Bạn đã bao giờ phải chịu đựng sự khó chịu và đau đớn do sưng mộng răng gây ra hay chưa? Tình trạng này là do nguyên nhân nào và có ảnh hưởng gì nghiêm trọng hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Mục lục
Sưng mộng răng là gì, có nguy hiểm không?
Sưng mộng răng chỉ tình trạng viêm nhiễm nặng tại vùng mô lợi, khiến lợi sưng phình to và có thể xuất hiện ổ mủ dưới chân lợi. Hiện tượng sưng mộng răng có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí khác nhau trên cung hàm, thường gặp hơn ở các khu vực lợi gần răng khôn.
Nguyên nhân gây sưng mộng răng
Vệ sinh răng miệng kém
Khi không loại bỏ triệt để vụn thức ăn và mảng bám, cao răng ngày càng tích tụ nên tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và gây viêm lợi, dẫn đến sưng mộng răng.
Do một số bệnh lý răng miệng
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây sưng mộng răng. Các bệnh lý như sâu răng nặng, viêm tủy, viêm nha chu có thể khiến chân răng bị viêm nhiễm và hình thành ổ sưng.
Mọc răng khôn
Răng khôn thường mọc vào độ tuổi từ 17 đến 25 tuổi và là răng cuối cùng xuất hiện trong cung hàm. Do mọc muộn và không gian trong cùng hàm rất hẹp nên răng khôn không có đủ chỗ trống để mọc lên, dẫn đến tình trạng mọc lệch, mọc ngầm.
Khi răng khôn mọc lệch hoặc mọc ngầm, nó có thể tạo áp lực lên lợi và các răng kế cận, gây đau và viêm lợi. Viêm lợi không được điều trị có thể dẫn đến sưng mộng răng. Bên cạnh đó, răng khôn ở sâu trong cùng hàm răng nên rất khó vệ sinh, dễ gây tích tụ mảng bám, vi khuẩn – đây cũng là nguyên nhân chính gây viêm lợi, viêm lợi trùm và sưng mộng răng.
Đọc thêm: Răng khôn mọc lệch 90 độ nhổ có khó không?
Thay đổi nội tiết tố
Phụ nữ mang thai, trong giai đoạn dậy thì hoặc mãn kinh có thể gặp tình trạng sưng mộng răng do sự thay đổi hormone.
Một số bệnh lý khác
Các bệnh lý như tiểu đường, HIV/AIDS, và thiếu máu cũng có thể là nguyên nhân gây sưng mộng răng:
- Tiểu đường: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, bởi vì lượng đường cao trong máu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển. Điều này có thể dẫn đến viêm lợi và các vấn đề răng miệng.
- HIV/AIDS: Người mắc bệnh HIV/AIDS có hệ thống miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các bệnh lợi răng. Viêm lợi và viêm nha chu có thể xuất hiện nhanh chóng và tiến triển nhanh hơn so với người không mắc HIV/AIDS.
- Thiếu máu: Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt hoặc vitamin B12 có thể làm giảm số lượng và chức năng của các tế bào máu, bao gồm cả tế bào miễn dịch. Điều này có thể làm giảm khả năng của cơ thể trong việc chống lại nhiễm trùng, bao gồm viêm lợi.
Sưng mộng răng có nguy hiểm không?
Trước hết, sưng mộng răng gây khó khăn trong việc ăn nhai, ảnh hưởng tới giấc ngủ và tâm lý của người bệnh. Về lâu dài, tình trạng này có thể tiến triển trầm trọng hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro như:
1. Viêm nhiễm lan rộng:
Sưng mộng răng có thể lan rộng sang các vùng mô xung quanh, gây viêm nhiễm lớn, dẫn đến viêm xương hàm, viêm mô mềm, thậm chí là viêm khớp.
2. Tạo ổ mủ:
Tình trạng viêm nhiễm có thể tạo ra ổ mủ, nếu không được dẫn lưu có thể phá hủy mô lợi và xương xung quanh răng.
3. Mất răng:
Viêm nhiễm kéo dài không chỉ gây đau đớn mà còn có thể làm tụt lợi, khiến chân răng lộ ra. Khi vi khuẩn từ viêm lợi lan xuống, chúng có thể phá hủy tổ chức nha chu – mô nâng đỡ răng. Đây là lý do khiến răng trở nên lung lay và có thể dẫn đến mất răng nếu không được điều trị kịp thời.
Mất răng không chỉ làm giảm chức năng ăn nhai, gây khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn mà còn có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày. Ngoài ra, mất răng còn ảnh hưởng đến khả năng phát âm và thẩm mỹ của khuôn mặt.
4. Ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể:
Vi khuẩn từ ổ viêm có thể xâm nhập vào máu, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Đối với phụ nữ mang thai, sưng mộng răng có thể làm tăng nguy cơ sinh non, thai nhi nhẹ cân hoặc dị tật bẩm sinh.
Những điều không nên làm khi bị sưng mộng răng
Ăn thức ăn cứng:
Các loại thức ăn cứng có thể làm tổn thương thêm vùng lợi khiến cho nhiễm trùng lan rộng và đau đớn hơn.
Ăn thức ăn cay nóng:
Thức ăn cay nóng nếu ăn thường xuyên có thể làm lở loét lợi, gây sưng và nhức.
Tự ý nặn mủ:
Nhiều người cho rằng mụn mủ không phải là vấn đề gì to tát nên dùng vật sắc nhọn để nặn mủ ở mộng răng. Đây là một cách làm hết sức sai lầm, nếu không điều trị đúng cách sẽ khiến vết thương bị nhiễm trùng, không giải quyết được tận gốc, mộng răng vẫn mọc lên nhiều lần.
Áp dụng các bài thuốc dân gian
Dân gian lưu truyền một số mẹo chữa đau răng, sưng lợi bằng cách đắp các loại lá hoặc ngâm rượu thuốc. Thực tế, những cách làm này không chỉ thiếu cơ sở khoa học mà còn có thể gây hại. Việc đắp lá hay ngâm rượu thuốc không được kiểm chứng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm. Các bài thuốc dân gian có thể chứa các chất gây kích ứng hoặc dị ứng, dẫn đến phản ứng phụ không mong muốn.
Chúng tôi khuyên bạn nên đến các phòng khám nha khoa uy tín hoặc bệnh viện để được bác sĩ chuyên môn điều trị triệt để, an toàn hơn
Điều trị sưng mộng răng
Nguyên tắc điều trị sưng mộng răng là giảm đau, chống nhiễm trùng, dẫn lưu mủ, các phương pháp điều trị bao gồm điều trị chống viêm toàn thân, điều trị triệu chứng tại chỗ và điều trị phẫu thuật. Trước tiên, bệnh nhân phải loại bỏ các yếu tố kích thích tại chỗ như vôi răng và mảng bám, dùng thuốc kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng, sau khi hình thành áp xe phải chọc thủng và dẫn lưu, nếu cần thiết sẽ tiến hành cắt bỏ áp xe. Sau đây là những phương pháp điều trị cụ thể cho căn bệnh này.
1. Loại bỏ các yếu tố kích thích tại chỗ
Trước tiên, bác sĩ loại bỏ các yếu tố kích thích tại chỗ như vôi răng và mảng bám.
Xem thêm: Lấy cao răng xong nên kiêng gì?
2. Điều trị bằng thuốc
Trong giai đoạn đầu có thể dùng viên nang amoxicillin, viên metronidazole và các loại thuốc khác để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời dùng hỗn hợp súc miệng chlorhexidine để súc miệng, giữ cho miệng sạch sẽ, vệ sinh.
- Sưng mộng răng thường là do nhiễm khuẩn, bệnh nhân cần dùng thuốc kháng khuẩn để điều trị toàn thân, các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm metronidazole, amoxicillin, cephalosporin, v.v., có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn có hại, làm giảm hiện tượng nha chu tràn và mủ. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, có thể cần đến việc truyền thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
- Bệnh nhân có thể dùng dung dịch chlorhexidine hoặc dung dịch hydrogen peroxide để súc miệng, có thể làm giảm số lượng vi khuẩn có hại và ức chế sự tích tụ mảng bám răng. Bệnh nhân cũng có thể thoa iodine hoặc glycerin iodine lên khu vực bị viêm để kháng khuẩn, giảm đau và co mạch.
3. Điều trị bằng phẫu thuật
Đối với áp xe lợi cấp tính, không nên mở lỗ dẫn lưu quá sớm để tránh chảy máu và đau đớn.
Khi mủ đã hình thành, tùy thuộc vào vị trí và độ dày của niêm mạc, bác sĩ sẽ chọn lọc phương pháp dẫn lưu, có thể là chọc lỗ hoặc rạch để loại bỏ mủ và rửa sạch bằng nước muối sinh lý.
Lưu ý: Nhưng sau khi khỏi bệnh vẫn còn tùy vào nguyên nhân gây ra sưng mộng răng (thường là do bệnh nha chu, viêm lợi) để có biện pháp điều trị tương ứng để ngăn ngừa bệnh tái phát.