“Trăm năm trong cõi người ta. Đêm ngày đau nhức ấy là răng khôn”. Mọc răng khôn, nhất là răng khôn hàm dưới khiến bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu, ăn không ngon ngủ không yên. Muốn giải quyết sớm nhưng trong lòng vẫn có chút băn khoăn, lo lắng. Dưới đây bác sĩ sẽ phân tích triệu chứng mọc răng khôn hàm dưới điển hình nhất, đồng thời chỉ ra những trường hợp nên nhổ răng khôn ngay và luôn nhé.
Mục lục
1. Răng khôn bắt đầu mọc khi nào?
Răng khôn hay răng số 8 là tên gọi dành cho những chiếc răng mọc cuối cùng, nằm sâu trong góc hàm. Về bản chất, răng khôn không có ý nghĩa về chức năng ăn nhai khi vị trí mọc quá sâu. Ngoài ra con người tiến hóa với hàm đủ 28 cái đã đủ phục vụ cho nhu cầu ăn uống hằng ngày. Số lượng răng khôn ở mỗi người là khác nhau, có người may mắn không có cái nào, nhưng có người lại mọc đủ cả 4 chiếc.
Răng khôn thường mọc trong độ tuổi từ 18- 25 tuổi hoặc sẽ muộn hơn một chút. Khi đã trưởng thành, diện tích hàm của bạn đã hoàn thiện, răng khôn mọc sau không có đủ chỗ để chúng phát triển như bình thường. Vậy nên đa số răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, thậm chí đẩy vị trí của các răng khác dẫn đến xô lệch cả hàm.
Đặc biệt răng khôn hàm dưới mọc lên từng chút một rất khó chịu đi kèm với những cơn đau, sốt nhẹ,… có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của người bệnh. Dưới đây là các triệu chứng mọc răng khôn hàm dưới điển hình mà hầu hết mọi người đều trải qua nhé.
Hỏi đáp: Răng khôn có mấy chân?
2. Triệu chứng mọc răng khôn hàm dưới
Đau nhức
Khi mọc răng khôn, chúng đâm vào nướu gây đau nhức trong vài ngày hoặc có khi kéo dài cả tuần. Cảm giác đau từ âm ỉ đến dữ dội. Có thể đau ở một hoặc cả hai bên miệng hàm dưới. Thậm chí nó còn lan ra quanh hàm, nhất là khi cả hai răng khôn cùng mọc một lúc.
Răng số 8 sẽ không mọc hết ngay mà mỗi lúc sẽ “nhú” lên một chút. Do vậy những cơn đau này còn kéo dài theo thời gian với tần suất 2- 3 tháng/lần. Người nào may mắn mọc chậm hơn thì khoảng 1 năm/lần nhưng thường rất ít. Nhìn chung, cảm giác đau nhức và khó chịu này do một số nguyên nhân:
– Răng khôn không có đủ chỗ mọc lên
Như đã chia sẻ một phần ở trên, vì mọc sau cùng khi các răng khác đã “yên vị” nên răng khôn không có đủ không gian để phát triển. Nó phải chen chúc, tác động liên tục tới các răng lân cận gây đau đớn quanh vị trí mọc răng khôn.
– Bị nhiễm trùng
Khi răng khôn vừa mới nhú lên một phần, vi khuẩn có thể xâm nhập vào dưới nướu gây nhiễm trùng và sưng, đau.
– U nang
Răng khôn mọc ngầm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hình thành u nang. Về lâu dài có thể phá hủy các răng khỏe mạnh khác và xương hàm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau nhức khi mọc răng khôn làm cho người bệnh khó chịu, không thể ăn uống bình thường, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần nghiêm trọng.
Sưng nướu
Một dấu hiệu điển hình khác khi mọc răng khôn hàm dưới là bị sưng nướu hay kích ứng quanh nướu. Phần nướu của bạn có thể bị đỏ, sưng trong những đợt răng khôn mọc lên. Nó ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, khiến người bệnh dễ cắn vào má, vào lưỡi khi nhai hoặc nói chuyện.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm trùng nướu dễ xảy ra khi răng khôn mọc bất thường. Một phần của chiếc răng số 8 đã mọc xuyên qua nướu trong khi phần còn lại vẫn bị nướu che phủ. Lúc này, vụn thức ăn, vi khuẩn đang “trú ẩn” ở mép nướu và gây nhiễm trùng nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ.
