Trong các khuyến cáo chăm sóc răng miệng từ các chuyên gia nha khoa thường nhắc đến việc phải lấy cao răng định kỳ. Vậy cao răng là gì? Cao răng để lâu có ảnh hưởng gì không và quá trình lấy cao răng diễn ra như thế nào? Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi trong bài viết sau:
Mục lục
Cao răng là gì?
Cao răng là tình trạng răng bị bao phủ bởi những cặn màu vàng, vàng nâu hoặc nâu đỏ. Các cặn này không thể làm sạch bằng việc đánh răng hay xỉa răng thông thường.
Quá trình hình thành cao răng bắt đầu từ sự tích tụ các mảng bám. Sau khi ăn uống khoảng 15 phút, bề mặt răng hình thành một lớp màng dính từ thức ăn thừa và vi khuẩn trong miệng gọi là mảng bám. Các mảng mới hình thành này có thể loại bỏ đi bằng cách vệ sinh răng miệng kịp thời. Tuy nhiên, nếu để mảng bám tích tụ trong 1 thời gian dài khoảng 1 tuần trở đi chúng sẽ bị vôi hóa bởi các muối vô cơ và chất khoáng trong nước bọt tạo nên cao răng hay vôi răng.
Cao răng để lâu có sao không?
Cao răng càng để lâu càng trở nên ố màu và cứng chắc, ăn sâu xuống lợi gây ra rất nhiều các tác hại sau đây:
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười
Các mảng cao răng ố vàng bám trên bề mặt răng trước tiên gây mất thẩm mỹ răng miệng và khiến hơi thở có mùi hôi. Một nụ cười tỏa nắng là cách bạn ghi điểm trong mắt người đối diện nhưng tình trạng răng vàng ố, hôi miệng sẽ khiến bạn trở nên e ngại, thiếu tự tin khi giao tiếp.
Cản trở việc vệ sinh răng miệng
Cao răng khiến cho việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn do thức ăn dễ bị dắt lại ở kẽ răng và bề mặt răng. Khi răng miệng không được làm sạch sẽ dẫn đến nhiều vấn đề bệnh lý.
Men răng là lớp ngoài cùng của răng có tác dụng bảo vệ răng khỏi tác động cơ học và hóa học. Khi có cao răng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ và hoạt động, sản sinh ra acid bào mòn men răng khiến răng dễ bị sâu, ê buốt và trở nên suy yếu.
Tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý về răng
Sâu răng: Cao răng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn trong đó có vi khuẩn Streptococus mutans chúng có khả năng lên men đường trong thức ăn tạo ra acid ăn mòn men răng, từ đó vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng.
Viêm nướu: Vi khuẩn trong mảng bám cao răng hoạt động tiết ra độc tố gây viêm nướu với các biểu hiện nướu sưng đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng, đau nướu, hôi miệng.
Viêm nha chu: Bệnh viêm nha chu là bệnh lý răng miệng nghiêm trọng mà một trong những nguyên nhân gây ra là do cao răng gây viêm nướu. Viêm nướu lâu ngày không được điều trị sẽ dẫn tới viêm nha chu và nguy cơ gây mất răng, tụt lợi.
Ngoài ra, vi khuẩn từ cao răng có thể lây lan gây các bệnh viêm niêm mạc miệng, lở miệng, viêm họng, viêm amidan…
Nếu không loại bỏ sớm cao răng, vi khuẩn có thể ăn sâu vào ngà răng và xâm nhập vào tủy răng gây viêm tủy và dẫn đến mất răng.
Loại bỏ cao răng như thế nào?
Lấy cao răng định kỳ
Hiểu được những tác hại khi có cao răng, chúng ta thấy được việc loại bỏ cao răng là hoàn toàn cần thiết. Các chuyên gia răng hàm mặt đã khuyến cáo nên tới các cơ sở điều trị nha khoa để thực hiện lấy cao răng định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần.
Bạn không nên đợi tới khi thấy có nhiều cao răng mới đi xử lý bởi khi đó có thể cao răng đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.
Lấy cao răng định kỳ cũng giúp bạn kiểm soát được tình trạng răng miệng hiện tại có đang gặp phải vấn đề nào khác không từ đó sớm có biện pháp điều trị kịp thời.
Quy trình lấy cao răng
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện, phòng khám nha đều thực hiện được kỹ thuật lấy cao răng. Thông thường quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 30 – 60 phút với các bước sau đây:
Bước 1: Thăm khám tổng quát
Nha sĩ sẽ kiểm tra tổng quan răng miệng của bạn để biết được mức độ cao răng và bạn có đang gặp phải bệnh lý răng miệng nào khác không. Bạn cũng có thể được giải thích về quy trình lấy cao răng tiếp theo cũng như tư vấn xử lý nếu có các vấn đề răng miệng.
