Tủy răng bị thối, hay còn gọi là hoại tử tủy răng, là một vấn đề nha khoa phổ biến gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả tình trạng tủy răng bị thối để bạn có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Mục lục
Tủy răng bị thối là gì?
Tủy răng bị thối là tình trạng tủy bị tổn thương hoặc chết đi do nhiễm trùng hoặc chấn thương mạnh. Khi tủy răng bị thối, nó không còn khả năng hồi phục và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm nhiễm và mất răng. Đây là một vấn đề sức khỏe răng miệng đáng lo ngại và cần được điều trị kịp thời để tránh các hậu quả lâu dài.
Khi tủy răng bị thối, phần của bó sợi thần kinh và mạch máu trong phần tủy của răng bị chết đi. dẫn đến việc suy giảm các yếu tố miễn dịch của răng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và nhân lên.
Tình trạng này có thể phát triển ở cả răng sữa (răng trẻ em) và răng vĩnh viễn (răng người lớn), và không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Điều quan trọng là phải chẩn đoán hoại tử tủy răng càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm có thể lan rộng đến các mô xung quanh răng, bao gồm cả dây chằng nha chu (các mô nối răng với xương hàm) và gây tổn thương cho các mô của nha chu. Tủy răng thối nếu không được chữa trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như áp xe quanh răng, viêm xương hàm, mất răng vĩnh viễn, thậm chí nhiễm trùng lan rộng sang các bộ phận khác trên cơ thể và có khả năng tử vong.
Triệu chứng tủy răng bị thối có thể có thể như sau:
- Mất cảm giác: Khi tủy răng chết, bạn sẽ không cảm nhận được khi gõ vào, khi ăn thức ăn nóng lạnh.
- Thay đổi màu sắc răng: Răng có thể chuyển sang màu nâu, ố vàng, xám hoặc đen do không được nuôi dưỡng liên tục.
- Mùi hôi miệng: Do dịch tủy bị hoại tử chảy ra ngoài thông qua lỗ sâu hoặc lỗ dò ở chóp răng, có thể gây ra mùi hôi khó chịu, dù có đánh răng sạch sẽ.
- Cảm giác áp lực: Có thể cảm thấy áp lực tăng lên khi ăn hoặc nghiến răng.
- Đau từng cơn: Đôi khi có thể xuất hiện những cơn đau đột ngột ngay cả khi không ăn nhai.
- Khi nhiễm trùng tủy răng nặng, mặt sẽ bị sưng tại vùng tủy bị viêm, sưng hạch bạch huyết, đau nhức và khó ăn nhai, sốt cao.
Nguyên nhân tủy răng bị thối
Tủy răng bị thối bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân sau đây:
Bệnh lý răng miệng
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm và nhiễm trùng tủy răng. Vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng qua các lỗ sâu, tấn công và tiêu diệt các tế bào mô tủy, dẫn đến thối tủy răng.
Thành phần vi khuẩn trong tủy răng bị thối tủy thường phức tạp, bao gồm các loại vi khuẩn như Streptococcus, Staphylococcus, Clostridium perfringens và Fusobacterium. Vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong môi trường tủy răng bị tổn thương, tiết ra độc tố, gây ra viêm nhiễm và hoại tử mô.
Xem thêm: Sâu răng cửa – nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết sớm
Chấn thương răng
Tủy răng bị thối do chấn thương có thể xảy ra do chấn thương cấp tính hoặc mãn tính.
Chấn thương cấp tính xảy ra khi có lực tác động mạnh lên răng trong một lần, ví dụ như va đập, té ngã. Lúc này, các mô quanh chóp răng bị rách, mạch máu cung cấp dinh dưỡng cho tủy răng bị tổn thương, dẫn đến hoại tử tủy.
Chấn thương mãn tính xảy ra do lực tác động nhẹ nhưng lặp đi lặp lại trong thời gian dài lên răng, ví dụ như mài mòn răng bệnh lý, thói quen nghề nghiệp có hại (cắn chỉ ở thợ may, cắn dây câu ở thợ câu). Ban đầu, tủy răng có thể tự bù đắp cho tổn thương, nhưng về lâu dài, do mạch máu bị chèn ép, tủy răng sẽ bị hoại tử.
