Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn mọc răng sữa. Vậy nhưng, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa biết cách phân biệt trẻ sốt do mọc răng và trẻ bị sốt vì các nguyên nhân thông thường. Bài viết này của chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn đọc những thông tin cần thiết liên quan đến trẻ trong giai đoạn mọc răng.
Mục lục
1. Khi nào trẻ bắt đầu mọc răng?
Thông thường, trẻ bắt đầu mọc răng trong khi bước vào giai đoạn 4 – 7 tháng tuổi. Một số trẻ có thể bắt đầu mọc răng khi được 3 tháng tuổi. Thứ tự mọc răng của trẻ thường như sau:
Hai răng cửa dưới => hai răng cửa trên => Hai răng cửa bên hàm trên => Hai răng cửa bên hàm dưới => Răng hàm => Răng nanh.
Đa phần trẻ sẽ có khoảng 20 chiếc răng sữa khi được 3 tuổi. Do đó, nếu thấy trẻ 3 tuổi vẫn chưa có đủ răng thì cha mẹ cần cho con đi khám để kiểm tra sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, phụ huynh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn con chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng để hạn chế tối đa tình trạng sâu răng, sún răng…
Đọc thêm: Hàm răng trưởng thành có bao nhiêu cái, bị thiếu răng hoặc thừa răng có thể do đâu?
Một số trường hợp khác trẻ có thể có sẵn 1 – 2 răng hoặc trẻ mọc răng chỉ vài tuần sau khi sinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình bú sữa mẹ và răng lung lay có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ nghẹt thở. Lúc này, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý phù hợp.
2. Phân biệt trẻ sốt mọc răng và trẻ bị sốt thông thường
Cơ thể trẻ nhỏ dễ rất nhạy cảm và dễ ốm vặt, do đó, nếu các bậc cha mẹ không để ý kỹ có thể dễ dàng nhầm lẫn giữa trẻ sốt do mọc răng và trẻ sốt vì các bệnh lý thông thường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ bị ốm và khiến quá trình hồi phục cơ thể mất nhiều thời gian hơn.
2.1. Hiện tượng trẻ sốt mọc răng
Trẻ nhỏ khi bắt đầu mọc răng thường có một số các triệu chứng rất đặc trưng như sau:
- Trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37.8 đến 38 độ C hoặc cũng có thể sốt cao đến 39 độ C.
- Chảy nhiều nước dãi, phần nướu răng bị sưng to, đỏ tấy, có thể sờ thấy mầm răng.
- Trẻ cáu kỉnh, quấy khóc liên tục, thỉnh thoảng đờ đẫn.
- Trẻ thích cắn, ngậm các đồ vật xung quanh vì cảm thấy ngứa và khó chịu ở nướu.
- Trẻ cảm thấy khó ngủ, ngủ ít hơn bình thường, bú kém, chán ăn…
- Có thể có tình trạng đi tiêu phân lỏng (hay đi tướt mọc răng) do trẻ tăng tiết nước dãi và tự nuốt lại, dẫn đến tình trạng phân lỏng, lẫn nhầy nhớt và đi tướt nhiều lần trong ngày.
- Không có các triệu chứng như sổ mũi hay ho.
2.2. Hiện tượng trẻ sốt thông thường
Trẻ là đối tượng nhạy cảm, có sức đề kháng yếu nên dễ dàng bị sốt khi thay đổi thời tiết hoặc mắc các bệnh lý khác nhau. Lúc này, trẻ thường có một số triệu chứng như:
- Trẻ sốt cao, thân nhiệt thường từ 38 độ C trở lên.
- Có thể kèm theo rét run người và đổ mồ hôi trộm.
- Trẻ mệt mỏi, uể oải, quấy khóc liên tục.
- Trẻ mắc kèm sổ mũi, ho, đau họng.
- Cơ thể trẻ mệt mỏi, chán ăn hoặc bỏ bữa.
Trên thực tế, trẻ bị sốt có thể do nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau, nguyên nhân chính thường là do vi rút, vi khuẩn hoặc đôi khi do trẻ bị rối loạn miễn dịch, rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin.
3. Trẻ sốt mọc răng khi nào cần đi khám?
Phụ huynh cần liên tục theo dõi trong quá trình con ốm sốt, khi trẻ có những triệu chứng sau thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ C.
