Bị sốt xuất huyết thường đi kèm với các biểu hiện như sốt cao liên tục, cơ thể mệt mỏi, li bì, đau đầu,… và kèm chảy máu chân răng. Đây là một trong những dấu hiệu nặng khi bị sốt xuất huyết, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể bị đe doạ tính mạng và có nguy cơ tử vong cao.
Mục lục
- 1/ Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?
- 2/ Vì sao sốt xuất huyết gây ra chảy máu chân răng?
- 3/ Sốt xuất huyết chảy máu chân răng xuất hiện ở giai đoạn nào?
- 4/ Những dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết
- 5/ Sốt xuất huyết chảy máu chân răng có nguy hiểm không?
- 6/ Điều trị sốt xuất huyết chảy máu chân răng như thế nào?
- 7/ Cách phòng ngừa xuất huyết nghiêm trọng trong sốt xuất huyết
1/ Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh (giống muỗi Aedes aegypti). Virus này có 4 loại huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu bệnh nhân nhiễm một loại virus sẽ tạo ra miễn dịch suốt đời với loại virus đó. Còn cơ thể không thể chống lại với loại virus khác. Do vậy bạn có thể mắc sốt xuất huyết Dengue nhiều hơn một lần trong đời.
Bệnh này thường bùng thành dịch vào mùa mưa, chủ yếu tập trung ở khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo. Trước đây chủ yếu là trẻ em bị mắc bệnh, nhưng hiện tại rất nhiều trường hợp người lớn cũng mắc với nguy cơ tử vong khá cao.
Bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 7- 10 ngày và chưa có thuốc đặc trị. Bạn sẽ cảm thấy sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ hoặc bị nặng hơn đi kèm với nôn mửa, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu,… Nếu thấy nghi ngờ bị sốt xuất huyết, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
2/ Vì sao sốt xuất huyết gây ra chảy máu chân răng?
Bị chảy máu chân răng khi sốt xuất huyết là một trong những dấu hiệu xảy ra do tác động tiêu cực của virus Dengue làm rối loạn chức năng tiểu cầu khiến số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm. Từ đó gây ra những tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết. Mạch máu giãn mỏng rất dễ bị nứt vỡ gây tình trạng xuất huyết dưới da. Một trong những biểu hiện của xuất huyết dưới da là chảy máu chân răng.
Bên cạnh dấu hiệu bị chảy máu chân răng, một số trường hợp bị mắc sốt xuất có thể đi kèm với tổn thương niêm mạc miệng. Đó là: mụn nước bên trong, nổi ban đỏ ở lưỡi, môi, xuất huyết trên màng lưỡi nhầy, các mảng sần sùi màu nâu trên niêm mạc miệng,…
3/ Sốt xuất huyết chảy máu chân răng xuất hiện ở giai đoạn nào?
Như đã chia sẻ ở trên, sốt xuất huyết chảy máu chân răng nằm ở giai đoạn diễn biến nặng của bệnh. Nó thường đi kèm với các triệu chứng điển hình khác như đau nhức cơ khớp, mệt mỏi li bì, nôn ói, đau bụng, phát ban,… Nếu người bệnh thấy chân răng bị chảy máu thì cần hết sức cẩn trọng vì điều này rất nguy hiểm và cần được điều trị ngay, nếu không có thể dẫn đến tử vong
4/ Những dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết
Ban đầu triệu chứng của sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như cảm, sốt, phát ban đỏ. Ví dụ như sốt kèm đau mắt, nhức đầu, buồn nôn, đau xương khớp,… Sau đó vì nhiều nguyên nhân là bệnh sẽ trở nặng hơn cùng với các dấu hiệu điển hình:
- Bị chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng
- Xuất hiện các chấm đỏ dưới da ngày càng nhiều
- Bị nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng)
- Bị nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ấm
- Người cảm thấy li bì, mệt mỏi, choáng, không có sức,…
Khi người bệnh không may chuyển sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời. Nếu để quá trễ có thể dẫn tới di chứng nặng về sau, thậm chí tử vong.
Về nguyên nhân làm cho ca bệnh sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn, các bác sĩ cho rằng đa số người bệnh tự ý dùng thuốc ibuprofen và aspirin để hạ sốt. Từ đó gây xuất huyết tiêu hóa. Một số khác còn tự ý tăng liều thuốc hạ sốt, kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau dẫn tới suy gan, suy thận,…
Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh nhân nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh nên chủ quan không khám lại. Nhưng sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột, sau đó diễn biến qua 3 giai đoạn là: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Thân nhiệt giảm không có nghĩa là đã phục hồi.
