Chăm sóc răng miệng luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người. Bên cạnh các phương pháp hiện đại, nhiều người vẫn tìm đến các biện pháp dân gian để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Một trong những phương pháp phổ biến là súc miệng bằng rượu trắng. Vậy, súc miệng bằng rượu trắng có thực sự mang lại lợi ích như lời đồn? Liệu phương pháp này có an toàn cho sức khỏe răng miệng?
Mục lục
Lý do không nên súc miệng bằng rượu trắng
Nhiều người lầm tưởng rằng súc miệng bằng rượu trắng có thể sát khuẩn hiệu quả cho khoang miệng. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe răng miệng.
Kích ứng niêm mạc miệng: Rượu trắng có nồng độ cồn cao, gây kích ứng mạnh lên niêm mạc miệng. Việc này có thể dẫn đến tình trạng loét hoặc đau niêm mạc, và cũng có thể khiến răng trở nên nhạy cảm và không thoải mái
Gây mất cân bằng hệ vi sinh: Rượu trắng tiêu diệt không chỉ vi khuẩn có hại mà còn cả vi khuẩn có lợi trong khoang miệng, gây mất cân bằng hệ vi sinh, dẫn đến các vấn đề như nấm miệng, hôi miệng.
Tăng nguy cơ ung thư miệng: Việc sử dụng rượu trắng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng do tác động gây ung thư của cồn.
Có một lầm tưởng khác về tác dụng của rượu trắng cũng cần được đính chính. Nhiều người cho rằng nhấp một ngụm rượu trắng sẽ giúp giảm đau họng nhưng thực tế không phải như vậy.
Ban đầu, bạn có thể cảm thấy ấm áp và dường như cơn đau đã giảm nhẹ, nhưng sau đó, rượu sẽ gây ra tình trạng khô họng, khiến cảm giác đau trở nên tồi tệ hơn. Điều này là do cồn trong rượu có thể làm khô niêm mạc họng và không cung cấp đủ độ ẩm cần thiết để làm dịu cơn đau.
Thay vào đó, việc uống nhiều nước ấm và sử dụng các phương pháp khác như súc miệng bằng dung dịch muối hoặc soda sẽ mang lại cảm giác nhẹ nhàng hơn cho cổ họng và giúp giảm viêm. Nếu cảm thấy lạnh, một chút rượu vang nóng có thể giúp bạn ấm lên, nhưng không nên dựa vào nó để chữa trị đau họng. Các biện pháp khác như sử dụng mật ong, uống nhiều nước và giữ ấm cổ bằng khăn quàng là cách tốt hơn giảm đau họng tại nhà.
Vậy sử dụng nước súc miệng có cồn có sao không?
Nước súc miệng thường chứa cồn (ethanol) với nồng độ khoảng từ 5% đến 27%. Trong nước súc miệng có nhiều thành phần khác nhau, bao gồm chất kháng khuẩn, ít nhất 50% là nước, các chất ổn định để hòa tan các thành phần không tan trong nước, các chất làm tăng hương vị và độ ổn định, cũng như chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng. Cồn được sử dụng trong một số công thức nước súc miệng với vai trò làm chất hòa tan, chất ổn định, chất bảo quản, và tạo ra hương vị đặc trưng, đồng thời cũng giúp tăng cường hiệu quả chống mảng bám răng.
Mặc dù có một số tác dụng phụ không mong muốn ở một số người như cảm giác nóng rát, hoặc không được khuyến nghị cho trẻ em, người nghiện rượu và bệnh nhân có tổn thương niêm mạc, nhưng khi sử dụng đúng cách theo hướng dẫn của nha sĩ và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, việc sử dụng nước súc miệng có cồn là hoàn toàn an toàn.
Hơn nữa, mối liên hệ giữa nước súc miệng có cồn và ung thư miệng chỉ dựa trên những bằng chứng yếu kém, không nhất quán và thậm chí mâu thuẫn trong văn bản nghiên cứu, không đủ để cảnh báo nguy cơ cho bệnh nhân.
Nước súc miệng kháng khuẩn an toàn và hiệu quả trong việc giảm mảng bám và viêm nướu, và nên được xem là một phần của quy trình chăm sóc răng miệng toàn diện bao gồm đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa và súc miệng để phòng ngừa hoặc giảm thiểu bệnh nướu răng.
(Theo nguồn: Dựa trên nội dung từ trang web của Thư viện Y khoa Quốc gia (National Library of Medicine – NLM) thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ).
Như vậy, chúng ta không cần lo lắng nếu như sử dụng nước súc miệng có cồn theo đúng hướng dẫn. Tất nhiên, lạm dụng nước súc miệng có cồn hay bất kỳ sản phẩm nào cũng đều không có lợi cho sức khỏe. Do đó, người dùng cần tuân thủ liều lượng và tần suất sử dụng theo khuyến cáo để tránh các tác dụng phụ không mong muốn như khô miệng, kích ứng niêm mạc, và thậm chí làm tăng nguy cơ tổn thương răng và nướu. Hãy nhớ rằng, việc sử dụng bất kỳ sản phẩm chăm sóc răng miệng nào cũng cần được thực hiện một cách cân nhắc và khoa học để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tham khảo: Bạn đã biết 6 loại nước súc miệng trị hôi miệng hiệu quả này chưa?
Có thể súc miệng với dung dịch tự nhiên nào?
Baking soda
Súc miệng bằng baking soda (natri bicarbonate) là phương pháp đơn giản, an toàn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng. Baking soda có độ mài mòn thấp, an toàn cho men răng và nướu, phù hợp để sử dụng hàng ngày mà không gây kích ứng. Việc sử dụng baking soda để súc miệng có thể ức chế hiệu quả sự phát triển của vi khuẩn và nấm trong khoang miệng, đồng thời cũng là một phương pháp điều trị tốt các bệnh về họng do nấm gây ra.
