Miệng là nơi đầu tiên tiếp nhận, xử lý – tiêu hoá thức ăn và hỗ trợ hô hấp. Những hoạt động này được coi là kết nối quan trọng giữa cơ thể với môi trường bên ngoài, đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh. Vậy, khoang miệng được cấu tạo như thế nào và chức năng của từng bộ phận ra sao? Bài viết hôm nay sẽ cùng bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
Vị trí và cấu tạo của khoang miệng
Miệng (cavum oris) nằm ở vị trí đầu tiên của ống tiêu hoá, nằm ở phía trước mặt, dưới khoang mũi, được giới hạn bởi: môi, hai bên má, khẩu cái, sàn miệng và yết hầu. Phía trước khoang miệng mở ra ở mặt, tạo thành khe miệng. Phía sau khoang miệng thông với hầu họng qua một eo hẹp (eo hầu họng). Toàn bộ khoang miệng được bao quanh bởi vòm miệng và vòm hầu.
Ngoài ra, khoang miệng được tạo hình và nâng đỡ bởi một số xương như: xương hàm trên – xương thái dương – xương khẩu cái ghép nối với nhau, các xương móng và xương bướm tồn tại đơn độc. Bên cạnh đó, hai hàm răng (cung răng) chia khoang miệng thành 2 khu vực gồm: tiền đình miệng (hay hành lang miệng nằm phía ngoài cung răng) và xoang miệng chính (phía trong cung răng).
Các tuyến nước bọt trong khoang miệng, giúp giữ ẩm, bôi trơn thức ăn và đóng góp các enzyme tiêu hoá tham gia vào quá trình tiêu hóa carbohydrate. Vị trí của tuyến nước bọt gồm: tuyến mang tai, dưới hàm và dưới lưỡi.
Cấu trúc giải phẫu của các thành phần trong khoang miệng
Mỗi một bộ phận trong khoang miệng đều có cấu trúc giải phẫu khác biệt nhằm thực hiện được những chức năng khác nhau trong quá trình tiêu hoá thức ăn. Dưới đây là chi tiết về cấu tạo của từng bộ phận.
Môi
Môi là bộ phận nằm ngoài cùng của miệng, được cấu tạo bởi các mô cơ và mô tuyến. Phía bên ngoài môi được phủ bởi da và bên trong là lớp niêm mạc. Môi được chia làm 2 phần gồm: môi trên đụng đáy mũi và tiếp giáp với vùng má qua rãnh môi – má – mũi. Rãnh này bắt đầu từ cánh mũi, chạy xuống dưới và ra đến tận cùng khóe mép.
Ở người trẻ, môi dưới và má không có đường phân chia rõ rệt. Tuy nhiên, khi tuổi tác lớn hơn sẽ có rãnh bờ môi từ khóe mép vào xuống dưới cằm, đến gần bờ xương hàm dưới. Môi dưới tiếp giáp với cằm qua rãnh môi – cằm.
Hỏi đáp: Niềng răng có phun môi được không?
Tiền đình miệng
Tiền đình miệng là một khoang hình móng ngựa, ở giữa hàm răng và môi – má. Niêm mạc tiền đình phủ từ phía trong môi và má, kéo dài lên lợi và tán thành rãnh trên và rãnh dưới. Mỗi rãnh có một nếp niêm mạc (phanh môi) chia rãnh làm 2 phần phải và trái.
Phí đối diện cổ răng 6 ở hàm trên có lỗ ống Stenon (gai mang tai). Đây là tuyến nước bọt mang tai đổ vào miệng. Khi miệng ngậm, khoang tiền đình thông với xoang miệng chính thông qua khe hở giữa các răng.
Má
Má được bao phủ bên ngoài là da và bên trong là lớp niêm mạc hồng nhạt, nhẵn mịn. Phía trên và dưới niêm mạc má gập lại, tiếp giáp với niêm mạc xương ổ răng đề tạo thành đáy tiền đình miệng. Phía trước, niêm mạc má nối tiếp với niêm mạc môi. Phần di động của má được tạo thành từ cơ mút và mô mỡ.
