Nhiệt miệng là bệnh lý thường gặp và không nguy hiểm. Thế nhưng, nếu nhiệt miệng tái đi tái lại liên tục hoặc kéo dài cả tháng không dứt, rất có có thể bạn đã mắc phải các bệnh lý liên quan đến rối loạn hoặc suy giảm miễn dịch. Dưới đây là Top 5 bệnh lý thường gặp ở những người hay bị nhiệt miệng.
Mục lục
Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì?
Nhiệt miệng được xác định là tình trạng nhiễm trùng do sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus tấn công vào khoang miệng. Ngoài ra, rối loạn nội tiết tố hay thiếu hụt dưỡng chất cũng có thể khiến cơ thể giảm đề kháng và tăng nguy cơ bị nhiệt miệng.
Thông thường, các vết nhiệt miệng sẽ tự khỏi sau 5 – 10 ngày và chỉ xuất hiện khi một vài lần mỗi năm. Trường hợp nhiệt miệng tái đi tái lại là dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang mắc phải một số bệnh lý liên quan đến rối loạn hoặc suy giảm miễn dịch. Dưới đây là một số bệnh lý điển hình.
Xem thêm: Hình ảnh nhiệt miệng và phân biệt nhiệt miệng với các vết loét khác
Bệnh Cedilac
Cedilac (hay không dung nạp gluten) xảy ra do hệ thống miễn dịch phản ứng phần gliadin của gluten có trong một số loại thực phẩm. Phản ứng này có thể gây viêm teo nhung mao niêm mạc ở ruột non. Ngoài ra, các tế bào T nhạy cảm với gluten được kích hoạt có thể gây tổn thương niêm mạc miệng và hình thành các ổ loét nhiệt miệng.
Một số triệu chứng thường gặp khác trong bệnh Cedilac như:
- Mệt mỏi và biếng ăn là triệu chứng phổ biến nhất.
- Tiêu chảy ngắt quãng, phân có mùi hôi, bạc màu, to và nhờn (phân mỡ).
- Sụt cân, thiếu máu.
- Viêm lưỡi, viêm miệng (thường ở góc miệng) và loét áp – tơ (nhiệt miệng).
- Thiếu hụt vitamin và canxi dẫn đến loãng xương, nhuyễn xương.
- Giảm khả năng sinh sản, phụ nữ có thể bị mất kinh.
- Viêm da dạng herpes với các ban sẩn và mụn nước ngứa dữ dội ở khuỷu tay, gầy gối, mông, vai và da đầu.
Bệnh Cedilac có thể diễn tiến nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: tổn thương niêm mạc ruột, viêm loét ruột non, co hẹp ruột non do sẹo, tăng nguy cơ ung thư hạch và ung thư biểu mô ruột non.
Phương pháp kiểm soát bệnh Cedilac tốt nhất hiện nay là thực hiện chế độ ăn kiêng không gluten, loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm chứa gluten ra khỏi thực đơn của mình. Song song với đó, người bệnh cần thực hiện bổ sung các vi chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể.
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn (hay viêm ruột từng vùng) là tình trạng viêm mạn tính đường ruột. Bệnh thường xảy ở ruột non và đại tràng nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên ống tiêu hoá, bao gồm cả miệng. Điều này lý giải vì sao một số bệnh nhân Crohn rất hay bị nhiệt miệng.
Bệnh Crohn khởi phát với tình trạng viêm hốc và áp-xe, sau đó tiến triển thành các ổ loét nhỏ. Tổn thương này có thể phát triển thành đường loét dọc hoặc ngang kèm theo phù niêm mạc. Hình ảnh tổn thương giống hình đá cuội đặc trưng trên niêm mạc ruột. Ổ viêm lan xuyên qua thành ruột dẫn đến phù bạch huyết và dày thành ruột. Hạch lympho to lên kèm theo phì đại cơ niêm, xoa hoá và gây hẹp lòng ruột.
Trên lâm sàng, người bệnh Crohn có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Đau quặn bụng, tiêu chảy (có thể kèm máu), đầy bụng, mót rặn, đau tức hậu môn.
- Sốt, suy nhược cơ thể, sút cân, gầy yếu.
- Viêm khớp, viêm da, viêm mắt.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Hay đổ mồ hôi vào ban đêm.
Bệnh Crohn có thể tiến triển nguy hiểm, điển hình nhất là tình trạng suy nhược cơ thể do kém thấp thu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin D và vitamin B12. Một số trường hợp có thể bị viêm đại tràng nhiễm độc và nguy hiểm nhất là tình trạng ung thư ruột non, đại trực tràng.
Để điều trị bệnh Crohn, người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch (như azathioprine, mercaptopurine, methotrexate,…), thuốc sinh học (như Adalimumab, infliximab và vedolizumab,…). Trường hợp nặng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần ruột bị viêm.
Bệnh Behcet
Behcet là tình trạng tổn thương mạch mạn tính thường xuyên tái phát với các tổn thương trên nhiều cơ quan kết hợp với viêm niêm mạc. Tình trạng viêm có thể xảy ra ở cả hệ thống động mạch và tĩnh mạch. Đôi khi, huyết khối động – tĩnh mạch cũng có thể xuất hiện.
