Một trong những công dụng khác của niềng răng là điều trị viêm khớp thái dương hàm. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng mang lại hiệu quả khi nguyên nhân gây bệnh tương đối phức tạp. Dưới đây bác sĩ sẽ giải đáp cụ thể hơn: Người viêm khớp thái dương hàm có niềng răng được không? Niềng xong có sợ bị tái phát không? Cách phòng chống viêm khớp thái dương hàm hiệu quả nhất nhé.
Mục lục
1. Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm được biết là hai khớp nối hàm dưới với hộp sọ. Chúng có thể trượt và xoay ở phía trước của mỗi tai, bao gồm xương hàm dưới (hàm dưới) và xương thái dương (bên và đáy hộp sọ).
Xét về cấu tạo, khớp thái dương hàm là một trong những khớp phức tạp nhất của cơ thể. Nhờ có chúng kết hợp với vài cơ khác mà các hoạt động như nhai, nói, ngáp, nuốt thức ăn mới diễn ra trơn tru, thoải mái. Nếu vì lý do nào đó, cấu trúc cơ, dây chằng, đĩa đệm, xương hàm, xương thái dương không đồng bộ trong chuyển động thì một số vấn đề có thể xảy ra.
Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Viêm khớp thái dương hàm hay rối loạn khớp thái dương hàm, loạn năng khớp thái dương hàm có tên tiếng Anh: “Temporomandibular disoders”, viết tắt: TMD. Khái niệm này để ám chỉ bệnh lý rối loạn cơ hàm, khớp thái dương hàm, các dây thần kinh liên quan đến cơ mặt, làm xuất hiện cơn đau theo chu kỳ, cơn co thắt cơ, tình trạng mất cân bằng ở khớp nối phần xương hàm với xương sọ,… Bất kỳ vấn đề nào ngăn cản hệ thống phức tạp của cơ, xương và khớp hoạt động hài hòa với nhau đều có thể dẫn đến rối loạn thái dương hàm.
Theo Viện nghiên cứu Răng Hàm Mặt Quốc gia phân chia rối loạn khớp thái dương hàm như sau:
– Đau thần kinh: Là hình thức phổ biến nhất của rối loạn thái dương hàm. Nó gây ra cơn đau ở vùng cân bằng (mô liên kết bao phủ các cơ) và các cơ kiểm soát chức năng hàm, cổ và vai.
– Hàm bị lệch hoặc lệch đĩa đệm (đệm sụn giữa đầu xương hàm và hộp sọ), hoặc chấn thương cơ (đầu tròn của xương hàm sẽ khớp với xương sọ thái dương).
– Bệnh thoái hóa khớp: Bao gồm viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp ở khớp hàm.
Viêm khớp thái dương hàm là dạng bệnh lý phổ biến và có thể xảy ra ở nhiều đối tượng. Trong đó, nữ giới tuổi dậy thì và tuổi mãn kinh thường tỷ lệ mắc sẽ cao hơn.
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm
Theo nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm khớp thái dương hàm, mà lý do hàng đầu là bệnh về xương khớp.
– Bệnh thoái hóa khớp
Sụn khớp là lớp đệm bao phủ bề mặt xương, được cấu tạo từ tế bào sụn và chất căn bản. Nó có chức năng bảo vệ, giảm ma sát trong khớp và đóng vai trò như một “bộ giảm xóc”. Vì nhiều lý do, phần sụn này bị tổn thương dẫn tới thoái hóa.
Thoái hóa khớp là dạng tổn thương thường gặp nhất trong hơn 100 loại tổn thương viêm khớp khác nhau và ở Mỹ thì hầu như mọi người ở độ tuổi 80 đều mắc phải. Ngoài ra theo nghiên cứu, tình trạng này liên quan đến vấn đề chủng tộc. Điển hình là tỷ lệ mắc thoái hóa khớp ở người Nhật khá cao trong khi người da đen ở Bắc Phi, người Đông Ấn Độ và người Bắc Trung Quốc thì tỷ lệ mắc lại rất thấp.
