Viêm lợi khiến nướu đau nhức, vậy ăn thịt gà có làm tình trạng này thêm trầm trọng hơn không? Nhiều người thắc mắc liệu món gà kho, gà luộc quen thuộc có phải là “kẻ thù” của những chiếc răng đang bị viêm lợi hay không. Cùng tìm câu trả lời nhé!
Mục lục
Viêm lợi có ăn được thịt gà không?
Thực tế, người bị viêm lợi hoàn toàn có thể ăn thịt gà. Thịt gà là một nguồn protein chất lượng cao, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin K – rất quan trọng cho quá trình đông máu và giúp vết thương mau lành.
Tuy nhiên, thịt gà có thể dễ bị mắc kẹt trong kẽ răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm. Vì vậy, sau khi ăn, bạn nên đánh răng kỹ lưỡng bằng bàn chải mềm và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa.
Thịt gà, đặc biệt là phần ức và đùi, thường mềm và dễ nhai hơn so với nhiều loại thịt khác như thịt bò hay thịt lợn. Vì thế, mọi người nên chọn những phần thịt gà mềm và chế biến phù hợp (thịt gà xé phay, gà hầm…) để khi ăn không cần phải dùng quá nhiều lực để nhai, giúp giảm áp lực lên nướu và hạn chế tình trạng đau nhức.
Tránh các món chiên, nướng, quá cứng hoặc dai vì chúng có thể làm tổn thương nướu. Những phương pháp này không chỉ làm thịt gà trở nên cứng và khó nhai mà còn có thể gây kích ứng cho nướu do dầu mỡ và gia vị cay nóng. Đặc biệt, các món chiên rán thường chứa nhiều dầu mỡ, có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và làm tình trạng viêm lợi trở nên nghiêm trọng hơn.
Viêm lợi ăn uống thế nào cho đúng?
Ai trong chúng ta cũng từng bị viêm lợi ít nhất một lần. Khi đó, chế độ ăn uống trở thành nỗi lo lắng hàng đầu. Dưới đây là danh sách chi tiết các nhóm thực phẩm bạn nên ăn và nên kiêng để hỗ trợ quá trình điều trị:
Nhóm thực phẩm nên ăn:
- Thực phẩm giàu vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình lành thương. Ví dụ: Cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, ớt chuông, bông cải xanh.
- Thực phẩm giàu canxi: Cần thiết cho sức khỏe răng miệng. Ví dụ: Sữa, sữa chua, phô mai, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó), rau lá xanh đậm.
- Thực phẩm giàu protein: Cung cấp năng lượng và các axit amin cần thiết cho quá trình phục hồi mô. Ví dụ: Thịt gà (nên chọn thịt ức), cá, trứng, đậu phụ.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và ngăn ngừa táo bón. Ví dụ: Rau xanh (rau cải, rau bina), trái cây (táo, lê), ngũ cốc nguyên hạt.
- Thực phẩm chứa axit lactic: Giúp cân bằng hệ vi sinh vật trong miệng, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại. Ví dụ: Sữa chua, kefir.
Nhóm thực phẩm nên kiêng:
- Thực phẩm quá cứng, dai: Có thể làm tổn thương nướu, gây chảy máu. Ví dụ: Thịt bò dai, sụn, gân, bánh mì cứng.
- Thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh: Kích thích nướu, gây đau nhức.
- Thực phẩm cay nóng: Gây kích ứng niêm mạc miệng.
- Đồ ngọt, bánh kẹo: Cung cấp nhiều đường, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Thức uống có ga, rượu bia: Gây khô miệng, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Các biện pháp tại nhà cải thiện viêm lợi?
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, có nhiều biện pháp khác có thể giúp giảm triệu chứng viêm lợi một cách hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp tại nhà để cải thiện viêm lợi.
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày bằng bàn chải mềm, sử dụng kỹ thuật chải nhẹ nhàng theo góc 45 độ so với đường viền nướu. Đừng quên chải cả mặt trong của răng, bề mặt nhai và cả lưỡi. Mỗi lần đánh răng nên kéo dài ít nhất 2 phút.
Sử dụng chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng, nơi mà bàn chải không thể chạm tới. Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày để duy trì vệ sinh răng miệng tốt. Trong trường hợp dùng máy tăm nước, nên cài đặt mức tốc độ vòi bắn tia nước nhỏ nhất để không làm chảy máu chân răng ở vùng bị viêm lợi.
Sau khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn trong khoảng 30 giây. Súc miệng ít nhất một lần mỗi ngày, tốt nhất là sau khi đánh răng.
Các phương pháp bổ trợ tại nhà
1. Gel bôi nướu
Ngoài việc vệ sinh răng miệng đúng cách, việc sử dụng các loại gel bôi nướu cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị viêm lợi tại nhà.
