Hiện tượng bỗng nhiên trong khoang miệng xuất hiện vết loét nông khiến bạn cảm thấy đau đớn khi ăn uống, chải răng… thì rất có thể bạn đang bị nhiệt miệng. Nhiệt miệng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân và thiếu vitamin gây loét miệng là trường hợp phổ biến. Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu vấn đề nhiệt miệng thiếu vitamin gì? Từ đó hướng dẫn cách bổ sung phù hợp để điều trị và ngăn ngừa nhiệt miệng.
Nhiệt miệng có phải do thiếu vitamin?
Nhiệt miệng là tình trạng lở loét miệng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em tới người lớn. Một đợt nhiệt miệng thường kéo dài 3 -5 ngày và tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị nhiệt miệng nghiêm trọng với nhiều nốt lở loét và kéo dài tới hơn 10 ngày không đỡ.
Nói về nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng, dân gian cho rằng khi người bị nóng trong sẽ sinh ra lở loét. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất, theo y học hiện đại, chứng nhiệt miệng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sau đây:
Nướu, lưỡi hoặc niêm mạc miệng bị tổn thương bởi các yếu tố như va đập, răng cắn vào má trong, lưỡi hoặc các vết rách do khí cụ nha khoa như mắc cài đâm vào khi đang niềng răng… Khi xuất hiện các vết thương hở, vi khuẩn sẽ tấn công và tạo ra các vết loét nhiệt miệng.
Do bị dị ứng thực phẩm hoặc hóa chất vệ sinh răng miệng: Một số loại thức ăn như đồ ăn quá cay nóng, nhiều axit hoặc phản ứng dị ứng của niêm mạc miệng đối với thành phần của một số sản phẩm kem đánh răng, nước súc miệng… Đó có thể là những yếu tố nguy cơ gây nhiệt miệng.
Tìm hiểu thêm: Nhiệt miệng thường xuyên có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý này
Thiếu vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất là những dưỡng chất thiết yếu cho các hoạt động ở tầng cấu trúc phân tử của tế bào. Chúng có vai trò quan trọng trong tăng trưởng và sửa chữa tế bào cũng như duy trì chức năng miễn dịch cuả cơ thể và sản sinh ra năng lượng. Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng rất nhỏ vitamin và khoáng chất để đảm bảo trạng thái sức khỏe ổn định.
Vì thế, khi cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng thì các chức năng hoạt động của các cơ quan bị ảnh hưởng rất nhiều và thiếu vitamin sẽ làm cho hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng. Từ đó, người ta dễ mắc các bệnh viêm nhiễm trong đó có bệnh nhiệt miệng.
Hầu hết các trường hợp bị nhiệt miệng do thiếu vitamin thường kèm theo các dấu hiệu từ cơ thể như mệt mỏi, thiếu năng lượng để hoạt động. Tuy nhiên, những biểu hiện này cũng không đủ căn cứ để kết luận có chính xác bạn bị nhiệt miệng do thiếu vitamin hay không?
Nhìn chung, nếu bạn đang bị nhiệt miệng và nghi ngờ do thiếu vitamin, hãy đến kiểm tra y tế tại bệnh viện, phòng khám để kiểm tra. Các xét nghiệm vi chất sẽ cho bạn kết quả chính xác nhất để có định hướng điều trị và nâng cao sức khỏe. Trong phần tiếp theo, bạn sẽ được cung cấp thông tin tham khảo về những loại vitamin quan trọng mà sự thiếu hụt chúng có thể gây tình trạng loét miệng, nhiệt miệng.
Có thể bạn quan tâm: Vitamin PP chữa nhiệt miệng dưới GÓC NHÌN KHOA HỌC
Bị nhiệt miệng do thiếu vitamin gì?
Vitamin B12
Vitamin B12 là chất dinh dưỡng quan trọng tham gia vào quá trình tái tạo tế bào máu và duy trì sự khỏe mạnh của hệ thần kinh. Vitamin B12 có vai trò đảm bảo chức năng của hệ miễn dịch diễn ra bình thường giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng. Thiếu vitamin B12 sẽ dẫn tới thiếu máu ác tính và lở loét miệng có thể là một trong những dấu hiệu thiếu hụt vi chất này.