Nguyên nhân gây hội chứng Behcet chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các xét nghiệm miễn dịch cho thấy sự tấn công của vi khuẩn và virus có thể là yếu tố khởi phát bệnh. Xét nghiệm mô học cho phát hiện sự xâm nhập của bạch cầu trong các mảnh sinh thiết từ vết loét áp tơ miệng, nốt hồng ban và các tổn thương dị ứng. Tuy nhiên, hình thái mô học không có điểm đặc trưng.
Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh Behcet là tình trạng loét miệng kèm đau đớn. Ban đầu, niêm mạc miệng xuất hiện những hình tròn đỏ. Sau đó, nốt tròn này nổi lên và phát triển thành ổ loét. Thời gian lành loét thường mất khoảng 1 – 3 tuần. Sau đó, tái phát liên tục.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Nổi loét hoặc nốt đỏ gồ lên bề mặt da, chạm vào thấy mềm ở vị trí cẳng chân trở xuống.
- Loét đỏ hoặc loét hở ở bìu hoặc âm hộ, gây đau và để lại sẹo sau khi lành.
- Viêm màng bồ đào khiến mắt đỏ, đau và nhìn mờ.
- Sưng đau khớp gối, mắt cá chân, khuỷu tay hoặc cổ tay.
- Viêm tĩnh mạch hoặc động mạch khiến cánh tay bị sưng, đau nhức, tê bì.
- Rối loạn tiêu hoá gây đau bụng, tiêu chảy hoặc chảy máu.
- Viêm não và dây thần kinh gây đau đầu, sốt, mất thăng bằng, thậm chí là đột quỵ.
Hiện nay, bệnh behcet chưa có thuốc đặc trị. Các phác đồ thuốc tập trung vào kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng, thường gồm: thuốc chống viêm nhóm Corticoid (như prednisolone, methyprednisolone,…), thuốc ức chế miễn dịch ( như azathioprine, cyclosporine, cyclophosphamide), thuốc thay đổi miễn dịch (như Interferon alfa-2b),…
Người bệnh Behcet có thể gặp nguy hiểm khi tổn thương xuất hiện ở hệ thần kinh trung ương và các mạch máu lớn. Các biến chứng như phòng mạch, tắc mạch có thể dẫn đến tử vong. Tiên lượng này phổ biến ở người bệnh nam giới, trẻ tuổi hoặc người có các bệnh động mạch trước đó.
Trào ngược dạ dày – thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (hay GERD) là tình trạng dịch tiêu hoá và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên ống tiêu hoá phía trên, bao gồm thực quản và khoang miệng. Quá trình này lặp đi lặp lại khiến răng và mô mềm trong khoang miệng bị tổn thương bởi acid và enzyme tiêu hoá. Hệ quả là người bệnh hay bị nhiệt miệng, mòn răng, teo niêm mạc, sung huyết vòm miệng, viêm lưỡi, teo biểu mô, teo niêm mạc, viêm túi lệ,…
Hay bị nhiệt miệng là một trong số hệ luỵ do trào ngược dạ dày gây ra. Bạn có thể nhận diện bệnh lý này thông qua một số triệu chứng như:
- Cảm giác nóng rát từ vùng ngực lan lên phía trên cổ hoặc dưới họng, mang tai (ợ nóng).
- Chất lỏng hoặc thức ăn bị đẩy lên cuống họng sau bữa ăn hoặc ban đêm gây vị chua, khé cổ khó chịu (ợ chua).
- Nuốt nước bọt liên tục do cơ thể tăng tiết nước bọt để trung hoà acid trong khoang miệng.
- Ợ hơi thường xuyên cả khi bụng đói, không ăn gì.
- Cảm giác nghẹn, vướng họng khi nuốt nước bọt hoặc thức ăn.
- Buồn nôn và nôn khi ăn quá no, nằm sau khi ăn hoặc ngủ thấp đầu.
Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thường đòi hỏi sự kết hợp sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống. Trong đó, các thuốc được sử dụng thường gồm: thuốc ức chế tiết acid, thuốc trung hòa acid, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, những trường hợp trào ngược dạ dày thực quản nặng có thể được chỉ định phẫu thuật gia cố hoặc siết cơ vòng thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gây triệu chứng khó chịu mà còn có thể gây loét và chít hẹp thực quản. Tình trạng này khiến người bệnh khó nuốt, dễ nghẹn hóc khi ăn uống. Nghiêm trọng hơn, các tổn thương tái đi tái lại có thể dẫn đến các thay đổi tiền ung thư trên niêm mạc (Barrett thực quản) và diễn tiến thành ung thư thực quản nếu không được kiểm soát kịp thời.
Bệnh HIV/ AIDS
AIDS là một bệnh nhiễm trùng gây suy giảm miễn dịch ở người do hai loại Retrovirus là HIV-1 và HIV-2 gây ra. Retrovirus được bao bọc bởi các RNA có khả năng sao chép ngược để tạo ra bản sao DNA tích hợp trong bộ gen của tế bào.
