Chế độ ăn uống khi bị nhiệt miệng là yếu tố quan trọng quyết định tốc độ hồi phục của bệnh sẽ nhanh hay chậm. Vì thế, khi bị nhiệt miệng, bạn cần biết về những thực phẩm nên và không nên ăn để các vết nhiệt miệng mau lành, không bị biến chứng nghiêm trọng hơn. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn bạn khi bị nhiệt miệng nên ăn gì kiêng gì? Bạn quan tâm hãy theo dõi ngay nhé!
Mục lục
Nên ăn gì khi bị nhiệt miệng?
Nhiệt miệng không phải bệnh lý quá nghiêm trọng đối với sức khỏe nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ăn uống, sinh hoạt. Khi bị nhiệt miệng thì trong miệng sẽ xuất hiện các vết loét lớn nhỏ tùy mức độ, những vết loét này sẽ dễ bị kích thích bởi đồ ăn thức uống, gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Khi bị nhiệt miệng người bệnh thường xuyên cảm thấy đau rát khi ăn uống nên thường có tâm lý chán ăn, ngại ăn dẫn đến cơ thể thiếu chất, mệt mỏi. Một chế độ ăn tốt cho người bị nhiệt miệng không chỉ gồm các món không gây kích ứng vết thương mà quan trọng hơn cả là phải bổ sung được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để thúc đẩy sản xuất tế bào mới, giúp vết loét mau lành.
Các chất dinh dưỡng thiết yếu cho quá trình chữa lành bao gồm protein, sắt, các loại vitamin A, C, B, khoáng chất kẽm, selen... Một chế độ ăn nghèo nàn sẽ không thể cung cấp cho cơ thể hàm lượng dưỡng chất cần thiết. Vì thế, khi bị nhiệt miệng, bạn không nên kiêng cữ nhiều loại thực phẩm mà nên ăn uống đa dạng các nhóm đạm động vật, thực vật, chất béo, đường, vitamin…
Điều quan trọng trong việc ăn uống khi bị nhiệt miệng là cách chế biến, thưởng thức các món ăn sao cho không làm ảnh hưởng đến vết thương. Vậy nên ăn gì khi bị nhiệt miệng, sau đây là những gợi ý dành cho bạn.
Đồ ăn mềm, lỏng
Thức ăn mềm lỏng thường dễ nuốt, không cần lực ăn nhai nhiều giúp hạn chế làm tổn thương tới các vết loét trong khoang miệng. Những món ăn như cháo, súp, món canh, hầm sẽ lý tưởng nhất cho bạn khi đang bị lở loét miệng. Những món này vừa dễ ăn lại đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể có đủ năng lượng để hoạt động cũng như đủ chất để nhanh lành vết thương.
Đồ ăn nhạt
Những món ăn được nêm nếm nhạt, ít gia vị sẽ hạn chế tình trạng kích ứng các vết loét do nhiệt miệng gây ra. Vì thế, nếu ngày thường khẩu vị của bạn là các món ăn đẫm gia vị, mặn, cay, chua… thì khi bị nhiệt miệng, hãy cố gắng ăn nhạt đi để không khiến tình trạng nhiệt miệng trở nên trầm trọng hơn.
Đồ ăn nguội, mát lạnh
Chắc hẳn khi bị nhiệt miệng, bạn không lúc nào ngơi để ý đến những vết loét trong miệng, chỉ cần đưa lưỡi nhẹ chạm vào nốt nhiệt thôi cũng khiến bạn đau điếng người. Những lúc như vậy, một món ăn mát lạnh sẽ giúp làm dịu cơn đau đi rất nhiều, khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn hãy thử trà lạnh, sinh tố, sữa chua, chè, caramen, bánh kem … đồ ngọt sẽ giúp bạn xoa dịu căng thẳng và đau đớn.
Trái cây và rau xanh
Trái cây và rau xanh chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, hỗ trợ quá trình tự chữa lành vết thương của cơ thể rất tốt. Bạn nên ăn các loại trái cây chín, có vị ngọt và rau củ chế biến mềm để dễ ăn hơn khi đang bị nhiệt miệng.
Đọc thêm: Bị nhiệt miệng làm gì cho nhanh khỏi?
Nên kiêng ăn gì khi bị nhiệt miệng?
Kiêng đồ ăn cay nóng, mặn, chua
Những món nhiều gia vị cay nóng hoặc quá mặn, quá chua sẽ khiến cho vết nhiệt miệng bị kích ứng gây đau rát khi ăn. Vì thế, khi đang bị nhiệt miệng, những thói quen ăn uống như ăn nhiều ớt, kim chi, chấm mắm mặn hay ăn dưa chua… nên được tiết chế lại so với ngày thường.
