Hôi miệng là tình trạng hơi thở phát ra từ miệng có mùi khó chịu. Người bị hôi miệng thường có tâm lý thiếu tự tin khi giao tiếp gần với người xung quanh. Có vô số cách trị hôi miệng trong đó sử dụng các loại lá cây để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi là cách được nhiều người áp dụng. Hãy tìm hiểu các loại lá cây trị hôi miệng cùng chúng tôi trong nội dung dưới đây và áp dụng ngay khi cần thiết bạn nhé!
Mục lục
Các loại lá cây trị hôi miệng và cách áp dụng
Dùng lá cây để trị hôi miệng thường là các mẹo dân gian được truyền lại từ lâu đời, dựa trên kinh nghiệm thực tế của cha ông ta. Sau đây là tổng hợp những loại lá cây mà theo kinh nghiệm dân gian có thể xua đi mùi hôi khó chịu trong hơi thở cho bạn tham khảo.
Lá bạc hà
Bạc hà là một loại rau gia vị được dùng nhiều trong các món ăn. Trong Đông y, bạc hà được đánh giá là một loại thảo dược có nhiều lợi ích cho sức khỏe như trị đau đầu, đau răng, lở loét, lao hạch và chảy máu cam,… Một tác dụng nổi bật của bạc hà đó là khả năng cải thiện mùi hôi miệng hiệu quả.
Sở dĩ bạc hà có tác dụng này bởi lá của cây bạc hà chứa tinh dầu với các thành phần hóa học như menthol, menthon, iso-menthon, piperitenon oxide, carvon và nhiều flavonoid khác.
Những hợp chất hóa học này có tác dụng giống như chất khử khuẩn, loại bỏ vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng. Đồng thời, trong tinh dầu chứa các hợp chất ảnh hưởng đến hệ thống thụ thể cảm giác trong miệng tạo nên cảm giác mát lạnh, the mát khi ăn lá bạc hà.
Cũng nhờ tính chất trên mà tinh dầu bạc hà thường được thêm vào các sản phẩm chăm sóc răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng, xịt thơm miệng, kẹo sing gum…
Quay lại vấn đề làm thế nào để dùng lá bạc hà trị hôi miệng, chúng ta có một vài lựa chọn như sau:
Nhai lá bạc hà: Mỗi khi bạn cảm thấy hơi thở phát ra từ miệng có mùi hôi, hãy nhai một vài lá bạc hà tươi để át đi mùi khó chịu trong khoang miệng.
Súc miệng nước lá bạc hà: Bạn nghiền nát một nhúm lá bạc hà, lọc lấy nước cốt và pha với 1 cốc nước lọc nhỏ. Dùng nước này để súc miệng trong ngày, mỗi khi súc miệng hãy ngậm dung dịch trong miệng 2 – 3 phút rồi mới nhổ bỏ.
Lá húng quế
Theo y học dân gian, lá húng quế có vị cay, mùi thơm và tính ấm, dùng để chữa các bệnh viêm họng, ho, đau đầu, rối loạn tiêu hóa… Húng quế đối với sức khỏe răng miệng có tác dụng chữa đau nhức răng và trị hôi miệng hiệu quả.
Các hợp chất hóa học trong lá húng quế có khả năng giảm sung huyết, chống sưng nướu. Đồng thời, lá húng quế còn có tác dụng kháng khuẩn, loại trừ các vi khuẩn có hại gây bệnh lý răng miệng.
Cách dùng lá húng quế để trị hôi miệng như sau:
Nhai lá húng quế: Húng quế thường được sử dụng như một loại rau gia vị ăn kèm trong các bữa ăn. Vì thế chúng ta có thể dùng cách ăn lá húng quế tươi để giảm mùi hôi miệng nhanh chóng.
Dùng nước sắc từ lá húng quế: Nếu như bạn có thời gian, hãy lấy một nắm lá húng quế tươi đem rửa sạch và sắc với 2 bát nước, có thể thêm vào một chút muối hạt. Khi nước sắc lá húng quế nguội đi, bạn dùng nước này để súc miệng. Thực hiện đều đặn súc miệng sau mỗi bữa ăn sẽ thấy tình trạng hôi miệng cải thiện đáng kể.
Lá ổi
Lá ổi chứa các flavonoid có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ có thể sử dụng để trị chứng hôi miệng do vi khuẩn trong khoang miệng gây ra. Người ta thường dùng lá ổi để chữa hôi miệng theo các cách đơn giản sau đây:
Nhai lá ổi non: Bạn cần chọn những lá ổi còn non, không bị sâu sau đó rửa sạch và nhai sống trong khoảng 2 phút. Sau khi nhai nát lá ổi bạn nên nhổ bỏ bã và đánh răng hoặc súc miệng lại cho sạch.
