Trẻ sơ sinh khi đi tướt mọc răng thường đi kèm các triệu chứng đặc trưng như sốt, ho, quấy khóc… khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Vậy tình trạng này là gì và cách điều trị như thế nào? Bài viết này của chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bậc phụ huynh các thông tin về đi tướt mọc răng ở trẻ.
Mục lục
1. Trẻ đi tướt mọc răng là gì?
Đi tướt tương tự hiện tượng tiêu chảy xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, trẻ trong giai đoạn mọc răng và tập lẫy. Nguyên nhân nhân khiến cho trẻ mọc răng đi tướt là do trong quá trình mọc răng, cơ thể trẻ tiết ra một loại enzyme và nước bọt được tiết ra nhiều hơn, lúc này, trẻ nuốt nước bọt sẽ gây ra tình trạng đi tướt.
Tùy vào sức khỏe của trẻ mà đi tướt có thể diễn ra nhiều lần trong ngày. Với những trẻ có sức khỏe yếu, đi tướt có thể từ 5 – 7 lần/ngày, còn với những trẻ sức khỏe tốt hơn thì con số này giao động từ 2 – 3 lần/ngày.
Hỏi đáp: Trẻ mọc răng sớm nhất là mấy tháng?
2. Dấu hiệu khi trẻ đi tướt mọc răng
Trẻ mọc răng đi tướt thường có các dấu hiệu dễ nhận biết sau:
- Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày (thông thường 4 – 5 lần/ngày). Để phân biệt trẻ đi ngoài do mọc răng hay do bệnh lý thì phụ huynh có thể nhìn vào phân của trẻ. Phân của trẻ mọc răng đi tướt không bị sống, không có dịch nhầy, không sủi bọt và có màu vàng hơi xanh…
- Trẻ mọc răng đi tướt có thể phân thành nhiều cấp độ khác nhau phụ thuộc tình trạng của phân khi đi ngoài, bao gồm trẻ phân mềm nhưng thành khuôn, phân nát, phân lỏng hoặc phân toàn chất lỏng. Tùy từng tình trạng của phân mà cách hỗ trợ điều trị sẽ khác nhau.
- Ngoài ra, trẻ đi tướt mọc răng thường biếng ăn, sốt, chảy nhiều nước dãi, ngứa nướu, quấy khóc…
3. Trẻ đi tướt mọc răng có nguy hiểm không?
Trẻ đi tướt mọc răng thường sốt và quấy khóc khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Chúng ta không thể khẳng định chắc chắn trẻ đi tướt mọc răng có nguy hiểm hay không vì bất kỳ hiện tượng bất thường nào ở trẻ cũng cần được theo dõi và để giải quyết kịp thời, tránh gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ.
Thông thường, trẻ đi tướt mọc răng vẫn có thể sinh hoạt bình thường, tuy nhiên, các bậc cha mẹ vẫn nên theo dõi sức khỏe của con trong thời gian 2 – 3 ngày trước và trong khi mọc răng để điều chỉnh lịch sinh hoạt và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
4. Khi nào trẻ đi tướt mọc răng cần đi khám?
Khi trẻ có những dấu hiệu sau thì các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng và nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất để kiểm tra và thăm khám kịp thời.
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi và bị sốt trên 38 độ C.
- Trẻ hơn 3 tháng tuổi và bị sốt trên 39 độ C kéo dài.
- Trẻ sốt cao liên tục, co giật kèm tiêu chảy, nôn mửa, phát ban.
- Răng đã nhú lên nhưng các triệu chứng sốt vẫn còn, thậm chí còn nặng hơn.
- Trẻ nhủ nhiều, ngủ li bì, quấy khóc không ngừng và không dỗ được trẻ.
- Trẻ tiêu chảy nhiều hơn 5 ngày và không đỡ, có máu lẫn trong phân.
- Trẻ bị sụt cân đáng kể.
Đọc thêm: Cách hạ sốt khi trẻ mọc răng
5. Trẻ đi tướt mọc răng bao lâu thì khỏi?
Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ đi tướt mọc răng là tình trạng phổ biến gặp ở cả những trẻ khỏe mạnh bình thường. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn có thể đi tướt 4 – 5 lần mỗi ngày nên các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh đối mặt và xử lý tình trạng này. Đối với trẻ bú bình, nếu trẻ đi ngoài nhiều lần liên tục trong vòng 1 giờ thì các cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị.
