Bệnh sâu răng là vấn đề răng miệng phổ biến rất nhiều người gặp phải. Sâu răng không chỉ tổn hại đến sức khỏe răng miệng, nguy cơ gây mất, hỏng răng mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ ngoại hình và chức năng ăn nhai. Để xử lý răng bị sâu, trám răng là phương pháp mang lại hiệu quả bảo vệ răng tốt và thời gian thực hiện nhanh chóng. Bên cạnh đó có nhiều người thắc mắc, sau khi trám răng rồi có bị sâu lại không? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc này.
Tìm hiểu về kỹ thuật trám răng
Trám răng là một kỹ thuật nha khoa cơ bản mà hầu hết mọi bệnh viện, phòng khám nha khoa đều thực hiện. Quy trình thực hiện trám răng gồm các bước như sau:
Bước 1: Khám tổng quát tình trạng răng miệng
Bước đầu tiên khi bạn đến kiểm tra nha khoa tại bất kỳ cơ sở nào, bác sĩ nha khoa sẽ thăm khám tổng quan tình hình răng miệng hiện tại. Công đoạn này giúp bác sĩ xác định được mức độ sâu răng của bệnh nhân, bạn có thể sẽ được chụp X – Quang để kiểm tra xem răng có bị sâu tới tủy hay không? Từ đó sẽ đưa ra những kết luận về mức độ sâu răng và tư vấn cho bệnh nhân giải pháp xử lý.
Bước 2:Chuẩn bị xoang trám
Nếu bệnh nhân chấp nhận điều trị trám răng, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh răng miệng, sát khuẩn vị trí răng sâu, gây tê nếu cần thiết và thực hiện nạo vét các mô răng đã bị sâu. Dùng mũi khoan để tạo hình xoang trám, bước này cũng giúp tăng độ nhám bề mặt cho vật liệu trám răng bám dính tốt.
Bước 3: Chọn vật liệu trám phù hợp
Bác sĩ nha khoa sẽ chọn lựa vật liệu trám tương thích với màu răng của bệnh nhân để đảm bảo tính thẩm mỹ.
Bước 4: Trám răng
Nếu bờ xoang trám nằm sâu dưới nướu hay lỗ trám răng quá lớn sẽ cần đặt khuôn trám hoặc dùng chỉ co nướu trước khi đặt vật liệu trám răng vào. Sau khi trám đầy vật liệu trám dạng lỏng vào lỗ răng sâu, nha sĩ sẽ chiếu laser để làm đông cứng vật liệu lại.
Bước 5: Chỉnh sửa vết trám
Cuối cùng, bác sĩ nha khoa sẽ kiểm tra lại vết trám, điều chỉnh khớp cắn sao cho bệnh nhân k còn cảm thấy vướng cộm sau khi trám răng.
Tìm hiểu: Chi phí hàn trám răng sâu là bao nhiêu tiền?
Trám răng rồi có bị sâu lại không và nguyên nhân?
Như vậy, qua quy trình các bước trám răng có thể thấy tại thời điểm thực hiện trám răng vết răng sâu đã được xử lý kỹ các mô răng bị sâu và loại bỏ vi khuẩn gây sâu răng. Lỗ sâu răng được trám đầy giúp ngăn ngừa vi khuẩn tiếp tục xâm nhập và bào mòn răng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa răng chiếc răng đã trám sẽ không bao giờ bị sâu trở lại. Răng đã trám vẫn có thể bị sâu lại do các nguyên nhân sau đây:
Trám răng rồi và bị sâu lại là điều không ai mong muốn những vẫn có xác suất xảy ra phần lớn do lỗi kỹ thuật trong quá trình trám răng hoặc do cách chăm sóc răng miệng sau khi trá, cụ thể như sau:
Do kỹ thuật trám răng
Chưa nạo vét hết các mô răng bị sâu: Bước vệ sinh lỗ sâu răng và nạo vét hết các mô răng bị sâu là công đoạn quan trọng trong quá trình hàn răng. Nếu như tại bước này người thực hiện chưa loại bỏ được hết vi khuẩn gây sâu răng trước khi bịt kín lỗ sâu bằng vật liệu trám răng thì vi khuẩn còn sót lại sẽ tiếp tục phát triển làm răng sâu lại.
Trám răng chưa hết, vết trám bị hở: Nếu như công đoạn trám vật liệu vào lỗ sâu răng xảy ra lỗi kỹ thuật khiến cho lỗ sâu chưa được lấp kín thì sau này, vi khuẩn sẽ tiếp tục xâm nhập vào lỗ sâu răng cũ và khiến cho răng bị sâu trở lại.
Như vậy để hạn chế tình trạng răng bị sâu lại do kỹ thuật, tay nghề của người thực hiện không tốt, bạn cần tìm hiểu thật kỹ nơi mà mình dự định khám và trám răng. Hãy lựa chọn những trung tâm điều trị nha khoa có uy tín, tên tuổi với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên tay nghề, kinh nghiệm dày dặn. Cùng với đó cũng nên quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ nha khoa có đảm bảo chất lượng hay không?