Ở Việt Nam, theo ước tính trong một nghiên cứu về tình trạng thoái hóa khớp cho thấy thoái hóa khớp đang ngày càng phổ biến và có dấu hiệu trẻ hóa. Có tới 30% người trên tuổi 35, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 85 gặp vấn đề về thoái hóa khớp.
– Bệnh viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp tên tiếng Anh “Rheumatoid Arthritis”, viết tắt “RA” cũng là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính do tổn thương màng hoạt dịch của khớp. Thường bệnh phổ biến ở nữ hơn so với nam giới, xuất hiện nhiều ở độ tuổi trung niên.
Nguyên nhân gây bệnh do hệ thống miễn dịch (có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus) gặp trục trặc, tấn công mô lành trong cơ thể. Hậu quả làm cho khớp sưng, đỏ, đau. Thậm chí nguy hiểm hơn, người bệnh có nguy cơ tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác như mắt, tim, phổi, da, mạch máu,…
Điểm đặc biệt là bệnh thường ảnh hưởng các khớp đối xứng như cả hai tay, cả hai chân hay hai đầu gối. Nếu thấy tình trạng viêm xuất hiện ở nhiều khớp (thông thường từ 4- 5 vị trí) thì được gọi là viêm đa khớp dạng thấp.
– Bệnh nhiễm khuẩn khớp hay viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn hay nhiễm trùng khớp là tình trạng nhiễm trùng bên trong khớp do vi khuẩn xâm nhập nội khớp, gây tình trạng sưng tấy và đau khớp. Bệnh này rất ít khi xuất hiện cùng lúc ở nhiều khớp. Cơ chế gây bệnh có thể do vi trùng di chuyển qua dòng máu từ một bộ phận khác của cơ thể. Các khớp thường dễ bị nhiễm trùng là khớp gối, khớp hông, khớp cổ tay, khuỷu tay, khớp vai và khớp mắt cá chân.
– Răng mọc lệch, chen chúc
Răng mọc lệch, chen chúc cũng có thể làm cho viêm khớp thái dương hàm xuất hiện. Các răng không thẳng hàng đều ảnh hưởng đến khớp cắn cũng như khả năng ai nhai của bệnh nhân. Tình trạng này kéo dài mà không điều trị dứt điểm làm cho khớp thái dương hàm biến dạng, dẫn tới viêm khớp.
Tìm hiểu thêm: Thế nào là răng lòi xỉ? Điều trị răng lòi xỉ như thế nào?
– Tật nghiến răng
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân thực sự của bệnh có thể không rõ ràng. Ví dụ như do căng quá mức từ khớp hàm và nhóm cơ điều khiển quá trình ăn nhai, nói. Sự căng thẳng này là hậu quả của tật nghiến răng.
Nghiến răng vào ban đêm hoặc do lao động nặng làm cho cơ hàm phải chịu lực lớn. Điều này dẫn tới mỏi miệng, đau xương hàm gần mang tai. Lâu dần sẽ gây viêm khớp hàm, xơ cứng khớp.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số thói quen xấu như há miệng quá rộng và đột ngột, nhai kẹo cao su thường xuyên cũng siết chặt hàm, tạo áp lực lên khớp thái dương hàm tăng nguy cơ viêm.
– Bệnh lý răng miệng
Các bệnh lý về răng miệng có nguyên nhân là vi khuẩn như viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe răng đều dễ gặp biến chứng viêm khớp thái dương hàm. Do răng và vùng khớp thái dương hàm ở gần nhau, vi khuẩn dễ lây lan và xâm nhập vào khớp dẫn tới viêm. Bên cạnh đó, vi khuẩn xâm nhập vào máu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các dây thần kinh vùng mặt, gây nên triệu chứng méo mặt, mất cảm giác,…
Bạn muốn biết thêm: Giải đáp chi tiết: Răng đã lấy tủy có niềng được không?
– Chấn thương
Một số chấn thương ở hàm, đầu hoặc cổ có thể gây ra rối loạn thái dương hàm. Viêm khớp và di lệch đĩa khớp hàm cũng dễ gây đau rối loạn thái dương hàm.
