải: Xảy ra thường xuyên hơn, có thể gây mòn men răng và các tổn thương khác.
- Nặng: Xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng, dẫn đến bào mòn răng, tổn thương khớp thái dương hàm và các vấn đề khác.
Ngủ nghiến răng là do bệnh gì?
Ngủ nghiến răng được coi là một hiện tượng bình thường với trẻ em đang ở độ tuổi mọc răng và hoàn thiện khớp cắn. Tuy nhiên, chứng nghiến răng ở người lớn thì có thể cần xem xét một số giả thuyết về nguồn gốc bệnh lý. Vậy ngủ nghiến răng là bệnh gì? Nguyên nhân bị nghiến răng có thể là một hoặc kết hợp của nhiều bệnh lý liên quan sau đây:
Bệnh về tâm lý
Mất cân bằng tâm lý, quá tải cảm xúc, rối loạn lo âu có thể dẫn đến sự co thắt không tự chủ của các cơ nhai. Từ đó dẫn tới hiện tượng nghiến răng trong giấc ngủ. Những người ban ngày trải qua những sự kiện khiến cảm xúc bất ổn, hoặc những người mắc bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần do rượu, ma túy… dễ bị nghiến răng khi ngủ. Trẻ nhỏ bị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng dễ bị nghiến răng về đêm.
Bệnh thần kinh
Các cơ nhai hàm được điều kiển bởi dây thần kinh sinh ba. Khi xuất hiện các tổn thương trong hệ thần kinh có thể dẫn đến các rối loạn cử động hàm như chứng nghiến răng. Các bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh như rối loạn thần kinh gây rối loạn vận động, bệnh động kinh co giật, parkinson…cũng có thể có biểu hiện co thắt cơ hàm, nghiến răng khi ngủ.
Bệnh nha khoa
Nghiến răng đôi khi là hậu quả của một số tình trạng liên quan đến bệnh lý nha khoa như sai lệch khớp cắn do cấu trúc hàm hoặc do đeo răng giả, mão răng không đúng cách trong thời gian dài. Ngoài ra, những vấn đề răng miệng khác như mất răng lâu ngày không được điều trị cũng có thể dẫn tới nghiến răng khi ngủ.
Bệnh lý khác
Nghiến răng đôi khi là triệu chứng của các bệnh lý liên quan đến đường thở như lệch vách ngăn mũi, hẹp đường thở bằng mũi, viêm xoang, adenoids, cảm adenoids, ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, teo dạ dày cũng được xếp vào nguyên nhân gây ra hiện tượng ngủ nghiến răng.
Nói chung, nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghiến răng khi ngủ được xác định riêng lẻ, tuy nhiên bệnh có thể phát triển do sự kết hợp của nhiều yếu tố một lúc. Sau đây là phương pháp chẩn đoán nguyên nhân ngủ nghiến răng để có phác đồ điều trị phù hợp.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán nguyên nhân của chứng nghiến răng có thể bệnh nhân sẽ cần thực hiện cuộc kiểm tra toàn diện để loại trừ các yếu tố có nguy cơ gây ngủ nghiến răng bao gồm
Kiểm tra lâm sàng, thăm hỏi bệnh sử về tình trạng sức khỏe hiện tại, có đang điều trị bệnh lý hay dùng thuốc gì không? Tình trạng nghiến răng đã diễn ra bao lâu với mức độ và tần suất thế nào? Ngoài ra, sẽ có một số câu hỏi về những vấn đề đang gặp phải trong cuộc sống gần đây, có điều gì khiến bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, căng thẳng hay không?
Chụp X-quang: Kiểm tra nha khoa đối với tình trạng mài mòn do nghiến răng, chụp X- quang đánh giá khớp cắn, cấu trúc xương hàm và răng cũng như thăm khám tình hình răng miệng có bất thường gì không.
Các dụng cụ kiểm tra khác: Thực hiện các kỹ thuật kiểm tra để xác định vị trí nghiến răng, mức độ nghiến răng bằng các dụng cụ như máng máng nhai, BruxChecker (khí cụ màu đánh dấu vị trí nghiến răng)…).
Phân tích điện cơ: Để chẩn đoán các bệnh lý của cơ nhai, bác sĩ có thể chỉ định thêm phương pháp chẩn đoán qua phân tích điện cơ. Phân tích điện cơ (EMG) là một xét nghiệm chẩn đoán sử dụng các điện cực để ghi lại hoạt động điện của cơ. Xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán các bệnh lý của cơ nhai, cũng như các bệnh lý về thần kinh và cơ khác. Phương pháp nghiên cứu này sẽ cho phép bạn đánh giá tình trạng của các cơ khi nghỉ ngơi và khi chuyển động.