Kiêng món ăn quá cứng hoặc dai
Những món ăn cứng, dai khi nhai cần dùng lực mạnh và vận động cơ miệng, hàm rất nhiều. Điều đó vô tình có thể tổn hại đến vết loét trong miệng, khiến chúng lâu lành hơn và gây đau đớn cho bạn.
Kiêng món chiên rán, nhiều dầu mỡ
Có thể ngày thường những món ăn nhanh, món chiên nướng nhiều dầu mỡ là món khoái khẩu của bạn thì trong những ngày bị nhiệt miệng, bạn cũng nên tạm rời xa chúng. Những món ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ tạo ra chất béo bão hòa, chất này kích thích tăng các phản ứng viêm trong cơ thể dẫn đến các vết thương hở lâu lành.
Kiêng cà phê, nước ngọt
Chúng ta nên kiêng cà phê và nước ngọt khi bị nhiệt miệng vì cà phê thường gây khô miệng, nước ngọt thì chứa nhiều đường làm tăng tính axit trong khoang miệng. Những yếu tố này có thể kích hoạt những vi khuẩn có hại hoạt động mạnh mẽ hơn, tấn công vết loét nhiệt miệng và khiến chúng lâu khỏi hơn.
Kiêng đồ uống có cồn
Các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng, đồ uống có cồn chứa chất khiến cho máu bị loãng hơn và khiến hệ miễn dich bị suy yếu. Khi đó, các tổn thương như vết loét nhiệt miệng sẽ dễ tiến triển nặng hơn do ảnh hưởng của những chất kích thích này.
Có thể bạn muốn biết: Hay bị nhiệt miệng là dấu hiệu của bệnh gì?
Một số món cháo tốt cho ng bị nhiệt miệng
Cháo gà hầm đậu xanh
Thịt gà giàu dinh dưỡng kết hợp với đậu xanh có tính mát, lành sẽ tạo thành một món cháo hấp dẫn và bổ dưỡng để thưởng thức khi bị nhiệt miệng. Cách nấu cháo gà hầm đậu xanh đơn giản và nhanh gọn như sau
- Hầm cháo đậu xanh với tỷ lệ 2 gạo 1 đỗ, cho ngập nước để cháo được nhừ tơi.
- Bạn chọn mua khoảng 100 – 200 gr thịt gà, nên lấy phần ức và phần thịt nạc, bỏ da và thái vụn. Bác chảo và phi thơm hành tỏi, cho gà và đảo đều và nêm nếm gia vị.
- Khi cháo chín, bạn thêm thịt gà đã xào vào nồi và hầm thêm 5 phút là đã có được món cháo gà đậu xanh ngon lành, bổ dưỡng để thưởng thức.
Cháo sườn non bí đỏ
Cháo sườn non bí đỏ cũng là một gợi ý thích hợp cho những người đang bị nhiệt miệng, lở loét miệng. Cháo bí đỏ sườn non thơm, ngọt rất dễ ăn và cũng chứa đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Cách nấu cháo sườn non bí đỏ như sau
- Bạn chọn mua phần sườn non có nhiều thịt để khi nấu cháo thịt sẽ mềm ngon. Sườn đem về rửa sạch và luộc sơ trước khi đem hầm cháo.
- Dùng một cốc nhỏ gạo tẻ kết hợp với nửa cốc gạo nếp, vo sạch và đem hầm cháo cùng với sườn non đã chuẩn bị ở trên.
- Bí đỏ bạn hấp chín và đánh nhuyễn, khi cháo chín sẽ cho bí vào nồi quấy đều, thêm gia vị và một chút rau ngò rí, hành lá thái nhỏ để thưởng thức.
Cháo cá chép rau thì là
Cháo cá chép là món ăn bổ dưỡng và lành, tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ ăn dặm. Không chỉ những đối tượng này, ai cũng nên ăn cháo cá chép, nhất là những người đang bị ốm, mệt mỏi hoặc nóng trong như người bị nhiệt miệng.
Cách nấu cháo cá chép để ăn khi bị nhiệt miệng như sau
- Chọn cá chép đồng, làm sạch vảy, mang và mổ bỏ phần ruột cá. Xát muối và gừng lên thân mình cá để làm sạch nhớt và mùi tanh.
- Chuẩn bị hành khô, hành lá, gừng va rau thì là.
- Đun nước luộc cá cùng với gừng, sau đó tách lấy phần thịt cá nạc.
- Phi thơm hành khô và chút gừng, cho thịt cá đã tách vào đảo đều, đảo nhẹ tay để thịt cá không quá nát và cháy.
