Áp xe răng số 8 là một biến chứng nhiễm trùng khá phổ biến khi răng khôn tồn tại lâu ngày, đặc biệt là các trường hợp răng khôn mọc lệch, chen chúc gây viêm nhiễm. Bài viết này sẽ cung cấp tất cả những thông tin liên quan đến bệnh lý áp xe răng số 8, về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả.
Mục lục
Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán áp xe răng số 8
Nguyên nhân
Áp xe răng số 8 là tình trạng mưng mủ xảy ra ở tủy răng hoặc các mô quanh răng số 8 gây đau nhức dữ dội, sưng tấy và phát sốt. Áp xe răng số 8 thường là hậu quả của một quá trình viêm mãn tính kéo dài, cụ thể các nguyên nhân bị áp xe răng số 8 bao gồm
Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, mọc chen chúc khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, tích tụ và phát triển mạnh gây ra viêm nhiễm, quá trình viêm lâu dần dẫn tới bị áp xe.
Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ do răng khôn nằm ở vị trí trong cùng hàm, dễ tích tụ vụn thức ăn, mảng bám tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại tấn công tổ chức răng miệng.
Do các bệnh lý răng miệng đã tồn tại sẵn như sâu răng, viêm tủy, viêm nướu, viêm nha chu… hoặc các bệnh lý nền khác như tim mạch hoặc tiểu đường cũng làm gia tăng nguy cơ bị áp xe răng.
Cơ chế bệnh sinh của áp xe răng
Do các nguyên nhân kể trên mà hệ vi khuẩn sống trong điều kiện thiếu oxy gồm peptostreptococcus, fusobacteria, actinomycetes, viridans streptococci, enterobacteria, staphylococcus aureus có thể xâm nhập vào các mô quanh răng. Những vi khuẩn này hoạt động sinh ra độc tố và hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại bằng cách kích hoạt cơ chế chống nhiễm trùng như sau.
Các mạch máu quanh khu vực viêm giãn nở để tăng lưu lượng máu đưa các tế bào miễn dịch và chất dinh dưỡng tới để chống lại nhiễm trùng. Vì thế, bạn thường thấy sưng đỏ nướu và đau nhức khi bị áp xe.
Các tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính, bạch cầu lympho B, T được tăng cường để tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ các tế bào đã bị tổn thương. Khi đó, mủ được hình thành do phản ứng chống viêm của cơ thể, mủ bao gồm các tế bào bạch cầu chết, vi khuẩn, xác tế bào và chất lỏng mô. Mủ có vai trò bao bọc và cô lập tổ chức bị viêm với các mô khỏe mạnh khác.
Ngoài ra, quá trình cơ thể tăng nhiệt độ để chống lại vi khuẩn dẫn đến hiện tượng bị sốt khi bị áp xe răng số 8.
Triệu chứng khi bị áp xe răng số 8
Các dấu hiệu nhận biết bị áp xe răng số 8 như sau:
Đau nhức tại vị trí răng số 8, cơn đau thường dữ dội và có thể đau lan sang các vùng thái dương, tai, hàm, cổ họng. Các cơn đau càng tăng khi gặp các tác động như ăn nhai, nghiến răng.
Nướu bị sưng tấy, đỏ mọng và sau đó là sự xuất hiện của ổ mủ có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Tình trạng sưng tấy có thể khiến gương mặt mất cân đối, phần mặt bên hàm răng có răng khôn bị áp xe trông sưng to hơn bên mặt còn lại.
Cơ thể tăng nhiệt độ, người bệnh bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn.
Hôi miệng là tình trạng phổ biến khi bị áp xe răng do có mủ hình thành trong ổ viêm nhiễm.
Khi ổ áp xe sưng lớn, người bệnh sẽ cảm thấy khó nhai, khó nuốt, khó khăn khi há miệng, cử động miệng.
Ngoài ra, một số trường hợp còn bị sưng hạch bạch huyết, tê bì môi lưỡi, nướu chảy mủ do phản ứng chống viêm của cơ thể.
Phân loại áp xe răng khôn
Áp xe nướu
Áp xe nướu là tình trạng xuất hiện ổ viêm có mủ ở nướu bao bọc chân răng số 8. Nguyên nhân bị áp xe nướu thường do quá trình vệ sinh răng miệng chưa sạch sẽ khiến mảng bám quanh răng tích tụ nhiều, vi khuẩn phát triển và phá hủy các mô nướu tạo thành các ổ áp xe.
Áp xe nha chu
Do các nguyên nhân như chấn thương hay viêm nướu lâu ngày khiến vi khuẩn xâm nhập được vào túi nha chu và tấn công các mô nha chu gây ra tình trạng áp xe với các ổ mủ tại hệ thống nha chu nâng đỡ răng.
Áp xe tại chân răng
Tình trạng áp xe tại chân răng số 8 thường gây ra khi tủy răng bị viêm nặng do sâu răng hoặc chấn thương sứt mẻ răng. Khi tủy răng bị viêm kéo dài sẽ gây đau đớn và phát sinh các ổ mủ quanh chân răng và tạo ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
Áp xe răng số 8 có nguy hiểm không?
Ở một khía cạnh tích cực, áp xe răng là dấu hiệu cơ thể đang phản ứng chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng, các túi mủ hình thành giúp cô lập vùng mô bị tổn thương, tránh lây lan sang các mô khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bị áp xe cần xử lý ổ áp xe kịp thời cũng như điều trị dứt điểm nguyên nhân gây nhiễm trùng. Nếu để tình trạng nhiễm trùng, bị áp xe kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng dưới đây
- Nhiễm trùng lan rộng: Áp xe răng số 8 nếu không được điều trị sẽ gây nhiễm trùng lây lan đến các mô của các cơ quan lân cận như họng, xoang mũi, thái dương, kết mạc, giác mạc mắt… Từ đó gây viêm nhiễm tại các cơ quan này. Áp xe răng số 8 có nguy cơ gây nhiễm trùng máu và ảnh hưởng tới các cơ quan khác như tim, não, phổi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
- Vi khuẩn tại các ổ áp xe hoạt động mạnh mẽ phát hủy các tổ chức phần mềm quanh răng khiến răng bị lung lay, lợi bị tụt sâu để lộ chân răng.
- Áp xe răng số 8 dễ dẫn tới tổn thương mô xương hàm, hậu quả là tình trạng tiêu xương, mất răng.
- Nguy cơ ảnh hưởng tới răng số 7 do vị trí sát sườn với răng số 8 đang bị áp xe, vi khuẩn sẽ lây lan và phá hủy các tổ chức liên quan tới răng số 7.
- Phần lớn các ca bị áp xe răng khôn người bệnh đều cảm thấy đau nhức, bị sốt và mệt mỏi ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Điều trị áp xe răng khôn
Như đã trình bày ở phần trên, áp xe răng số 8 có thể lan rộng tới các tổ chức, cơ quan khác trong cơ thể. Hơn nữa, áp xe răng số 8 không thể tự khỏi mà cần điều trị dẫn lưu mủ từ ổ áp xe ra ngoài. Sau đây là nguyên tắc và phác đồ thông thường dùng để điều trị áp xe răng khôn.
Nguyên tắc điều trị
Xác định mức độ nghiêm trọng
Bác sĩ sẽ xác định được độ nghiêm trọng của áp xe răng số 8 dựa trên bệnh sử bao gồm có bị đau do áp xe hay không, áp xe cục bộ tại 1 vị trí hay lan rộng và mức độ tiến triển của tình trạng áp xe răng.
Đánh giá mức độ phù nề qua hình thái, kích thước bên ngoài hoặc các đặc điểm sờ nắn.
Có sự hiện diện của tình trạng khó mở miệng hay không?
Thực hiện các xét nghiệm quan trọng như X-quang, chụp CT để bác sĩ có cái nhìn chính xác về vị trí ổ áp xe và mức độ tổn thương do áp xe gây ra.