Phân tích điện cơ là biện pháp chẩn đoaná tương đối an toàn và không gây đau đớn. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu khi gắn điện cực vào da. Sau khi thực hiện EMG, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như bầm tím hoặc đau nhức tại vị trí gắn điện cực.
Các xét nghiệm và kiểm tra khác có thể được thực hiện như điện não đồ, điện tim, đo nhịp thở… để tìm hiểu chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị thích hợp.
Điều trị chứng nghiến răng
Các phác đồ điều trị chứng nghiến răng được cân nhắc áp dụng theo lứa tuổi. Đối với trẻ em dưới 6 – 7 tuổi, hầu như không cần can thiệp y tế. Các bệnh nhi được theo dõi và theo thời gian tình trạng nghiến răng ở trẻ sẽ biến mất mà không cần điều trị.
Đối với chứng nghiến răng ở người lớn, tùy vào mức độ nghiêm trọng của chứng nghiến răng và quan trọng nhất là dựa vào nguyên nhân gây ra hội chứng này để có các liệu pháp điều trị như:
Điều trị nha khoa
Điều chỉnh khớp cắn và chỉnh sửa các khuyết tật về răng. Nha khoa hiện đại cho phép điều chỉnh sai lệch khớp cắn bằng các kỹ thuật can thiệp như niềng răng, nhổ răng, bọc răng sứ và phẫu thuật chỉnh hàm…Với những thiếu sót về răng như mất răng, chúng ta có lựa chọn cấy ghép răng để phục hồi chức năng của răng và ngăn chặn những vấn đề xô lệch hàm.
Dùng thuốc
Để ngăn chặn tình trạng nghiến răng có thể bạn sẽ phải dùng đến các liệu pháp dùng thuốc an thần, hỗ trợ giấc ngủ. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng cung cấp magie, canxi, vitamin B… giúp ổn định hoạt động của hệ thần kinh, giảm thiểu tình trạng co rút cơ hàm khi ngủ.
Đeo máng chống nghiến răng
Đeo máng chống nghiến răng rất cần thiết để điều trị các triệu chứng của tật nghiến răng. Máng chống nghiến răng là thiết bị làm bằng nhựa thường được đeo vào ban đêm khi đi ngủ để ngăn cản sự chà xát, xiết chặt giữa hai hàm răng. Từ đó giúp giảm thiểu sự mài mòn, giảm áp lực tác động lên hàm giúp cải thiện tình trạng mỏi cơ hàm, đau khớp thái dương hàm…
Điều trị tâm lý
Với những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần dẫn đến chứng ngủ nghiến răng thì giải pháp trị liệu tâm lý là điều cần thiết. Các bác sĩ chuyên khoa tâm lý sẽ có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề về tâm lý của bệnh nhân. Từ đó bệnh nhân có thể tự quản lý cảm xúc, kiểm soát căng thẳng để tránh tình trạng quá tải cảm xúc và căng thẳng dẫn tới nghiến răng.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp ích trong việc thư giãn cơ hàm, vùng khớp thái dương, nhờ đó có thể chữa trị các triệu chứng đau mỏi cơ nhai, nhức đầu, đau quanh tai. Đồng thời các bài tập massage cơ hàm cũng giúp các bó cơ được thả lỏng, giảm thiểu tần suất co thắt gây nghiến răng.
Các hướng dẫn bổ trợ giúp cải thiện tình trạng nghiến răng khi ngủ
Tạo thói quen ngủ khoa học, đúng giờ và môi trường ngủ để có một giấc ngủ ngon, hạn chế tình trạng căng thẳng, mệt mỏi do rối loạn giấc ngủ.
Trước khi đi ngủ nên uống một cốc sữa ấm giúp cơ thể thả lỏng, cơ bắp được thư giãn giảm bớt tần suất nghiến răng trong giấc ngủ.
Tập thể dục nhẹ nhàng với các môn như yoga, thiền định, đi bộ, tập hít thở đúng cách sẽ giúp thư giãn tâm trí, giảm tải căng thẳng.
Không dùng quá nhiều các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá bởi những chất này là độc tối đối với hệ thần kinh, miễn dịch..
Nói chung, hội chứng nghiến răng có thể điều trị khỏi và quá trình chữa trị thường kéo dài, có thể mất tới vài tháng. Qua bài viết có thể thấy chứng nghiến răng tưởng chừng đơn giản và vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Chính vì vậy, bạn không nên xem nhẹ và bỏ qua các dấu hiệu nghiển răng khi ngủ và sớm có kế hoạch thăm khám và điều trị để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.