Các thành phần kháng viêm (ví dụ Cetylpyridinium chloride) trong gel giúp làm dịu nướu, giảm sưng đỏ và đau nhức. Một số loại gel có chứa chất kháng khuẩn (ví dụ Chlorhexidine) giúp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm, đông thời tạo một lớp màng bảo vệ trên nướu, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và giảm kích ứng.
Lưu ý khi sử dụng:
- Làm sạch răng miệng trước khi bôi gel.
- Bôi một lượng nhỏ gel lên ngón tay sạch và thoa nhẹ nhàng lên vùng nướu bị viêm.
- Thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo chỉ dẫn của nha sĩ.
- Không nên nuốt gel.
- Tránh sử dụng gel quá nhiều hoặc quá thường xuyên.
2. Nước muối sinh lý:
Nước muối sinh lý có tác dụng kháng khuẩn nhẹ, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, đồng thời giúp làm dịu nướu, giảm sưng và đau.
Súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý trong khoảng 30 giây sau khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Thực hiện 2-3 lần/ngày.
3/ Chườm lạnh:
Chườm lạnh giúp co mạch máu, giảm sưng và giảm đau nhức tại vùng viêm.
Bạn có thể chuẩn bị một túi đá bọc trong một lớp vải mỏng hoặc một chiếc khăn lạnh. Sau đó, ap túi đá hoặc khăn lạnh lên má ở phía bên vùng lợi bị viêm. Chườm khoảng 15-20 phút mỗi lần. Mỗi ngày chườm 3-4 lần.
Lưu ý: Không chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh.
Massage nướu:
Massage nướu giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm viêm và giúp các chất dinh dưỡng dễ dàng tiếp cận vùng bị tổn thương, thúc đẩy quá trình lành thương.
Trước khi massage, hãy rửa tay sạch bằng xà phòng. Dùng đầu ngón tay trỏ và giữa massage nhẹ nhàng vùng nướu bị viêm theo chuyển động tròn. Lưu ý, áp lực massage vừa phải, không quá mạnh để tránh làm tổn thương nướu. Massage trong khoảng 2-3 phút mỗi lần, có thể massage 2-3 lần/ngày.
Bôi mật ong lên vùng viêm lợi:
Mật ong chứa các hợp chất tự nhiên có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm, giúp làm giảm tình trạng sưng đỏ và đau nhức ở nướu. Các chất chống oxy hóa trong mật ong giúp giảm viêm, làm dịu các mô niêm mạc bị tổn thương và thúc đẩy quá trình phục hồi.
Bạn có thể giảm viêm lợi tại nhà bằng cách bôi một lớp mỏng mật ong lên vùng nướu bị viêm sau khi đánh răng. Để khoảng 15-20 phút rồi súc miệng lại bằng nước ấm.
Xem đầy đủ: Các mẹo trị viêm lợi tại nhà bằng mật ong
Bôi dầu tràm trà lên vùng viêm lợi
Dầu tràm trà có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây viêm nhiễm ở nướu, giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Thành phần terpinen-4-ol trong dầu tràm trà có tác dụng giảm viêm hiệu quả, làm dịu các mô nướu bị tổn thương.
Để giảm viêm lợi bạn có thể pha vài giọt dầu tràm trà vào một cốc nước ấm, súc miệng nhẹ nhàng.
Lưu ý: Không được nuốt. Dầu tràm trà có thể gây kích ứng nếu sử dụng không đúng cách.
3. Dầu dừa:
Dầu dừa từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe và sắc đẹp, trong đó có cả việc chăm sóc răng miệng. Dầu dừa chứa axit lauric, một loại axit béo có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm ở nướu, giúp giảm sưng đỏ và đau nhức. Các chất chống oxy hóa trong dầu dừa giúp giảm viêm, làm dịu các mô nướu bị tổn thương và thúc đẩy quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, dầu dừa tạo một lớp màng bảo vệ trên bề mặt vết thương, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và giúp vết thương nhanh lành.
Hướng dẫn:
Dùng một lượng nhỏ dầu dừa súc miệng trong khoảng 15-20 phút rồi nhả ra. Ngoài ra, bạn có thể bôi một lớp mỏng dầu dừa lên vùng nướu bị viêm.
Việc kết hợp các biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách, thăm khám nha khoa định kỳ, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ, thay đổi thói quen sinh hoạt và áp dụng các biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm triệu chứng viêm lợi hiệu quả. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa và tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc răng miệng.
Thực tế, nguyên nhân hàng đầu gây viêm lợi là do vi khuẩn tích tụ trên răng và nướu tạo thành mảng bám và cao răng, kích thích nướu gây viêm. Nhiều trường hợp viêm lợi nặng có thể gây ra viêm lợi phì đại, viêm lợi trùm, cần điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu. Do đó, nếu như viêm lợi không hết sau vài ngày bạn nên tới nha khoa để được khám chữa đúng cách.