Rất nhiều bệnh nhân được cảnh báo thận trọng trong thời gian diệt tủy răng bởi bản chất của thuốc sử dụng là “chất độc”. Thế nhưng, do thời gian đặt thuốc diệt tủy răng thường kéo dài 1 – 2 ngày nên không ít người bệnh vẫn vô ý nuốt xuống. Vậy, điều này có gây nguy hiểm không và phải xử lý thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về giải pháp trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Tìm hiểu cơ chế và tác dụng của thuốc diệt tủy răng
Tủy răng là một tổ chức bao gồm hệ thống dây thần kinh liên kết với mạch máu chịu trách nhiệm nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác trên răng. Bởi vậy, viêm, nhiễm trùng tủy răng rất dễ phát triển nặng, lây lan sang các vị trí khác và khiến người bệnh đau đớn. Để ngăn tình trạng này, bác sĩ thường áp dụng các biện pháp loại bỏ tuỷ răng, điển hình nhất là đặt thuốc diệt tuỷ trước khi tiến hành điều trị.
Thuốc diệt tủy răng có hai loại gồm: loại chứa asen (anhydrit arsenic) và không chứa asen (chủ yếu là paraformaldehyde). Trong đó, các hợp chất của asen được dùng phổ biến hơn. Các arsenic có tác dụng làm lỏng dịch viêm, làm chết tủy răng hoàn toàn từ đó hỗ trợ quá trình loại bỏ tủy răng dễ dàng hơn. Thời gian thuốc cho tác dụng thường kéo dài khoảng 24 – 48 tiếng sau khi dùng.
Thuốc diệt tủy răng thường được chỉ định khi mô tủy bị viêm nhưng vẫn sống hoặc mới chết một phần. Quá trình làm chết tủy răng hoàn toàn, giúp người bệnh giảm bớt đau đớn khi thực hiện làm sạch ống tủy. Tuy nhiên, asen (hay thạch tín) là chất độc hoá học có khả năng khuếch tán vào các mô nha chu thông qua ống tủy, ống tủy bên, ống tủy phụ, lỗ thủng hay các miếng trám bị rò rỉ. Điều này dẫn đến hoại tử mô nha chu, viêm tủy xương và xương ổ răng.
.Tìm hiểu về: Răng chết tủy và cách điều trị
Nuốt phải thuốc diệt tủy răng có nguy hiểm không?
Thành phần chính của thuốc diệt tủy răng là thạch tín – một chất độc hoá học bảng A. Vì vậy, thuốc diệt tủy sau khi được đưa vào răng cần được bác sĩ trám kỹ, ngăn thuốc tràn ra ngoài. Trong trường hợp vết trám bị bong, nứt vỡ hoặc rò rỉ trong trong thời gian đặt thuốc, người bệnh có thể nuốt phải và gặp nguy hiểm.
Theo các tài liệu khoa học, một người có thể bị tử vong ngay lập tức nếu nuốt phải lượng asen bằng nửa hạt ngô. Lượng asen trong thuốc diệt tủy răng không nhiều như vậy nhưng hoàn toàn có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Cụ thể, khi thuốc diệt tủy răng chứa asen rò rỉ ra khoang miệng có thể gây viêm nha chu, viêm quanh chóp, hoại tử mô hoặc hoại tử xương.
Nếu chỉ nuốt phải rất ít thuốc, người bệnh nhiễm độc ở mức độ thấp có thể gặp phải các triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, da sạm, rụng tóc, rối loạn nhịp tim. Kiểm tra cận lâm sàng có thể thấy giảm bạch cầu và hồng cầu, mạch máu bị tổn thương, viêm dạ dày – ruột. Nếu nuốt phải lượng lớn asen, người bệnh có thể bị sốc nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến tử vong. Asen không được loại bỏ hết khỏi cơ thể làm tăng nguy cơ ung thư, thiếu máu, bệnh tim mạch, bệnh chuyển hoá và bệnh da liễu.
Xem thêm: Đặt thuốc diệt tủy răng có đau không?
Phụ nữ mang thai đặt thuốc diệt tủy răng có được không?
Thay đổi hormone và thói quen ăn uống khi mang thai là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ gặp phải các bệnh lý răng miệng, bao gồm cả những vấn đề về tủy răng. Vậy nên, điều trị nha khoa trong thai kỳ là vấn đề thường gặp. Tuy nhiên, bản chất thuốc diệt tủy răng là chất độc nên nhiều mẹ bầu rất lo lắng. Vậy, thuốc diệt tủy răng có sử dụng được cho phụ nữ mang thai hay không?
Thực tế, bao bì của các sản phẩm thuốc diệt tủy răng không có chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Việc sử dụng thuốc diệt tủy sẽ không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, cơ địa của mẹ bầu rất nhạy cảm nên các bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trước khi đưa ra chỉ định. Thông thường, các mẹ bầu được ưu tiên áp dụng các biện pháp dùng thuốc điều trị tủy khác nhằm giảm tối đa rủi ro.
Các nghiên cứu cho thấy, asen và các dẫn chất của nó có thể đi qua hàng rào nhau thai một cách dễ dàng. Do đó, việc rò rỉ thuốc diệt tủy ra ngoài do thực hiện sai kỹ thuật có thể gây nhiễm độc cho cả mẹ và thai nhi. Nhiễm độc asen trong thời kỳ mang thai có thể khiến trẻ bị dị tật bẩm sinh, giảm tăng trưởng và tăng nguy cơ sinh non. Sau khi chào đời, trẻ có nguy cơ ung thư cao hơn những trẻ bình thường.