2. Những triệu chứng điển hình của viêm khớp thái dương hàm
Triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm thường bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như đau đầu, mệt mỏi,… Do vậy nhiều người sẽ bỏ qua và làm cho bệnh tình càng nghiêm trọng hơn. Bạn nên lưu ý các dấu hiệu dưới đây để phát hiệm sớm, điều trị sớm sẽ cho hiệu quả cao.
Triệu chứng ban đầu của viêm khớp thái dương hàm là những cơn đau nhẹ, sau đó dần tự khỏi. Vị trí nằm ở trong và xung quanh tai, khiến cho người bệnh khó mở miệng, khép miệng, gặp khó khăn khi cử động hàm. Lúc ăn nhai có thể phát ra tiếng khớp. Bạn thường phải ngậm miệng lệch sang một bên gây tình trạng mỏi hàm và mặt cắn không đều.
Đến giai đoạn nặng hơn, cơn đau sẽ tăng lên, xuất hiện tiếng kêu “lục cục”. Bên cạnh đó còn thêm một vài triệu chứng khác như: đau đầu, mỏi cổ, đau tai, mệt mỏi, nhức thái dương. Thậm chí nổi hạch ở một hoặc hai bên, phì đại cơ nhai ở bên khớp bị viêm làm cho khuôn mặt phình to, mất cân đối.
Bệnh lâu dần có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm hơn là giãn khớp. Khớp bị giãn dễ trật khớp và dính khớp. Khi đó, các đầu khớp sẽ bắt đầu thoái hóa, có hiện tượng dính giữa đĩa khớp với đầu xương. Trường hợp xấu nhất là thủng đĩa khớp. Việc bị thủng đĩa khớp nếu không được điều trị sẽ phá hủy đầu xương và xơ cứng khớp khiến cho bệnh nhân không thể há miệng.
Xem thêm: Viêm khớp thái dương hàm có tự khỏi được không? Bao lâu thì khỏi?
3. Người viêm khớp thái dương hàm có niềng răng được không?
Niềng răng vẫn được biết đến là phương pháp có thể nắn chỉnh khớp cắn, giúp khuôn mặt trở nên hài hòa, cân đối hơn. Tuy nhiên người viêm khớp thái dương hàm có niềng răng được không. Như đã chia sẻ ở trên, một trong những triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm là gây ra cơn đâu và hạn chế khả năng mở, đóng miệng. Do vậy, bệnh có thể ảnh hưởng tới kết quả niềng răng.
Để biết chính xác tình trạng của bạn bị viêm khớp thái dương hàm niềng răng được không thì cần phụ thuộc vào hai yếu tố: tình trạng viêm khớp thái dương hàm và chẩn đoán về chỉnh nha (tình trạng sức khỏe răng miệng). Bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám, kết hợp với chụp phim X-quang nhằm đưa ra thông tin cụ thể, chính xác nhất.
– Trường hợp bị viêm khớp thái dương hàm cấp tính
Bác sĩ cần điều trị hết tình trạng viêm cấp của khớp thái dương hàm. Sau đó mới chuyển qua điều trị chỉnh nha. Tình trạng viêm cấp ở đây là bệnh mới khởi phát, đang xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, mỏi cổ,…
– Trường hợp bị viêm khớp thái dương hàm mạn tính
Bác sĩ có thể kết hợp vừa điều trị viêm khớp, vừa điều trị chỉnh nha. Bệnh viêm khớp thái dương hàm mạn tính chính là bệnh đã diễn biến lâu năm và chưa thể trị dứt điểm. Muốn chữa tận gốc sẽ mất nhiều thời gian nên kết hợp đồng thời vừa điều trị, vừa chỉnh nha mang đến hiệu quả tốt hơn.
Chi tiết nhất: Niềng răng không mắc cài có mấy loại? Loại nào tốt nhất?
4. Sau niềng răng còn đau khớp thái dương hàm nữa không?
Niềng răng cũng được xếp là một trong những phương pháp có thể điều trị bệnh viêm khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ hiệu quả với trường hợp răng mọc lạc, chen chúc, bị lệch khớp cắn. Khi đó, các khí cụ chỉnh nha sẽ tác dụng lực kéo đưa các răng về đúng vị trí trên cung hàm, làm cho khớp hoạt động trơn tru hơn.
