Dẫu biết rằng hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ nhưng nhiều người vẫn bị cám dỗ bởi “vị ngon” của sản phẩm này. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều loại nước súc miệng “cai nghiện” thuốc lá được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng bán hàng. Vậy, sử dụng nước súc miệng cai thuốc lá có thật sự hiệu quả hay không? Mời bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về loại sản phẩm này trong bài viết hôm nay.
Nước súc miệng cai thuốc lá là gì?
Nước súc miệng cai thuốc lá là những sản phẩm được bào chế dưới dạng nước súc miệng với các thành phần thảo dược tự nhiên có khả năng phản ứng với nicotin, từ đó làm giảm, mất mùi vị của thuốc lá. Nhờ vào cơ chế này, người dùng có thể cai thuốc lá bằng cách bằng cách súc – ngậm trong miệng khoảng 20 – 30 giây, sử dụng liên tục trong khoảng vài ngày đến vài tuần.
Khảo sát thị trường, các loại nước súc miệng cai thuốc lá hiện nay thường được chiết xuất từ các loại dược liệu chứa tinh dầu như: bồ công anh, kim ngân hoa, cúc hoa, thổ sâm, đinh lăng, đại hồi, quế chi, bạch nhân sâm,…. Với thành phần này, nhà sản xuất thường cam kết sản phẩm không gây tác dụng phụ cho người dùng.
Mặt khác, các loại nước súc miệng cai thuốc lá còn có khả năng khắc phục tình trạng hôi miệng, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng do thói quen hút thuốc lá gây ra. Một ưu điểm khác của các loại nước súc miệng cai thuốc lá là vị ngọt dịu, thơm mát từ thảo dược giúp giảm cảm giác bồn chồn, bứt rứt trong thời gian cai thuốc.
Nước súc miệng cai thuốc lá có thật sự hiệu quả?
Các nghiên cứu cho thấy, hiện tượng “nghiện thuốc lá” xảy ra là do thành phần nicotin trong thuốc xâm nhập vào cơ thể, kích thích não tiết ra một lượng lớn Dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh gây hưng phấn, thư giãn và sảng khoái tinh thần. Khi không hút thuốc, lượng Dopamine được não bộ khống chế ở ngưỡng bình thường. Do đó, người hút thuốc có cảm giác bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, mất tập trung và cảm thầy “thèm thuốc”.
Dựa trên cơ chế này, hàng loạt sản phẩm nước súc miệng được quảng cáo rằng có khả năng đào thải nicotin trong tế bào khoang miệng, giảm cảm giác thèm thuốc. Đồng thời, một số sản phẩm được giới thiệu có khả năng tạo màng trên bề mặt niêm mạc miệng, ngăn sự xâm nhập của nicotin, từ đó giảm “vị ngon” của thuốc lá. Tuy nhiên, tác dụng thực tế và mức độ hiệu quả của những sản phẩm này lại chưa được nghiên cứu và chứng nhận bởi các cơ quan chức năng.
Mặt khác, nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, cai thuốc lá không phải là quá trình ngắn và dễ dàng, nhất là với những người nghiện thuốc lá lâu năm hoặc đã thực hiện cai thuốc nhiều lần. Thông thường, thời gian cai thuốc lá sẽ mất một vài tháng mới có thể thành công. Chuyện cai thuốc trong vài ngày là “điều không thể” dù sử dụng bất kỳ biện pháp gì.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ có ba loại thuốc được sử dụng trong cai thuốc lá gồm: Nicotin (dùng thay thế), Bupropion uống và Vareniciline uống. Ngoài ba hoạt chất này, tất cả các sản phẩm khác như nước súc miệng từ các loại thảo dược đều không được công nhận tác dụng điều trị cai nghiện thuốc lá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình cai thuốc lá là “ý chí” của người dùng. Việc sử dụng nước súc miệng cai thuốc lá có thể là một giải pháp cho tâm lý, tạo niềm tin cho người sử dụng. Vì vậy, người hút thuốc có thể sử dụng như một biện pháp hỗ trợ, giúp quá trình cai thuốc diễn ra nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Như vậy, các sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá hiện vẫn chưa được cơ quan y tế công nhận về tác dụng điều trị. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng những sản phẩm này với mục đích làm sạch khoang miệng. Sản phẩm có thể đem lại ảnh hưởng tích cực ở những người mới hút thuốc và thực sự quyết tâm cai thuốc lá. Những trường hợp hút thuốc lá lâu năm nên trao đổi với bác sĩ để có phác đồ cai thuốc lá phù hợp và hiệu quả.
Tìm hiểu thêm:
- Cách trị hôi miệng do hút thuốc lá
- Loại nước súc miệng nào giảm mùi hôi hiệu quả?
Nên làm gì để cai nghiện thuốc lá thành công?
Nghiện thuốc lá là một quá trình thường được diễn biến qua 3 giai đoạn gồm: nghiện tâm lý (nhận thức sai lầm về việc hút thuốc lá: sành điệu, trưởng thành, nam tính), nghiện hành vi (lặp lại nhiều lần hành động hút thuốc) và nghiện thực thể (cơ thể quen với sự kích thích của nicotine).
Như vậy, để cai thuốc lá thành công, người hút thuốc cần lần lượt giải quyết được “hậu quả” từ cả 3 giai đoạn này tạo ra, cụ thể:
- Điều trị nhận thức: Người hút thuốc cần nhận thức rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của thói quen hút thuốc đến bản thân, người thân và cộng đồng. Từ đó, quyết tâm và nghiêm túc thực hiện việc cai thuốc lá.
- Điều trị hành vi: Người hút thuốc cần xây dựng những thói quen mới, có lợi cho sức khoẻ thay thế cho hoạt động hút thuốc lá. Những hoạt động thể chất cũng hỗ trợ quá trình cai thuốc nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Điều trị thực thể bằng nicotine thay thế: Dùng dưới dạng viên nhai, viên ngậm dưới lưỡi, nicotin hít hoặc miếng dán từ 1 – 6 tháng. Điều này giúp ổn định nồng độ nicotin, giảm hội chứng cai thuốc nhưng không gây nghiện do nồng độ được kiểm soát.
- Điều trị thực thể bằng bupropion và varenicline: Tác động lên hệ thần kinh làm giảm hẳn ham muốn hút thuốc, được chỉ định cho trường hợp nghiện thuốc lá nặng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ nên cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Cai nghiện thuốc lá là một quá trình không hề dễ dàng. Người bệnh không chỉ phải chống lại ham muốn hút thuốc mà còn đối diện với những vấn đề về sức khỏe do hội chứng cai thuốc gây ra như: hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ hoặc tăng cân. Để đảm bảo sức khỏe và giảm cảm giác khó chịu, bạn nên chia sẻ cùng với người thân và chọn đồng hành cùng bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ phù hợp nhất.