Đọc thêm: Răng bị sứt mẻ phải làm sao?
Các điều trị nha khoa sai kỹ thuật
Trong quá trình điều trị các bệnh lý nha khoa, nếu thực hiện sai kỹ thuật cũng có thể tiềm ẩn rủi ro gây thối tủy răng.
Đơn cử như trong kỹ thuật bọc răng sứ, đặc biệt là khi lấy tủy răng hoặc tiện răng để lắp mão sứ, cầu răng, nếu không cẩn thận có thể làm bỏng tủy răng, dẫn đến hoại tử. Nguyên nhân chính là do sử dụng mũi khoan hoặc máy cắt không có hệ thống làm mát hoặc làm mát không hiệu quả, khiến tủy răng bị nung nóng quá mức và dẫn tới thối tủy răng.
Hoặc một trường hợp khác liên quan tới chất hóa học sử dụng trong điều trị sâu răng ví dụ như phenol. Các hợp chất phenol có thể gây hại nếu tiếp xúc trực tiếp với mô tủy răng. Khi các hợp chất phenol được áp dụng lên răng, chúng có thể thấm qua các kênh dentin – những ống nhỏ liên kết lớp ngoài cùng của răng (men răng) với tủy răng. Sự thấm qua này có thể gây ra các tổn thương hóa học cho mô tủy, tương tự như một vết bỏng hóa học, dẫn đến việc thối tủy răng.
Phân loại tình trạng thối tủy răng
Trong nha khoa, tình trạng tủy răng bị thối được chia thành hai loại chính:
1. Tủy răng bị thối ở dạng hóa lỏng
- Mô tủy răng bị thối có cấu trúc mềm nhũn, có thể chứa nhiều dịch.
- Trường hợp này thường xảy ra do vi khuẩn tấn công và tiết ra độc tố làm hủy hoại mô tủy.
- Tủy răng bị thối ở dạng hóa lỏng cũng có thể gặp trong quá trình điều trị viêm tủy bằng phương pháp sinh học, cụ thể là khi bôi trực tiếp vôi tôi lên tủy răng.
2. Tủy răng bị thối ở dạng đông tụ
- Không liên quan đến tác động nhiễm trùng mãn tính.
- Mô tủy răng bị thiếu oxy dẫn đến hoại tử.
- Tủy răng bị thối ở dạng đông tụ thường gặp ở trường hợp chấn thương nha chu cấp tính, khi mạch máu nuôi dưỡng tủy răng bị tổn thương.
Ngoài ra, một số tài liệu còn phân loại tình trạng thối quỷ răng theo mức độ:
- Thói tủy răng bán phần: Chỉ một phần tủy răng bị hoại tử.
- Thối tủy răng toàn phần: Toàn bộ tủy răng bị hoại tử
Chẩn đoán tình trạng thối tủy răng
Chẩn đoán hoại tử tủy răng là một bước quan trọng để xác định tình trạng bệnh lý và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Quá trình chẩn đoán thường dựa trên các yếu tố sau:
1. Hỏi bệnh:
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng mà họ gặp phải, bao gồm đau nhức, sưng tấy, nhiễm trùng, thay đổi màu sắc răng, mùi hôi miệng, tiền sử điều trị nha khoa,…
Một số trường hợp, bệnh nhân đến gặp nha sĩ vì lo lắng về màu sắc thay đổi của răng. Nha sĩ khi khám sẽ thấy răng chuyển màu xám. Khi mở buồng tủy, có thể ngửi thấy mùi hôi thối. Gõ nhẹ vào răng có thể gây đau. Lớp ngoài cùng của tủy có màu xám bẩn và không chảy máu. Dùng dụng cụ thăm dò vào tủy răng cũng có thể gây đau.
Một số bệnh nhân khác có thể cảm thấy đau nhức khi ăn thức ăn nóng. Nguyên nhân là do hoạt động của vi khuẩn đặc biệt, thường là Bacteroides. Nhiệt độ nóng khiến khí hình thành trong khoang răng, dẫn đến tình trạng đau nhức từ từ tăng lên khi ăn thức ăn nóng và giảm dần khi loại bỏ kích thích. Hầu hết bệnh nhân bị thối tủy răng đều cho biết rằng trước đó họ đã từng bị đau nhức răng.
