Áp xe nha chu là tình trạng viêm nhiễm mủ cục bộ trong các mô nha chu bao quanh chân răng. Áp xe nha chu khiến người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội, sưng tây tại vị trí quanh răng bị bệnh và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tổng thể. Nếu bạn quan tâm tới chủ đề áp xe nha chu, hãy đọc ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về tình trạng này.
Mục lục
Nguyên nhân chính dẫn đến áp xe nha chu
Nha chu là tổ chức gồm các mô cứng và mô mềm bao quanh răng nhằm thực hiện chức năng nâng đỡ cho chiếc răng có thể đứng vững đúng vị trí trên hàm và đóng vai trò giảm xóc, giảm lực tác động lên xương hàm khi chúng ta ăn nhai.
Áp xe nha chu là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính khi vi khuẩn xâm nhập và tích tụ thành các túi nha chu và lây lan ra các mô xung quanh răng, gây ra phản ứng viêm tại các mô này tạo thành một ổ áp xe sưng tấy và chứa đầy mủ. Vai trò chính trong việc phát triển áp xe nha chu là sự kích hoạt hoạt động của các loại vi khuẩn gồm Porphyromonas gingivalis, Treponema denticola, Prevotella intermedia, Bacteroides forsythus.
Áp xe quanh răng có ổ là một tình trạng áp xe khi nhiễm trùng đã tiến triển nặng và có nguy cơ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Để có thể phòng ngừa hay điều trị áp xe nha chu, chúng ta cần nắm bắt được những yếu tố nguyên nhân có thể kích hoạt các vi sinh vật gây áp xe nha chu, bao gồm:
Bệnh nha chu
Viêm nha chu hay viêm quanh răng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng áp xe nha chu. Nhiễm trùng nha chu xảy ra khi vi khuẩn từ các yếu tố như mảng bám răng, cao răng tích tụ lâu ngày ăn sâu vào các mô nha chu và sản sinh độc tố gây viêm nhiễm.
Khi tổ chức nha chu bị viêm nhiễm, vi khuẩn và các sản phẩm hoạt động của chúng tích tụ trong các túi nha chu, các túi nha chu này khiến răng và nướu bị phân tách dẫn tới tình trạng tụt lợi, răng lỏng lẻo…
Áp xe nha chu là một biến chứng xảy ra trong quá trình trầm trọng hơn của quá trình viêm phá hủy ở các mô nha chu, được đặc trưng bởi sự tích tụ hạn chế của dịch tiết có mủ.
Tham khảo: Hướng dẫn chăm sóc chữa viêm nha chu tại nhà
Sâu răng
Sâu răng cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra áp xe nha chu. Khi sâu răng lâu ngày và tiến triển nặng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tủy răng, lây lan ra các tổ chứng mô quanh chân răng gây viêm quanh răng và có thể hình thành các ổ áp xe cấp tính.
Chấn thương răng
Những chấn thương vật lý khiến cho răng bị sứt mẻ, vỡ, nứt răng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra các nhiễm trùng trong đó có viêm nha chu và áp xe nha chu.
Vệ sinh răng miệng kém
Theo các thống kê nha khoa uy tín, vệ sinh răng miệng kém chiếm 80% nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý răng miệng gồm sâu răng, viêm nướu, bệnh nha chu, hôi miệng…
Yếu tố sức khỏe
Những người có các bệnh lý nền như tiểu đường hoặc có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ bị áp xe quanh răng có ổ cao hơn.
Các yếu tố khác
Một số thói quen có hại như hút thuốc lá, dùng nhiều đồ uống có cồn… góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và áp xe quanh răng.
Phụ nữ mang thai do chịu tác động của nội tiết tố thay đổi cũng có nguy cơ bị bệnh nha chu cao hơn bình thường, từ đó gia tăng nguy cơ bị viêm áp xe răng.
Dấu hiệu nhận biết áp xe nha chu
Áp xe nha chu thường có những triệu chứng rõ ràng để nhận biết sau đây:
Đau nhức
Đau nhức là biểu hiện phổ biến khi bị áp xe nha chu, các cơn đau có thể có nhiều mức độ nhưng thường dữ dội và buốt nhói.
Cơn đau do áp xe quanh chân răng có thể lan rộng tới đầu, má, cổ… đặc biệt càng đau hơn khi ăn nhai thức ăn.
Sưng tấy
Khi bị áp xe nha chu bạn sẽ nhận thấy nướu răng bị sưng tấy lớn, căng bóng và khi ấn vào vị trí áp xe có cảm giác mềm do có túi mủ bên trong.
Mủ
Ổ viêm chứa đầy mủ là dấu hiệu điển hình của áp xe quanh răng, mủ có thể chảy ra theo lỗ rò nướu, có màu vàng trắng và mùi hôi khó chịu.
Hôi miệng
Do các tổ chức quanh chân răng bị viêm sinh ra các sản phẩm có mùi khiến cho hơi thở không được thơm tho, sạch sẽ.
Tìm hiểu thêm: Các mẹo chữa hôi miệng đơn giản tại nhà
Sốt, mệt mỏi
Phản ứng tăng thân nhiệt, sốt nhẹ hoặc sốt cao thường xảy ra khi bị áp xe răng nhằm chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Đi kèm với sốt, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chán ăn…
Có thể bạn quan tâm: Áp xe răng số 8 có nguy hiểm không?
Phương pháp chẩn đoán khi bị áp xe chân răng có ổ
Bước đầu tiên giúp chẩn đoán tình trạng áp xe chân răng có ổ là khám lâm sàng với các hoạt động như thăm hỏi tiền sử, kiểm tra hình thái, các đặc điểm bên ngoài của ổ áp xe răng. Bác sĩ sẽ ấn nhẹ vào nướu để kiểm tra mức độ sưng tấy, đau nhức và xem có mủ từ ổ áp xe chảy ra không.
