Thay vì đánh số thứ tự, răng cối là cách gọi được nhiều bác sĩ sử dụng trong quá trình thăm khám và điều trị nha khoa. Vậy, răng cối là răng nào, có cấu tạo và chức năng thế nào? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Mục lục
Răng cối là răng nào?
Răng cối là cách gọi khác của răng hàm và những chiếc răng nằm phía trong cùng của hàm, được chia đều vào hai bên hàm trên và dưới. Mỗi bên hàm có 5 răng cối gồm 2 răng cối nhỏ và 3 răng cối lớn. Trong đó:
Răng cối nhỏ: Là răng số 4 và 5 trong hàm, đứng ngay phía sau răng nanh. Răng cối nhỏ còn được gọi là răng tiền cối hoặc răng tiền hàm. Đây là nhóm răng chuyển tiếp nên có cấu tạo và chức năng hỗn hợp.
Răng cối lớn: Là răng số 6,7 và 8 trên hàm. Trong đó, răng số 6 là răng vĩnh viễn đầu tiên trên hàm, thường mọc vào lúc khoảng 6 tuổi nên còn được gọi là “răng 6 tuổi”. Tương tự như vậy, răng cối lớn thứ 2 mọc vào lúc 12 tuổi, được gọi là “răng 12 tuổi” và răng cối lớn thứ 3 mọc vào khoảng 18 – 25 tuổi, được gọi là “răng khôn”.
Cấu tạo giải phẫu của răng cối
Hai nhóm răng cối lớn và răng cối nhỏ có sự khác biệt về hình thể và giải phẫu. Dưới đây là thông tin chi tiết:
Răng cối nhỏ
Mỗi người có 8 răng cối nhỏ, được chia đều vào 4 cung răng ở hai hàm. Những răng này mọc tương đối đồng đều, trong đó răng hàm cối nhỏ thứ nhất thường mọc lúc 9 tuổi và răng thứ hai mọc lúc 11 tuổi. Mỗi răng cối nhỏ có ít nhất một múi lớn hoặc 2 – 3 múi với mặt nhai nhỏ hơn răng cối lớn.
Răng cối nhỏ hàm trên và hàm dưới có những đặc điểm khác nhau, cụ thể:
Răng cối nhỏ hàm trên: Hai răng cối nhỏ hàm trên có kích thước và hình dáng tương đối giống nhau với hai múi lớn nhô cao. Nhìn từ mặt bên, răng cối nhỏ hàm trên hơi nghiêng nhẹ vào phía trong. Nhìn từ trên xuống, điểm lồi nhất của răng nằm ở vị trí 1/3 thân răng.
Răng cối nhỏ hàm dưới: Có sự khác biệt rõ rệt về hình dáng: răng cối nhỏ thứ nhất giống như một chiếc răng nanh trong khi răng cối nhỏ thứ hai lại giống một răng cối lớn thu nhỏ. Kích thước múi ngoài của răng lớn hơn múi trong rõ rệt. Nhìn từ bên, đường viền ngoài răng nghiêng hẳn vào bên trong. Điểm lồi tối đa của răng nằm ở vị trí 1/3, rãnh răng cong lồi vào trong.
Răng cối lớn
Răng cối lớn có mặt nhai lớn nhất trong hàm, cấu tạo gồm 3 – 5 múi răng và 2 – 3 chân lớn, vững chắc. Trong đó, răng khôn là răng có nhiều biến thể về giải phẫu nhất. Đặc điểm giải phẫu của răng cối có sự khác biệt giữa răng hàm trên và răng hàm dưới, cụ thể:
Răng cối lớn hàm trên: Thường có ba chân, gồm hai chân ngoài và một chân trong. Răng có ba múi lớn phía ngoài và một múi nhỏ hơn ở phía trong. Trong đó, múi răng ở gần bên trong và múi ở xa bên ngoài có gờ tam giác nối với nhau thành gờ chéo. Múi gần ngoài, xa ngoài và gần trong tạo thành mẫu tam giác ba múi. Múi gần ngoài lớn hơn múi xa ngoài, múi xa trong có kích thước rất nhỏ, hoặc không có.
Răng cối lớn hàm dưới: Thường có hai chân, một chân gần và một chân xa. Thân răng cấu tạo gồm 4 múi lớn và một múi nhỏ, kích thước gần xa lớn hơn kích thước ngoài trong. Kích thước của hai múi lớn phía trong tương đương nhau, các múi gần ngoài và xa ngoài cũng gần bằng nhau.
Các răng cối trên hàm đều là răng vĩnh viễn, không trải qua chu kỳ thay răng và không mọc mới khi răng cũ bị mất đi. Riêng răng cối lớn thứ 3 (răng khôn) có thể bị mọc lệch, mọc ngầm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi gặp tình trạng này, răng có thể bị nhổ bỏ. Chi phí nhổ răng khôn dao động từ 1.500.000 – 2.500.000 đồng/ răng tuỳ vào độ khó của từng trường hợp.
Vai trò của răng cối trên hàm
Răng cối là thành phần quan trọng của hệ thống nhai, tham gia trực tiếp vào quá trình nghiền nát, tiêu hoá thức ăn. Trong đó, các răng cối nhỏ kết hợp với răng nanh tham gia vào hoạt động cắn, xé thức ăn. Ngoài ra, răng cối nhỏ cũng hỗ trợ nhai và nghiền thức ăn cùng răng cối lớn.
Răng cối lớn là răng có mặt nhai lớn nhất trên hàm và có vị trí đối xứng với khớp thái dương hàm, thích hợp với cử động nhai. Do đó, chức năng chính của răng là nghiền nhỏ thức ăn. ngoài ra, răng cối lớn còn vai trò giữ kích thước dọc của tầng dưới mặt.
Bên cạnh chức năng ăn nhai, răng cối cũng góp phần hoàn thiện khả khả năng phát âm của một người. Việc thiếu răng sẽ tạo ra các khoảng trống trên hàm, khiến âm phát ra không tròn trịa hoặc bị ngọng. Cuối cùng, răng cối đầy đủ và chắc khỏe giúp bạn có nụ cười và khuôn mặt đẹp. Những người bị mất răng cối lâu ngày dẫn đến tiêu xương hàm có thể bị biến dạng mặt.
Những bệnh lý thường gặp ở răng cối
Răng cối đóng vai trò chính trong việc nghiền nhỏ thức ăn. Hoạt động này tạo ra tác động lực mạnh nên khiến các răng này có nguy cơ tổn thương cao hơn. Trong khi đó, răng cối lại nằm ở phía trong nên quá trình vệ sinh gặp nhiều khó khăn hơn nhóm răng cửa và răng nanh trên hàm. Những yếu tố này khiến răng cối thường gặp một số vấn đề như:
Sâu răng
Sâu răng là tình trạng men răng bị huỷ khoáng do sự phá huỷ của các acid của vi khuẩn trong mảng bám trên răng. Theo sự phát triển của ổ sâu răng, vi khuẩn tiến sâu vào trong thân răng, gây đau nhức và nhiễm trùng răng. Tình trạng này có thể xảy ra ở vị trí bất kỳ trên răng với các đặc điểm như:
- Xuất hiện lỗ hổng màu nâu, đen hoặc trắng trên bề mặt bất kỳ của răng.
- Có cảm giác ê buốt răng khi ăn đồ quá nóng, lạnh, đồ ngọt hoặc chua. Ê buốt biến mất sau khi ăn xong.
Sâu răng cối có thể xảy ra ở lứa tuổi bất kỳ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm trùng răng nghiêm trọng, dẫn đến phải nhổ bỏ. Mất răng không được phục hồi sẽ dẫn đến dịch chuyển các răng trên hàm, tiêu xương hàm, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
Tìm hiểu thêm:
Viêm nha chu
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu răng nghiêm trọng do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trên bề mặt răng và các túi xung quanh răng cối. Người bệnh có thể phát hiện tình trạng này qua các triệu chứng như:
- Nướu răng cối sưng, có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc tím.