Còn trường hợp bị viêm khớp thái dương hàm do những bệnh lý xương khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp thì niềng răng không có tác dụng mà cần phương pháp điều trị khác.
5. Cách phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm khi niềng răng
Điều trị viêm khớp thái dương hàm và niềng răng đều rất phức tạp. Để quá trình này diễn ra an toàn, thuận lợi, mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn lưu ý thêm một vài điều dưới đây nhé.
Chọn thực phẩm phù hợp
Vì viêm khớp thái dương hàm có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đóng mở hàm và nhai của người bệnh nên khi chọn thực phẩm, bạn ưu tiên đồ mềm, mịn. Như vậy quá trình ăn nhai sẽ dễ dàng hơn. Điều này cũng có lợi với khí cụ trong khoang miệng. Trong khi nhai, mọi người tránh nhai quá lâu một bên để phòng ngừa tình trạng lệch hàm.
Bên cạnh đó, hạn chế tối đa việc ăn những thực phẩm khô, cứng, rắn vừa khó nhai và còn dễ gây ra cơn đau cho vùng thái dương hoặc xương hàm.
Giảm đau bằng túi chườm
Nếu niềng răng hoặc điều trị viêm khớp thái dương hàm mà bạn thấy xuất hiện những cơn đau khó chịu thì áp dụng ngay mẹo giảm đau bằng túi chườm nóng hoặc lạnh tùy tình huống.
Túi chườm lạnh có thể làm tê liệt dây thần kinh tạm thời tại vị trí sưng đau, hạn chế quá trình vận chuyển máu, oxy và các chất dinh dưỡng. Còn túi chườm nóng thì ngược lại giúp tăng cường lưu thông máu cho cơ hàm hoạt động hiệu quả hơn. Nếu bị đau răng do niềng răng thì bạn nên dùng túi chườm lạnh. Muốn kiểm soát TMD thì nên dùng túi chườm nóng sẽ hiệu quả hơn.
Cách thực hiện: Bạn chuẩn bị 1 túi đá (chườm lạnh) hoặc túi chườm nóng. Sau đó, chườm xung quanh vị trí hàm bị đau trong khoảng 5- 10 phút. Tiếp đến là nghỉ ngơi trong vài phút rồi thực hiện đến khi thấy mọi thứ tốt hơn.
Sử dụng thuốc giảm đau
Nếu không muốn áp dụng cách chườm như trên, để giảm đau khi niềng răng hoặc điều trị viêm khớp thái dương hàm, bạn có thể nhờ đến các loại thuốc giảm đau. Ví dụ như Paracetamol, thuốc kháng viêm non-steroid, aspirin, ibuprofen,… Lưu ý: Cần tuân thủ đúng theo yêu cầu của bác sĩ, không sử dụng quá liều lượng. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường thì phải ngừng thuốc ngay.
Vật lý trị liệu
Trong thời gian niềng răng mà muốn phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm, bạn kết hợp thêm các bài massage hoặc vật lý trị liệu. Có thể đến các trung tâm uy tín thực hiện xoa bóp. Phương pháp này mang lại hiệu quả tốt khi giúp mọi người loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không có nhiều thời gian đến trung tâm, bạn tự thực hiện tại nhà với bài tập đơn giản khoảng từ 5- 10 phút mỗi ngày.
Thăm khám định kỳ
Thăm khám định kỳ khi niềng răng rất cần thiết giúp bác sĩ có thể siết khí cụ, nắm bắt được tình trạng sức khỏe răng miệng. Ngoài ra nếu thấy các vấn đề bất thường như viêm khớp thái dương hàm, bác sĩ sẽ lên phương án xử lý kịp thời.
Như vậy, bị viêm khớp thái dương hàm có thể niềng răng nhưng còn tùy thuộc vào tình trạng viêm và tình trạng sức khỏe răng miệng. Để biết chính xác nhất, bạn nên tìm đến địa chỉ nha khoa uy tín, bác sĩ có trình độ, chuyên môn cao.