Bước 2: Tiến hành lấy cao răng
Tùy vào kỹ thuật lấy cao răng của từng nơi có thể được thực hiện bằng dụng cụ cầm tay truyền thống hoặc máy lấy cao răng siêu âm. Kỹ thuật lấy cao răng sử dụng máy siêu âm hiện đại và hiệu quả cao, sử dụng máy phát ra sóng rung ở tần số cao giúp tách cao răng khỏi bề mặt răng mà không làm hư hại men răng.
Bước 3: Đánh bóng
Ở bước này, nha sĩ sẽ sử dụng kem đánh bóng có các hạt nhỏ để làm mịn bề mặt răng. Đánh bóng răng giúp ngăn ngừa cao răng hình thành và cho răng được trắng bóng hơn.
Bước 4: Hướng dẫn chăm sóc răng
Cuối cùng, bạn sẽ được nha sĩ kiểm tra tổng quát răng miệng một lần nữa và hướng dẫn chăm sóc tại nhà sau khi lấy cao răng. Đó có thể là hướng dẫn cách đánh răng, dùng tăm chỉ nha khoa, các đồ ăn nên không tốt cho răng nên tránh…, bạn hãy cố gắng tuân thủ nhé.
Lấy cao răng có gây đau và làm hại men răng không?
Các kỹ thuật lấy cao răng thường không gây đau đớn. Tuy nhiên, nếu bạn đang có các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nướu, răng nhạy cảm… thì có khả năng viêc lấy cao răng sẽ bị đau hoặc chảy máu. Ngoài ra, để quá trình lấy cao răng nhẹ nhàng, êm ái hãy lựa chọn nha khoa có bác sĩ tay nghề cao và kỹ thuật lấy cao răng hiện đại.
Có nhiều người không đi lấy cao răng vì lo lắng việc loại bỏ cao răng gây tổn hại bề mặt răng và khiến răng bị ê buốt. Thực tế quá trình lấy cao răng đúng kỹ thuật sẽ không làm tổn hại đến men răng nên bạn cần chọn lựa nha sĩ có kinh nghiệm và uy tín. Cảm giác ê buốt có thể xuất hiện trong khi lấy cao răng và sẽ biến mất trong vài giờ sau khi thực hiện và không có gì đáng ngại.
Chăm sóc tại nhà ngăn ngừa cao răng tái phát
Cao răng luôn âm thầm hình thành mỗi ngày nếu như chúng ta không chăm sóc răng miệng thật tốt. Các lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa cao răng hiệu quả:
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Đánh răng thường xuyên trong ngày, ít nhất 2 lần vào buổi sáng, tối sau khi ăn.
Dùng bàn chải có phần sợi lông mềm để chải răng hoặc sử dụng bàn chải điện sẽ hữu ích trong việc loại bỏ mảng bám trên răng. Lưu ý thay mới bàn chải đánh răng sau mỗi 3 – 6 tháng sử dụng.
Chải răng thật kỹ với các thao tác cọ nhẹ theo chuyển động tròn theo chiều dọc của răng. Chải răng theo nhóm 2 – 3 chiếc răng, đảm bảo các bề mặt răng đều được làm sạch.
Hạn chế dùng tăm tre xỉa răng mà thay vào đó hãy dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để loại bỏ các vụn thức ăn dư thừa. Nên chọn loại chỉ nha khoa chất lượng tốt, sợi mềm tránh làm tổn thương nướu.
Sử dụng nước súc miệng để sát khuẩn khoang miệng, loại bỏ mảng bám và giữ cho hơi thở thơm tho.
Ưu tiên dùng kem đánh răng có chứa thành phần flouride hỗ trợ củng cố men răng đề phòng tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào các vị trí men răng hư tổn để gây sâu răng.
Lưu ý trong chế độ ăn uống
Một số loại thực phẩm giàu đường như bánh kẹo, nước ngọt… có thể làm gia tăng acid trong khoang miệng tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Để hạn chế cao răngvà tác hại của chúng, bạn nên tiêu thụ ít các loại thực phẩm có đường, tăng cường uống nước lọc, ăn đồ ăn giàu chất xơ.
Tìm hiểu thêm: Lấy cao răng xong nên kiêng gì?
Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng cao răng cũng như cách xử lý và phòng ngừa. Hy vọng bài viết này hữu ích cho bạn để có một hàm răng khỏe mạnh, nụ cười xinh xắn tỏa sáng.