Hôi miệng từ dạ dày liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản khiến acid dịch vị cùng thức ăn chưa được tiêu hóa hết trào ngược lên thực quản, vòm họng và khiến hơi thở có mùi. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu cách trị hôi miệng từ dạ dày trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Thế nào là hôi miệng từ dạ dày?
Hôi miệng từ dạ dày là tình trạng hơi thở có mùi hôi, khó chịu. Nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, hở van dạ dày… điều này khiến mùi của thức ăn đang tiêu hóa trong dạ dày bốc hơi lên khoang miệng và gây ra hơi thở có mùi.
Hôi miệng từ dạ dày không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, nhưng ảnh hưởng đến sự tự tin trong cuộc sống thường ngày. Thậm chí, nếu không được điều trị, hôi miệng từ dạ dày có thể khiến người bệnh ngại giao tiếp, trở nên hướng nội, khép kín hơn. Về mặt sức khỏe, hôi miệng do dạ dày sẽ tác động tới quá trình ăn uống, khiến người bệnh cảm thấy ăn uống không ngon miệng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
2. Các bệnh lý dạ dày ruột gây hôi miệng
Hôi miệng từ dạ dày có thể liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa hoặc do các thói quen sinh hoạt hằng ngày.
2.1. Trào ngược dạ dày
Một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu khiến hơi thở có mùi là do bệnh trào ngược dạ dày. Đây là tình trạng dịch vị dạ dày vị trào ngược lên thực quản, các dịch vị có tính acid sẽ khiến niêm mạc thực quản bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển gây ra tình trạng hôi miệng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôi miệng, tuy nhiên, nếu bạn bị hôi miệng kèm các triệu chứng như ợ chua, ợ hơi thì rất có thể bạn bị trào ngược dạ dày, do đó, bạn hãy đi khám và thực hiện nội soi dạ dày để tìm kiếm nguyên nhân.
2.2. Tắc nghẽn đường ruột
Tắc nghẽn đường ruột cũng là một trong số những lý do khiến hơi thở có mùi. Thông thường, khi thức ăn được nạp vào cơ thể sẽ được hấp thu và đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khi bị tắc nghẽn đường ruột, thức ăn sẽ bị tắc nghẽn ở ruột già hoặc ruột non và không thể di chuyển tiếp. Những thức ăn này sẽ lên men và bay hơi qua miệng gây tình trạng hôi miệng.
2.3. Hôi miệng do viêm dạ dày HP
Vi khuẩn HP là một trong những thủ phạm gây các bệnh đường tiêu hóa phổ biến. Chúng tồn tại bên dưới lớp niêm mạc dạ dày, cư trú bên trong dạ dày và gây ra các vết loét, viêm nhiễm. Khi bị nhiễm vi khuẩn HP, chúng sẽ tạo ra khí dimetin sulfua, sulfua và metin mecaptan biểu hiện qua hơi thở có mùi hôi và khiến bạn kém tự tin hơn.
Hỏi đáp:
3. Cách trị hôi miệng từ dạ dày hiệu quả
Tình trạng hôi miệng từ dạ dày khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin. Do đó, tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị là vấn đề được nhiều người quan tâm.
3.1. Trị hôi miệng từ dạ dày bằng thuốc
Với những trường hợp hôi miệng do bệnh trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày kéo dài, việc điều trị bằng thuốc thường được lựa chọn để cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa và giảm tình trạng hôi miệng. Tùy vào bệnh lý và tình trạng bệnh cụ thể và bạn sẽ được sử dụng các phác đồ điều trị khác nhau. Một số thuốc thường được sử dụng bao gồm:
Thuốc trung hòa acid dạ dày: Nhóm thuốc giúp bạn khắc phục nhanh chóng các biểu hiện như ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, đau dạ dày nhờ khả năng trung hòa acid dạ dày và làm giảm hoạt động của enzym pepsin. Nhóm thuốc này gồm thuốc trung hòa acid hấp thụ được như natri bicarbonate, canxi cacbonat và thuốc kháng acid không hấp thụ được như nhôm hoặc magie hydroxit.
Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc ức chế bơm proton dùng đường uống như esomeprazole, lansoprazole và pantoprazole… có tác dụng ức chế quá trình tiết acid và làm lành vết loét tại dạ dày.
Thuốc chẹn thụ thể H2: Thuốc chẹn thụ thể H2 ức chế cạnh tranh với histamine tại thụ thể H2, từ đó ức chế tiết acid do gastrin kích thích và giảm lượng dịch vị. Các hoạt chất cimetidine, famotidine, nizatidine là các thuốc phổ biến thường được sử dụng.