Thông tin này giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng thối tủy răng và xác định nguyên nhân gây bệnh.
2. Khám lâm sàng:
Bác sĩ sẽ khám tổng quát khoang miệng, kiểm tra từng chiếc răng để nhận biết các dấu hiệu bất thường như sâu răng, mòn răng, viêm nướu, áp xe răng,…
Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ để đánh giá độ nhạy cảm của răng với nhiệt độ và lực tác động.
Phản ứng của bệnh nhân đối với các kích thích này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của tủy răng.
3. Chẩn đoán hình ảnh:
Chụp X-quang răng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng nhất để chẩn đoán hoại tử tủy răng. Hoại tử tủy răng thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng và có thể chỉ phát hiện tình cờ qua chụp X-quang (như chụp toàn cảnh hàm mặt, chụp CT). Khi đó, hoại tử tủy thường đi kèm với những thay đổi ở mô quanh chóp răng.
Hình ảnh chụp X-quang có thể cho thấy khoảng hở nha chu ngày càng rộng ra và có thể xảy ra hiện tượng tiêu xương ở vùng chóp răng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT hoặc chụp MRI trong một số trường hợp cần thiết.
Hỏi đáp: Chụp X-quang răng có hại không? Câu hỏi thường gặp
4. Chẩn đoán phân biệt:
Cần phân biệt hoại tử tủy răng với các bệnh lý nha khoa khác có triệu chứng tương tự như viêm tủy không hồi phục, viêm nha chu mãn tính, áp xe quanh chóp răng,…
Việc chẩn đoán phân biệt chính xác giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Tủy răng bị thối – điều trị thế nào?
Khi có dấu hiệu ê nhức, đau răng thì bạn cần đến thăm khám sớm tại địa chỉ nha khoa uy tín để kiểm tra và điều trị. Nếu tủy răng bị thối, Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp:
1. Chữa tủy và phục hình
Trường hợp tủy răng bị viêm nhiễm mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ gây tê cho răng để giảm đau nhức cho bệnh nhân. Sau đó, loại bỏ mô tủy bị hoại tử và làm sạch các ống tủy răng bằng dụng cụ chuyên dụng.
Các ống tủy răng được rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn như nước muối sinh lý hoặc chlorhexidine gluconate để tiêu diệt vi khuẩn.
Trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc chống viêm và kháng khuẩn để hỗ trợ quá trình làm lành và giảm viêm nhiễm.
Sau khi đặt thuốc, các ống tủy răng được trám bít bằng chất trám nha khoa chuyên dụng.
Bác sĩ sẽ lắp mão răng sứ/ trám bít để bảo vệ răng và phục hồi chức năng ăn nhai.
2. Nhổ răng và phục hình
Khi tủy răng đã bị thối và không thể hồi phục, việc nhổ bỏ răng là cần thiết để ngăn chặn vi khuẩn từ răng bị nhiễm truyền sang các răng khác, gây ra viêm nhiễm rộng rãi.
Việc này sẽ để lại một khoảng trống ở vị trí răng đã bị nhổ, có thể ảnh hưởng đến ngoại hình (thẩm mỹ) và khả năng ăn nhai của người bệnh.
Bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp phục hình răng như cầu răng, implant (cấy ghép răng), hoặc răng giả tháo lắp để thay thế cho răng đã mất. Mục tiêu là khôi phục lại vẻ ngoài tự nhiên và chức năng ăn nhai, đồng thời bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Implant là phương án tốt nhất trong 3 phương pháp, thẩm mỹ như răng thật, chức năng ăn nhai gần như 100%, ngăn ngừa tiêu xương hàm, không ảnh hưởng đến răng thật khác, tuổi thọ lâu dài. Tuy nhiên, chi phí cấy ghép răng Implant cao hơn so với hai phương pháp kia. Do đó, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng tình trạng tài chính của bản thân trước khi quyết định.