Vít là một trong những khí cụ được sử dụng trong chỉnh nha. Sau khi cắm vít nhiều người gặp hiện tượng bị sưng viêm gây đau và khó chịu. Trong bài viết này cùng tìm hiểu cách khắc phục cắm vít niềng răng bị sưng viêm một cách hiệu quả nhé!
Mục lục
Trường hợp nào cần cắm vít niềng răng?
Vít niềng răng hay minivis là một loại khí cụ nhỏ có dạng hình xoắn ốc, được làm từ chất liệu titanium an toàn với cơ thể. Vít có kích thước chiều dài khoảng 12 – 16mm, đường kính 1,4 – 1,6mm và được gắn vào xương hàm của bệnh nhân nhằm tăng hiệu quả nắn chỉnh răng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần sử dụng đến minivis.
Thông thường, bác sĩ chỉ định cắm vít niềng răng trong các trường hợp sau: hô, vẩu, kéo khoảng nhổ răng, mất răng, cung hàm quá cứng, cười hở lợi…
Tác dụng của cắm vít trong niềng răng như sau:
- Là một điểm neo để di chuyển răng về đúng vị trí trên cung hàm, điều chỉnh khớp cắn, điều trị hô móm hiệu quả.
- Tạo lực kéo ổn định lên các răng mọc lệch.
- Tăng hiệu quả điều trị và giảm thời gian điều trị.
Tuy nhiên, dù được làm với chất liệu hoàn toàn tích hợp với cơ thể nhưng vẫn có một vài trường hợp sau khi cắm vít bị sưng viêm khiến bệnh nhân đau, khó chịu, cản trở việc ăn uống. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Phần tiếp theo của bài viết sẽ thảo luận về vấn đề này.
Nguyên nhân cắm vít niềng răng bị sưng viêm
Trong quá trình cắm vít, bệnh nhân thường không thấy quá đau đớn vì được tiêm thuốc tê. Nhưng sau khi thuốc tê hết tác dụng sẽ cảm thấy khá đau. Nếu cơ thể thích ứng tốt sẽ không bị sưng viêm và sẽ hết đau trong khoảng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, một vài người sau khi cắm vít có thấy hiện tượng khu vực xung quanh vít bị sưng, đỏ, đau, đôi khi còn kèm theo sốt nhẹ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do:
Phản ứng bình thường của cơ thể
Không giống như mắc cài, dây cung hay bands chỉ được gắn trên bề mặt răng, minivis được cắm trực tiếp vào xương hàm, dù rất nông nhưng vẫn là một thủ thuật xâm lấn vào xương. Do đó, nếu bạn thấy hiện tượng sưng, đỏ nơi cắm vít thì đây có thể là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch. Sau vài ngày làm quen và chăm sóc đúng cách thì bạn sẽ không còn khó chịu nữa.
Kích ứng với thành phần của vít
Với những người có cơ địa nhạy cảm, có thể kích ứng với thành phần của vít dẫn đến hiện tượng sưng viêm. Ban đầu, có thể thấy hơi đau vị trí cắm vít, một vài ngày tiếp theo sẽ kèm theo đau và nhức. Nếu tình trạng này kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm bạn nên liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.
Chăm sóc răng miệng không đúng cách
Sau cắm vít là thời gian khá nhạy cảm, do đó bạn cần có cách chăm sóc khoa học, đúng cách để tránh nướu bị kích ứng. Nếu không cũng có thể gây ra sưng đau. Một số thói quen có thể là tác nhân gây ra sưng viêm sau cắm vít là: ăn thức ăn cay nóng, chải răng quá mạnh và va chạm mạnh vào khu vực cắm vít.
Sai kỹ thuật cắm vít
Cắm vít là thủ thuật căn bản trong chỉnh nha, nhưng nếu không được thực hiện bởi bác có tay nghề cao, có thể vít được cắm không đúng cách: vít cắm sát chân răng khiến nướu, răng đau nhức. Bên cạnh đó, nếu quy trình thực hiện không chuẩn, các dụng cụ không được vô trùng hay răng chưa được làm sạch có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn gây sưng đau.