Bên cạnh biểu hiện nhiệt miệng, nếu bạn thấy cơ thể thường xuyên mệt mỏi và thiếu năng lượng, chân tay thường có cảm giác ngứa ran, châm chích, mắt mờ và trí nhớ giảm sút, dễ cáu kỉnh, lo âu thì khả năng cao bị thiếu vitamin B12.
Vitamin B6
Vitamin B6 là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, vi chất này tham gia sản xuất hemoglobin giúp tăng cường cung cấp oxy đến từng tế bào, cho tế bào khỏe mạnh để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của nó. Trong y học, vitamin B6 thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý thiếu máu, cải thiện chức năng hệ thần kinh, chống trầm cảm, ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer…
Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin B6 thường sẽ gặp các biểu hiện như mệt mỏi, phát ban trên da, môi nứt nẻ chảy máu, viêm lưỡi, đau cơ, co giật các chi… và một dấu hiệu điển hình là bị loét miệng.
Vitamin B9
Vitamin B9 hay Axit Folic là dưỡng chất cần thiết cho quá trình hình thành hồng cầu, bạch cầu và sửa chữa DNA. Chính vì vậy, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh cần bổ sung axit folic để không bị thiếu máu, đồng thời hạn chế các đột biến gen cũng như giúp củng cố hệ thần kinh hoạt động tốt hơn.
Sưng lưỡi và loét miệng là biểu hiện khi người ta bị thiếu hụt vitamin B9 trầm trọng. Ngoài ra, người bệnh thiếu vitamin B9 thường hay bị khó thở, mất vị giác, trầm cảm, phụ nữ có thai bị thiếu axit folic dễ sinh con mắc các dị tật bẩm sinh, bệnh tim mạch…
Vitamin C
Vitamin C có vai trò tăng cường hấp thụ sắt giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt trong máu – đây là nguyên nhân khiến tế bào không được cung cấp đủ dinh dưỡng và cơ thể dễ mắc bệnh tật. Vitamin C tham gia củng cố và nâng cao sức khỏe của hệ miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Khi bị thiếu vitamin C, bạn thường thấy răng miệng gặp phải các vấn đề như chảy máu chân răng, phồng rộp, lở loét miệng. Mặt khác, khi trong khoang miệng có các vết thương, vết loét nhiệt miệng thì bổ sung vitamin C đầy đủ giúp thúc đẩy tái tạo tế bào, biểu mô giúp chữa lành vết thương nhanh chóng.
Vitamin PP
Vitamin PP thuộc loại vitamin nhóm B, có tên gọi khác là nicotiamide, chất này tham gia tổng hợp một số loại coenzym có nhiệm vụ phân giải và chuyển hóa các chất đường, đạm, chất béo, cholesterol trong cơ thể.
Viêm lưỡi, nhiệt miệng, viêm da, hôi miệng, tiêu chảy, người mệt mỏi… là những triệu chứng điển hình của người bị thiếu hụt vitamin PP. Vì thế, khi bị nhiệt miệng nghiêm trọng chúng ta cần loại trừ khả năng cơ thể bị thiếu đi loại vitamin này bằng cách đi kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm cần thiết.
Vitamin D
Vitamin D không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của hệ xương, răng mà còn là chất thiết yếu cho hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thiếu vitamin D cơ thể sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nhiệt miệng có thể là một tình trạng nhiễm trùng khi vi khuẩn tấn công vào vết thương hở trong khoang miệng, gây viêm loét lớn hơn.
Đọc thêm: Phân biệt nhiệt miệng với các vết loét khác
Cách bổ sung vitamin để phòng ngừa và điều trị nhiệt miệng
Hầu hết các loại vitamin cơ thể không thể tự tổng hợp được mà cần được bổ sung thông qua thực phẩm ăn uống hàng ngày. Vì thế, một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm giúp bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để ngăn ngừa và điều trị nhiệt miệng. Sau đây là nhóm các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa các vitamin thiết yếu để hỗ trợ việc chữa lành các vết loét, giúp nhanh chóng thuyên giảm tình trạng nhiệt miệng.
