Bị nhiệt miệng làm phiền liên tục khiến nhiều người dễ cảm thấy bực bội và mệt mỏi. Cùng với đó, nhiều người lo ngại việc sử dụng thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể. Vậy, làm thế nào để nhiệt miệng nhanh khỏi mà an toàn? Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là tình trạng khoang miệng xuất hiện những vết loét nông, có kích thước từ vài milimet đến vài centimet. Những ổ loét này có thể xảy ra ở vị trí bất kỳ nhưng phổ biến hơn ở: niêm mạc dưới môi, bụng lưỡi và niêm mạc má.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng nhiệt miệng bao gồm:
- Niêm mạc miệng xuất hiện đốm đỏ, đau rát hoặc sưng tấy và phát triển thành vết loét.
- Trung tâm ổ loét có màu vàng nhạt hoặc trắng, đáy loét nông.
- Triệu chứng khác: sốt, sưng hạch bạch huyết, chán ăn, miệng có mùi hôi.
Nhiệt miệng thường xảy ra khoảng 3 – 4 lần/ năm và phổ biến ở lứa tuổi từ 10 – 20 tuổi. Bệnh có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Với vết nhiệt miệng lớn, thời gian lành loét có thể lên đến 6 tuần nếu không có các biện pháp can thiệp điều trị phù hợp.
Xem thêm: Chi tiết hình ảnh nhiệt miệng và phân biệt nhiệt miệng với các vết loét khác
Phân biệt nhiệt miệng và các loại mụn loét miệng khác
Ngoài nhiệt miệng, một số bệnh lý khác cũng gây nổi mụn loét trong khoang miệng. Dưới đây là một số đặc điểm giúp bạn phân biệt tình trạng mà mình đang gặp phải:
Vết loét nhiệt miệng: Có đáy nông, bờ rõ ràng, trung tâm loét có màu trắng hoặc vàng, đa số vết loét có kích thước dưới 1cm. Bờ loét có thể sưng đỏ nhưng vẫn mềm mại, không chảy máu. Vết loét nằm rải rác trong khoang miệng.
Vết loét do ung thư miệng: Loét trợt hoặc u sùi, đôi khi là loét trợt nằm trên u sùi, thường xuất hiện đơn độc ở vùng bụng lưỡi. Tổn thương loét đỏ trắng đan xen vàng, trắng, đôi khi có màu đen do hoại tử. Bờ vết loét không rõ ràng, chai cứng, có thể đau hoặc không đau. Đa số vết loét do ung thư có chảy máu và gây mùi hôi khó chịu.
Vết loét miệng do sùi mào gà: Khởi phát từ các u nhú có dạng sùi hoặc giống hình súp lơ, xuất hiện ở vị trí bất kỳ trong khoang miệng. Vết loét có mảng trắng kèm theo nốt sần li ti kèm theo triệu chứng ngứa ngáy, châm chích khó chịu trong khoang miệng. Vết loét do u nhú vỡ thường chứa mủ, máu và có mùi hôi.
Loét miệng trong hội chứng Behcet: Có hình hình tròn hoặc bầu dục, thược xuất hiện thành cụm ở vị trí bất kỳ trong khoang miệng. Đáy vết loét có thể nông hoặc sâu với trung tâm hoại tử màu vàng.
Vết loét miệng do bệnh chân tay miệng: Khởi phát từ các nốt đỏ, thường ở quanh môi, lưỡi và lợi. Kích thước nốt đỏ tăng dần, lan rộng và tạo thành vết loét lớn, đậm màu ở trung tâm, viền loét đỏ kèm theo cảm giác đau đớn, gây khó khăn cho ăn uống.
Vết loét miệng do nấm: Có hình tròn hoặc oval, đáy loét phủ lớp hoại tử dày, khô, đóng vảy và gồ lên bề mặt giác mạc, bờ loét có ranh giới rõ ràng. Xung quanh ổ loét có đám màu trắng như bông.