Cắm vít niềng răng bị sưng viêm khắc phục thế nào?
Sử dụng cồn đỏ để sát khuẩn, giảm sưng viêm: Khi thấy có hiện tượng sưng viêm tại vị trí cắm vít, bạn có thể lấy một ít bông y tế, thấm cồn đỏ rồi chấm vào, thực hiện như vậy 2 – 3 lần trong ngày, sau vài ngày hiện tượng viêm sẽ dần hết.
Vệ sinh răng nhẹ nhàng, bao gồm cả đầu vít: Khi bị viêm khu vực vít rất nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài. Do đó, bạn cần vệ sinh răng miệng một cách nhẹ nhàng, tránh chải răng súc miệng quá mạnh. Tuy nhiên, vẫn cần giữ cho răng sạch sẽ nhất là xung quanh đầu vít, không để thức ăn thừa đọng lại. Cách vệ sinh đầu vít như sau: Sử dụng nước muối được thấm đẫm vào bông y tế, từ từ lau sạch vít và cả vùng nướu xung quanh.
Uống thuốc theo chỉ dẫn: Đau kèm sưng sẽ ảnh hưởng đôi chút đến sinh hoạt thường ngày của bạn. Nhưng lưu ý không nên tự ý dùng thuốc mà nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi uống và uống đúng liều lượng theo chỉ dẫn nữa nhé!
Ăn thức ăn mềm, lỏng, tránh các món ăn cứng và dai để không khiến bạn cảm thấy đau hơn. Khi đã cảm thấy ổn và quen dần, bạn có thể trở lại ăn uống bình thường.
Khám bác sĩ khi cần thiết: Liên hệ với bác sĩ khi cần thiết để được hướng dẫn, xử trí đúng cách nếu như tình trạng đau không được giảm thiểu khi đã thực hiện những cách trên đây. Lúc này, bác sĩ có thể điều trị viêm, vệ sinh hoặc thay vít khác trong trường hợp bạn bị kích ứng với thành phần của vít.
Câu hỏi thường gặp
Cắm vít niềng răng mấy ngày thì hết đau?
Sau khi thuốc tê hết tác dụng, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy đau nhưng cảm giác đau chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 ngày. Khi ăn uống hoặc nói, sẽ có đôi chút cộm vướng, sau vài ngày khi bạn đã quen dần thì có thể ăn uống bình thường. Cũng cần lưu ý rằng, mức độ đau và thích ứng của mỗi người là khác nhau nên rất khó để xác định chính xác thời điểm bạn không còn đau nữa. Bạn chỉ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, ăn đồ ăn mềm và có điều gì bất thường hãy liên hệ với bác sĩ để được giúp đỡ.
Cắm vít niềng răng bị lung lay thì phải làm sao?
Vít bị lung lay lâu ngày có nguy cơ rơi ra nên khi thấy vít bị lung lay không chắc chắn bạn cần đến nha khoa để được thay thế, gắn lại vít. Vít bị lung lay có thể làm giảm hiệu quả chỉnh nha nên cần được xử lý càng sớm càng tốt.
Một người cần cắm bao nhiêu vít niềng răng?
Số lượng vít trung bình cho một ca chỉnh nha là 4 chiếc chia đều cho hai bên trái phải. Cũng có trường hợp chỉ cần cắm 2 hoặc 3 chiếc vít.
Niềng răng trong suốt có cần cắm vít không?
Không chỉ niềng răng mắc cài mà niềng răng trong suốt cũng cần cắm vít. Nhưng niềng răng bằng khay trong suốt đã hạn chế rất nhiều việc sử dụng minivis. Để biết mình có cần cắm vít không, bạn nên đến trực tiếp nha khoa để nhận được tư vấn cụ thể.
Sưng viêm khi cắm vít niềng răng có thể dễ dàng được giải quyết nếu bạn có cách xử lý phù hợp. Mong rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này. Để không gặp phải những biến chứng khi niềng răng, hãy lựa chọn nha khoa uy tín để an tâm hơn nhé!