Trong cơ thể, virus HIV phá huỷ tế bào của hệ miễn dịch, khiến cơ thể mất khả năng chống lại các loại vi trùng gây bệnh. HIV/AIDS có thể lây truyền qua máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo, sữa mẹ hoặc dịch tiết từ các vết thương hở trên cơ thể.
Nhiệt miệng thường xuyên tái phát có thể là một trong những hệ quả của HIV gây ra. Do miễn dịch suy giảm, virus Herpes Simplex dễ dàng tấn công vào khoang miệng và gây ra các vết loét đỏ tại niêm mạc má, niêm mạc sau môi, môi, lưỡi và nướu. Các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng thông thường.
Để nhận biết HIV/AIDS bạn có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây:
- Sụt trên 10% trọng lượng cơ thể không rõ nguyên nhân.
- Tiêu chảy không rõ nguyên nhân kéo dài trên 1 tháng.
- Sốt cao liên tục trên 1 tháng.
- Triệu chứng khác: Ho dai dẳng trên 1 tháng, ban đỏ ngứa toàn thân, nổi mụn rộp toàn thân, zona tái phát liên tục, tưa hầu – họng kéo dài, nổi hạch trên 2 vị trí kéo dài trên 3 tháng.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị HIV/ AIDS. Phác đồ điều trị dựa trên mục tiêu chính là ngăn biến chứng, cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Các thuốc được sử dụng thường gồm: thuốc chống virus (gồm thuốcuwsc chế men phiên mã ngược NRTI – NNRTI – NtRTI, thuốc ức chế protease của virus và thuốc ức chế hoà nhập), thuốc điều hoà miễn dịch và thuốc phòng ngừa – điều trị bệnh cơ hội.
Người bệnh HIV/AIDS thường không chết vì căn bệnh này. Sự nguy hiểm của HIV/AIDS đến từ khả năng tiêu diệt tế bào miễn dịch CD4. Quá trình này kéo dài làm suy giảm miễn dịch của cơ thể. Cuối cùng, người bệnh thường tử vong vì các bệnh nhiễm trùng hoặc ung thư.
Có thể bạn quan tâm: Vitamin PP chữa nhiệt miệng dưới GÓC NHÌN KHOA HỌC
Cách giảm nhiệt miệng nhanh chóng
Nhiệt miệng gây đau rát, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, giao tiếp và công việc của người bệnh. Để khắc phục nhanh tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Dùng miếng dán trị nhiệt miệng: Giúp ngăn cách nốt nhiệt với môi trường khoang miệng, tạo điều kiện để ổ loét nhanh lành hơn. Một số miếng dán phổ biến như: Curatick, Taisho, Oral – Aid, Time Oral,…
- Bôi thuốc trị nhiệt miệng: Có tác dụng làm dịu vết loét, chống viêm, thúc đẩy quá trình làm lành vết loét. Một số loại thuốc thường dùng như: Oracortia, Oral Nanosilver, Kamistad – Gen N,…
- Dùng nước súc miệng sát khuẩn: Giúp làm sạch vết loét, chống viêm và ngăn bội nhiễm. Bạn có thể lựa chọn một số loại nước súc miệng như: nước muối sinh sinh, Betadine, Eludril 0.12%,…
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp kể trên, bạn cần chú ý vệ sinh khoang miệng đều đặn và đúng cách để vết nhiệt miệng nhanh lành. Trước khi dùng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn. Sau 5 – 10 ngày, nếu nhiệt miệng không giảm bớt hoặc nặng hơn, bạn cần nhanh chóng đến các cở sở y tế để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Xem thêm: 3 cách chữa nhiệt miệng bằng bột sắn dây đơn giản
Cần đi khám nếu bị nhiệt miệng thường xuyên
Nhiệt miệng là bệnh lý thường gặp và có thể xảy ra với bất kỳ ai, phổ biến hơn ở những người trong độ tuổi 10 – 20 tuổi. Một người bình thường có thể bị nhiệt miệng khoảng 3 – 4 lần/ năm, vào một số thời điểm đặc biệt như: nắng nóng kéo dài, sử dụng nhiều thuốc, chế độ ăn mất cân đối hay rối loạn nội tiết. Một vết nhiệt miệng đơn giản có thể tự khỏi mà không điều trị sau khoảng 5 – 10 ngày.
Trường hợp nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần hoặc kéo dài cả tháng không dứt, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để làm thăm khám làm rõ nguyên nhân. Quá trình thăm khám thường bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra vết loét trong miệng, đánh giá mức độ và định hướng nguyên nhân để đưa ra chỉ định xét nghiệm phù hợp:
- Xét nghiệm máu: Đánh giá nguy cơ nhiễm trùng và tìm hiểu nguyên nhân gây nhiệt miệng.
- Sinh thiết mô: Thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ có thay đổi ác tính tại các vết tổn thương.
- Nội soi, siêu âm: Nhằm phát hiện các tổn thương trong ống ống tiêu hoá.
Sau khi được chẩn đoán và lên phác đồ điều trị, người bệnh cần nghiêm túc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt nhất. Trong thời gian này, nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để có điều chỉnh kịp thời.
Xem thêm: