Viêm ổ răng khô là một biến chứng nha khoa tương đối phổ biến sau khi nhổ răng. Nếu như vì một số nguyên nhân bạn bắt buộc phải nhổ răng, chắc hẳn bạn nên tìm hiểu các thông tin về biến chứng nhổ răng trong đó có viêm ổ răng khô để phòng ngừa sớm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu, ảnh hưởng và phương pháp điều trị tình trạng viêm ổ răng khô.
Viêm ổ răng khô là gì?
Viêm ổ răng khô là tình trạng biến chứng sau khi nhổ răng vĩnh viễn khi vị trí nhổ răng bị trống rỗng, không có cục máu đông lấp đầy và bảo vệ khiến cho xương răng bị lộ ra gây đau nhức. Theo con số thống kê có tới 2 % – 5% số ca nhổ răng mà sau đó bị biến chứng viêm ổ răng khô.
Thông thường, sau khi nhổ răng cơ chế đông máu tự nhiên của cơ thể sẽ tạo ra một cục máu đông tại vị trí nhổ răng. Cục máu đông này có tác dụng bảo vệ xương răng và dây thần kinh đồng thời hình thành một lớp khung lưới tế bào che đi lỗ nhổ răng, sau đó các mô liên kết sẽ hình thành trên đó và làm lành vết thương.
Nguyên nhân bị viêm ổ răng khô
Nguyên nhân bị viêm ổ răng khô chính là những tác nhân khiến cho cục máu đông bị bật khỏi vị trí nhổ răng hoặc tan biến sớm trước khi vết thương lành. Những tác nhân này bao gồm:
- Súc miệng quá mạnh làm bật cục máu đông khiến cho xương răng không được bảo vệ.
- Dùng ống hút để uống nước cũng có thể tạo một lực hút mạnh khiến cục máu đông bị đánh bật.
- Hút thuốc lá dễ gây viêm ổ răng khô vì thuốc lá chứa chất làm giảm lượng máu lưu thông đến vị trí nhổ răng, cản trở sự hình thành cục máu đông, khiến quá trình lành thương kéo dài.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn tại vị trí nhổ răng hoặc vi khuẩn trong khoang miệng tấn công vết thương.
- Kỹ thuật nhổ răng không đảm bảo gây ra các chấn thương tại vị trí nhổ răng, từ đó dẫn tới viêm ổ răng khô.
Các yếu tố nguy cơ khác góp phần tăng khả năng bị viêm xương ổ răng sau khi nhổ răng gồm:
- Người nhổ răng hàm dưới thường có nguy cơ bị viêm ổ răng khô cao hơn khi nhổ răng hàm trên. Đặc biệt, những người nhổ răng khôn hàm dưới thì tỷ lệ bị viêm ổ răng khô càng cao hơn.
- Người đã từng bị viêm ổ răng khô có nguy cơ sẽ tiếp tục gặp phải tình trạng này trong lần nhổ răng tiếp theo.
- Người có hệ miễn dịch kém thường dễ bị nhiễm trùng khi có vết thương hở và nhiễm trùng là nguyên nhân gây viêm xương ổ răng.
- Người đang dùng một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc tránh thai… sẽ gây khó khăn cho cục máu đông hình thành và gây viêm ổ răng khô.
- Bệnh nhân tiểu đường thường gặp các vấn đề như vết thương hở chậm lành lưu lượng máu kém lưu thông đến các vị trí mô bị hư tổn nên có nguy cơ bị viêm ổ răng khô.
Dấu hiệu viêm ổ răng khô
Viêm ổ răng khô thường biểu hiện triệu chứng từ ngày thứ 2 – ngày thứ 4 sau khi nhổ răng. Cả quá trình viêm ổ răng khô sẽ diễn ra trong khoảng 7 -10 ngày.
Đau nhức khi bị viêm ổ răng khô. Việc cảm thấy đau sau khi nhổ răng là một hiện tượng bình thường, nhưng nếu như bạn thấy cơn đau dữ dội, đau buốt kèm theo là mất cục máu đông khiến ổ chân răng bị rỗng, lõm sâu. Tình trạng đau không chỉ xảy ra tại vị trí nhổ răng mà dường như lan ra cả hàm và mặt, tình trạng đau nhức kéo dài từ 1 – 5 ngày.
Khi bị viêm ổ răng khô, bên cạnh những cơn đau thì người bệnh sẽ cảm nhận rõ rệt hơi thở có mùi hôi tanh khó chịu, ảnh hưởng tới giao tiếp với người xung quanh.
Chẩn đoán viêm ổ răng khô
Thông thường người bệnh bị đau nhiều sau khi nhổ răng sẽ đi kiểm tra nha khoa và nha sĩ sẽ căn cứ trên các biểu hiện bề ngoài của răng để đưa ra các chẩn đoán.
Ngoài ra bạn có thể sẽ được chỉ định chụp X-quang răng để xác định được mức độ viêm ổ răng khô, hoặc kiểm tra xem bệnh nhân có đang bị nhiễm trùng tủy xương hoặc còn mảnh xương răng sót lại trong ổ chân răng sau khi nhổ răng hay không?
Các phương pháp điều trị
Điều trị y tế
Các phương pháp điều trị viêm ổ răng khô hướng tới điều trị triệu chứng đau nhức và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương tại vị trí nhổ răng.
Vệ sinh vết thương tại ổ chân răng Đối với kết luận bệnh nhân bị viêm ổ răng khô sau khi nhổ răng. Bác sĩ nha khoa sẽ kiểm tra vết thương và thực hiện rửa vết thương bằng thuốc sát trùng, loại bỏ các hạt thức ăn bị lọt vào vết thương cũng như những mảnh vụn sót lại là nguyên nhân gây đau đớn.
Che phủ ổ răng Bác sĩ sẽ sử dụng các vật liệu chuyên dụng để che phủ vị trí xương răng bị lộ ra, lấp đầy ổ chân răng với gel thuốc và băng bó lại nếu cần thiết.
Dùng thuốc kê đơn Sau khi xử lý vết thương nhổ răng xong, bác sĩ sẽ kê thuốc uống với các loại thuốc thông thường như kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc sát khuẩn…
Tìm hiểu: Đau răng uống thuốc gì? – Cách dùng và lưu ý
Chăm sóc tại nhà khi bị viêm ổ răng khô
Giữ vệ sinh vùng răng đang bị thương bằng cách súc miệng với nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn được bác sĩ kê toa. Khi súc miệng cần thực hiện nhẹ nhàng để tránh kích thích vết thương. Đối với các khu vực không bị thương có thể dùng bàn chải để chải răng nhẹ nhàng.
Tuân thủ đơn thuốc và các hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý đổi thuốc hoặc dùng sai liều lượng được kê. Thông báo với bác sĩ nếu như vẫn có dấu hiệu đau nhức nhiều, nếu không hãy tái khám đúng theo lịch trình đã hẹn.
Nếu bị đau nhiều do viêm ổ răng khô bệnh nhân có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để dịu bớt cơn đau và giảm sưng nướu tại khu vực mới nhổ răng.
Bạn có thể dùng túi lọc trà sau khi uống, đặt túi trà vào tủ mát và đắp túi trà lên vết thương như một miếng gạc lạnh.
Tham khảo: 10+ cách chữa đau nhức răng tại nhà hiệu quả
Phòng ngừa viêm ổ răng khô
Nếu như bạn sắp có kế hoạch nhổ răng, hãy chuẩn bị một trạng thái tốt nhất để phòng ngừa biến chứng viêm ổ răng khô có thể xảy ra. Các lưu ý sau đây sẽ giúp bạn.
Nên lấy cao răng trước khi nhổ răng để hạn chế tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn từ cao răng và mảng bám tấn công vết thương ổ chân răng.
Sau khi nhổ răng bạn sẽ được bác sĩ đặt một miếng bông gạc cầm máu tại vị trí răng mới nhổ và bạn cần cố gắng cắn chặt để giữ cố định miếng gạc trong ít nhất 30 phút. Điều đó giúp cục máu đông được hình thành và giúp quá trình tự lành thương diễn ra thuận lợi hơn.
Phụ nữ nên nhổ răng vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, tránh nhổ răng vào những ngày có kinh nguyệt vì thời điểm đó hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm hơn, dễ bị nhiễm trùng gây viêm ổ răng khô. Hơn nữa, nhổ răng khi đang bị kinh nguyệt dễ gây chảy máu kéo dài, cơ thể suy nhược.
Sau khi nhổ răng cần hạn chế tối đa việc uống nước bằng ống hút, khạc nhổ mạnh có thể khiến cục máu đông tại vị trí nhổ răng bị bật ra.
Cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh sau khi nhổ răng bởi vận động thể chất mạnh có thể khiến răng bị nghiến mạnh hoặc tạo áp lực làm bong cục máu đông.
Sau 1 – 2 ngày đầu sau khi nhổ răng, bệnh nhân nên ăn thức ăn mềm lỏng, không nên nhai cắn những đồ ăn cứng, dai vào bên hàm mới nhổ răng.
Những loại thức ăn nên ăn nhiều sau khi nhổ răng là rau xanh, trái cây tươi, những đồ ăn mát lạnh và chú ý uống thật nhiều nước.
Không hút thuốc lá, uống rượu ít nhất trong những ngày mới nhổ răng để hạn chế biến chứng nhiễm trùng vết thương và viêm ổ răng khô.
Hỏi đáp:
Tóm lại, viêm ổ răng khô không phải là một bệnh lý lâu dài và quá nghiêm trọng, tuy nhiên những triệu chứng bệnh gây ra như đau nhức, hôi miệng có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt. Tốt nhất, khi bị viêm ổ răng khô, bạn nên đi tái khám ngay tại đơn vị nha khoa đã thực hiện nhổ răng hoặc bất kỳ đơn vị điều trị nha khoa nào khác để xử lý sớm giúp vết thương mau hồi phục.