Bạn đã từng thức dậy sau một giấc ngủ dài và thấy miệng khô hạn như thể sa mạc hay chưa? Nếu gặp phải tình huống này chắc hẳn bạn đã trải qua một giấc ngủ và thở bằng miệng. Rất nhiều người bị ngủ thở bằng miệng, đây không chỉ là một thói quen xấu mà có thể còn là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn hoặc vấn đề sức khỏe. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề ngủ thở bằng miệng trong bài viết sau.
Mục lục
Nguyên nhân gây hiện tượng ngủ thở bằng miệng
Một người bình thường khi ngủ sẽ có nhịp thở đều đều, hơi thở được lấy vào phổi từ mũi đi qua các phòng tuyến bảo vệ như lông mũi, cuống mũi, xoang mũi. Không khí được thanh lọc sạch sẽ và có độ ẩm phù hợp để đi vào họng và phổi.
Tuy vậy, nhiều người có thói quen ngủ thở bằng miệng và chính bản thân người mắc chứng này không nhận biết và đánh giá mức độ được mà cần người bên cạnh quan sát và phản ánh lại. Khi bị ngủ thở bằng miệng thì người đó gần như sử dụng miệng là cơ quan hít vào và thở ra không khí thay vì dùng mũi kết hợp với miệng để hít thở như bình thường.
Người ngủ thở bằng miệng có thể là thói quen do cấu trúc hàm mặt, hoặc hiện tượng này là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe. Bạn có lẽ đang gặp phải bệnh lý nào đó, nhất là khi ngủ thở bằng miệng kèm theo tiếng ngáy.
Những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tình trạng ngủ há miệng
– Nghẹt mũi, tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường thở bằng mũi khiến cho phản xạ há miệng khi ngủ để lấy không khí vào phổi. Tình trạng tắc nghẽn mũi cũng có thể đến từ nhiều nguyên nhân như:
- Bị cảm lạnh, chảy nước mũi, nghẹt mũi gây ngủ há miệng nhưng chỉ tạm thời, khi hết triệu chứng cảm cúm sẽ trở lại bình thường
- Bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang mãn tính là những bệnh lý về mũi kéo dài và dễ tái phát.
- Bị hen suyễn khiến cho quá trình hô hấp, hít thở gặp khó khăn, người bệnh thường bị nghẹt mũi, tức ngực, khó thở, khò khè…
- Bị bệnh viêm VA hay còn gọi là viêm Adenoids khi mảng mô phía sau cổ họng sưng to gây khó thở và nghẹt mũi
– Lệch vách ngăn mũi Do cấu trúc bẩm sinh hoặc bị tổn thương do viêm nhiễm, chân thương mà vách ngăn mũi – bộ phận phân chia khoang mũi có thể bị lệch kéo theo tình trạng nghẹt mũi, ngủ thở bằng miệng và ngủ ngáy…
Những nguyên nhân ít phổ biến hơn
- Khối u hoặc polyp trong hốc mũi gây cản trở đường thở qua mũi
- Do cấu trúc xương hàm hoặc răng lệch lạc khiến hai môi không thể khép lại khi ngủ
- Hội chứng OSA ngưng thở khi ngủ thường kéo dài 10s và lặp lại trong giấc ngủ khiến cho não trở nên nhạy cảm, ức chế trung tâm hô hấp gây phản xạ thở bằng miệng.
- Do quá căng thẳng, stress hệ thần kinh giao cảm bị kích thích khiến hơi thở trở nên nông, nhanh và cũng dẫn tới ngủ thở há miệng.
Làm thế nào để phát hiện ngủ thở bằng miệng?
Bạn có thể tự nhận biết hoặc nhờ người bên cạnh quan sát khi bạn ngủ, nếu có các biểu hiện sau đây thì bạn đang mắc chứng ngủ thở bằng miệng
- Khô miệng sau khi thức dậy vì thở bằng miệng khiến nước bọt bị khô và giảm tiết.