Trung bình, trẻ đi tướt chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 ngày trước hoặc sau khi mọc chiếc răng đầu tiên, sau đó, hiện tượng này sẽ dần biến mất. Nếu sau thời gian này mà trẻ vẫn tiếp tục đi ngoài phân lỏng nhiều lần thì phụ huynh nên đưa trẻ đi khám vì rất có thể trẻ gặp vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa chứ không chỉ đơn thuần là do mọc răng.
6. Mẹo chữa đi tướt mọc răng tại nhà
Trẻ đi tướt mọc răng là hiện tượng phổ biến và không quá nguy hiểm nhưng đem lại nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày. Làm thế nào để cùng trẻ vượt qua thời gian này, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Trẻ mọc răng, sốt kèm đi tướt cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để bù lại lượng chất đã mất thông qua sữa mẹ hoặc thức ăn nếu trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm.
- Lựa chọn các sản phẩm từ yến mạch như cháo yến mạch, sữa tươi yến mạch, sữa chua yến mạch để giúp hệ tiêu hóa của trẻ dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng hơn.
- Tăng tường các loại thực phẩm giàu protein và canxi như trứng gà, thịt bò, thịt lợn… bằng nhiều món ăn hấp dẫn và mẹ có thể xay nhuyễn để trẻ dễ nuốt hơn. Protein sẽ tăng cường sản xuất enzyme và giúp quá trình tiêu hóa trong cơ thể trẻ diễn ra thuận lợi hơn.
- Bổ sung các loại rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ như cải bó xôi, súp lơ, cải chíp… Vitamin và khoáng chất trong rau xanh còn giúp răng và nướu thêm chắc khỏe.
- Đảm bảo thức ăn của trẻ được nấu chín kỹ, sạch sẽ và khoa học.
- Uống nước dừa để bổ sung nước cho trẻ, đặc biệt khi trẻ bị sốt.
- Cho trẻ uống nước bù điện giải để tránh tình trạng trẻ bị mất nước quá nhiều khi sốt cao, tiêu chảy.
- Giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ bằng cách tắm mỗi ngày, lau sạch mông sau mỗi lần đi ngoài.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng để không tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng và gây sâu răng.
- Với trẻ có thói quen ngậm tay, đồ vật, cha mẹ không nên để con tiếp xúc với những loại đồ chơi, vật dụng sắc nhọn vì có thể trẻ sẽ nhai và bị tổn thương nướu.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu vải thấm hút hồ hôi tốt.
- Với trẻ bị sốt cao, cha mẹ có thể cho trẻ uống paracetamol nhằm hạ sốt và giảm đau với liều lượng khoảng 10 – 15mg/kg cân nặng của trẻ và uống cách nhau mỗi 4 – 6 giờ 1 lần.
Tìm hiểu thêm: Các câu thần chú mọc răng không sốt
7. Trẻ đi tướt mọc răng không nên làm gì?
Mặc dù việc bổ sung dinh dưỡng là hết sức cần thiết đối với trẻ trong thời gian mọc răng đi tướt nhưng các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không nên cho trẻ còn bú sữa mẹ sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, đồ uống có ga, chất kích thích… Siro, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt có là thủ phạm khiến cho tình trạng đi ngoài của trẻ ngày càng tệ hơn do tăng áp lực thẩm thấu ở đường ruột.
- Các loại trái cây như mít, xoài, chuối, lê… chứa nhiều đường không nên sử dụng khi trẻ đi tướt mọc răng.
- Tránh các thực phẩm tanh như cua, ốc, tôm, cá… vì lớp chất nhầy trên bề mặt hải sản thường chứa các loại vi khuẩn đường ruột như shigella, salmonella…
- Không để trẻ uống đồ lạnh. Trừ chườm lạnh bằng khăn nếu thấy trẻ khó chịu ở răng.
- Không nên ủ ấm, đắp thêm chăm cho con vì có thể làm con bị sốt cao hơn.
Lời kết:
Trẻ mọc răng là tình trạng sức khỏe phổ biến và thường đi kèm các triệu chứng như bài viết đã nêu trên. Hy vọng các bậc cha mẹ đã có thêm hiểu biết về tình trạng trẻ đi tướt mọc răng và có những biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp trong giai đoạn này. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan mà cần chú ý theo dõi sức khỏe của con để nhanh chóng có những biện pháp xử lý phù hợp nhất.
Đọc tiếp bài viết: Trẻ 10 tháng không thấy mọc răng sữa có sao không?