Sưng má
Đi kèm với tình trạng sưng nướu, bạn có thể bị sưng má khi mọc răng khôn hàm dưới. Má sưng to hơn bình thường, bên trong bị đau, trầy xước, chảy máu xảy ra khi răng số 8 mọc lệch hướng.
Hàm nặng nề cử động khó khăn
Răng khôn mọc lên sẽ ảnh hưởng đến cả những chiếc răng lân cận. Sau đó tình trạng đau nhức, sưng nướu xảy ra làm cho hàm cũng trở nên nặng nề. Bạn thấy khó khăn trong quá trình ăn uống, vận động, giao tiếp với người khác.
Bị sốt, nhức đầu
Triệu chứng mọc răng khôn hàm dưới còn đi kèm với bị sốt, nhức đầu. Nguyên nhân là do khi mọc răng khôn, nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn bình thường. Cảm giác khó chịu, đau đầu cũng khiến thân nhiệt nóng lên. Tuy nhiên, mọi người không cần quá lo lắng vì cơn sốt này thường nhẹ và không kéo dài.
Tìm hiểu : các câu thần chú mọc răng không sốt
Chán ăn, ăn không ngon miệng
Răng khôn hàm dưới mọc lên làm cho nhiều người cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng. Nguyên nhân một phần do khi nuốt nước bọt, bạn cảm thấy đau, cơ thể khó chịu, bị sốt. Một phần khác do miệng không thể nhai được. Khi thức ăn vô tình đụng đến phần lợi chuẩn bị mọc răng khôn lại thấy đau nhiều, khó cảm nhận mùi vị của thức ăn.
Hơi thở có mùi hôi
Trong quá trình răng khôn mọc lên, bạn còn thấy hơi thở có mùi hôi khó chịu. Điều này do thức ăn dễ bị mắc kẹt vào khoảng trống xung quanh răng khôn. Ngoài ra, vị trí của răng khôn rất khó để vệ sinh sạch sẽ. Những điều này tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong khoang miệng, gây ra tình trạng hôi miệng.
Xuất hiện mủ
Một triệu chứng mọc răng khôn hàm dưới bạn cần lưu ý là thấy mủ chảy ra ở nướu. Dấu hiệu này cảnh báo răng khôn đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Bạn cần đến địa chỉ nha khoa uy tín để được điều trị sớm nhất.
Các dấu hiệu khác
Ngoài những dấu hiệu mọc răng khôn hàm dưới đã kể trên, mọi người có thể gặp một số triệu chứng khác cũng rất khó chịu như đau mắt, đau tai, đau xoang, nghẹt mũi,…
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị Răng khôn bị lợi trùm
3. Mọc răng khôn có phải nhổ không?
Mọc răng khôn có phải nhổ không là băn khoăn của nhiều người, nhất là khi tình trạng này kéo dài và gây ra những cơn đau khó chịu. Đa số các răng khôn đều mọc ở vị trí không thuận lợi khi xương hàm đã hết chỗ như mọc lệch, mọc ngầm, mọc xiên,… Kể cả khi chúng đã mọc ra, nhưng vì nằm ở nơi quá sâu nên việc vệ sinh răng miệng gặp khó khăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Từ đó dẫn tới bệnh sâu răng, viêm nướu nên nhổ răng khôn là cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp răng khôn đều phải nhổ.
Các trường hợp cần nhổ răng khôn sớm
– Răng khôn mọc lệch, xô vào răng bên cạnh gây tình trạng đau, nhiễm trùng lặp lại nhiều lần, ảnh hưởng đến cả hàm.
– Răng khôn mọc với răng bên cạnh có khe bị mắc thức ăn dễ khiến vụn thức ăn, vi khuẩn tích tụ, tương lai sẽ gây ảnh hưởng nên nhổ bỏ sớm để ngăn ngừa.
– Răng khôn mọc ngầm, mọc xiên hoặc mọc xoay đủ hướng khác.
– Răng khôn có bệnh sâu răng hoặc bệnh nha chu.
– Răng khôn mọc thẳng, không bị xương nướu cản trở nhưng không có răng đối diện khiến răng trồi dài, đau đớn cho nướu hoặc dễ gây nhồi nhét thức ăn.
– Răng khôn gây ra nhiều bệnh lý toàn thân khác.
Xem thêm:Tất tần tật kinh nghiệm nhổ răng khôn ai cũng cần biết
Các trường hợp không cần nhổ răng khôn
– Răng mọc thẳng bình thường, không gây đau đớn, không gây ra biến chứng nguy hiểm.
