Men răng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức khoẻ và thẩm mỹ của răng. Men răng nguyên vẹn, chắc chắn và sáng bóng giúp cho bạn ăn nhai thoải mái. Ngược lại, men răng tổn ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai, gây tâm lý tự ti khi giao tiếp. Vậy, men răng là gì? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Men răng là gì?
Men răng là lớp mô vô bào mỏng bao phủ toàn bộ bề mặt thân răng. Đây là một trong những mô cứng nhất trong cơ thể, thậm chí cứng hơn cả xương. Tuy vậy, men răng có thể bị ố màu, mài mòn và tổn thương do sự tích tụ của mảng bám thức ăn, acid thực phẩm và sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
Một số đặc điểm chi tiết hơn của men răng gồm:
- Độ dày: Độ dày của men răng không đồng đều trên toàn thân răng mà dao động từ vài micromet đến 2.5mm từ vùng cổ răng đến vùng rìa cắn và đỉnh múi. Ngoài ra, độ dày men ở mỗi răng cũng khác nhau.
- Độ cứng: Men răng đạt độ cứng Mohs từ 5 – 8, độ cứng Knoop khoảng 260 – 360 và độ cứng Vickers khoảng 300 – 430. Độ cứng quyết định bởi độ khoáng hóa, do đó men ở bề mặt cứng hơn men ở lớp trong.
- Màu sắc: Men răng có màu trong suốt, hơi ánh xanh xám hoặc vàng nhạt. Màu sắc này được chi phối bởi chiều dày lớp men, màu vàng nhạt của ngà, mức độ trong và tính đồng nhất của men răng.
- Tính thấm: Khi răng chưa mọc, độ thấm của men răng không giới hạn. Chất màu có thể ngấm từ môi trường khoang miệng và cả phía tủy răng qua tiếp nối ngà răng. Sau khi mọc, độ thấm giảm, men răng ít xốp hơn.
Tìm hiểu vị trí, cấu tạo và chức năng của men răng
Dưới đây là thông tin chi tiết về cấu trúc giải phẫu và chức năng của men răng:
Vị trí của men răng
Men răng là lớp ngoài cùng, bao phủ toàn bộ bề mặt răng, tiếp giáp với ngà răng. Nhờ kết cấu chắc chắn, men răng được xem như tấm khiên bảo vệ các thành phần phía trong như: ngà răng, mạch máu và hệ thần kinh. Cũng bởi nằm ở vị trí ngoài cùng nên nhiều người cho rằng màu sắc răng được quyết định bởi men răng. Tuy nhiên, quan điểm này chưa đúng.
Men răng gần như trong suốt. Vì vậy, màu sắc răng mà bạn thấy thực ra là màu của lớp ngà răng. Vì vậy, răng của một người có màu vàng, trắng hay xám đều được quyết định chủ yếu bởi màu của ngà răng.
Cấu tạo của men răng
Men răng là một trong những kết cấu chắc chắn nhất trong cơ thể. Điều này được quyết định bởi thành phần cấu tạo men răng, bao gồm:
- Chất khoáng: Chủ yếu là canxi photphat chiếm khoảng 99% trên tổng trọng lượng khô và chiếm khoảng 80 – 90% nếu tính theo thể tích tinh thể khoáng canxi hydroxyapatite.
- Protein: Chủ yếu là glutamic acid, proline, histidine ở men răng trong bào thai. Với men đã và đang trưởng thành, protein chủ yếu là aspatic acid, serine và glycine
- Nước: Tham gia vào cấu tạo của vỏ hydrate xung quanh tinh thể khoáng và trong protein.
- Fluorine: Tập trung ở lớp men ngoài cùng, khoảng 300 – 1.200ppm, thậm chí cao hơn. Càng vào sâu, Fluorine càng giảm, có thể thấp đến hơn 20 lần so với bề mặt.
- Vi lượng: Bao gồm mangan, vanadium, selenium, strontium, molybdenum có vai trò ức chế sâu răng.
Hỏi đáp: Răng sữa bị sâu thì có cần hàn trám không?
Bên cạnh yếu tố thành phần, độ chắc khoẻ của men răng còn được ảnh hưởng bởi cấu trúc của các tinh thể men. Cụ thể, các tinh thể khoáng canxi hydroxyapatite được tạo ra bởi bởi canxi, phosphate và ion hydroxyl sắp xếp lặp đi lặp lại.
Ngoài ra, sự tập trung của các thành phần trong men răng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến men răng. Điển hình như, protein tập trung cao ở các rãnh, dọc theo mặt tiếp nối với ngà răng, cổ răng và gần như không có ở các mặt nhai của răng. Do đó, bề mặt răng cứng cáp và luôn sẵn sàng cho nhiệm vụ nhai nghiền thức ăn.
