Cháu nhà tôi vừa mới nhổ răng khôn hôm qua, tôi cho cháu uống nước cam để bồi bổ, tăng sức đề kháng nhưng chồng tôi lại bảo mới nhổ xong thì không được uống nước cam. Tôi lỡ cho cháu uống rồi thì có ảnh hưởng gì tới vết thương không? Không biết thật hư ra sao, bác sĩ giải đáp giúp tôi với. Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời
Chào chị, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi cho chúng tôi.
Trong trường hợp cháu vừa nhổ răng khôn xong, cần có một chế độ ăn uống thật hợp lý thì mới có thể lành vết thương nhanh được, cũng như không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của răng miệng và sức khỏe toàn thân.
Răng khôn là loại răng mọc khá phức tạp vì vậy để xử lý chúng cũng cần nhiều kĩ thuật và thời gian hơn. Cũng chính vì thế mà vết thương khi nhổ răng khôn thường to hơn, đau hơn và lâu lành hơn trường hợp nhổ răng ở những vị trí khác. Bởi vậy thắc mắc của chị là điều rất bình thường.
Mới nhổ răng khôn uống nước cam được không?
Nói chung bạn không nên uống nước cam hay các loại nước trái cây ngay lập tức khi vừa mới nhổ răng xong. Sau 2h, có thể uống nhưng chú ý có chừng mực. Ngoài ra không nên cho nhiều đường vào nước cam, hàm lượng đường tương đối cao có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Mới nhổ răng khôn nên kiêng gì để lành thương nhanh hơn?
Sau khi nhổ răng khôn, để quá trình lành thương diễn ra nhanh chóng, hãy nói không với các loại đồ ăn sau:
- Đồ ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt, các thực phẩm chứa nhiều đường khác vì phản ứng lên men chất đường trong miệng sẽ rất dễ gây viêm và sưng tấy kéo dài.
- Đồ ăn chưa được chế biến kĩ, vẫn còn quá cứng hoặc quá dai vì hàm sẽ phải hoạt động mạnh, vô tình gây tổn thương đến vết thương chưa lành hẳn.
- Sau khi nhổ, vết thương chưa thật sự đóng khít vì vậy không nên ăn thực phẩm cứng, giòn như bánh quy, đồ chiên rán, snack,...vì những mảnh vụn của chúng rất dễ lọt vào ổ nhổ răng, khó vệ sinh và khiến vết thương bị nhiễm trùng.
- Không nên ăn thực phẩm quá nóng vừa mới nấu xong vì nhiệt độ sẽ làm tan máu đông ở vị trí vừa mới nhổ răng, làm xương có thể bị tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, dễ gây nhiễm trùng, đau đớn.
- Bên cạnh cam, cũng không được ăn các thực phẩm chứa nhiều axit như chanh, bưởi, xoài chua,...hoặc các món như dưa muối, hành muối,...
- Tuyệt đối không hút thuốc, uống các chất kích thích như rượu, bia, nước có gas trong thời gian này.
Thực phẩm nên ăn sau khi nhổ răng khôn?
Sau khi nhổ răng khôn, cần ưu tiên các loại thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, khoáng chất giúp tăng sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể. Điều quan trọng là thức ăn phải mềm, được cắt nhỏ, xay nhuyễn hoặc hầm cho nhừ để dễ ăn, không phải sử dụng lực nhai nhiều. Nhóm thực phẩm nên ăn là:
Cháo, súp
Đây là lựa chọn tuyệt vời sau khi nhổ răng khôn bởi chúng rất dễ ăn lại đầy đủ chất dinh dưỡng. Hãy xay nhuyễn thêm thịt, cá, bí đỏ, rau củ,...để vừa ngon miệng lại vừa bù đắp lại năng lượng bị thiếu hụt khi kiêng ăn nhé.
Sữa, sữa chua
Khoáng chất acidobacillus có trong sữa chua có tác dụng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, phòng chống vi khuẩn có thể sẽ tấn công vị trí nhổ răng. Bên cạnh đó, hợp chất probiotics trong sữa chua cũng giúp làm giảm triệu chứng tiêu chảy, chóng mặt khi phải sử dụng thuốc kháng sinh sau ca tiểu phẫu nhổ răng khôn. Tuy nhiên, không nên ăn quá lạnh sẽ gây ê buốt chân răng.
Trứng
Trứng là nguồn cung cấp vitamin, protein và khoáng chất dồi dào giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể trong thời gian phải kiêng cữ.
Sinh tố trái cây, rau xanh
Ở những ngày tiếp theo bạn nên bổ sung ăn khoai lang, đu đủ, cà rốt,…vừa dễ nhai, vừa bổ sung vitamin A rất tốt cho việc phục hồi nướu và vết thương ở hố răng. Với hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất xơ cao, trái cây, rau xanh là một lựa chọn rất tốt cho cơ thể trong quá trình hồi phục sau nhổ răng. Nếu bạn không ăn nhai trực tiếp được thì hãy chế biến chúng thành những loại sinh tố khác nhau nhé.
Sữa đậu nành
Nên uống đậu nành để vết thương nhanh lành, đồng thời hạn chế chảy máu rất tốt. Chị có thể cho con uống nước ép dâu tây sau khi nhổ răng, bởi nước dâu tây có thành phần trợ lực rất tốt cho thuốc giảm đau, nó có tác dụng tương tự như thuốc Aspirin.
Sau nhổ răng, chị chú ý theo dõi phản ứng của con, nếu thấy vết thương vẫn rỉ máu, xuất hiện mùi hôi hoặc cơn đau quá sức chịu đựng, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, vùng thái dương hoặc hạch dưới cổ. Cơn đau kéo dài quá 7 ngày, không có dấu hiệu thuyên giảm, hàm khó cử động,…thì hãy mau chóng tái khám để được kiểm tra nguyên nhân chính xác, ngăn ngừa biến chứng diễn biến theo các giai đoạn nghiêm trọng hơn, chị nhé.