- Ấn vào nướu thấy mềm, ấm nóng và có thể chảy máu chân răng.
- Khi đánh răng, xỉa răng hoặc khạc nhổ đờm thấy máu kèm theo.
- Miệng hôi dai dẳng.
- Chân răng yếu, có cảm giác lung lay và đau khi nhai.
- Nướu tụt làm lộ ra chân răng.
Viêm nha chu làm tổn thương cấu trúc hỗ trợ răng và xương hàm. Nếu không kịp thời điều trị, người bệnh có thể bị mất răng hoặc nhiễm trùng máu do vi khuẩn xâm nhập qua mô nướu tổn thương. Ngoài ra, viêm nha chu nghiêm trọng làm tăng nguy cơ về các bệnh lý hô hấp, viêm khớp dạng thấp, đột quỵ và đau tim. Vậy nên, người bệnh cần thăm khám và điều trị sớm khi có các dấu hiệu kể trên.
Tìm hiểu thêm: Viêm nha chu có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
Mòn răng
Mòn răng là tình trạng lớp men răng bị mỏng dần đi. Nguyên nhân gây mòn răng cối thường xảy ra do sự ma sát giữa hai hàm răng trong quá trình ăn nhai hoặc thói quen siết hàm, nghiến răng khi ngủ. Thông thường, mặt nhai của răng cối sẽ bị mòn trước, sau đó đến các núm răng dưới và núm răng trên.
Triệu chứng nhận biết tình trạng mòn răng gồm:
- Răng nhạy cảm thường bị đau, buốt khi tiếp xúc với đồ ăn nóng, lạnh, đồ ngọt.
- Màu răng thay đổi, chuyển sang ngà vàng là màu của lớp ngà răng.
- Hình dáng răng thay đổi, có thể bị sứt, mẻ, rỗ lỗ chỗ hoặc lõm như đáy chén.
Lớp men răng bị mài mòn khiến răng bị nhạy cảm, người bệnh khó chịu và giảm khả năng ăn nhai. Lúc này, hệ thống cơ nhai phải làm việc nhiều hơn để nghiền nát thức ăn, dẫn đến cơ nhai bị co thắt, khớp hàm tổn thương. Nghiêm trọng hơn, lớp ngà răng lộ ra ngoài có thể bị tổn thương bởi vi khuẩn và thực phẩm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải tình trạng răng chết tủy.
Tìm hiểu thêm: Cách xử lý khi răng sữa của bé bị mòn mặt nhai
Răng mọc lệch
Răng mọc lệch là tình trạng thường xảy ra ở răng cối lớn thứ 3 (răng khôn). Nguyên nhân chủ yếu là do xương hàm của nhỏ, không đủ không gian cho răng khôn mọc ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, răng khôn xuất hiện có thể gây chen lấn các răng khác trên hàm. Ngoài ra, răng mọc xiêu vẹo có thể gây tổn thương nướu và răng số 7.
Răng khôn khi mọc có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Lợi sưng đỏ, đau nhức.
- Má sưng.
- Cơ thể sốt, nổi hạch.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Ăn không ngon.
Khi có dấu hiệu mọc răng khôn, người bệnh cần đến cơ sở nha khoa để được thăm khám và chụp X – quang để biết răng có mọc lệch không. Trường hợp răng mọc lệch, mọc ngầm, bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ răng để loại bỏ triệu chứng khó chịu và bảo toàn răng số 7 (răng cối lớn thứ 2).
Có thể bạn muốn biết: Nhổ răng khôn mọc lệch 90 độ có phức tạp không?
Trên đây là một số thông tin tổng quan về răng cối. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích. Nếu bạn cần tư vấn kỹ hơn về tình trạng của mình, hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi hoặc liên hệ qua hotline: 093 186 3366.