Hiện tại tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến rất phức tạp, theo chỉ thị 17 của Bộ Y tế, việc đi lại và tiếp xúc với nhiều người cần được hạn chế tối đa, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới nên ra ngoài. Trong giai đoạn này nếu như các bạn đang gặp phải các sự cố sau mà chưa đến lịch tái khám thì có thể áp dụng ngay các cách xử lý tại nhà theo hướng dẫn dưới đây của phòng khám để khắc phục tạm thời, làm giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa thiệt hại hơn nữa nhé. Trong trường hợp sau khi đã khắc phục vẫn không có tác dụng bạn hãy tới phòng khám để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Mục lục
Chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ và phụ kiện nha khoa
Để dễ dàng xử lý các sự cố khi đang niềng răng tại nhà, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ và phụ kiện nha khoa như dưới đây nhé.
- Nước muối
- Sáp chỉnh nha
- Bấm móng tay
- Chỉ nha khoa
- Tăm bông
- Nhíp khử trùng
- Bàn chải kẽ
- Thuốc giảm đau không kê đơn như Efferalgan
Cách xử lý các sự cố niềng răng ngay tại nhà
Bị rơi thun
Thun là các vòng cao su nhỏ hoặc đôi khi đó chỉ là một sợi dây mỏng để giữ chắc dây cung cố định trong rãnh mắc cài. Nếu chẳng may vòng thun cao su bị bong rơi ra ngoài thì bạn có thể đặt lại nó về vị trí cũ bằng cách sử dụng một chiếc nhíp đã được khử trùng.
Tuột dây cung
Dây cung được gắn cố định trong rãnh mắc cài tuy nhiên thỉnh thoảng nó vẫn có thể bị tuột ra. Lúc này, bạn hãy rửa sạch tay sau đó nhét dây trở lại trong rãnh. Với trường hợp dây cung bị tuột do mất dây thun đối với niềng răng mắc cài kim loại truyền thống và bị tuột do gãy chốt tự đóng ở mắc cài kim loại tự buộc thì sau khi đã nhét dây cung trở lại vào rãnh mắc cài bạn hãy liên hệ ngay với nha khoa để được đặt lịch hẹn khắc phục vấn đề ngay nhé.
Dây cung chọc vào má
Có nhiều trường hợp dây cung có thể bị biến dạng, hoặc di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu và bắt đầu chọc vào môi hoặc má của bạn. Đối với tình huống này, bạn hãy sử dụng một chiếc tăm bông để đẩy dây thép sát vào răng hoặc tới một vị trí thoải mái hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bấm móng tay đã được sát khuẩn để cắt dây kim loại sau đó dùng một miếng sáp chỉnh nha đặt lên trên sợi dây phần đâm vào má. Còn nếu vẫn chưa hết cảm giác khó chịu, liên hệ ngay với nha khoa để được hỗ trợ.
Dây cung bị thừa ra
Khi răng dịch chuyển sẽ làm cho phần cuối của dây cung bị thừa ra đâm vào má gây cảm giác đau đớn, khó chịu. Bạn hãy sử dụng một chiếc nhíp đã được khử trùng và cố gắng đẩy dây để cho dây phẳng ép sát vào răng, sau đó uốn phần đầu dây cuộn tròn vào trong. Nếu dây không di chuyển được tới vị trí mà bạn cảm thấy thoải mái, hãy phủ sáp chỉnh nha lên phần đầu dây để giảm sự khó chịu.
Trong trường hợp dây cung quá dài bạn có thể nhờ người thân xử lý giúp. Trước tiên, gấp một chiếc khăn giấy hoặc phủ gạc xung quanh khu vực cần cắt dây để tránh bị nuốt phải đoạn dây sau khi đã cắt xong. Sau đó nhờ người thân dùng bấm móng tay đã được khử trùng bấm đi đoạn dây bị nhô ra, cuối cùng phủ sáp chỉnh nha lên phần dây vừa cắt. Nếu sau đó tình hình vẫn chưa được cải thiện bạn hãy liên hệ ngay với Fanpage để được hỗ trợ thêm.