Cách sử dụng:
Pha loãng một muỗng cà phê baking soda vào một cốc nước ấm, súc miệng trong khoảng một phút, sau đó nhổ ra và không nuốt. Nên sử dụng baking soda súc miệng 1-2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Lưu ý:
- Baking soda là một chất tẩy rửa nhẹ, tuy nhiên sử dụng quá thường xuyên (hơn 2 lần/ngày) có thể làm mất đi lớp men răng tự nhiên, khiến răng trở nên nhạy cảm và dễ bị sâu.
- Không nên thêm giấm hay chanh vào nước súc miệng baking soda vì axit từ chanh, giấm kết hợp với baking soda tạo thành hỗn hợp có tính axit cao, bào mòn men răng nghiêm trọng, khiến răng trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương.
Đọc thêm: Baking soda có giúp tẩy trắng răng không?
Nước muối
Nước muối có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn bằng cách hút nước của chúng. Nước muối giúp trung hòa axit do vi khuẩn tạo ra, bảo vệ răng khỏi sâu răng, làm sạch răng miệng. Những ai bị viêm họng cũng nên súc miệng bằng nước muối vì muối có thể làm dịu các vết thương niêm mạc miệng, giảm đau rát họng.
Cách thực hiện:
Pha 1 thìa cà phê muối với 250ml nước ấm 30 – 40 độ C (khoảng 1 cốc).
Nên sử dụng muối tinh hoặc muối biển nguyên chất.
Lưu ý khi sử dụng:
- Súc họng bằng nước muối 2 lần mỗi ngày (sáng và tối).
- Không nên súc họng quá thường xuyên (hơn 3 lần/ngày) vì có thể gây khô rát họng.
- Không sử dụng nước muối thay thế cho việc chải răng và súc miệng bằng nước sạch.
Hỏi đáp: Vì sao không nên ngậm nước muối ngay sau khi nhổ răng?
Dầu dừa
Súc miệng bằng dầu dừa là phương pháp chăm sóc răng miệng dân gian được nhiều người áp dụng với hy vọng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo khía cạnh khoa học, dầu dừa có chứa axit lauric, một loại axit béo có khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Dầu dừa có đặc tính chống viêm, giúp giảm sưng tấy và kích ứng nướu.
Cách thực hiện:
- Lấy 1-2 muỗng cà phê dầu dừa nguyên chất.
- Ngậm dầu dừa trong miệng và súc kỹ trong 15-20 phút, đẩy dầu qua kẽ răng và xung quanh nướu.
- Nhổ dầu dừa ra ngoài (không được nuốt).
- Rửa sạch miệng bằng nước muối loãng hoặc nước lọc.
Lưu ý:
- Nên thực hiện súc miệng bằng dầu dừa vào buổi sáng khi bụng đói.
- Không nên nuốt dầu dừa vì có thể gây tiêu chảy.
- Hiệu quả của súc miệng bằng dầu dừa có thể khác nhau tùy theo từng người.
Một số loại trà thảo mộc
Trà gừng
Những ai bị nhiệt miệng, loét miệng và viêm họng có thể súc miệng với trà gừng. Trà gừng không chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong cơ thể, giảm đau mà còn có tác dụng giải độc và khử trùng.
Cách thực hiện:
- Lấy một lát gừng tươi, gọt vỏ và thái mỏng.
- Đun sôi khoảng 1 cốc nước và thêm lát gừng vào.
- Để gừng ngấm trong nước sôi khoảng 10-15 phút.
- Đợi khi trà gừng nguội bớt, chỉ còn ấm, ngậm và súc kỹ trong miệng 1 phút.
Trà hoa cúc
Hoa cúc có chứa các hợp chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm, giúp giảm vi khuẩn gây hôi miệng, viêm nướu và các bệnh lý nha khoa khác. Hoa cúc có tác dụng làm dịu cơn đau rát họng, giảm kích ứng và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về họng như viêm họng, cảm cúm.
Cách thực hiện:
- Pha trà hoa cúc: Cho 1-2 muỗng cà phê hoa cúc khô vào 200ml nước nóng, hãm trong 5-10 phút.
- Để nguội trà hoa cúc: Sau khi pha, để trà nguội đến nhiệt độ ấm vừa phải.
- Súc miệng: Sử dụng trà gừng như nước súc miệng, ngậm và súc kỹ trong miệng khoảng 30 giây đến 1 phút rồi nhổ ra ngoài.
Lưu ý:
- Nên sử dụng trà hoa cúc nguyên chất, không tẩm ướp hương liệu.
- Không sử dụng trà gừng quá nóng để tránh làm tổn thương niêm mạc miệng.
- Có thể thêm một chút mật ong hoặc chanh để tăng hương vị nếu muốn.
Trà cam thảo
Rễ cam thảo chứa glycyrrhiza glabra và các hoạt chất khác có khả năng giảm sưng, giảm ho, tăng cường khả năng chữa lành loét, giảm viêm nướu và ngăn ngừa sâu răng. Chính vì lý do này, chiết xuất rễ cam thảo được sử dụng làm thành phần trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc răng miệng thảo dược ví dụ như kem đánh răng Ngọc Châu hay nước súc miệng dược liệu An Thảo.
Cách thực hiện:
- Lấy 1 miếng rễ cam thảo dài khoảng 5cm hoặc 1 thìa cà phê bột cam thảo.
- Đun sôi nước với cam thảo trong khoảng 10 phút, có thể thêm một lát gừng hoặc quế.
- Khi trà chỉ còn ấm thì dùng để súc miệng.