Đây chỉ là những dấu hiệu gợi ý để phân biệt nguyên nhân gây loét miệng. Để xác định chính xác vết loét trong miệng có phải nhiệt miệng hay không, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm cần thiết.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Nguyên nhân gây nhiệt miệng hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là có khả năng khởi phát tình trạng này gồm:
- Ăn đồ cay nóng: Những thực phẩm này thường gây kích ứng hoặc tổn thương niêm mạc. Những tổn thương có thể bị vi khuẩn tấn công và phát triển thành các vết loét nhiệt miệng.
- Thiếu vitamin và chất khoáng: Thiếu vitamin B2, vitamin B3, vitamin B12, vitamin C, kẽm ảnh hưởng đến quá trình hình thành tế bào mới. Đây là nguyên nhân là giảm miễn dịch và khiến niêm mạc dễ bị tổn thương.
- Thay đổi nội tiết: Vào thời điểm dậy thì, tiền mãn kinh hay mang thai, nội tiết tố của phụ nữ thay đổi làm ảnh hưởng đến miễn dịch, rối loạn trao đổi chất dẫn đến tăng nguy cơ nhiệt miệng.
- Niềng răng: Khí cụ niềng răng có thể cọ xát hoặc gây kích ứng niêm mạc, khiến niêm mạc tổn thương và làm hình thành các vết nhiệt miệng.
- Rối loạn miễn dịch: Các bệnh tự miễn (lupus ban đỏ, behcet, viêm khớp dạng thấp,…) hay các bệnh gây suy giảm miễn dịch (như HIV) khiến niêm mạc miệng vi trùng hoặc hệ miễn dịch tấn công, dẫn đến nhiệt miệng.
Đọc thêm: Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì?
Nhiệt miệng có nguy hiểm không?
Nhiệt miệng không phải bệnh lý nguy hiểm. Khoảng 85% ca bệnh đều thuộc nhóm nhiệt miệng đơn giản với vết loét nhỏ hơn 1cm và có thể tự khỏi ngay cả khi không điều trị. Số ca bệnh còn lại có vết nhiệt miệng lớn hoặc nhiệt miệng dạng herpes cần có áp dụng các biện pháp điều trị để đẩy nhanh tốc độ lành loét.
Dù không nguy hiểm nhưng vết loét nhiệt miệng khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày, dễ thấy như:
- Người bệnh mất cảm giác ngon miệng, chán ăn khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Vệ sinh răng miệng khó khăn gây tình trạng hôi miệng, ảnh hưởng đến giao tiếp hàng ngày.
- Tình trạng nhiệt miệng tái phát liên tục có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá dẫn đến thiếu dinh dưỡng.
- Vết nhiệt miệng lớn nếu không được chăm sóc tốt có thể đối diện với nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm đến sức khoẻ.
Bị nhiệt miệng làm gì cho nhanh khỏi?
Để giảm triệu chứng khó chịu và đẩy nhanh quá trình lành loét, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:
Sử dụng thuốc
Tuỳ vào triệu chứng và mức độ tổn thương niêm mạc miệng mà người bệnh có thể cần sử dụng một số loại thuốc dưới đây:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Sử dụng khi người bệnh đau nhiều và sốt cao trên 38.5 độ C. Thuốc được dùng phổ biến nhất là paracetamol (hay acetaminophen).
- Thuốc chống viêm: Thuốc có tác dụng ức chế phản ứng viêm, ngăn tình trạng sưng tấy, phù nề, đau rát. Hoạt chất thường dùng gồm: triamcinolone, prednisolone, betasol,..
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định khi vết loét bị nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng. Hoạt chất thường dùng gồm: sulfamethoxazole, trimethoprim,…
- Thuốc kháng nấm: Dùng trong trường hợp vết nhiệt miệng do nấm gây ra. Hoạt chất thường gặp như: nystatin, fluconazol, itraconazol,…
- Vitamin và chất khoáng: Các viên uống bổ sung vitamin và chất khoáng được sử dụng với liều dự phòng hoặc theo kê đơn của bác sĩ.