Do thói quen chăm sóc răng miệng
Thói quen chăm sóc răng miệng không tốt là một nguyên nhân chủ yếu khiến cho răng đã trám rồi bị sâu trở lại. Nói về thói quen chăm sóc răng miệng thì đây là một phạm trù rộng bao gồm những việc cần làm sau:
– Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng tưởng chừng là một việc rất đơn giản nhưng thực tế không phải ai cũng đang thực hiện đúng chuẩn. Theo các chỉ dẫn nha khoa từ các chuyên gia, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khoa học sẽ bao gồm những lưu ý sau:
Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và chải răng đúng kỹ thuật. Chải răng đúng cách cần đảm bảo các bề mặt, khe kẽ răng đều được làm sạch. Thời gian chải răng kéo dài ít nhất 2 phút.
Thay mới bàn chải sau 3 tháng sử dụng, chọn loại bàn chải lông mềm và nên dùng bàn chải điện nếu có điều kiện.
Sau mỗi bữa ăn nên làm sạch răng bằng chỉ nha khoa để loại bỏ hết thức ăn thừa còn sót lại, chỉ nha khoa an toàn và vệ sinh đối với nướu, răng.
Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn nhiều lần trong ngày để loại bỏ vi khuẩn, chống sâu răng và ngừa hôi miệng.
– Ăn uống không khoa học
Hầu hết các trường hợp sâu răng trở lại sau khi trám đều xuất phát từ nguyên nhân ăn uống kết hợp với vệ sinh răng miệng kém.
Răng miệng là nơi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn nên có những loại thực phẩm chứa những chất có nguy cơ tổn hại men răng như đường, axit… thì chúng ta nên hạn chế, ăn ít đi một chút để ngừa sâu răng trở lại. Ví dụ như kẹo, bánh ngọt và có độ dính cao, nho khô, sôcôla, nước ngọt, nước cốt chanh, đồ muối chua…
Những chất dễ gây khô miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn sâu răng phát triển như thuốc lá, rượu bia, cà phê chúng ta cũng nên giảm lượng tiêu thụ.
Tránh ăn đồ ăn quá cứng bởi chúng cũng có thể gây sứt ,mẻ, vỡ ngà răng, bong vết trám khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong gây sâu răng.
Nên ăn nhiều thực phẩm bổ sung canxi và các khoáng chất có lợi cho men răng, giúp củng cố men răng chắc khỏe ngăn ngừa sâu răng, các thực phẩm đó có thể là trứng gà. sữa tươi, sữa chua, hải sản, các loại hạt, rau xanh, trái cây tươi…
Đọc thêm: Cách giữ cho miếng trám răng không bị ố vàng
– Thăm khám nha khoa định kỳ
Nếu không khám nha khoa thường xuyên, có thể bạn sẽ không nhận ra các dấu hiệu chiếc răng đã trám đang bị sâu trở lại. Bạn cần chủ động kiểm soát sức khỏe răng miệng bằng cách thăm khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Tại các buổi thăm khám này bác sĩ nha khoa sẽ cho biết tình trạng răng miệng hiện tại của bạn có cần can thiệp, điều trị gì không? vệ sinh răng bằng cách lấy cao răng và hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng khoa học.
Cách khắc phục trám răng rồi bị sâu lại
Trong trường hợp trám răng rồi bị sâu lại, bạn cần đi kiểm tra nha khoa ngay để xử lý sớm, tránh để sâu răng trở nên nghiêm trọng. Đối với các ca răng bị sâu trở lại sau khi trám, nha sĩ sẽ thực hiện trám răng lại lần nữa hoặc bọc sứ để bảo vệ răng tốt nhất.
Hàn trám răng lần nữa: Trong lần trám lại này có thể bác sĩ nha khoa sẽ bóc tách vật liệu trám lần trước, làm sạch kỹ càng các vị trí sâu răng và thực hiện trám răng lại theo đúng quy trình.
Bọc răng sứ là kỹ thuật nha khoa mang lại hiệu quả to lớn trong việc bảo tồn răng đã bị sâu. Thực hiện kỹ thuật này, răng gốc của bạn sau khi được xử lý các mô sâu răng sẽ cần được mài nhỏ để khi lắp mão sứ được vừa khít, không kênh cộm.
Nói chung, việc sâu răng tái phát sau khi đã trám răng là vấn đề gây tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức để xử lý lại. Vì thế, để tránh rơi vào trường hợp này, bạn cần cẩn thận trong khâu lựa chọn địa chỉ trám răng cũng như thực hiện nghiêm chỉnh những hướng dẫn chăm sóc răng miệng từ bác sĩ sau khi được trám răng, Chúc bạn có một sức khỏe răng miệng tuyệt vời.
Câu hỏi tiếp: Trám răng rồi có chỉnh nha được không?