Chức năng của men răng
Nhiệm vụ chính của men răng là bảo vệ các thành phần phía trong và đảm bảo hoạt động nhai nghiền thức ăn của răng. Với cấu trúc chắc chắn, lớp men giúp răng thích nghi được với sự thay đổi môi trường trong khoang miệng. Đây là lý do răng có thể nhai nghiền những món ăn lạnh, không quá nóng, những thực phẩm cay hay có độ acid cao.
Mặt khác, độ thấm của men răng tốt. Vậy nên, răng của bạn vẫn có thể cảm giác được những ảnh hưởng từ môi trường. Điển hình như cảm giác ê buốt, đau nhức khi ăn đồ quá lạnh hay đồ quá nóng. Mặc dù men răng cứng nhưng vẫn có thể bị sứt, mẻ, nứt vỡ nếu có va chạm mạnh.
Không giống như xương, những tổn thương trên men răng sẽ không thể lành lại. Nguyên nhân là do men răng không có tế bào sống. Do đó, những tổn thương sứt mẻ, nứt vỡ trên men răng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Các biện pháp can thiệp có thể hỗ trợ bảo vệ vùng răng bị mất men. Tuy nhiên, độ bền và khả năng bảo vệ rất khó để đạt được như lớp men răng tự nhiên.
Dấu hiệu nhận biết men răng bị hỏng
Khi men răng bị hỏng, cấu trúc tiếp giáp chịu ảnh hưởng đầu tiên là lớp ngà răng. Ngà răng được tạo thành từ các ống ngà chứa tế bào ngà. Nhiệm vụ của ngà răng là tạo cảm giác cho răng khi tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ và độ pH khác nhau. Vậy nên, khi lớp men răng bị tổn thương, răng nhạy cảm hơn và dễ dàng phát sinh triệu chứng khó chịu.
Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết lớp men răng bị hỏng gồm:
- Răng nhạy cảm: Thường xuyên có cảm giác ê buốt, đau nhức khi ăn các thực phẩm nóng, lạnh, đồ ngọt hay những món ăn chua, có tính acid.
- Đốm trên răng: Bề mặt răng có các đốm như phun cát hoặc vệt trắng đục trên chóp đỉnh răng. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy men răng đang bị bào mòn.
- Đốm đen: Là dấu hiệu điển hình của tình trạng sâu răng do men răng bị mất khoáng. Tình trạng này thường gặp nhất ở mặt nhai của răng.
- Răng ố vàng: Có thể là dấu hiệu cho thấy lớp men mỏng đi khiến ngà răng phía dưới (thường có màu vàng) lộ rõ hơn.
- Vết rỗ trên răng: các vết rỗ hay lõm li ti xuất hiện trên bề mặt răng là dấu hiệu cảnh báo men răng bị hư hỏng nặng do cấu trúc tinh thể canxi bị phá vỡ.
- Cạnh răng nứt – thô: Cạnh ngoài của răng thường khá bén để đáp ứng chức năng cắn, xé thức ăn. Khi men răng bị ăn mòn, cạnh răng trở nên thô tròn và có thể dẫn đến nứt, sứt mẻ trên răng.
Khi răng xuất hiện những dấu hiệu này, bạn nên đến cơ sở nha khoa thăm khám để làm rõ nguyên nhân và được hướng dẫn phác đồ điều trị thích hợp. Việc chữa trị sớm giúp bảo tồn tối đa men răng tự nhiên, hạn chế tổn thương cấu trúc phía trong răng, từ đó giảm nguy cơ phải nhổ răng thật.
Các phương pháp củng cố và bảo vệ men răng
Độ bền chắc của men răng được quyết định bởi 2 yếu tố gồm: thành phần cấu trúc tinh thể trong men răng và độ pH của môi trường. Dựa vào đó, bạn có thể áp dụng các biện pháp để củng cố và bảo vệ men răng, cụ thể như:
- Chọn sản phẩm chăm sóc răng chứa Fluoride: Nguyên tử Flour có thể thay thế các nguyên tử khác trong cấu trúc men răng tạo ra tinh thể fluorapatite có khả năng chống sâu răng tốt hơn.
- Tránh ăn thực phẩm có tính acid: Thường gặp như soda có ga, chanh và các loại trái cây, đồ muối chua. Những thực phẩm này có thể làm mòn men răng.
