Tại sao sau khi uống rượu hơi thở còn lưu lại mùi rượu, thậm chí là rất lâu là một thắc mắc chung của nhiều người. Để tìm lời giải thích cho câu hỏi này, hãy tìm đọc ngay bài viết dưới đây đồng thời bạn sẽ được chia sẻ cách khử mùi rượu trong miệng đơn giản, nhanh chóng đến bất ngờ.
Uống rượu gây mùi trong khoang miệng thế nào?
Rượu khiến hệ vi sinh vật trong khoang miệng bị xáo trộn
Trong môi trường khoang miệng cũng tồn tại một hệ vi sinh vật chung sống lành mạnh và không gây hại gì cho sức khỏe, thậm chí mang lại nhiều lợi ích. Các nghiên cứu thấy rằng, uống rượu khiến cho hệ vi sinh vật trong miệng bị mất cân bằng. Rượu khiến cho lượng vi khuẩn Lactobacillus – vi khuẩn lành mạnh giảm đi và vi khuẩn góp phần gây sâu răng và viêm nướu gia tăng.
Các loại vi khuẩn có hại này hoạt động sản sinh ra hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, chính là tác nhân khiến hơi thở từ miệng có mùi hôi.
Rượu gây khô miệng
Rượu chứa cồn và sau khi uống rượu, người ta thường cảm thấy miệng bị khô do ảnh hưởng của cồn khiến nước bọt tiết ít. Khô miệng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng hôi miệng do nước bọt có tác dụng diệt khuẩn, sẽ tiêu diệt những loài vi khuẩn có hại.
Rượu khiến chức năng hoạt động của gan bị ảnh hưởng
Lý giải khoa học cho việc hơi thở của bạn còn mùi rượu sau khi uống rượu đó là rượu thuộc nhóm chất chứa độc tố. Lượng chất độc này khiến cho gan bị ảnh hưởng, hoạt động quá tải. Hậu quả là rượu tích tụ trong máu, trong phổi, trong các mô tế bào và gây ra mùi hơi thở cũng như mùi cơ thể đều nồng nặc mùi rượu.
Mùi rượu tồn tại trong hơi thở và khoang miệng trong bao lâu
Thành phần hóa học của rượu là ethanol và các chất chuyển hóa như acetaldehyd sẽ lưu lại trong hơi thở hơn 12 giờ sau khi uống rượu. Đó là lý do dù bạn có uống rượu từ đêm qua thì sáng sớm thức dậy miệng và hơi thở vẫn đầy mùi rượu.
Trong thời gian hơn 12 tiếng đồng hồ này, gan sẽ hoạt động tích cực để phân giải và chuyển hóa rượu thành các sản phẩm ít độc tố hơn. Tới đây, có thể bạn nghĩ không có cách nào can thiệp để rút ngắn quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể này? Đúng là vậy, tuy nhiên bạn vẫn có thể làm giảm bớt tình trạng hơi thở mùi rượu bằng một số mẹo sau đây, hãy tham khảo ngay nhé!
Các cách khử mùi rượu trong miệng
Đánh răng bằng kem đánh răng thơm miệng
Đánh răng là hoạt động vệ sinh răng miệng hàng ngày không chỉ giúp làm sạch mảng bám, loại bỏ vi khuẩn gây sâu răng mà còn có thể cứu cánh hơi thở có mùi rượu rất hiệu quả.
Vậy nên, sau khi uống rượu về, bạn hãy đánh răng thật kỹ để khử nhanh hơi rượu còn trong miệng. Bạn cũng nên lựa chọn những loại kem đánh răng chứa các thành phần chiết xuất thiên nhiên như trà xanh, bạc hà, hoa cúc… cho miệng trở nên thơm tho và hơi thở dễ chịu.
Dùng nước súc miệng
Súc miệng giúp giảm nồng độ cồn trong khoang miệng và hơi thở hiệu quả nhanh chóng. Chúng ta có thể sử dụng các loại nước súc miệng bán sẵn, những sản phẩm này còn chứa các thành phần giúp sát khuẩn răng miệng và hương liệu tươi mát sẽ xua đi mùi rượu nồng nàn trong miệng.
Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo thơm miệng
Kẹo cao su hoặc kẹo ngậm thơm miệng là giải pháp tiếp theo giúp xử lý mùi rượu tức thì. Nhai kẹo cao su hay ngậm một viên kẹo hương trái cây giúp át đi mùi rượu cho bạn thoải mái giao tiếp với người đối diện. Cách này còn có tác dụng kích thích tăng tiết nước bọt, giảm hoạt động của vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng.