Súc miệng nước lá ổi: Đem 5 – 7 lá ổi tươi rửa thật sạch, cho vào nồi chứa tầm 200ml nước và đun cho sôi, thêm vào một chút muối. Chắt lấy nước lá ổi và để nguội. Dùng nước lá ổi này súc miệng ngày 3 – 4 lần để khử mùi hôi miệng.
Tham khảo thêm: 3 cách chữa hôi miệng bằng lá ổi – bạn có muốn thử?
Lá trà xanh
Trà xanh là thức uống yêu thích của nhiều người, nó không chỉ thanh mát, thơm ngon mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trà xanh thuộc top các thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa cao, chống viêm và chống ung thư hiệu quả.
Không những thế đối với sức khỏe răng miệng, trà xanh phát huy nhiều tác dụng như trị hôi miệng, sát khuẩn răng miệng, chữa lành các tổn thương nướu… Để sử dụng trà xanh chăm sóc răng miệng, bạn chỉ cần uống trà xanh mỗi ngày. Tất nhiên, không nên uống quá nhiều trà xanh thay cho nước lọc, bạn chỉ nên nhâm nhi vài, ba chén trà một ngày là đủ.
Việc uống trà xanh quá nhiều, quá đặc có thể gây căng thẳng, bồn chồn, hồi hộp đồng thời trà đặc sẽ làm răng của chúng ta dễ trở nên ố vàng, xỉn màu.
Lá tía tô
Một trong các loại lá cây có khả năng khử mùi hôi miệng được biết đến rộng rãi đó là lá tía tô. Ngoài ra, tính chất diệt khuẩn của lá tía tô còn giúp ngăn ngừa các bệnh răng miệng khác như sâu răng, viêm nướu. Cách sử dụng lá tía tô để trị hôi miệng như sau:
Ăn rau tía tô tươi: Tía tô là một loại rau gia vị ăn kèm nhiều món ăn ngon và có thể ăn sống. Nhai rau tía tô tươi giúp át đi mùi hôi miệng khó chịu, cho hơi thở thơm tho mùi tía tô.
Nấu nước tía tô để súc miệng: Một cách đơn giản khác để dùng lá tía tô trị hôi miệng được nhiều người áp dụng đó là sắc nước lá tía tô và dùng súc miệng. Cách thực hiện như sau:
Bạn rửa sạch 1 nắm lá tía tô, đun sôi khoảng 200ml nước rồi thả lá tía tô vào đun nhỏ lửa thêm 2 phút.
Chắt nước lá tía tô ra bát để nguội và dùng để súc miệng 3 – 4 lần/ngày. Cách làm này có thể áp dụng hàng ngày tới khi chứng hôi miệng được cải thiện.
Có thể bạn muốn biết: Cách trị hôi miệng khi ăn tỏi cực nhanh và dễ dàng
Lá cây trị hôi miệng có hiệu quả không?
Thực tế, hiệu quả của việc điều trị hôi miệng bằng lá cây không giống nhau ở tất cả các trường hợp. Dùng lá cây trị hôi miệng là phương pháp hữu hiệu và tiết kiệm chi phí với những người bị hôi miệng nhẹ, hôi miệng do ăn một số loại thức ăn có mùi như tỏi, hành…, uống rượu, cà phê…
Đối với những ai đã dùng lá cây trị hôi miệng trong một thời gian mà không thấy hôi miệng thuyên giảm thì nên nghi ngờ bệnh lý khiến hơi thở có mùi và tìm đến bác sĩ chuyên khoa để xử lý dứt điểm.
Sau khi sử dụng lá cây để trị hôi miệng, bạn nên làm sạch răng miệng bằng cách chải răng thật kỹ để tránh tình trạng vụn lá cây hoặc màu từ lá cây khiến răng bị xỉn màu.
Bên cạnh việc áp dụng các mẹo trị hôi miệng bằng lá cây, chúng ta cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng khoa học như đánh răng ít nhất 2 lần/ngày hay dùng tăm nha khoa xỉa răng và súc miệng bằng nước súc miệng sát khuẩn. Những thói quen này sẽ giúp bảo vệ tối đa cho răng và nướu của bạn khỏi các bệnh lý gây ra do vi khuẩn.
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết về công dụng của những loại lá cây có khả năng chữa trị chứng hôi miệng cũng như cách thực hiện. Mong rằng, những chia sẻ này từ chúng tôi sẽ giúp ích thật nhiều cho bạn trong công cuộc tìm lại hơi thở thơm mát, cho bạn luôn thoải mái và tự tin.
Đọc tiếp bài viết: Làm thế nào khử mùi thuốc lá trong miệng hiệu quả?