Các hoạt chất điều trị có thể được sử dụng dưới nhiều dạng bào chế khác nhau như: thuốc bôi, viên uống, dung dịch uống, viên ngậm hoặc nước súc miệng. Việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể.
Xem thêm:
Áp dụng mẹo
Các mẹo thường được áp dụng trong trường hợp nhiệt miệng đơn giản với mục đích làm dịu vết loét và hỗ trợ tổn thương trong khoang miệng lành nhanh hơn. Một số biện pháp hiệu quả và an toàn như:
- Dùng mật ong: Có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa, giúp vết loét miệng lành nhanh hơn. Bạn chỉ cần chấm trực tiếp mật ong nguyên chất lên vết miệng miệng 2 – 3 lần/ ngày sẽ giúp giảm hiệu quả.
- Súc miệng nước muối: Súc miệng với nước muối ưu trương 1.8% có tác dụng chống viêm, làm săn se vùng ổ loét, qua đó giảm kích ứng hiệu quả. Bạn nên súc miệng khoảng 3 lần/ ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Dùng trà hoa cúc: Có tác dụng chống oxy hóa, giảm kích thích thần kinh, nhờ đó làm dịu và giúp vết loét lành nhanh hơn. Bạn chỉ cần pha trà hoa cúc và uống thay nước lọc hàng ngày là được.
Xem thêm: 3 cách chữa nhiệt miệng bằng bột sắn dây đơn giản
Chăm sóc răng miệng đúng cách
Chăm sóc răng miệng đúng cách giúp hạn chế các kích ứng lên tổn thương và làm sạch khoang miệng, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Dưới đây là các lưu ý cụ thể:
- Duy trì thói quen đánh răng 2 lần/ ngày, chọn loại bàn chải mềm, thao tác nhẹ nhàng để tránh tác động vào vết loét.
- Kết hợp với biện pháp khác như dùng chỉ nha khoa hay tăm nước để làm sạch thức ăn đọng trong kẽ răng tốt hơn.
- Súc miệng với nước muối hoặc nước súc miệng chuyên dụng sau khi ăn xong để làm sạch khoang miệng.
- Sử dụng các dụng cụ làm sạch bề mặt lưỡi để ngăn thức ăn và vi khuẩn đọng lại.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết đồng thời hỗ trợ hoạt động tiêu hoá. Một số lưu ý như:
- Ưu tiên các loại thức ăn được chế biến chín kỹ, mềm và lỏng như các loại canh, cháo, súp để giảm cọ xát vào ổ loét và dễ tiêu hơn.
- Tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng, như các loại nước ép rau củ quả để thúc đẩy vết loét nhanh lành hơn.
- Bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh để hỗ trợ tiêu hoá và hệ miễn dịch của cơ thể.
- Uống nước thường xuyên và đầy đủ để đảm bảo hoạt động của hệ miễn dịch và làm sạch khoang miệng tốt hơn.
- Loại bỏ những thực phẩm không tốt như: món ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa cồn, thực phẩm chứa chất kích thích, đồ ăn cay nóng,..
Thăm khám kịp thời
Đa số trường hợp nhiệt miệng đều có thể tự theo dõi và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu vết nhiệt miệng không có xu hướng cải thiện hoặc nặng hơn, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Dưới đây là một số dấu hiệu cụ thể:
- Vết nhiệt miệng không khỏi sau khỏi sau 3 tuần hoặc cứ vừa khỏi xong lại tái phát.
- Nhiệt miệng nhiều, gây đau nhức, gây ăn uống khó khăn hoặc mất ngủ.
- Vết nhiệt miệng đau nhức dữ dội kèm theo sốt cao dai dẳng.
- Vết loét chảy máu hoặc chảy dịch có mùi hôi khó chịu.
Trên đây là chia sẻ về nhiệt miệng và một số cách khắc phục tình trạng này nhanh chóng. Mong rằng bạn đọc sẽ lựa chọn được biện pháp phù hợp. Nếu cần hỗ trợ, bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp đến hotline: 093 186 3366.