- Trẻ hơn 3 tháng tuổi và sốt trên 39 độ C.
- Trẻ sốt liên tục kéo dài hơn 24 giờ và không có dấu hiệu hạ sốt.
- Trẻ bị tiêu chảy (đi tướt), nôn mửa, phát ban kèm theo sốt, co giật.
- Răng của trẻ đã nhú lên những các triệu chứng của sốt mọc răng vẫn còn, thậm chí còn nặng hơn.
- Trẻ ngủ nhiều, ngủ li bì hoặc quấy khóc không ngừng.
- Trẻ tiêu chảy nhiều hơn 5 ngày mà không đỡ, có máu ở trong phân.
- Trẻ bị tụt cân đáng kể.
Khi thấy các dấu hiệu cảnh báo, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Nếu không xử lý kịp thời, trẻ có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, rối loạn thần kinh…
4. Cách chăm sóc trẻ sốt mọc răng
Trẻ sốt mọc răng khiến nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng, để đối mặt với vấn đề này, chúng tôi xin chia sẻ một số biện pháp chăm sóc khi trẻ sốt mọc răng.
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm để trẻ cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.
- Cho trẻ bú hoặc uống bù được để bù lại lượng nước đã mất. Nếu trẻ không bú hoặc không uống được do khó chịu thì cho trẻ uống nước và sữa mẹ bằng thìa.
- Nếu trẻ sốt và đau nhiều, có thể cho trẻ uống paracetamol có tác dụng hạ sốt, giảm đau với liều lượng 10 – 15mg/kg cân nặng và uống cách nhau mỗi 4 – 6 giờ.
- Không ủ ấm, đắp thêm chăn cho con vì sẽ làm con sốt cao hơn.
- Cho con ăn thức ăn được xay nhuyễn có mùi gần giống sữa để con dễ ăn hơn. Ăn chuối có thể giúp lợi của trẻ bớt khó chịu và giảm sưng.
- Bổ sung nhiều nước, các loại vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, lở loét nướu, lợi.
- Thường xuyên lau nước dãi chảy quanh miệng con bằng khăn mềm để giữ gìn vệ sinh và phòng ngừa phát ban, nếu trẻ nhiều nước dãi có thể cho con đeo yếm và thoa kem chống hăm.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách làm sạch nướu, lợi sau mỗi bữa ăn. Có thể dùng một miếng gạc hoặc vải mềm được nhúng nước sạch để lau và massage nướu nhẹ nhàng.
- Với trẻ thích cắn và ngậm đồ vật, không để con tiếp xúc với những đồ vật nguy hiểm, sắc nhọn để tránh làm tổn thương con. Có thể cho con ngậm một vòng silicon để nhai khi bị ngứa.
- Cho con vệ sinh sạch sẽ và lau khô mông sau mỗi lần đi ngoài nếu bị đi tướt mọc răng.
Hỏi đáp: Trẻ sốt mọc răng có nên uống thuốc hạ sốt ngay?
5. Không nên làm gì khi chăm sóc trẻ sốt mọc răng
Bên cạnh các biện pháp chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý tránh những việc sau:
- Không dùng đá lạnh để chườm hạ sốt cho trẻ vì có thể khiến bé thêm khó chịu và khiến tình trạng sốt tồi tệ hơn vì làm co các mạch máu. Tiếp xúc với đá lạnh cũng có thể khiến trẻ dễ bị viêm phổi.
- Không dùng cồn hay rượu lau người cho bé vì cồn hoặc rượu bay hơn có thể khiến trẻ bị ngộ độc.
- Không nên đưa trẻ ra ngoài trời để tránh thường hợp bị thay đổi thân nhiệt đột ngột.
- Không nên cùng chanh vắt vào miệng trẻ vì acid trong chanh có thể làm bỏng mô mềm trong miệng.
- không cạo gió vì có thể khiến trẻ bị rối loạn đông máu.
Đọc thêm:Trẻ chậm mọc răng nên bổ sung gì cho con?
Lời kết:
Mọc răng là thời kỳ khó chịu đối với cả trẻ nhỏ và cha mẹ với nhiều triệu chứng ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu tâm và liên tục theo dõi sức khỏe của con trong thời gian mọc răng. Hãy nhớ đưa con đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường.