Hậu quả của viêm tủy răng nghiêm trọng hơn nhiều so với bạn nghĩ. Không chỉ gây ra cơn đau day dứt, khó chịu, trường hợp xấu nhất bạn có thể bị “chết tủy”, buộc phải nhổ bỏ răng thật. Dưới đây bác sĩ sẽ chỉ ra dấu hiệu nhận biết viêm tủy răng điển hình và cách điều trị tốt nhất nhé.
Mục lục
1. Viêm tủy răng là bệnh gì?
Tủy răng là gì?
Mỗi chiếc răng của chúng ta được cấu tạo gồm 3 lớp là men răng, ngà răng và tủy răng. Trong đó, men răng ở vị trí ngoài cùng, rắn chắc nhất. Tiếp đến là ngà răng mềm, xốp hơn rồi đến tủy răng.
Như bạn đã biết thì tủy răng chứa rất nhiều dây thần kinh và mạch máu có ở cả thân răng và chân răng nằm trong một hốc giữa ngà răng.
Cấu tạo của tủy răng cơ bản gồm buồng tủy và ống tủy. Ống tủy nằm ở chân răng là những sợi mô nhỏ và mảnh, phân nhánh từ buồng tủy ở trên thân răng xuống đến chân răng. Trên thực tế, tủy răng cấu tạo rất phức tạp và sẽ thay đổi theo từng độ tuổi, từng loại răng, từng cơ địa khác nhau.
Ngoài ra, số lượng ống tủy ở mỗi răng cũng không giống nhau. Ví như răng cửa thường có 1 ống tủy, răng cối nhỏ có 2 ống tủy, còn răng hàm có từ 3- 4 ống tủy. Răng người già thì tủy răng hay bị canxi hóa hơn.
Xét về mặt hóa học, mô tủy chứa khoảng 70% là nước, 30% chất hữu cơ. Áp lực bình thường trong buồng tủy là 8- 15 mmHg được điều hòa bởi cơ chế vận mạch. Nếu không may bị viêm tủy, áp lực buồng tủy có thể lên tới 35mmHg hoặc hơn làm cho tủy răng giống như cấu trúc bị nhốt trong hộp kín. Nó sẽ nhanh chóng bị hoại tử, khó phục hồi.
Chức năng của tủy răng
Tủy răng được ví như “trái tim” của răng, duy trì sự sống, quyết định sức khỏe mỗi chiếc răng. Do vậy chức năng của tủy răng đặc biệt quan trọng.
– Chức năng tạo ngà: Tạo ra phản ứng cho ngà trong khi bị tổn thương mô cứng, hoặc tham gia nuôi dưỡng, sửa chữa ngà răng.
– Chức năng dinh dưỡng: Phần mô tủy chứa hệ thống mạch máu nuôi dưỡng toàn bộ các thành phần sống của phức hợp tủy- ngà.
– Chức năng thần kinh: Cảm nhận và dẫn truyền cảm giác khi có kích thích tác động lên răng. Cảm giác mà tủy răng mang lại gồm: ê buốt, nóng, lạnh, đau. Hoặc cảm giác về lực tác động như sâu răng, chấn thương.
– Chức năng bảo vệ: Được thực hiện qua hai quá trình là tái tạo ngà răng và đáp ứng miễn dịch góp phần duy trì sự sống và lành mạnh của răng.
Như vậy bạn có thể thấy tủy răng đảm nhận hai chức năng quan trọng nhất nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác kích thích từ bên ngoài cho thân răng. Nếu không may răng bị viêm nhiễm dẫn tới chết tủy thì xem như nó không còn tác dụng gì. Bạn sẽ không còn cảm nhận được mùi vị thức ăn, nhiệt độ và đặc biệt không có phản ứng nào với kích thích từ bên ngoài.
Viêm tủy răng là gì?
Viêm tủy răng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở vùng tủy răng cùng với mô xung quanh chân răng. Thực chất, đây là một cơ chế tự vệ của tủy răng đối phó với các yếu tố gây bệnh.
Viêm tủy răng có thể phân thành nhiều giai đoạn và các dạng thương tổn khác nhau, bao gồm viêm tủy răng có khả năng phục hồi (tiền tủy viêm) và viêm tủy không có khả năng phục hồi.
– Viêm tủy có hồi phục
Viêm tủy có hồi phục là giai đoạn đầu tiên khi tủy răng gồm dây thần kinh và mạch máu bị nhiễm trùng nhẹ. Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách thì sẽ trở lại lành lặn như lúc ban đầu. Dấu hiệu nhận biết ban đầu của viêm tủy có hồi phục là cơn đau răng ê nhẹ khi ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh. Khi ngừng ăn thì cơn đau cũng biến mất.
Tuy đã có những dấu hiệu cảnh báo ban đầu nhưng nhiều người vẫn chủ quan và không tìm cách điều trị.
– Viêm tủy không hồi phục
Viêm tủy không hồi phục là giai đoạn khi tủy răng đã diễn biến nặng, trở nên rất nghiêm trọng. Ngoài sưng đau ê buốt, bạn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như bị sốt, hôi miệng, đắng miệng, hạch bạch huyết sưng to. Trên bề mặt răng xuất hiện các lỗ sâu to, tủy bị hở và xuất hiện các đốm màu vàng nhô ra khỏi buồng tủy.
Người bị viêm tủy không hồi phục thời gian đau kéo dài, có khi bị vài giờ, thậm chí đau buốt cả ngày. Đặc biệt khi ăn các loại thực phẩm quá cay, quá nóng, quá lạnh thì cảm giác rõ rệt hơn.
2. Triệu chứng bệnh viêm tủy răng
Những bệnh lý về tủy răng, đặc biệt là viêm tủy cần phải nhận biết và điều trị càng sớm càng tốt mới bảo vệ tủy kịp thời. Nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng dễ gây ra biến chứng như chết tủy, viêm quanh cuống răng, viêm hạch,… Dưới đây là các triệu chứng viêm tủy răng điển hình nhất.
Viêm tủy cấp tính
Khi bị viêm tủy cấp tính, bạn thấy những cơn đau răng bắt đầu xuất hiện, kéo dài cực kỳ khó chịu. Cơn đau này càng nặng nề hơn về đêm khi bạn đang nghỉ ngơi. Hoặc khi ăn đồ quá nóng, quá lạnh, thức ăn rơi vào lỗ sâu thì cảm giác đau sẽ càng nghiêm trọng.
Ngoài ra với trường hợp viêm tủy có mủ, bệnh nhân phải chịu những cơn đau nghiêm trọng hơn, đau giật, răng có thể lung lay nhẹ, cảm giác gõ trống bên trong tai,…
Viêm tủy mạn tính
Viêm tủy mạn tính gây ra bởi những kích thích cường độ nhẹ nhưng liên tục, tác động lên trên mô tủy giàu mạch máu. Triệu chứng điển hình là đau âm ỉ từng cơn, kéo dài hàng giờ và khoảng cách giữa từng cơn đau rất ngắn. Đôi khi bệnh nhân chỉ gặp một cơn đau nhẹ thoáng qua khi nhai, ngoài ra không có triệu chứng nào khác.
Xem thêm: Viêm tủy răng có nguy hiểm không ?
3. Cách điều trị viêm tủy răng hiệu quả
Viêm tủy răng được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau nên tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe răng miệng của mỗi người, bác sĩ sẽ lên phương án điều trị tốt nhất.
Giai đoạn viêm tủy có khả năng phục hồi
Sử dụng thuốc kháng sinh
Viêm tủy có khả năng phục hồi là tình trạng tủy mới bị chớm nhiễm bệnh nên việc điều trị cũng dễ dàng hơn. Sau khi thăm khám cẩn thận, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân mà chưa cần điều trị tủy.
Trám răng
Trám răng được thực hiện trong trường hợp răng bị sâu nhưng diện tích không quá lớn, có thể đã viêm nhiễm một phần đến ngà răng và chưa tác động quá nhiều đến tủy răng. Các bước thực hiện cụ thể như sau:
– Bước 1: Trước tiên, bác sĩ sẽ chụp phim X-quang để kiểm tra tình trạng viêm tủy răng, các bệnh lý liên quan khác để có phương án điều trị phù hợp nhất.
– Bước 2: Sau đó, bác sĩ tiến hành làm sạch khoang miệng.
– Bước 3: Bác sĩ rửa ống tủy theo đúng tiêu chuẩn nha khoa, đo độ dài ống tủy chính xác để tránh tình trạng viêm tủy răng.
– Bước 4: Tiếp đến, bác sĩ loại bỏ phần ngà răng bị bệnh bằng dụng cụ chuyên dụng.
– Bước 5: Cuối cùng, bác sĩ trám răng tạm thời trong 1- 2 tuần để theo dõi. Nếu vẫn còn tình trạng đau, bác sĩ sẽ tiến hành trám phục hồi và yêu cầu bệnh nhân tái khám đúng hẹn.
Giai đoạn viêm tủy không phục hồi
Với trường hợp bị viêm tủy nặng khi mà đã xuất hiện những lỗ sâu quá lớn, vết gãy, vi khuẩn xâm nhập nghiêm trọng, bác sĩ tiến hành điều trị tủy. Sau đó tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh để quyết định sẽ bọc răng sứ hoặc nhổ răng.
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là phương pháp phục hình bằng vật liệu sứ, giúp phục hồi chức năng và cải thiện tính thẩm mỹ mang đến hàm răng chuẩn, đều, đẹp tự nhiên. Các bước điều trị viêm tủy răng & bọc răng sứ cụ thể như sau:
– Bước 1: Trước tiên, bác sĩ sẽ chụp phim X-quang để kiểm tra tình trạng viêm tủy răng, các bệnh lý liên quan khác để có phương án điều trị phù hợp nhất.
– Bước 2: Sau đó, bác sĩ tiến hành làm sạch khoang miệng.
– Bước 3: Tiếp đến, bác sĩ sử dụng một đế cao su, cách ly răng với nướu và khoang miệng. Điều này nhằm tránh thuốc chữa tủy rơi vào khoang miệng, đường thở, đường tiêu hóa.
– Bước 4: Bác sĩ tiến hành điều trị viêm tủy răng. Bác sĩ sẽ khoan 1 đường nhỏ trên mặt nhai của răng thông xuống ống tủy, lấy sạch mô tủy bị nhiễm trùng, bơm rửa ống tủy để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn.
– Bước 5: Sau khi đã làm sạch tủy, bác sĩ tiến hành trám bít ống tủy bằng vật liệu trám chuyên dụng để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập gây viêm tủy trở lại.
– Bước 6: Bác sĩ thực hiện bọc răng sứ nhằm bảo vệ răng sau điều trị tủy.
– Bước 7: Cuối cùng, bác sĩ chụp phim X-quang lần nữa để kiểm tra có còn sót tuỷ viêm hay không để đảm bảo an toàn cho cả quá trình điều trị.
Xem thêm: Bọc răng sứ có đắt không? Bao nhiêu tiền 1 cái răng sứ?
Nhổ răng
Trường hợp phần tủy bị viêm quá nặng dẫn tới hoại tử, lan xuống cả chân răng làm cho răng yếu, lung lay thì việc nhổ bỏ là điều bắt buộc phải thực hiện. Điều này vừa để loại bỏ cơn đau ê buốt, vừa bảo vệ phần xương răng và các răng còn lại khỏe mạnh. Sau khi nhổ, bạn có thể tham khảo công nghệ cấy ghép implant phục hồi chức năng ăn nhai, thẩm mỹ như răng thật.
Các bước nhổ răng khi bị viêm tủy thực hiện như sau:
– Bước 1: Trước tiên, bác sĩ sẽ chụp phim X-quang để kiểm tra tình trạng viêm tủy răng bị nặng ở mức độ nào. Sau đó lên phương án để nhổ bỏ răng.
– Bước 2: Bác sĩ tiến hành làm sạch khoang miệng giúp hạn chế tối đa việc lây nhiễm vi khuẩn khi nhổ răng.
– Bước 3: Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm tê vào vị trí răng cần nhổ. Điều này nhằm hạn chế tối đa tình trạng đau nhức và giúp quá trình nhổ răng diễn ra thuận lợi.
– Bước 4: Bác sĩ thực hiện nhổ răng bị viêm tủy nặng bằng phương pháp truyền thống hoặc công nghệ sóng siêu âm.
– Bước 5: Cuối cùng, bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng tại nhà.
Xem thêm: Đang bị đau răng có nên nhổ răng không? Những lưu ý quan trọng
4. Cách phòng chống viêm tủy răng hiệu quả
Sau khi điều trị viêm tủy răng, bạn vẫn có thể mắc các bệnh lý răng miệng khác. Để có sức khỏe răng miệng tốt nhất, đừng bỏ qua lời chỉ dẫn của bác sĩ dưới đây nhé.
Vệ sinh răng miệng
Bạn chú ý mua bàn chải đánh răng có đầu nhỏ, lông bàn chải mềm. Khi đó việc đánh răng sẽ thuận lợi và hạn chế tổn thương đến nướu lợi. Chải răng cần làm sạch cả mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của răng. Sau đó nên vệ sinh sạch sẽ cả lưỡi- nơi tập trung vụn thức ăn thừa, vi khuẩn.
Bạn dành thêm chút thời gian dùng chỉ nha khoa loại bỏ mảng bám ở vùng kẽ răng. Cuối cùng thì nhớ sử dụng nước súc miệng chuyên dụng làm sạch vi khuẩn triệt để nhất.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng hằng ngày cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng. Bạn nên bổ sung thực phẩm chứa các vi chất như canxi, vitamin C, K, E,… Điển hình là sữa và các chế phẩm từ sữa, cá ngừ, cá hồi, trà xanh, trái cây mềm, sinh tố,…
Bên cạnh đó, bạn cũng tránh những thức ăn quá cay, quá nóng, quá chua hoặc quá lạnh vì đều ảnh hưởng đến sức khỏe của răng.
Loại bỏ thói quen xấu
Nhiều người vẫn duy trì thói quen xấu sẽ không tốt cho độ sáng, độ bền của răng. Ví dụ như sử dụng răng để cắn các đồ vật cứng (đá viên, bút,…). Hoặc thói quen cắn móng tay, mút tay, nghiến răng khi ngủ,… Cố gắng loại bỏ điều này càng. sớm càng tốt nhé.
Thăm khám định kỳ tại nha khoa
Các bác sĩ luôn khuyến cáo mọi người nên thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần. Điều này có rất nhiều lợi ích như giúp làm sạch cao răng, mảng bám trên răng. Tiếp theo là giúp bạn sớm phát hiện bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm lợi,… khi chúng mới chớm phát sinh. Khi đó việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.
5. Viêm tủy răng nào cần gặp bác sĩ?
Viêm tủy răng tuy diễn biến âm thầm nhưng vẫn có những dấu hiệu cảnh báo để mọi người sớm nhận biết và lên phương án điều trị. Nếu thấy răng miệng xuất hiện một số điều bất thường dưới đây, mọi người nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Bạn thấy răng nhạy cảm hơn với các đồ chua, ngọt, lạnh và nóng.
- Bạn thấy những cơn đau răng xuất hiện đứt quãng, sau đó thì tăng dần.
- Bạn thấy tăng tiết nước bọt bất thường hoặc không thể nhai nuốt thức ăn.
- Bạn thấy có hiện tượng bị hôi miệng kéo dài.
Bị viêm tủy răng mà không phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí là mất răng thật. Nếu thấy một số dấu hiệu như bị sâu răng, đau răng thì nên đến địa chỉ nha khoa uy tín để thăm khám nhé.