Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em là tình trạng hai hàm răng siết chặt quá mức trong vô thức khi trẻ đang ngủ. Trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 3 – 10 tuổi là đối tượng dễ mắc tật nghiến răng khi ngủ. Vậy nguyên nhân khiến trẻ bị nghiến răng khi ngủ là gì? Những ảnh hưởng khi trẻ bị nghiến răng khi ngủ và giải pháp điều trị tình trạng này là gì? Ba mẹ quan tâm hãy theo dõi các giải đáp từ chuyên gia trong bài viết sau đây.
Mục lục
Tại sao trẻ nghiến răng khi ngủ?
Nghiến răng là sự co thắt vô thức của các cơ nhai, khi trẻ nghiến răng trong giấc ngủ thì hai hàm răng thường bị xiết chặt, nghiến vào nhau tạo ra ra âm thanh ken két hoặc lách cách. Mỗi cơn nghiến răng của trẻ thường kéo dài khoảng 5 – 10 giây, số lần nghiến răng có thể chỉ 3, 4 lần hoặc nhiều tới 20 – 30 lần mỗi đêm. Khi trẻ bị nghiến răng trong giấc ngủ sẽ đi kèm với tình trạng trẻ thở nông và chậm lại, một số trường hợp bị ngưng thở ngắn khi ngủ.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ là rối loạn cử động của hệ thống cơ nhai bao gồm cơ cắn, cơ thái dương, cơ chân bướm trong, cơ chân bướm ngoài. Trong đó, dây thần kinh điều khiển hoạt động của cơ nhai là các dây thần kinh số 4, 7. 12.
Vậy tại sao chức năng của các cơ nhai bị rối loạn? Hãy cùng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ gián tiếp dẫn tới tình trạng nghiến răng khi ngủ sau đây:
- Các rối loạn thần kinh gây ra các kích thích đối với thần kinh điều khiển chuyển động cơ xương hàm dẫn đến tình trạng nghiến răng trong giấc ngủ. Các bệnh rối loạn thần kinh thường gặp phải ở những trẻ chấn thương, ngạt khí khi sinh, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, trẻ bị tổn thương não bộ trước sinh…
- Bệnh lý tâm thần như tự kỷ, tăng động, rối loạn lo âu, chứng động kinh có thể khiến các cơ nhai hoạt động không tự chủ gây chứng nghiến răng.
- Bệnh khớp thái dương hàm (TMJ) là nguy cơ phổ biến gây nghiến răng khi ngủ.
- Do các vấn đề răng miệng như sai khớp cắn, xương hàm phát triển bất thường, trẻ đang đeo niềng răng.
- Bệnh lý hô hấp như nghẹt mũi, viêm xoang, viêm VA … thường ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, gây rối loạn giấc ngủ và hành vi hoặc kích thích cơ nhai dẫn tới phản xạ nghiến răng.
- Các thói quen xấu của bé như mút tay, nhai kẹo cao su có thể khiến tăng trương lực cơ nhai và tăng nguy cơ bị nghiến răng.
- Trẻ bị rối loạn cảm xúc mạnh mẽ hoặc bị căng thẳng, lo lắng kéo dài như xung đột với bạn cùng trang lứa, bố mẹ ly hôn, thay đổi môi trường sống… Khi thần kinh căng thẳng, sẽ dẫn tới tăng trương lực cơ khiến trẻ bị nghiến răng.
- Một số trẻ đang dùng thuốc điều trị các vấn đề về tâm thần có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc là tình trạng nghiến răng khi ngủ.
Phát hiện trẻ nghiến răng khi ngủ như thế nào?
Các dấu hiệu trẻ bị nghiến răng khi ngủ có đôi khi không rõ rệt, bố mẹ cần quan sát kỹ các biểu hiện khi bé ngủ. Ngoài dấu hiệu chuyển động hàm và tiếng kêu kèn kẹt khi bé nghiến răng, bố mẹ hãy kiểm tra các tình trạng sau
- trẻ bị đau cơ hàm và có dấu hiệu phì đại cơ hàm khiến gương mặt sưng, hàm dưới vuông.
- biểu hiện mài mòn răng nanh, răng hàm, nứt răng, sứt mẻ và đau răng.
- đau khớp thái dương hàm, khi hàm chuyển động bé cảm thấy có tiếng kêu.
- vết răng trên lưỡi là dấu hiệu bé nghiến chặt răng lâu.
- áp lực của quá trình nghiến răng tác động lên nướu răng gây chảy máu.
- trẻ bị căng đầu, đau đầu, cảm giác ngứa ran ở vùng đầu và cổ.
- trẻ giảm cảm giác thèm ăn, tâm lý cáu kỉnh, hung dữ, mệt mỏi, thờ ơ.
Trẻ nghiến răng khi ngủ có ảnh hưởng gì không?
Nghiến răng khi ngủ không phải là một bệnh lý và cũng không gây ra các nguy hiểm cấp bách. Trẻ em bị nghiến răng khi ngủ thường phổ biến ở độ tuổi 3 -12 và càng lớn trẻ sẽ dần tự bỏ thói quen này. Tuy nhiên, nếu chứng nghiến răng của bé kéo dài rất có thể sẽ dẫn tới một số vấn đề răng miệng và sức khỏe tổng thể. Sau đây là những ảnh hưởng tiêu cực mà chứng nghiến răng có thể gây ra cho trẻ nhỏ.
Tổn hại men răng và khiến răng trở nên nhạy cảm hơn do sự chà xát giữa bề mặt tiếp xúc của hai hàm răng, bé sẽ dễ bị ê buốt răng khi ăn uống đồ lạnh như kem, đá…
Tăng nguy cơ nứt răng, sứt mẻ, vỡ răng khi răng phải chịu áp lực của quá trình nghiến răng. Từ đó vi khuẩn sẽ dễ dàng tấn công vào sâu bên trong răng gây sâu răng, viêm tủy, viêm nha chu…
Nghiến răng khi ngủ lâu dài dễ gây sai khớp cắn do các nguyên nhân như mất răng sớm, nghiến răng làm giảm chiều cao thân răng… Sai khớp cắn sẽ ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai, tăng áp lực lên khớp thái dương hàm gây đau đầu, ù tai… cũng như ảnh hưởng tới thẩm mỹ khuôn mặt.
Răng bị lỏng lẻo, lung lay khi chịu lực nghiến răng mạnh và nếu răng của trẻ đang ở giai đoạn răng sữa sẽ dễ bị mất răng sữa sớm.
Trẻ bị nghiến răng khi ngủ, đặc biệt có những khoảng ngưng thở khi ngủ sẽ dẫn tới suy giảm chất lượng giấc ngủ, trẻ dễ mệt mỏi, thiếu tập trung và có thể gặp các vấn đề tim mạch, hô hấp.
Nếu bạn nhận thấy con của mình có các dấu hiệu nghiến răng khi ngủ và cảm thấy lo lắng, hãy cho bé đi khám với bác sĩ nha khoa. Bằng các kỹ thuật chẩn đoán lâm sàng và các kỹ thuật đánh giá khác, đôi khi phải có sự tham gia của các bác sĩ tai mũi họng, thần kinh, nhà trị liệu tâm lý… để có được kết luận và phác đồ điều trị.
Chẩn đoán tình trạng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em
Trong quá trình chẩn đoán chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em, bác sĩ sẽ căn cứ vào lời kể của cha mẹ hoặc người thân để biết được bệnh sử, các yếu tố môi trường, cảm xúc của trẻ… Bác sĩ tiến hành các kiểm tra lâm sàng, xem xét tổng quan tình hình răng miệng, khớp cắn, mức độ mòn men răng do tình trạng nghiến răng gây ra.
Để có những đánh giá chính xác hơn về nguyên nhân gây nghiến răng, có thể bác sĩ cần tới những kết quả kiểm tra bổ sung từ các phương pháp như điện não đồ, điện cơ đồ, các xét nghiệm máu, vi chất… tùy từng trường hợp.
Điều trị nghiến răng khi ngủ ở trẻ em
Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân gây ra hội chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em, các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị tương ứng nhằm loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Các phương pháp điều trị nghiến răng khi ngủ thường dùng liệu pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu, điều chỉnh trạng thái cảm xúc và các phương pháp nha khoa.