– Bệnh nhân mắc các bệnh lý như rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường, tim mạch,…
– Răng khôn liên quan đến một số cấu trúc quan trọng khác như dây thần kinh, xoang hàm,…
– Phụ nữ đang mang thai không nên nhổ răng khôn vào thời điểm này. Bạn có thể chờ sinh xong khi cơ thể khỏe mạnh thì hãy nhổ.
Các trường hợp bệnh nhân không cần thiết hoặc không thể nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng cẩn thận để hạn chế tối đa biến chứng.
Khi muốn nhổ răng, bạn cần tìm địa chỉ nha khoa uy tín, bác sĩ có trình độ, tay nghề cao và chụp X-quang đầy đủ. Đặc biệt các trường hợp răng nằm ngang, mọc nghiêng hay mọc ngược thì nhổ răng khôn sẽ phức tạp và nguy hiểm hơn.
Xem thêm: Có nên nhổ răng khôn hàm trên không?
4. Cách chăm sóc sau khi nhổ răng khôn
Chăm sóc sau khi nhổ răng khôn đúng cách sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng đau nhức, vết thương nhanh lành và phòng tránh tối đa các biến chứng.
Cách giảm sưng đau
Bạn cắn gạc tại chỗ trong khoảng 30 phút sau khi nhổ răng. Khi thuốc tê tan, bạn có cảm giác đau nhẹ trong khoảng 1- 2 ngày đầu. Má cũng có thể sưng lên. Lúc này, hãy chườm ngay túi nước đá giúp giảm sưng đau. Cách làm như sau: Bạn cho một vài viên đá lạnh vào khăn sạch. Sau đó chườm lên má quanh vị trí nhổ răng. Bạn chườm khoảng 5- 10 phút rồi cho ra. Chờ một chút lại chườm tiếp đến khi cảm thấy thoải mái hơn. Hoặc cách khác giúp giảm sưng đau là bạn súc miệng bằng nước muối ấm.
Một số trường hợp sau khi nhổ răng bị sốt nhẹ. Điều này rất bình thường thể hiện sự phản ứng của cơ thể với vết thương. Bạn cần uống thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Như vậy vừa giảm đau, vừa chống tình trạng viêm nhiễm.
Cách vệ sinh răng miệng
Khi vệ sinh răng miệng, bạn nên hạn chế đánh răng trong khoảng 1- 2 ngày đầu vì lúc này đang hình thành cục máu đông. Tác động mạnh làm cho cục máu dễ vỡ. Cách tốt nhất là súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Nhưng cũng nhớ thao tác nhẹ nhàng.
Chế độ ăn uống
Về chế độ dinh dưỡng sau khi nhổ răng khôn, bạn ưu tiên các món ăn mềm, dễ nuốt cháo, bún, miến, súp, kết hợp thêm với nước sinh tố, sữa tươi, sữa chua,… trong 1- 2 ngày đầu. Sau khi thấy ổn thì bạn ăn uống như bình thường.
Ngoài ra, mọi người chú ý kiêng những đồ ăn sau:
- Kiêng món ăn quá cứng như thịt gà chiên, bỏng ngô,…
- Kiêng món ăn ăn quá dai như bánh giầy, bánh nếp,…
- Hạn chế thực phẩm giòn, dễ có vụn rơi vào vị trí nhổ răng
- Hạn chế ăn thực phẩm quá cay hoặc quá nóng
Những lưu ý khác
Trong thời gian nhổ răng, bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe. Tránh hoạt động thể thao quá mạnh dễ tác động lên vết thương. Khi ngủ nên kê cao gối hơn bình thường một chút nhằm tránh tình trạng sặc nước bọt hay máu. Bạn nên nằm nghiêng sang bên không nhổ răng.
Ngoài ra, bạn nhớ tuyệt đối không dùng lưỡi đá, tay hoặc vật nhọn tác động lên vùng nhổ răng. Không nên hút thuốc lá hoặc sử dụng những đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia.
Mọc răng khôn hàm dưới không chỉ đau nhức, khó chịu trong khoang miệng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của người bệnh. Nếu bạn cũng đang bất ổn với chiếc răng khôn như trên thì nên đến địa chỉ nha khoa uy tín thăm khám và loại bỏ càng sớm càng tốt nhé.