Bởi những lý do trên, mẹ bầu tuyệt đối không tự ý dùng thuốc diệt tủy khi không có chỉ định và giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Nếu cần điều trị, mẹ cần thăm khám tại những bệnh viện, cơ sở nha khoa uy tín để có phác đồ hiệu quả và an toàn. Trong thời gian điều trị, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cũng cần thông báo sớm và đầy đủ cho bác sĩ.
Xem thêm: Tuổi thọ răng lấy tủy? Vấn đề thường gặp với răng đã lấy tủy
Cần làm gì khi nuốt phải thuốc diệt tủy răng?
Để đặt thuốc diệt tủy răng, bác sĩ sẽ thực hiện mở ống tủy trên bề mặt răng, sau đó đặt thuốc và trám kín để ngăn thuốc thoát ra ngoài. Thông thường, dưới miếng trám sẽ đặt thêm một cục bông gòn để giảm tối đa nguy cơ thuốc tràn ra ngoài khi có sự cố. Vì vậy, người bệnh cần xử lý ngay khi cảm nhận thấy bất thường. Những lưu ý cụ thể bao gồm:
- Nếu miếng trám răng đã bị bong ra, bạn có thể đặt một miếng bông gòn vào trên răng đang điều trị, giữ bông cố định và đến nha khoa kiểm tra ngay lập tức.
- Nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường như: buồn nôn, nôn, dị ứng trên da, khô miệng, khó nuốt, đau bụng, chóng mặt, đau đầu,… cần nhanh chóng đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết và cấp cứu kịp thời.
Nhiễm độc asen trong thuốc diệt tủy răng có thể gây nhiễm độc nặng và không thể tự xử lý tại nhà. Do đó, người bệnh cần theo dõi sát trong quá trình điều trị và liên hệ y tế hỗ trợ sớm nhất khi có dấu hiệu bất thường. Tuyệt đối không có tâm lý chủ quan để tránh gặp phải nguy hiểm.
Hỏi đáp: Tuổi thọ răng lấy tủy? Vấn đề thường gặp với răng sau lấy tủy
Lưu ý khi sử dụng thuốc diệt tủy răng
Đặt thuốc diệt răng là biện pháp cần thiết cho những người có tủy răng bị chết một phần, cần điều trị tủy răng nhưng lại bị dị ứng thuốc tê, mắc bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp. Để tránh gặp phải nguy hiểm trong thời gian đặt thuốc, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:
- Tránh ăn nhai trong vòng 1 giờ kể từ khi đặt thuốc diệt tủy răng. Điều này giúp chất trám răng cứng lại hoàn toàn, bám khít vào bề mặt răng, giảm nguy cơ rò rỉ thuốc.
- Trong thời gian đặt thuốc (khoảng 3 – 5 ngày), người bệnh nên ăn đồ ăn mềm, hạn chế những thực phẩm cứng, quá nóng hoặc quá lạnh. Điều này giúp miếng trám bền hơn, tránh tình trạng ê nhức răng.
- Nếu bị đau nhiều, người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau giúp giảm cảm giác khó chịu.
- Trong thời gian đặt thuốc, nếu có va đập mạnh xảy ra ở vùng răng đang điều trị, bạn cần quay lại nha khoa để kiểm tra vết trám răng.
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp trong khi đặt thuốc diệt tủy răng:
Đặt thuốc diệt tủy răng có đau không?
Sau khi đặt thuốc, tủy răng sẽ bị hoại tử dần dần. Vì tủy răng chứa các mạch máu và dây thần kinh nên quá trình này có thể khiến người bệnh cảm thấy đau. Mức độ đau phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người và tình trạng tổn thương tủy răng trước đó. Thông thường, cảm giác đau nhức sẽ kéo dài khoảng 2 – 3 ngày sau đó giảm dần. Khi tủy răng đã chết, bạn sẽ không còn cảm giác khó chịu ở răng nữa. Đây cũng là thời điểm bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật hút tủy răng cho bệnh nhân.
Răng bị lung lay sau khi đặt thuốc diệt tủy răng là do đâu?
Sau khi đặt thuốc diệt tủy, mô và mạch máu bị hoại tử và được hút bỏ hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa rằng chiếc răng đó sẽ bị “cắt” mất nguồn nuôi dưỡng dẫn đến giảm khả năng chịu lực, dễ lung lay, giòn, dễ vỡ mẻ và bị đổi màu. Nếu được chăm sóc kỹ càng, răng đã diệt tủy có thể duy trì được khoảng 15 – 25 năm. Ngược lại, nếu bạn có chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, không có thói quen bảo vệ răng miệng dẫn đến các bệnh nha chu, răng có thể bị lung lay hoặc bị hỏng sau một vài năm.
Thuốc diệt tủy răng không nên dùng cho trường hợp nào?
Diệt tủy răng bằng thuốc đặt là phương pháp được thực hiện nhằm giảm đau đớn cho người bệnh trong quá trình hút tủy. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ không được chỉ định đặt thuốc, bao gồm:
- Bệnh nhân dị ứng hoặc quá mẫn với các thành phần trong thuốc diệt răng.
- Bệnh nhân viêm tủy phục hồi, có khả năng điều trị bằng các biện pháp khác.
- Răng hư hỏng nặng, không thể giữ lại.
Nuốt phải thuốc diệt tủy răng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời. Bởi vậy, khi có chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ những chỉ định được bác sĩ đưa ra. Nếu có phát sinh bất thường trong thời gian điều trị, bạn cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách xử trí phù hợp.