Uống thật nhiều nước
Cách đơn giản để giảm nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở đó là uống nhiều nước lọc sau khi uống rượu. Uống nhiều nước mang lại cảm giác dễ chịu hơn sau khi uống rượu, xua đi nóng rát ở cổ họng và dạ dày cũng như hạn chế tình trạng khô miệng gây hôi miệng mỗi khi uống rượu.
Uống nước chanh đường
Sau khi uống rượu, bạn hãy pha ngay một cốc nước chanh đường, thêm chút đá lạnh và thưởng thức. Hương chanh tươi mát sẽ đánh bay mùi rượu trong hơi thở, đồng thời nước chanh đường giúp giải rượu nhanh chóng và mang lại cảm giác tỉnh táo, dễ chịu hơn cho bạn.
Nhai lá bạc hà
Lá bạc hà là loại rau có hương vị the mát và có khả năng lưu hương trong khoang miệng sau khi ăn. Nhai một chút lá bạc hà sau khi uống rượu để che đi mùi cồn còn lại trong hơi thở là cách làm nên thử.
Tham khảo thêm: 3 cách chữa hôi miệng bằng lá ổi – bạn có muốn thử?
Dùng chai xịt thơm miệng
Sản phẩm xịt thơm miệng nhỏ gọn nhưng hữu ích trong các tình huống như muốn che đi mùi rượu nhanh chóng sau khi uống rượu. Xịt thơm miệng mang theo mùi hương thảo mộc giúp khoang miệng trở nên thơm tho trong một vài giờ.
Dùng thuốc giải rượu
Sở dĩ miệng thường còn mùi rượu sau khi uống loại đồ uống này đó là do nồng độ cồn tồn tại trong máu, phổi và mô niêm mạc miệng. Thuốc giải rượu là giải pháp tối ưu dành cho những người thường xuyên uống rượu. Thuốc giúp thúc đẩy chuyển hóa rượu trong cơ thể, giảm mùi rượu trong hơi thở đồng thời nhanh chóng làm bớt cảm giác say rượu.
- Làm thế nào khử mùi thuốc lá trong miệng hiệu quả?
- Mẹo trị hôi miệng khi ăn tỏi cực nhanh và dễ dàng
Một số mẹo khi uống rượu để hạn chế mùi rượu trong miệng và chống say rượu
Nên uống rượu nhẹ có nồng độ cồn thấp
Một số loại rượu nhẹ như rượu vang có nồng độ cồn vừa phải sẽ không khiến bạn gặp phải tình trạng hơi thở nồng nặc mùi rượu. Rượu vang giúp làm gia tăng hương vị khi thưởng thức một số món ăn như bò nướng, hải sản… Uống một chút rượu vang nhẹ mỗi ngày còn có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe, cho da dẻ hồng hào, đỏ đắn hơn.
Nên ăn trước khi uống rượu
Nếu bạn để một chiếc dạ dày trống rỗng trước khi uống rượu thì hậu quả không chỉ là cơ thể bị mùi rượu nặng nề mà còn tăng nguy cơ khiến bạn bị đau bao tử và dễ bị say rượu. Mẹo dành cho bạn là hãy ăn lót dạ kha khá trước khi uống rượu giúp cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Những thức ăn chứa tinh bột, chất đạm và chất béo lành mạnh cũng như rau xanh là những thực phẩm nên ăn trước khi uống rượu giúp dễ tiêu và giảm độc tố trong cơ thể do uống rượu.
Hạn chế pha trộn nhiều loại bia rượu, đồ uống với nhau
Việc pha trộn các loại đồ uống như nước ngọt với bia rượu hay nhiều loại bia rượu khác nhau là không nên thực hiện. Hỗn hợp của nhiều loại đồ uống sẽ khiến mùi rượu nặng nề hơn và tăng nguy cơ bị say rượu.
Uống rượu có chừng mực
Uống càng nhiều rượu thì mùi rượu trong miệng càng nặng và hơi rượu lưu lại trong cơ thể càng lâu. Đồng thời, uống quá nhiều rượu khiến gây tổn hại đến chức năng hoạt động của các cơ quan như gan, thận, dạ dày, thần kinh…. Hãy uống rượu có chừng mực để bảo vệ sức khỏe của bản thân bạn nhé.
Qua đây, chúng tôi đã chia sẻ những cách đơn giản và nhanh chóng để khử mùi rượu trong miệng sau khi uống rượu. Nếu bạn thường xuyên phải tham gia các cuộc nhậu và uống rượu thì hãy bỏ túi ngay những bí quyết nêu trên để không còn quá lo lắng về vấn đề mùi hơi thở sau khi uống rượu nữa.