Sâu răng là bệnh lý răng miệng phổ biến ở mọi độ tuổi. Sâu răng phát triển từ các lỗ sâu li ti thành các đốm đen rồi lớn dần thành các lỗ lớn hơn. Răng bị sâu lỗ to là tình trạng sâu răng đã diễn ra trong một thời gian dài, có nguy cơ sâu vào tủy rất nguy hiểm. Bài viết này sẽ nêu chi tiết hậu quả của tình trạng răng bị sâu lỗ to và cung cấp thông tin về cách điều trị vấn đề răng miệng này.
Răng bị sâu lỗ to có nghiêm trọng không?
Các cấp độ sâu răng
Dựa trên mức độ tổn thương của men răng mà tình trạng sâu răng thường được chia làm các cấp độ sau:
Sâu răng cấp độ 1
Đây là giai đoạn sâu răng mới chớm, trên bề mặt răng xuất hiện các đốm nhỏ li ti đôi khi khó nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu không chú ý tới, vi khuẩn sâu răng sẽ tiếp tục khiến bệnh phát triển lên mức cao hơn.
Sâu răng cấp độ 2
Giai đoạn này, các lỗ sâu bắt đầu hiện rõ hơn có màu nâu đen. Khi ăn nhai, đánh răng chúng ta thường cảm nhận thấy sự ê buốt, hơi đau nhức. Thức ăn khi ăn thường bị mắc lại tại các hố sâu và gây ra mùi hôi miệng.
Sâu răng cấp độ 3
Ở cấp độ này, vi khuẩn sâu răng đã gây tổn thương men răng nặng nề khiến lỗ sâu thủng to, thành răng bị bào mỏng và vi khuẩn tiếp tục ăn sâu vào tủy gây ra những cơn đau nhức kinh khủng. Nếu không điều trị sớm, răng sẽ bị chết tủy và gãy rụng.
Xem thêm: Sâu răng cửa – nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết sớm và cách xử lý
Răng sâu lỗ to có nghiêm trọng không ?
Qua đây có thể đánh giá sâu răng lỗ to thuộc cấp độ sâu răng 3 và là giai đoạn sâu răng nghiêm trọng. Răng bị sâu lỗ to là tình trạng răng miệng nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe bao gồm:
– Tình trạng sâu răng gây ra những cơn đau nhức, cảm giác đau buốt nhất là khi ăn nhai hoặc vào ban đêm khi đi ngủ, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
– Sâu răng lỗ to có nguy cơ phát triển thành sâu răng vào tủy, dẫn tới viêm nhiễm tủy răng, hoại tử tủy răng, nguy cơ mất răng phải nhổ răng hoặc trồng răng rất tốn kém chi phí.
– Vi khuẩn sâu răng có thể lây lan gây nhiễm trùng khoang miệng, viêm nướu, viêm loét niêm mạc miệng. Trong giai đoạn sâu răng nặng tới viêm tủy, chân răng thường bị sưng tấy đỏ, áp xe có mủ, người bệnh mệt mỏi và có thể bị sốt.
– Răng bị sâu lỗ to nên mỏng manh dễ sứt mẻ, vỡ hoặc gãy rụng khi nhai, cắn mạnh ảnh hưởng đến thẩm mỹ hàm răng và chất lượng ăn nhai.
– Hôi miệng là tình trạng phổ biến thường đi kèm với sâu răng lỗ to bởi vị trí sâu răng như một cái hố cho thức ăn mắc lại và vi khuẩn gây mùi hoành hành.
– Sâu răng nghiêm trọng dẫn tới viêm tủy nếu không được điều trị còn có nguy cơ lây lan nhiễm trùng tới xoang mũi, tới màng não gây viêm hoặc gây nhiễm trùng máu… đều là các tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Xem thêm: Tại sao răng sâu bị đau nhức? Làm cách nào để khắc phục?
Như vậy, tình trạng sâu răng nếu càng để lâu thì lỗ sâu răng sẽ ngày một to ra và sâu răng nặng dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc cần làm là chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe răng miệng và phát hiện, điều trị ngay những chiếc răng bị sâu ngay khi mới chớm. Trong trường hợp răng đã bị sâu lỗ to thì điều trị như thế nào hiệu quả, cùng theo dõi tiếp phần sau đây.
Răng bị sâu lỗ to điều trị thế nào?
Hàn trám răng
Hàn trám răng thường là phương pháp đầu tiên được cân nhắc khi điều trị sâu răng. Trám răng giúp lấp đầy lỗ sâu răng, ngăn chặn thức ăn thừa rơi vào lỗ sâu răng và không cho vi khuẩn sâu răng tiếp tục phát triển.
Trám răng thích hợp áp dụng cho các trường hợp sâu răng nhẹ và vừa, các lỗ sâu nhỏ hoặc to vừa phải. Đối với tình trạng lỗ sâu răng quá to thì vật liệu trám răng khó bám dính và dễ bị bong tróc trong thời gian ngắn.