Dây cung, mắc cài bị bong, lỏng
Dây cung, mắc cài bị lỏng hoặc bong ra ngoài thường do xảy ra các va chạm mạnh. Nếu mắc cài bị xoay hoặc lỏng bạn hãy dùng nhíp đã được khử trùng kéo mắc cài dọc theo dây cung tới khi mắc cài nằm lại giữa hai răng, sau đó xoay lại cho đúng và kéo đặt lại vào vị trí chính giữa răng như lúc ban đầu, tiếp theo phủ sáp chỉnh nha lên để cố định và tạo cảm giác thoải mái hơn.
Nếu mắc cài bị vỡ, bạn hãy lôi hẳn ra ngoài (các răng đang niềng lúc này vẫn hoạt động bình thường) và liên hệ để phòng khám đặt lịch gắn lại mắc cài mới cho bạn.
Không thoải mái
Trong quá trình niềng răng bị ê buốt và khó chịu là điều bình thường vì lúc này răng đang dịch chuyển. Bạn không cần quá lo lắng vì cảm giác này sẽ nhanh chóng hết sau khoảng 1 tuần khi bạn đã quen dần. Tuy nhiên trong thời gian đầu khi mới siết răng, bạn có thể giảm đau buốt bằng cách súc miệng với nước muối ấm hoặc uống thuốc giảm đau không kê đơn Efferalgan. Nếu sự khó chịu xảy ra quá lâu và vượt sức chịu đựng của bạn, hãy inbox ngay cho Fanpage để được hỗ trợ thêm.
Bị nhiệt miệng
Một số bạn rất dễ bị nhiệt miệng trong quá trình niềng răng, những vết nhiệt thường xuất hiện ở má, môi hoặc lưỡi. Mặc dù đây không phải là trường hợp khẩn cấp tuy nhiên gây cảm giác rất khó chịu. Bạn có thể giảm nhẹ kịp thời bằng cách bôi Oracortia lên vùng bị nhiệt. Nếu sau vài ngày mà sự khó chịu vẫn không giảm, lúc này hãy liên hệ Fanpage để được kịp thời hỗ trợ, giải quyết ngay nhé!
Xem chi tiết: Hướng dẫn cách xử lý nếu bị nhiệt miệng khi niềng răng
Bị kích ứng trong miệng
Thỉnh thoảng, bạn sẽ gặp phải các kích ứng trong miệng do dây cung và mắc cài, đặc biệt khi ăn uống. Sử dụng sáp chỉnh nha sẽ tạo ra một bộ đệm tuyệt vời giữa kim loại và miệng, giúp ngăn ngừa các vấn đề kích ứng. Bạn chỉ cần lấy một miếng nhỏ sáp chỉnh nha bằng hạt đậu, làm phẳng viên sáp sau đó đặt lên trên khu vực niềng răng gây kích ứng. Sáp chỉnh nha có thể mua rất dễ dàng ngay tại phòng khám bạn niềng răng.
Thức ăn mắc cài trong mắc cài
Khi ăn uống thức ăn sẽ rất dễ dàng bị mắc lại trên mắc cài hoặc trong các khe rãnh giữa mắc cài và răng. Mặc dù đây không phải là sự cố nghiêm trọng và quá khẩn cấp tuy nhiên nếu không được khắc phục sẽ rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng, gây ra các bệnh như viêm lợi, viêm nướu, viêm nha chu, tụt lợi,…
Với tình huống này, bạn có thể khắc phục đơn giản bằng các biện pháp làm sạch răng miệng thông thường với bàn chải đánh răng, bàn chải kẽ, máy tăm nước, chỉ nha khoa và kết hợp với nước súc miệng.
Trên đây là những sự cố khi niềng răng không mong muốn mà bạn có thể gặp phải trong thời gian phòng chống dịch bệnh cần ở nhà tối đa và hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Với những hướng dẫn của Thúy Đức trên đây các bạn có thể tự mình xử lý một cách nhanh chóng trước khi tới phòng khám để được khắc phục hoàn chỉnh. Hi vọng chúng ta sẽ sớm vượt qua thời gian này, cùng cố gắng các bạn nhé!
Nguyễn Vũ Nhật Vy đã bình luận
Mắc cài bị gãy thì sao ạ
Nha khoa Thúy Đức đã bình luận
Chào chị! Với trường hợp mắc cài bị gãy, chị có thể dùng sáp nha khoa bịt vào vị trí gãy để mắc cài không cọ vào má. Ngoài ra, chị nên tránh ăn những thức ăn quá cứng, giòn hoặc dính để tình trạng này không lặp lại nhé!