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Sucralfat có khả năng gắn với protein tạo thành hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản thường được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày mức độ vừa đến nặng.
3.2. Trị hôi miệng từ dạ dày bằng thảo dược
Bên cạnh điều trị hôi miệng từ dạ dày bằng thuốc, các biện pháp dùng thảo dược tự nhiên cũng được nhiều người lựa chọn.
Lá bạc hà: Nhờ thành phần chứa lượng lớn tinh dầu thơm, lá bạc hà có khả năng chữa hơi thở có mùi cực hiệu quả. Cách chữa hôi miệng với lá bạc hà rất đơn giản, bạn chỉ cần nhai trực tiếp lá bạc hà tươi rồi súc miệng sẽ giúp hơi thở thơm mát hơn.
Chanh tươi: Trong chanh tươi có lượng lớn vitamin C với khả năng diệt khuẩn. Do đó, bạn có thể sử dụng nước chanh pha loãng để vệ sinh răng miệng hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi sử dụng nước chanh tươi, bạn cần súc miệng lại với nước sạch vì tính acid của nước chanh có thể phá hủy men răng.
Gừng tươi: Không chỉ là gia vị quen thuộc trong gian bếp, gừng tươi còn hỗ trợ điều trị hơi thở có mùi cực tốt. Bạn có thể sử dụng nước gừng tươi pha loãng để súc miệng hằng ngày, các thành phần tinh dầu trong gừng sẽ mang đến tác dụng làm sạch, kháng khuẩn và cải thiện hơi thở.
Lá húng quế: Với nhiều tinh dầu có mùi thơm, lá húng quế cũng có thể giúp bạn cải thiện hôi miệng bằng cách đơn giản là cho vài lá húng quế vào nước sôi và hãm trong thời gian 5 phút. Uống nước lá húng quế này thường xuyên để cải thiện tình trạng hôi miệng.
Rễ cam thảo: Cam thảo có vị ngọt, giúp làm giảm các triệu chứng của cơn trào ngược dạ dày thực quản. Không chỉ như vậy, tinh dầu trong cảm thảo còn có tác dụng trị mùi hôi. Bạn hãy cùng rễ cam thảo hãm thành trà và uống hằng ngày, hoặc nhai trực tiếp cam thảo trong miệng 1 – 2 lần mỗi ngày để cải thiện hơi thở có mùi.
Tham khảo thêm: List nước súc miệng trị hôi miệng hiệu quả
3.3. Trị hôi miệng từ dạ dày thông qua thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống hằng ngày cũng phần nào giúp bạn cải thiện được tình trạng hơi thở có mùi khi đang điều trị bằng các biện pháp khác.
Duy trì tâm trạng thoải mái: Một số bệnh lý đường tiêu hóa có liên quan đến tâm trạng. Do đó, khi bạn duy trì tinh thần vui vẻ, thoải mái, tâm trạng ổn định cũng sẽ giúp sức khỏe đường tiêu hóa của bạn tốt hơn. Căng thẳng, stress kéo dài có thể kích thích tiết acid dạ dày, khiến các bệnh thêm trầm trọng và hơi thở có mùi khó chịu.
Vận động nhẹ nhàng mỗi ngày: Tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút không chỉ giúp bạn có sức khỏe tốt hơn và còn giúp hệ tiêu hóa vận hành hiệu quả do tăng cường nhu động ruột và hạn chế tình trạng khó tiêu.
Chế độ ăn uống chọn lọc: Khi có các bệnh đường tiêu hóa, bạn nên hạn chế các loại thức ăn như đồ sống, đồ lạnh, đồ cay nóng… để tránh gây những tổn thương do dạ dày. Hãy ăn uống đúng giờ với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng để không bị cơ thể rơi vào trạng thái quá đói.
Hạn chế chất kích thích: Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… có thể khiến bệnh đường tiêu hóa thêm trầm trọng và khiến hôi miệng từ dạ dày trở nên khó chịu hơn.
Tham khảo thêm: Các loại xịt giảm hôi miệng hiệu quả
Lời kết:
Bài viết trên đây của chúng tôi đã trình bày các nguyên nhân gây nên hôi miệng từ dạ dày và nhiều cách điều trị bằng thuốc, thảo dược và biện pháp thay đổi lối sống. Hãy nhớ rằng hôi miệng từ dạ dày không thể điều trị và có tác dụng ngay lập tức mà cần một thời gian để tình trạng này được cải thiện.