Quy trình trám răng cũng không quá phức tạp và mất nhiều thời gian. Thông thường, nha sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để vệ sinh lỗ sâu răng, nạo vét các mô răng tổn thương sau đó gắn vật liệu trám răng vào và điều chỉnh cho khớp cắn không bị kênh cộm.
Hỏi đáp: Răng sữa bị sâu có nên hàn răng không?
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ cho răng sâu là phương pháp tối ưu để điều trị sâu răng trong các trường hợp sâu răng nặng, sâu răng lỗ to, sâu răng khiến răng bị sứt mẻ. Bọc răng sứ giúp bảo vệ răng thật, giữ lại răng, chống sứt mẻ vỡ răng và phục hình thẩm mỹ cho răng đều đẹp.
Tuy nhiên, nhược điểm của bọc răng sứ cho răng sâu là đây là một phương pháp điều trị có xâm lấn, chiếc răng thật của bạn sẽ bị mài bớt đi để tương thích với mão sứ khi gắn vào.
Quy trình bọc răng sứ mất nhiều thời gian hơn trám răng bởi cần trải qua các công đoạn như:
- Thăm khám, lấy dấu răng và mài cùi răng
- Chế tạo mão răng sứ
- Lắp mão răng và điều chỉnh
Tính thẩm mỹ và độ bền của răng sứ phụ thuộc nhiều vào chất lượng răng sứ bạn gắn lên răng sâu cũng như thói quen vệ sinh, chăm sóc răng miệng hằng ngày của bạn.
Tham khảo: Bọc răng sứ có tốt không? Răng sứ loại nào tốt?
Nhổ răng và trồng răng thay thế
Đối với những răng bị sâu nặng, chết tủy, không có khả năng hồi phục thì bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn nhổ răng và điều trị cấy ghép răng thay thế. Công nghệ cấy ghép răng hiện đại hiện nay là cấy ghép implant đảm bảo độ bền vững và khôi phục khả năng ăn nhai cho răng, tránh tình trạng trống răng dẫn tới xô lệch hàm.
Quy trình nhổ răng và trồng răng mới thay thế là kỹ thuật tương đối phức tạp trong nha khoa, quan trọng nhất là khả năng tương thích giữa xương hàm với vật liệu cấy ghép. Các bước nhổ răng và trồng răng mới gồm:
- Sát khuẩn răng miệng, gây tê tại chỗ nếu cần thiết và tiến hành nhổ răng bị hỏng.
- Nếu sức khỏe của bạn đảm bảo, bác sĩ sẽ tiến hành trồng implant ngay sau đó bằng cách đặt trụ vào đúng vị trí.
- Trong vòng 10 ngày sau đó, bạn cần lui tới nơi điều trị nha khoa để kiểm tra độ tương thích của trụ răng và mức độ lành của nướu.
- Khi trụ bám chắc chắn vào xương hàm, bạn sẽ được gắn mão sứ lên vị trí răng trống, qua các bước điều chỉnh bạn đã có một chiếc răng giả vững chãi để ăn nhai thoải mái.
Xem thêm: Chi phí nhổ răng sâu là bao nhiêu?
Trồng răng là phương pháp hiệu quả để bù đắp cho tình trạng mất răng, tuy nhiên chi phí điều trị thường rất cao và mất nhiều thời gian để thực hiện. Vì thế, chỉ trong tình huống bất đắc dĩ, sâu răng nghiêm trọng đến mức mất răng thì chúng ta mới nên cân nhắc trồng răng implant.
Lưu ý sau khi điều trị
Sau khi điều trị sâu răng nhất là đối với những người bị sâu răng lỗ to nghiêm trọng thì những cơn đau nhức, khó chịu dường như đã qua đi. Tuy nhiên, bạn không được chủ quan vì sâu răng luôn luôn có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Để duy trì hiệu quả điều trị sâu răng, bạn cần đọc một số lưu ý nhỏ sau đây và thực hiện ngay:
- Xây dựng thói quen vệ sinh răng miệng khoa học với các chú ý như đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng giàu Flourua.
- Chải răng sạch sẽ, đúng cách. Mỗi lần chải răng mất ít nhất 2 phút.
- Súc miệng bằng nước sát khuẩn thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn gây sâu răng.
- Xỉa răng bằng chỉ tăm nha khoađể lấy hết vụn thức ăn thừa ở các kẽ răng.
- Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường để bảo vệ men răng.
- Ăn nhiều thức ăn chứa các chất quan trọng như canxi, flourua…
- Uống nhiều nước để tránh khô miệng, hôi miệng.
- Khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần để kiểm soát sức khỏe răng miệng.
Hy vọng những thông tin mà Nha khoa Thúy Đức cung cấp trong bài viết liên quan đến tình trạng răng bị sâu lỗ to sẽ giải đáp được những quan tâm, thắc mắc của bạn về vấn đề răng miệng này.