Hôi miệng là vấn đề tế nhị có thể làm giảm hiệu quả giao tiếp, khiến người bị hôi miệng cảm thấy thiếu tự tin. Hôi miệng có thể do nhiều nguyên nhân và có nhiều cách xử lý tình trạng này. Trị hôi miệng bằng gừng là một giải pháp nhanh chóng, hiệu quả, dễ thực hiện lại chẳng hề tốn kém. Nếu bạn quan tâm đến cách trị hôi miệng bằng gừng, đọc ngay bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về chứng hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng hơi thở phát ra từ miệng có mùi khó chịu, đây không được coi là một bệnh lý răng miệng mà có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác bao gồm: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm họng hạt, trào ngược dạ dày, thực quản…
Trường hợp ăn thức ăn có mùi nặng như tỏi, tiêu, hành, cà phê, cà ri, cá… hoặc hút thuốc lá, uống rượu cũng khiến hơi thở có mùi hôi trong một thời gian ngắn.
Cao răng hoặc tình trạng khô miệng cũng là một trong những nguyên nhân khiến khoang miệng thường xuyên có mùi khó ngửi.
Ngoài ra, vệ sinh răng miệng kém cũng khiến cho tình trạng hôi miệng nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh lý răng miệng khác.
Đọc thêm: Hôi miệng là do bệnh gì? Cách điều trị và phòng ngừa
Nhận biết tình trạng hôi miệng
Thực tế, những người xung quanh khi giao tiếp với chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về tình trạng hơi thở hơn chính bản thân chúng ta. Vì vậy, để biết mình có bị hôi miệng không, bạn có thể thử một số cách sau:
- Cách 1: Bạn đưa mu bàn tay lên ngang miệng và hà hơi lên tay để phát hiện hơi thở có mùi hay không.
- Cách 2: Bạn rửa cổ tay thật sạch và liếm nước bọt lên cổ tay. Sau khi nước bọt khô đi, bạn ngửi cổ tay xem có mùi hôi hay không.
- Cách 3: Dùng chỉ nha khoa để xỉa răng và nếu sợi chỉ nha khoa sau khi xỉa răng có mùi hôi thì bạn đang bị hôi miệng.
Hôi miệng đôi khi trở thành rào cản trong việc giao tiếp của chúng ta. Hơn nữa, nếu là các dấu hiệu của bệnh lý thì điều này báo hiệu cơ thể chúng ta đang không khỏe mạnh. Vì thế, cần tìm nguyên nhân bị hôi miệng và xử lý tình trạng hôi miệng càng sớm càng tốt.
Có nhiều cách để cải thiện tình trạng hôi miệng trong đó sử dụng nguyên liệu tự nhiên như củ gừng để khử mùi khó chịu trong hơi thở là cách làm được nhiều người tin tưởng.
Tác dụng của gừng trong việc trị hôi miệng
Gừng là một loại cây dễ sinh sống và được trồng ở nhiều vùng trên khắp cả nước. Trong củ gừng có chứa thành phần tinh dầu gồm nhiều hợp chất trong đó chất 6-gingerol, làm tăng nồng độ enzyme sulfhydryl oxidase trong nước bọt lên tới 16 lần trong vài giây. Enzyme này có khả năng phá vỡ hợp chất chứa lưu huỳnh – chúng là nguyên nhân gây mùi hôi trong khoang miệng.
Tận dụng tính chất này, chúng ta có thể sử dụng gừng để khử mùi hôi miệng nhanh chóng mỗi khi cảm thấy hơi thở có mùi không dễ chịu. Sau đây là các cách dùng củ gừng để trị hôi miệng dễ thực hiện nhất, bạn hãy tham khảo nhé!
Cách trị hôi miệng bằng gừng
Súc miệng nước gừng
Tự làm nước gừng để súc miệng trị hôi miệng là cách làm vô cùng đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện được.. Các bước để làm nước gừng trị hôi miệng như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị 1 củ gừng tươi được rửa thật sạch rồi cạo bỏ vỏ và thái thành các lát mỏng.
- Bước 2: Đun sôi 200ml nước lọc rồi thả gừng lát đã chuẩn bị vào đun sôi nhỏ lửa thêm 2 phút.
- Bước 3: Nước gừng đã đun để nguội và chia thành nhiều lần dùng súc miệng trong ngày. Mỗi lần súc miệng bạn ngậm nước gừng trong miệng 5 phút sau đó mới nhổ bỏ.
Đun nước gừng và muối
Súc miệng với nước gừng và muối có tác dụng xử lý nhanh chóng mùi hôi miệng đồng thời muối giúp sát trùng, diệt khuẩn, làm sạch răng miệng, ngăn ngừa sâu răng. Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Rửa sạch 1 củ gừng tươi cho vào cối xay và thêm 1/2 thìa muối sạch sau đó xay nhuyễn.