Dùng thuốc điều trị bệnh lý nguyên nhân
Không có thuốc điều trị nghiến răng khi ngủ bởi nó không phải là một loại bệnh cụ thể. Thuốc điều trị nghiến răng khi ngủ thường là thuốc ổn định thần kinh, giảm kích thích và bình thường hóa giấc ngủ như thuốc an thần, thuốc ngủ, vitamin B, magie, canxi…
Điều trị các bệnh lý hô hấp là nguyên nhân gây nghiến răng khi ngủ như viêm VA gây bít tắc đường thở, giúp trẻ có được giấc ngủ ngon, giảm các rối loạn, kích thích thần kinh.
Vật lý trị liệu
Giảm tình trạng trương lực cơ gây nghiến răng bằng biện pháp massage, chườm ấm, bơi lội. Những phương pháp này giúp giãn cơ hàm, giảm nhức mỏi cơ, đau đầu, cổ do nghiến răng gây ra. Nếu như cần thiết, bạn có thể tìm đến các cơ sở điều trị vật lý trị liệu để được chăm sóc, chữa trị.
Điều trị tâm lý, cảm xúc
Chăm sóc tâm lý là phương pháp cần thiết trong trường hợp trẻ bị nghiến răng nhiều do ảnh hưởng của rối loạn tâm thần, cảm xúc. Việc điều trị này cần đến các chuyên gia tâm lý trẻ em chứ không phải bác sĩ nha khoa.
Một số khuyến nghị và hướng dẫn chăm sóc tâm lý của trẻ sẽ được gửi đến cha mẹ như quan tâm cảm xúc, xây dựng các mối quan hệ bạn bè, gia đình của trẻ. Sắp xếp lịch sinh hoạt, giải trí phù hợp cho bé, tránh các kích thích khiến căng thẳng thần kinh trước giờ đi ngủ…
Chuyên gia sẽ có các kỹ thuật điều trị chuyên biệt như trị liệu nghệ thuật, trị liệu bằng cát, trị liệu bằng hà mã, trị liệu bằng chuyển động khiêu vũ, v.v để giúp đỡ trẻ vượt qua những khủng hoảng tâm lý.
Điều trị nha khoa
Điều trị nha khoa không chỉ hướng đến giải quyết nguyên nhân gây nghiến răng khi ngủ mà còn xử lý hậu quả của nó. Cụ thể
Đeo miếng chống nghiến răng để hạn chế tình trạng mài mòn men răng. Miếng bảo vệ này được làm từ chất liệu an toàn cho răng miệng trẻ nhỏ dùng để đeo vào ban đêm. Miếng bảo vệ răng này có thể được làm sẵn hoặc đặt làm tại các cơ sở nha khoa, thích hợp sử dụng cho trẻ trên 10 tuổi.
Khi răng có dấu hiệu bị mòn men răng, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng với mức độ tổn thương của men răng như fluoride hóa và tái khoáng hóa, trám composite, điều trị sâu răng khi cần thiết.
Trẻ em bị nghiến răng do sai khớp cắn sẽ được điều trị chỉnh nha bằng cách sử dụng những khí cụ nha khoa chuyên dụng. Điều chỉnh khớp cắn ở giai đoạn trẻ còn nhỏ, hàm vẫn đang phát triển sẽ mang lại hiệu quả cao.
Hỏi đáp:
- Chữa nghiến răng bằng đậu đen – có tin được không?
- Có mẹo chữa nghiến răng tại nhà nào hiệu quả không?
Lời khuyên với cha mẹ để ngăn ngừa chứng nghiến răng khi ngủ ở trẻ em
Tạo cho con bạn một môi trường sống dễ chịu, bầu không khí thoải mái, an toàn và tin cậy khi ở nhà.
Dạy con cách quản lý cảm xúc, đối phó với những căng thẳng. Chơi với bé nhiều hơn, cho bé giao tiếp với con người, động vật, dạy bé vẽ ra một vấn đề, suy nghĩ của bé.
Tạo lịch sinh hoạt, giờ ăn, giờ ngủ phù hợp với độ tuổi để bé có giấc ngủ ngon, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi.
Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh, giảm các rối loạn, suy nhược thần kinh.
Nghiến răng khi ngủ ở trẻ em có thể kéo dài tới tuổi trưởng thành và gây ra nhiều hậu quả với sức khỏe của bé. Chính vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của chứng nghiến răng khi ngủ, bạn đừng chần chừ cho bé đi khám bác sĩ để điều trị sớm.