- Hôi miệng do tình trạng khô miệng khiến vi khuẩn gây mùi hoạt động mạnh mẽ hơn.
- Chảy nước dãi ướt gối do ngủ miệng mở khiến nước bọt chảy từ trong miệng ra.
- Thường xuyên gặp các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nướu.
- Khi ngủ phát ra tiếng ngáy.
- Mệt mỏi và ngủ ngày nhiều hơn.
Ngủ thở bằng miệng gây ảnh hưởng gì?
Ngủ thở bằng miệng trong một thời gian ngắn do cảm lạnh sẽ không gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu ngủ thở bằng miệng trở thành thói quen sẽ có nguy cơ đưa đến những hậu quả khôn lường bao gồm:
Khô miệng và các bệnh lý răng miệng: Ngủ thở bằng miệng khiến cho khoang miệng bị khô tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại trong miệng sinh sôi và phát triển. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh răng miệng như viêm nướu, sâu răng và chứng hôi miệng.
Ảnh hưởng tới cấu trúc xương hàm và khớp cắn: Tình trạng ngủ thở bằng miệng kéo dài ở những đối tượng đang phát triển xương hàm và răng như trẻ em có thể gây tình trạng lệch khớp cắn, móm, cẩu hoặc hô về sau.
Khô môi: Ngủ thở bằng miệng khiến cho da môi trên và môi dưới chạm vào nhau và tự dưỡng ẩm nên môi thường khô nẻ, bong tróc.
Viêm họng: Chúng ta hít vào không khí từ mũi để khí được làm ẩm và thanh lọc trước khi đi vào phổi. Tuy nhiên, hiện tượng ngủ thở bằng miệng khiến cho không khí đi trực tiếp vào họng, không khí khô và mang nhiều vi khuẩn, vi rút dễ gây tình trạng kích ứng, ho, viêm họng…
Mệt mỏi, đau đầu là các biểu hiện thường thấy ở những người bị ngủ thở há miệng trong thời gian dài. Do hô hấp không hiệu quả nên dẫn tới tình trạng thiếu oxy cho cơ thể, não bộ gây mệt mỏi, ngủ không ngon giấc và đau đầu thường xuyên.
Ảnh hưởng tới thẩm mỹ gương mặt: Tình trạng ngủ thở bằng miệng lâu dài có thể khiến mặt dài ra, mí mắt sụp hoặc các quầng đen dưới mắt khiến bạn trông kém sắc hơn.
Cách khắc phục tình trạng ngủ thở bằng miệng
Điều trị dứt điểm các bệnh lý nguyên nhân
Qua phân tích nguyên nhân ở phần trên, chúng ta cũng xác định được một số bệnh lý phổ biến gây tình trạng nghẹt mũi, thở bằng miệng khi ngủ. Vậy để chấm dứt tình trạng ngủ thở bằng miệng, bạn cần đi khám chuyên khoa để điều trị các bệnh lý gốc rễ trước tiên.
Tùy vào từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Với một số bệnh mãn tính không thể điều trị dứt điểm như viêm mũi dị ứng, viêm xoang mãn tính hay hen suyễn bệnh nhân sẽ được điều trị giảm triệu chứng trong đó có chứng ngủ thở bằng miệng.
Dùng dụng cụ hỗ trợ
Để khắc phục tình trạng ngủ thở bằng miệng, thị trường có bán một số dụng cụ hỗ trợ giúp khép miệng khi ngủ như:
Miếng dán mũi
Miếng dán mũi là dụng cụ được thiết kế để dán lên cánh mũi giúp mở rộng đường thở, chống nghẹt mũi, chống ngáy khi ngủ. Miếng dán thường là loại dùng 1 lần, giúp đường thở bằng mũi được thông thoáng, dễ chịu hơn, ngăn ngừa thở bằng miệng khi ngủ.