5/ Sốt xuất huyết chảy máu chân răng có nguy hiểm không?
Nhiều người băn khoăn: Sốt xuất huyết chảy máu chân răng có răng nguy hiểm không? Các bác sĩ chuyên khoa cho biết: Sốt xuất huyết kèm chảy máu chân răng thể hiện là căn bệnh đã bắt đầu chuyển biến nặng hơn. Ngoại trừ những trường hợp bị viêm nha chu, sâu răng thường xuyên chảy máu chân răng từ trước khi bị sốt xuất huyết thì chảy máu chân răng khi sốt xuất huyết nếu không điều trị tốt có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm khác như:
– Xuất huyết niêm mạc: Bị chảy máu cam, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài, ra máu âm đạo bất thường,…
– Xuất huyết nội tạng: Bị nôn mửa nhiều, nôn ra máu, suy gan, suy vùng thượng vị, suy thận,… Nặng hơn là xuất huyết não, vô cùng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ cao sẽ dẫn đến tử vong.
– Tăng tính thấm thành mạch khiến huyết tương thoát ra khỏi lòng mạch: Điều này dẫn tới tràn dịch màng phổi, màng bụng, cô đặc máu và có thể làm người bệnh bị sốc, gây hạ huyết áp, trụy tim mạch.
Đọc thêm: Tụt lợi, lợi sưng đỏ, chảy máu chân răng là bị bệnh gì?
6/ Điều trị sốt xuất huyết chảy máu chân răng như thế nào?
Sau khi bị sốt xuất huyết chảy máu chân răng, nhiều người muốn biết quá trình điều trị bệnh cụ thể ra sao và cần lưu ý điều gì.
– Ngăn ngừa tình trạng mất nước
Dấu hiệu đầu tiên của sốt xuất huyết chính là bị sốt cao, liên tục, khi nóng khi lạnh làm cho cơ thể bị mất nước qua cả đường tiểu và tuyến mồ hội. Cơ thể mất nước nhiều làm cho bệnh lý càng nghiêm trọng hơn. Bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, uể oải, li bì, không có sức vận động. Để ngăn ngừa điều này, hãy bổ sung nước liên tục bằng cả nước lọc và chất điện giải như Oresol.
Ngoài ra bệnh nhân tăng cường uống thêm nước ép trái cây như chanh, bưởi, cam, dừa,… cùng nước ép rau củ. Điều này vừa hỗ trợ phục hồi sức khỏe, vừa tăng cường kháng thể nhanh chóng.
Lưu ý là bạn không nên uống các loại nước ép có màu đỏ như dưa hấu, thanh long, củ dền vì rất khó để phân biệt với triệu chứng nôn ra máu khi bệnh nhân xuất hiện tình trạng nôn mửa liên tục.
Bên cạnh đó tuyệt đối không sử dụng các loại nước có chứa cồn, đường hóa học, café, rượu, bia,… Chúng dễ làm cho cơ thể thoát nhiều nước hơn, tổn hại đến sức khỏe.
Trong trường hợp bệnh nhân không thể uống nước vì nhiều lý do, bác sĩ sẽ tiến hành truyền dịch qua tĩnh mạch để bổ sung nước, bù dịch bị mất. Nhưng không được truyền dung dịch NaCl 0.9% vì muối trong dung dịch có thể gây ra tình trạng mất nước trầm trọng hơn. Bệnh nhân tuyệt đối không truyền dịch tại nhà mà không nhận được sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
– Giảm đau và hạ sốt
Bị sốt cao liên tục có khi lên tới 39- 40 độ C đặc biệt nguy hiểm khi bị sốt xuất huyết. Đi kèm với đó là đau nhức cơ thể, mệt mỏi,… Bạn hãy sử dụng ngay thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol theo đúng liều lượng mà các bác sĩ đã chỉ định. Tuyệt đối không thể vì sốt cao mà sử dụng quá liều sẽ càng nguy hiểm hơn.
– Truyền máu, bổ sung tiểu cầu
Như đã chia sẻ ở trên, mắc sốt xuất huyết làm cho lượng tiểu cầu liên tục giảm, gây mất máu nghiêm trọng. Máu liên tục chảy ra mà không có dấu hiệu đông. Lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành biện pháp điều trị nhằm duy trì lượng máu và tiểu cầu ổn định. Ví dụ như truyền máu hay bổ sung tiểu cầu, hạn chế tình trạng máu khó đông, mất máu nhiều.