- Hầm cháo gạo tẻ tới khi thật nhừ, cho thịt cá chép đã sơ chế vào nồi cháo hầm cùng trong 5 phút.
- Tắt bếp, cho thêm hành lá và rau thì là, nêm chút gia vị và hạt tiêu sau đó thưởng thức.
Những món cháo trên đây đều không khó để thực hiện, nguyên liệu cũng dễ tìm. Bạn hãy tham khảo để thêm vào thực đơn ăn uống trong thời gian bị nhiệt miệng giúp bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, đẩy lùi nhiệt miệng.
Một số thức uống detox thải nhiệt tốt cho người bị nhiệt miệng
Trong các nguyên nhân gây ra nhiệt miệng thì hiện tượng nóng trong sinh ra lở loét miệng là một lý do phổ biến. Để cải thiện tình trạng này, việc uống các loại nước, trà detox giúp thanh nhiệt cho cơ thể là một biện pháp hữu hiệu. Dưới đây là một số loại nước detox hỗ trợ điều trị nhiệt miệng và thải độc, thải nhiệt cho cơ thể nói chung.
Nước rau má
Theo y học dân gian, rau má có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt cho cơ thể rất hiệu quả. Theo y học hiện đại, rau má còn có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, thúc đẩy lưu thông máu giúp chữa lành các tổn thương trên da và niêm mạc.
Khi bị nhiệt miệng, bạn hãy ép nước rau má để uống mỗi ngày sẽ thấy được hiệu quả cải thiện rõ rệt cho tình trạng viêm loét miệng hiện tại.
Nước bí đao
Bí đao cũng giúp làm mát cơ thể rất nhanh, không chỉ hỗ trợ chữa nhiệt miệng mà uống nước bí đao còn rất tốt cho da và giúp giảm cân ở những người thừa cân.
Bí đao còn có tác dụng cân bằng đường huyết và nâng cao sức khỏe của hệ miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Bí quyết để có nước bí đao thơm ngon, mát lành uống chữa nhiệt miệng đó là hãy thêm quả la hán, khúc mía, chút đường phèn và lá thơm vào bí đao để đun lấy nước uống.
Bột sắn dây
Nếu như bạn đang bị nhiệt miệng, hãy đừng bỏ qua một loại thức uống cực kỳ tốt cho sức khỏe đó là nước bột sắn dây.
Bột sắn dây chứa nhiều vitamin và khoáng chất chống oxy hóa, có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới, giúp nhanh chóng chữa lành các vết thương bao gồm vết loét do nhiệt miệng.
Hướng dẫn cách pha:
- Pha bột: Cho 1 thìa bột sắn dây vào ly.
- Hòa tan bột: Thêm một ít nước lọc mát (khoảng 30ml) vào khuấy đều cho đến khi bột tan hoàn toàn, không vón cục.
- Nấu chín bột: Cho nước sôi vào ly bột, vừa đổ vừa khuấy đều tay để tránh vón cục. Khuấy liên tục cho đến khi hỗn hợp sệt lại.
- Thêm gia vị: Thêm đường, nước cốt chanh giúp hương vị thơm ngon hơn.
- Thưởng thức: Có thể thêm đá viên nếu thích uống lạnh. Khuấy đều và thưởng thức.
Nước rau diếp cá
Rau diếp cá có khả năng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể đồng thời chứa chất kháng khuẩn, chống ký sinh trùng. Vì thế, chúng ta có thể sử dụng rau diếp cá để chữa trị nhiệt miệng hiệu quả.
Bạn chỉ cần ép nước rau diếp cá để uống 2 – 3 lần trong ngày để cải thiện các triệu chứng nhiệt miệng và rút ngắn thời gian điều trị bệnh lý này.
Trà xanh
Cuối cùng, một loại đồ uống phổ thông và được nhiều người yêu thích thưởng thức mỗi ngày đó là trà xanh cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiệt miệng.
Trà xanh chứa chất kháng sinh và chống viêm giúp làm sạch các vết loét trong khoang miệng. Từ đó, giảm thiểu sự lan rộng của vết loét và giúp quá trình chữa lành diễn ra nhanh hơn.
Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin về chế độ ăn uống khi bị nhiệt miệng mà chúng tôi đã chia sẻ không chỉ giúp bạn giảm bớt cảm giác khó chịu mà còn hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh chóng. Để biết thêm thông tin chi tiết và tìm hiểu về các loại thuốc điều trị hiệu quả, mời bạn tham khảo bài viết ‘Top 8 thuốc nhiệt miệng hiệu quả cho người lớn và trẻ em‘, nơi chúng tôi đã tổng hợp những sản phẩm có thể mang lại sự cải thiện đáng kể cho tình trạng của bạn.”