Tiếp theo, để xác định chính xác hơn tình trạng áp xe chân răng, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm, chụp X-quang để thấy được vị trí ổ áp xe, mức độ viêm nhiễm… phục vụ quá trình điều trị.
Điều trị áp xe nha chu
Điều trị áp xe nha chu là những phương pháp để loại bỏ nhiễm trùng, thuyên giảm các triệu chứng và ngăn chặn nguyên nhân tái phát. Phương pháp điều trị áp xe được áp dụng sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng áp xe và giai đoạn của bệnh bao gồm:
Giai đoạn cấp tính
Vệ sinh ổ áp xe bằng cách sử dụng dung dịch sát khuẩn để chuẩn bị cho các quá trình điều trị tiếp theo.
Rạch áp xe để dẫn lưu mủ ra ngoài, bác sĩ sẽ tạo các đường rạch hình bán nguyệt hoặc chọc một điểm tại vị trí màng mỏng nhất của ổ áp xe.
Dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau theo toa thuốc từ bác sĩ để ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh và giảm đau, sưng tấy.
Sau quá trình dẫn lưu mủ và dùng thuốc kháng sinh, các triệu chứng áp xe sẽ khỏi nhưng có thể tình trạng áp xe sẽ lại tái diễn do các nguyên nhân gốc rễ chưa được xử lý dứt điểm.
Giai đoạn phục hồi
Các biện pháp điều trị trong giai đoạn phục hồi giúp điều trị dứt điểm bệnh lý gốc gây áp xe quanh răng đồng thời loại bỏ nguy cơ gặp phải các bệnh lý răng miệng. Các biện pháp này bao gồm:
– Lấy cao răng giúp loại bỏ những cặn bám lâu ngày trên bề mặt răng, chúng là nơi vi khuẩn trú ngụ và phát triển gây hại cho răng và nướu nên cần được vệ sinh định kỳ.
– Nạo túi nha chu: Nếu nguyên nhân bị áp xe quanh răng xuất phát từ các túi nha chu khi gây viêm nhiễm thì tiểu phẫu nạo túi nha chu là việc cần thiết phải thực hiện. Nạo túi nha chu giúp loại bỏ vi khuẩn và mảng bám tích tụ ở không gian giữa nướu và chân răng, loại bỏ các mô nướu bị hoại tử. Sau khi đã làm sạch túi nha chu, bác sĩ sẽ kiểm tra độ sâu của túi nha chu và tùy trường hợp có thể cần phẫu thuật giảm độ sâu túi nha chu.
– Điều trị sâu răng và các biến chứng của sâu răng như viêm tủy: bằng cách thực hiện kỹ thuật trị tủy sau đó trám đầy các lỗ sâu răng bằng vật liệu chuyên dụng hoặc dùng phương pháp bọc răng sứ. Kết quả của quá trình điều trị sẽ giúp bảo tồn răng để thực hiện chức năng ăn nhai và ngăn ngừa các vấn đề viêm nhiễm có thể phát sinh như áp xe nha chu.
– Phẫu thuật tạo hình khác: Trong một số trường hợp áp xe quanh chân răng nghiêm trọng gây ra tình trạng tiêu xương ổ răng, bác sĩ sẽ xem xét thực hiện các phẫu thuật như nâng cao xương ổ răng, phẫu thuật ghép xương…để phục vụ việc cắm trụ implant sau này.
– Nếu bệnh nha chu gây ra tình trạng tụt nướu, lộ chân răng… có thể bệnh nhân sẽ được tư vấn thực hiện kỹ thuật ghép nướu, tái tạo vạt nướu để đảm bảo độ che phủ chân răng.
Chăm sóc tại nhà phòng ngừa áp xe nha chu
Có thể thấy áp xe nha chu xuất phát từ tình trạng các loại vi khuẩn có hại cho răng miệng bị kích hoạt và phát triển quá mức. Trong khi đó, nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề viêm nhiễm trong khoang miệng lại chủ yếu đến từ thói quen vệ sinh răng miệng và thói quen ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Để phòng ngừa bị áp xe nha chu, chúng ta cần nghiêm túc điều chỉnh và thực hiện những chỉ dẫn nha khoa được khuyến cao như:
- Duy trì đều đặn việc chải răng ít nhất 2 ngày/lần, chú ý dùng bàn chải lông mềm và kem đánh răng chứa flouride.
- Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các khe kẽ và bề mặt răng sau mỗi bữa ăn giúp ngăn ngừa mảng bám, hôi miệng và sâu răng.
- Dùng nước súc miệng sát khuẩn sau khi đánh răng hoặc sau khi ăn, có thể thay thế bằng nước muối sinh lý.
- Uống nhiều nước để duy trì độ ẩm khoang miệng, ức chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh răng miệng.
- Từ bỏ hoặc hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia bởi chúng chứa những chất hóa học có thể gia tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý răng, nướu.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu tốt cho sức khỏe của răng và nướu thông qua các bữa ăn, hạn chế thực phẩm nhiều đường và axit.
- Đi khám và điều trị nha khoa khi có bất kỳ dấu hiệu nào của các bệnh răng miệng, tránh để chúng tiến triển nặng gây hậu quả nghiêm trọng.
- Lấy cao răng định kỳ để bề mặt răng luôn sạch sẽ, ngăn chặn sự tích tụ và phát triển của vi khuẩn bất lợi cho răng.
Trên đây là toàn bộ những thông tin hữu ích liên quan đến việc nhận biết, điều trị và phòng ngừa áp xe nha chu. Hy vọng những chia sẻ này giúp bạn có thêm kiến thức và kỹ năng chăm sóc răng miệng khỏe mạnh.