- Giảm ăn vặt: Miệng có tính acid vài giờ sau khi ăn do thực phẩm lên men. Do đó, bạn nên hạn chế ăn vặt quá nhiều vì có thể làm tăng nguy cơ mòn men răng.
- Uống đủ nước: Giúp làm sạch mảng bám thức ăn trên bề mặt răng và kẽ răng tốt hơn đồng thời hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Bạn nên uống nước làm nhiều lần trong ngày để có hiệu quả tốt nhất.
- Nhai kẹo cao su không đường: Giúp tăng tiết nước bọt, làm sạch mảng bám và giúp cho men răng chắc khỏe. Bạn nên chọn loại kẹo chứa xylitol để tăng cường tác dụng chống sâu răng.
- Đánh răng đúng cách: Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày. Bên cạnh đó, bạn nên chọn bàn chải lông mềm, chải răng nhẹ nhàng ở tất cả các mặt răng. Sau đó, bạn có thể dùng chỉ nha khoa, tăm nước để làm sạch tốt hơn.
- Tái khoáng men răng: Bằng cách bôi fluor trên răng để ngăn mất khoáng, phục hồi men răng tự nhiên. Phương pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa.
- Tráng men răng: Đây là quá trình áp dụng một lớp vật liệu chất phủ lên bề mặt răng nhằm bảo vệ và tăng cường độ cứng cho răng. Quá trình này thường được thực hiện sau khi răng đã được làm sạch và tẩy trắng, giúp răng trở nên sáng bóng và giảm nguy cơ bị mảng bám.
Các phương pháp điều trị men răng hỏng
Phương pháp điều trị men răng hỏng cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: mức độ mất men răng, tình trạng răng hiện tại, sức khoẻ và điều kiện tinh tế của từng bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả và an toàn:
Trám răng
Trám răng là phương pháp sử dụng vật liệu Composite có độ bền cao, màu sắc tương đồng với men răng phủ đều lên toàn bộ bề mặt răng. Cách làm này giúp bổ sung phần men răng bị mòn, rỗ hoặc sứt mẻ nhẹ. Nhờ đó, răng được bảo vệ tốt hơn, giảm nguy cơ sâu răng, tổn thương răng khi men răng bị hỏng. Mặt khác, trám răng cũng cải thiện độ sáng, bóng của răng giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày.
Xem chi tiết: Quy trình trám răng
Trám răng Composite là kỹ thuật đơn giản, thời gian thực hiện nhanh. Thông thường, bạn chỉ cần khoảng 15 – 20 phút cho một lần trám răng. Vật liệu trám dính chặt với bề mặt răng tạo ra cảm giác chắc chắn, tự nhiên như răng thật. Bên cạnh đó, chi phí trám răng phù hợp với đa số người bệnh, chỉ khoảng 200.000 – 500.000 đồng/ răng.
Hỏi đáp: Trám răng rồi có bị sâu lại không?
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là phương pháp nha khoa thẩm mỹ giúp khắc phục hiệu quả tình trạng men răng hỏng. Với cách này, bác sĩ sẽ sử dụng một mão răng sứ có chất liệu và màu sắc tương tự với răng tự nhiên bọc lại răng thật. Thông thường, răng thật cần được mài bớt một lớp men răng mỏng để tạo không gian và chuẩn bị bề mặt tiếp xúc tốt nhất với răng sứ.
Bọc răng sứ phù hợp với hầu hết trường hợp hỏng men răng như: gãy, sứt mẻ, vỡ răng, răng ố vàng nặng do sinh hoạt hoặc nhiễm kháng sinh. Phương pháp này được nhiều người bệnh ưa chuộng bởi khả năng bảo vệ răng thật tốt, độ bền chắc và tính thẩm mỹ cao. Sau khi hoàn thiện, răng sứ có kích thước và hình dáng hài hoà, tự nhiên trên cung hàm.
Hỏi đáp: Dán sứ hay bọc sứ thì tốt hơn?
Chi phí bọc răng sứ dao động khoảng 1.500.000 – 15.000.000 đồng/ răng tùy vào chất liệu răng và dịch vụ kèm theo. Để biết mình phù hợp với loại răng nào và chi phí cụ thể cho một đợt điều trị, người bệnh nên đến các cơ sở nha khoa để được bác sĩ thăm khám và trao đổi trực tiếp.
Đọc thêm: Tìm hiểu địa chỉ bọc răng sứ uy tín
Trên đây là bài viết tổng quan về men răng. Hy vọng nội dung bài viết đã đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Nếu cần tư vấn hỗ trợ, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ trực tiếp với các bác sĩ của Nha khoa Thúy Đức qua hotline: 093 186 3366.