Miếng băng miệng
Miếng dán miệng có tác dụng giúp đóng khép miệng khi ngủ, ngăn chặn việc thở bằng miệng. Miếng dán miệng sẽ thích hợp với các đối tượng bị ngủ há miệng do thói quen, do cấu trúc hàm, nhất là trẻ em. Từ đó giúp cải thiện khớp cắn và nguy cơ bị hô, móm trong tương lai. Còn lại, đối với những người ngủ thở bằng miệng do bị tắc nghẽn đường thở bằng mũi thì không nên áp dụng phương pháp này, nó có thể dẫn tới vấn đề không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Điều chỉnh tư thế ngủ
Nếu như bạn bị ngủ thở bằng miệng, hãy thử thay đổi nhỏ trong giấc ngủ bằng cách đổi tư thế nằm. Việc nằm ngủ ở tư thế nằm nghiêng cũng có thể mở rộng đường thở và hiệu quả hơn với những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngoài ra, để hỗ trợ giấc ngủ ngon, ngăn thở bằng miệng khi ngủ, bạn hãy dùng gối ngủ kê cao đầu giúp giảm nghẹt mũi và thông thoáng đường thở.
Điều trị phẫu thuật
Một số phẫu thuật như phẫu thuật chỉnh sửa vách ngăn mũi, phẫu thuật cắt polyp hốc mũi hay cắt bỏ hạch sưng vòm họng… có thể cần thiết phải thực hiện để điều trị các triệu chứng nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Một số bài tập giúp cải thiện ngủ thở há miệng, ngủ ngáy
Tập thở bằng mũi
- Bước 1: Ngậm miệng và thư giãn cơ hàm.
- Bước 2: Hít vào bằng mũi và dùng 1 ngón tay bịt 1 bên lỗ mũi. Thở ra qua lỗ mũi bên đang mở.
- Bước 3: Đổi bên và lặp lại các động tác thở một bên lỗ mũi trong vòng 5 phút. Bài tập cũng giúp nhận ra một lỗ mũi có xu hướng bị nghẽn nhiều hơn lỗ mũi còn lại.
Bài tập này cải thiện hơi thở bằng mũi, giúp ổn định đường thở trong khi ngủ.
Tập đẩy lưỡi
Bài tập đẩy lưỡi giúp tăng cường sức mạnh cơ lưỡi và cổ họng, lâu dài có thể cải thiện tình trạng mở miệng vô thức khi ngủ.
Bạn chỉ cần đặt đầu lưỡi sao cho lưỡi chạm mặt sau của răng cửa trên, sau đó bạn đẩy lưỡi về phía sau trượt dọc theo vòm miệng và lặp lại khoảng 10 lần.
Bài tập mặt
Các bài tập miệng sẽ tác động lên cơ mặt của bạn để giúp ngăn ngừa chứng ngủ thở bằng miệng. Bạn hãy tham khảo các bài tập này và áp dụng mỗi ngày, lâu dài sẽ cải thiện được tình trạng ngủ há miệng.
Bài tập 1: Móc má
Dùng một ngón tay móc vào khóe miệng và kéo nhẹ má ra phía ngoài, sau đó dùng cơ mặt kéo má vào phía trong, mỗi bên lặp lại 10 lần.
Bài tập 2: Căng hàm
Bạn mím chặt môi sau đó mở miệng, thả lỏng cơ hàm và môi sau đó lại lặp lại liên tiếp. Bài tập này sẽ tăng cường sức mạnh của cơ hàm và cổ họng đồng thời giúp đóng miệng khi ngủ hiệu quả.
Nhìn chung, ngủ thở bằng miệng không phải là một vấn đề nguy hiểm cấp bách, tuy nhiên nếu để tình trạng này tiếp diễn kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe tổng thể. Vì vậy, bài viết này đã chia sẻ rất kỹ cách để khắc phục chứng ngủ thở bằng miệng, giúp bạn cải thiện giấc ngủ và ngăn chặn những tác hại của việc ngủ thở bằng miệng gây ra.