– Nghỉ ngơi, theo dõi thường xuyên
Những người bị sốt xuất huyết thường rơi vào tình trạng bị kiệt quệ, uể oải, đau nhức mỏi cơ thể. Hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, hạn chế vận động hoặc chỉ vận động nhẹ. Nếu cố vận động mạnh làm máu lưu thông quá mức dễ làm cho xuất huyết trở nặng hơn.
Bệnh nhân mặc quần áo rộng rãi, mỏng nhẹ, dễ thấm hút mồ hôi khi mà lượng mồ hôi bài tiết nhiều khi bị sốt liên tục. Nếu thấy khó chịu, bí bách thì thay bộ mới giúp cơ thể thoải mái hơn.
Ngoài ra, bạn cũng hạn chế tối đa việc tắm rửa, chỉ tắm nếu thực sự cần thiết. Để giữ vệ sinh sạch sẽ, người bệnh hoặc người nhà dùng khăn ấm lau cơ thể sạch sẽ. Thấy tình trạng sốt cao trên 38.5 độ C thì đắp khăn ở vùng bẹn và nách để hạ nhiệt.
Trong quá trình bị bệnh, bạn cần thường xuyên đo thân nhiệt đề phòng khi sốt cao thì có biện pháp ứng phó ngay. Nếu nặng thì đến ngay cơ sở y tế để điều trị.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Ngoài các biện pháp điều trị bệnh thì chế độ dinh dưỡng thời điểm này rất quan trọng. Cơ thể sốt cao, mệt mỏi, mất nước đi kèm với nhiều triệu chứng khác nên người bệnh ăn được ít. Người nhà cần chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết gồm cả đạm, tinh bột, rau củ quả, chất béo,…
Trước tiên, hãy nấu cháo thịt (hải sản, rau…) và cho bệnh nhân ăn thành nhiều bữa. Ngoài ra, nếu muốn thay đổi khẩu vị thì đổi sang mì, bún hoặc bánh mì, miễn sao bệnh nhân tiêu thụ được càng nhiều càng tốt.
Sau khi nồng độ tiểu cầu đã ổn định hơn, bạn ăn thêm cơm cũng như các món thanh đậm một chút nhưng vẫn phải đủ chất. Không nên dùng đồ chua cay hoặc chiên xào, có nhiều gia vị vì nhóm thực phẩm này khó tiêu. Ưu tiên bổ sung khoáng chất, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Một vấn đề nữa là chú ý ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh cho bản thân bệnh nhân bị tiêu chảy sẽ càng mất nước và mệt mỏi hơn.
7/ Cách phòng ngừa xuất huyết nghiêm trọng trong sốt xuất huyết
Chảy máu chân răng là biểu hiện cho thấy bạn đang ở giai đoạn nặng hơn. Để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bạn cần nhớ những điều sau:
– Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc như Ibuprofen hay Aspirin để hạ sốt. Vì trong hai loại thuốc này có chứa các hoạt chất gây xuất huyết tiêu hóa, khiến cho tình trạng chảy máu niêm mạc trở nên nghiêm trọng hơn, đe dọa đến tính mạng.
– Nếu thấy xuất hiện triệu chứng bất thường như chảy máu cam, đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục, nôn ra máu, co giật,… thì cần nhập viện ngay lập tức.
– Muốn truyền máu, truyền tiểu cầu hay truyền dịch đều phải có sự cho phép của bác sĩ. Không được tự ý thực hiện tại nhà.
– Tích cực bổ sung vitamin C thường xuyên từ các loại viên sủi, cam, chanh, bưởi tự nhiên giúp tăng cường sức đề kháng.
– Ăn nhiều thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, canh, súp,…
– Không được sử dụng kháng sinh nếu sốt xuất huyết không kèm theo các biểu hiện của viêm nhiễm.
– Vệ sinh sạch sẽ cơ thể, khu vực xung quanh, không để muỗi đốt thêm. Vì rất có thể cơ thể sẽ nhiễm thêm một type virus Dengue khác. Điều này gây ra hiện tượng xung đột chéo, choáng váng, xuất huyết hay thậm chí là trụy tim, dẫn đến tử vong.
Như vậy bạn đã hiểu rõ hơn bị sốt xuất huyết chảy máu chân răng có nguy hiểm không. Tuyệt đối không được lơ là khi thấy tình trạng này dù các biểu hiện như mệt mỏi, sốt đã được cải thiện. Vì có thể nó báo hiệu giai đoạn nghiêm trọng hơn sắp diễn ra. Bác sĩ cũng như người nhà cần chú ý theo dõi bệnh nhân để có những biện pháp can thiệp kịp thời.