Đánh giá khả năng miễn dịch
Bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử dị ứng của bệnh nhân để tìm được loại thuốc có thể đáp ứng phù hợp với tình trạng miễn dịch.
Phẫu thuật dẫn lưu mủ
Phẫu thuật là hoạt động chính trong quá trình điều trị áp xe răng, giúp dẫn lưu mủ ra ngoài, giảm áp lực trong ổ áp xe và loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng. Việc phẫu thuật điều trị áp xe có thể gồm hoạt động
Khoan thân răng và chọc ống tủy để hút bỏ tủy bị hoại tử trong trường hợp tủy răng bị tổn thương.
Phẫu thuật rạch nướu và dẫn lưu mủ, loại bỏ tổ chức viêm nhiễm sau đó khâu nướu và sát khuẩn.
Dùng liệu pháp kháng sinh
Thuốc kháng sinh được kê cho bệnh nhân uống để ức chế sự phát triển của vi khuẩn và ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng. Thuốc kháng sinh điều trị áp xe răng phổ biến là penicillin, erythromycin , clarithromycin , clindamycin , tetracycline và metronidazole.
Thuốc kháng sinh được kê toa sử dụng trong một thời gian nhất định thông thường là 7 ngày. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối về liều lượng và thời gian sử dụng để tránh gặp các tác dụng phụ như kháng thuốc hoặc ngộ độc thuốc…
Có thể bạn muốn biết:
Theo dõi sau điều trị áp xe và điều trị nguyên nhân
Thông thường, sau khi phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe và dùng thuốc đến ngày thứ 4 – 5 thì các triệu chứng lâm sàng do áp xe đã gần như biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên,bệnh nhân cần tuân thủ lịch hẹn tái khám từ bác sĩ và xem xét điều trị các vấn đề nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng áp xe răng số 8. Chẳng hạn như cần nhổ bỏ răng số 8 trong trường hợp răng mọc lệch, mọc ngầm, mọc chen chúc, răng số 8 bị sâu…
Hỏi đáp: Điều trị áp xe răng tại nhà bằng mẹo dân gian có khỏi không?
Phòng ngừa áp xe răng số 8
Răng số 8 là những chiếc răng mọc sau cùng và hầu như không có vai trò đặc biệt trong chức năng ăn nhai. Chúng mọc ở vị trí phía cuối hàm rất khó khăn để làm sạch mỗi khi vệ sinh răng miệng. Hơn nữa, tỷ lệ răng khôn mọc thẳng thường rất ít và ngược lại, răng khôn mọc sai vị trí lại chiếm đa số. Chính bởi những bất lợi này mà tình trạng mọc răng số 8 thường tiềm ẩn nhiều mối nguy đe dọa sức khỏe răng miệng trong đó có tình trạng nhiễm trùng mô, áp xe răng.
Để phòng ngừa áp xe răng số 8, tốt nhất bạn nên đi kiểm tra nha khoa khi có những dấu hiệu cho thấy đang có răng khôn mọc như sưng đỏ nướu, đau khi ăn nhai, hôi miệng, có răng khôn nhú khỏi nướu…
Tại nha khoa, bác sĩ sẽ kết luận được tình trạng răng khôn mọc có bình thường hay cần phải nhổ bỏ để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tại đây, bạn cũng được cung cấp những lời khuyên bổ ích trong việc chăm sóc răng miệng tại nhà đề phòng các bệnh lý răng, nướu như áp xe răng như:
- Chải răng ít nhất hai lần một ngày bằng kem đánh răng có fluorid.
- Làm sạch răng với chỉ nha khoa hoặc các thiết bị như tăm nước, bàn chải điện.
- Súc miệng thường xuyên và uống nhiều nước mỗi ngày.
- Chế độ ăn uống cân bằng và hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường trong các bữa ăn.
Qua bài viết này chắc hẳn bạn đã có cái nhìn chi tiết và rõ ràng hơn về tình trạng áp xe răng số 8. Hãy luôn chủ động chăm sóc răng miệng và thăm khám nha khoa định kỳ để kiểm soát những vấn đề đang xảy ra.