- Bước 2: Lọc gừng đã xay qua một chiếc rây để lấy nước cốt. Pha loãng phần nước cốt này với khoảng 200ml nước.
- Bước 3: Súc miệng bằng nước gừng và muối pha loãng sau mỗi lần đánh răng, bạn cũng có thể dùng súc miệng sau mỗi bữa ăn hoặc bất cứ khi nào thấy hơi thở có mùi.
Súc miệng nước gừng và chanh
Quả chanh được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng như làm sạch, tẩy trắng răng. Vitamin C trong chanh giúp củng cố sức khỏe của nướu, chống viêm nướu và chảy máu nướu. Đặc biệt, chanh kết hợp với gừng giúp khử mùi hôi miệng rất hiệu quả, lưu giữ hương chanh tươi mát trong khoang miệng.
Cách dùng chanh và gừng trị hôi miệng như sau:
- Bước 1: Làm sạch gừng tươi và giã nhuyễn để lọc lấy nước cốt gừng. Vắt 1/2 quả chanh tươi vào nước cốt gừng và thêm 2 cốc nước lọc ấm, khuấy đều.
- Bước 2: Dùng nước gừng chanh để súc miệng. Khi súc miệng nên ngậm dung dịch trong miệng 3 – 5 phút rồi mới nhổ bỏ. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày.
Uống trà gừng
Trà gừng là một món đồ uống có lợi cho sức khỏe, chống cảm lạnh và tốt cho hệ tiêu hóa. Không những thế, nhâm nhi một tách trà gừng khiến cho hơi thở chúng ta được thơm tho, giảm nhanh tình trạng hôi miệng.
Trà gừng thường được sản xuất, đóng gói ở dạng túi lọc tiện lợi sử dụng và được bày bán rất nhiều ở các siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Tham khảo thêm: Các mẹo vặt chữa hôi miệng ngay tại nhà dễ thực hiện
Những lưu ý khi trị hôi miệng bằng gừng
– Hôi miệng hay hơi thở có mùi hôi có thể đến từ nhiều nguyên nhân chẳng hạn như do ăn thức ăn có mùi nồng, vệ sinh răng miệng kém, do bệnh lý răng miệng hay hậu quả của bệnh lý tiêu hóa… Vì thế, sử dụng gừng để trị hôi miệng là giải pháp tạm thời, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân gây hôi miệng để xử lý dứt điểm.
– Gừng có thể khiến huyết áp tăng nên bệnh nhân cao huyết áp, tim mạch nên hạn chế uống nước gừng, trà gừng.
– Gừng có tính cay nóng không tốt cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
– Cần kết hợp với thói quen vệ sinh răng miệng khoa học
– Sử dụng gừng để trị hôi miệng là chưa đủ, bạn cần duy trì cùng thói quen vệ sinh răng miệng mỗi ngày.
Tầm quan trọng của thói quen vệ sinh răng miệng trong việc bảo vệ hàm răng khỏe đẹp là điều không cần bàn cãi. Vệ sinh răng giúp loại bỏ mùi hôi miệng và phòng ngừa các bệnh lý. Sau đây là các bước vệ sinh răng miệng chuẩn được các nha sĩ khuyến cáo thực hiện mỗi ngày:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào lúc thức dậy buổi sáng và trước giờ đi ngủ buổi tối. Các lần đánh răng trong ngày nên thực hiện sau khi ăn.
- Thay mới bàn chải sau mỗi 3 – 4 tháng và nên sử dụng kem đánh răng chứa chất fluoride để bảo vệ men răng, ngừa sâu răng.
- Chải răng đúng cách để làm sạch răng tối đa, loại bỏ mảng bám tích tụ trên răng và các vi khuẩn có hại trong khoang miệng.
- Khi đánh răng nên chú ý chải lưỡi để lấy đi những mảng bám chứa vi khuẩn và thức ăn thừa trên bề mặt lưỡi, đây cũng là nguyên nhân khiến bạn bị hôi miệng.
- Dùng chỉ nha khoa để xỉa răng sau mỗi bữa ăn có thể lấy đi những mảnh vụn thức ăn thừa trong các khe kẽ răng, ngăn chặn nguy cơ hôi miệng, sâu răng.
– Luôn tuân thủ lịch khám nha định kỳ để kiểm soát sức khỏe răng miệng. Các chuyên gia khuyến cáo nên đi kiểm tra sức khỏe răng miệng sau mỗi 4 – 6 tháng.
Như vậy chúng tôi đã chia sẻ những biện pháp hữu ích để khử mùi hôi miệng bằng gừng cũng như hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách. Hy vọng bạn có thể áp dụng vào việc chăm sóc răng miệng hàng ngày của mình.
Tham khảo thêm: 10 cách trị hôi miệng từ bên trong đơn giản nhất