Thực phẩm giàu vitamin B12
Những thực phẩm chứa hàm lượng lớn vitamin B12 bao gồm: thịt bò, gan động vật, ngao, trứng gà, sữa và các sản phẩm từ sữa, cá hồi, cá ngừ, cá mòi, các loại ngũ cốc, đậu nành, nấm…
Mỗi người trưởng thành cần cung cấp cho cơ thể 2,4 microgam vitamin B12 mỗi ngày. Những đối tượng như người cao tuổi, người ăn chay trường sẽ dễ thiếu hụt vitamin B12 nên cần kiểm tra sức khỏe và dùng viên uống bổ sung vitamin để ngăn ngừa bị thiếu chất.
Thực phẩm giàu vitamin B6
Bạn có thể bổ sung vitamin B6 cho cơ thể bằng cách thêm các thực phẩm sau đây vào bữa cơm hàng ngày, gồm có: thịt gà, trứng, sữa, cá hồi, gan gà, rau bó xôi, cà rốt, khoai lang, đậu hà lan, chuối, quả bơ.
Bổ sung vitamin B6 thông qua ăn uống là cách tốt nhất bởi vitamin hấp thu qua cách thức này sẽ hiệu quả và an toàn với sức khỏe. Tất nhiên, không phải ai cũng đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin B6 cho cơ thể bằng việc ăn uống hàng ngày, vì thế bạn cũng có thể uống vitamin B6 theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Thực phẩm giàu vitamin B9
Những thực phẩm sau đây rất giàu vitamin B9, nếu bổ sung thường xuyên có thể cung cấp đủ hàm lượng axit folic mà cơ thể cần, bao gồm: rau xanh đậm như súp lơ, rau chân vịt, cải xoăn, măng tây, đậu hà lan, đậu lăng, đậu đen, gan gà, gan bò, gan lợn, trứng, ngũ cốc…
Thực phẩm giàu vitamin C
Mỗi người cần 75mg đến 120mg vitamin C mỗi ngày, vitamin C chứa nhiều trong cam chanh, dâu tây, kiwi, đu đủ, ớt ngọt vàng, súp lơ, rau mùi tây… Ngoài ra các chế phẩm bổ sung vitamin C như viên uống, viên nhai, dung dịch uống, siro cũng rất sẵn, bạn nên mua uống theo chỉ định của bác sĩ để tránh bị quá liều và gặp tác dụng phụ. Khi uống vitamin C cần uống thật nhiều nước và uống khi đang đói bụng để vitamin dễ hấp thu.
Thực phẩm giàu vitamin PP
Vitamin PP có nhiều trong các thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, cá hồi, khoai tây, nấm, đậu Hà lan, gạo lứt, đậu phộng, lúa mì, quả bơ… Nếu chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng được hàm lượng vitamin PP cơ thể cần, bạn có thể bổ sung bằng viên uống vitamin PP hoặc viên vitamin tổng hợp có chứa vitamin PP.
Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D có trong các thực phẩm quen thuộc được chúng ta ăn hàng ngày như lòng đỏ trứng gà, sữa và các thực phẩm từ sữa, cá hồi, dầu gan cá, đậu nành, men bia… Ngoài ra, vitamin D còn được hấp thụ từ ánh nắng mặt trời vào cơ thể qua biểu bì da. Vì thế, bạn nên phơi nắng vào sáng sớm hoặc chiều tối để tăng cường lượng vitamin D bổ sung vào cơ thể.
Như vậy, chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của vitamin đối với việc phòng ngừa và điều trị chứng nhiệt miệng. Để không phải chịu đau đớn, khó khăn khi ăn uống vì loét miệng, hãy bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể theo hướng dẫn trên đây. Chúc bạn luôn khỏe mạnh.