Giới hạn sau của niêm mạc má là nếp gấp niêm mạc đi từ niêm mạc má trên, sau cung răng trên đến phía sau cung răng dưới. Nếp gấp này được đội lên bởi đường đan chân bướm hàm. Trên niêm mạc má thường nổi lên đường trắng. Đây là sự in dấu của các mặt nhai răng cối (đường nhai)
Có thể bạn muốn biết: Trong miệng có lớp màng nhầy màu trắng là bị làm sao?
Răng
Hàm răng của mỗi người sẽ trải qua 2 thế hệ răng, gồm: răng sữa và răng vĩnh viễn. Trong đó, răng sữa có 20 chiếc gồm: 8 răng cửa, 4 răng nanh và 8 răng cối. Răng sữa mọc hoàn thiện vào năm 3 tuổi và bắt đầu thay dần bằng răng vĩnh viễn khi được 6 tuổi.
Một người trưởng thành thường có 32 răng vĩnh viễn, mỗi hàm 16 cái và được phân bổ đồng đều ở bốn góc phần tư. Mỗi góc phần từ gồm: 2 răng cửa, 1 răng nanh, 2 răng cối nhỏ và 3 răng cối lớn. Các răng đều nằm riêng trong một ổ răng và được giữ cố định nhờ hệ thống dây chằng nha chu.
Hỏi đáp: Trẻ mọc răng không đúng thứ tự là do đâu, có sao không?
Cấu tạo của một chiếc răng gồm:
- Men răng: Nằm ngoài cùng của răng, là lớp mô khoáng cứng nhất trong cơ thể, có vai trò bảo vệ răng khỏi sự tấn công của thức ăn, vi khuẩn. Men răng có thể bị hư hỏng nếu không được chăm sóc đúng cách.
- Ngà răng: Nằm ngay sau men răng, chiếm thể tích và khối lượng lớn nhất, giúp tạo nên hình dáng của một chiếc răng. Ngà răng chứa hàng triệu ống ngà nhỏ dẫn trực tiếp vào tủy răng, giúp tạo cảm giác cho răng.
- Tủy răng: Là tổ chức bao gồm: mô thần kinh và mạch máu, nằm ở trung tâm của răng, giúp nuôi dưỡng và tạo cảm giác cho răng.
- Xê măng (Cement): Là phần mô liên kết khoáng hoá, không chứa mạch máu, bao quấn quanh chân răng thay cho lớp men răng. Vai trò của xê măng là bảo vệ chân răng và giữ răng chắc chắn trong xương hàm.
Hỏi đáp: Răng chết tủy là bị làm sao?
Niêm mạc xương ổ răng và nướu răng
Niêm mạc xương ổ răng có màu đỏ sậm, mỏng và nhẵn mịn, ôm sát theo chân răng. Niêm mạc xương ổ răng có thể di động được so với bề mặt xương này.
Niêm mạc nướu bám sát các cổ răng, dày và săn chắc hơn niêm mạc xương ổ. Niêm mạc nướu có màu hồng nhạt, đôi khi lấm tấm da cam. Phần nướu dính chặt vào răng và xương ổ răng, trừ phần đường viền nướu mỏng ( 1- 2mm) rời tự do. Phần này được gọi là nướu rời để phân biệt với phần còn lại là nướu dính.
Bờ tự do của nướu rời nhọn lên ở các khe răng tạo nên gai nướu. Phía sau cung răng trên, niêm mạc xương ổ răng phủ lên tam giác hậu hàm. Trong khi đó, niêm mạc xương ổ phủ lên lồi cùng.
Khẩu cái
Khẩu cái có hình vòm cung, tạo thành trần của xoang miệng chính. Bộ phận này gồm 2 phần: vòm cứng (tấm ngang xương khẩu cái) và vòm mềm (màng khẩu cái). Gai khẩu (hay gai cửa) là ụ thịt hình thuẫn nổi ngay phía sau hai răng cửa. Từ gai cửa, một nếp gấp niêm mạc hẹp và thấp chạy ra phía sau được gọi là đường đan giữa khẩu cái. Những vân ngang toả ra từ đường này gọi là vân khẩu cái.
Niêm mạc khẩu cái cứng dày, máu đỏ sậm, mỏng mịn và dính chặt vào bề mặt xương phía dưới. Trên niêm mạc khẩu cái có những lỗ nhỏ li ti là các ống dẫn tuyến nước bọt phụ khẩu cái. Bờ tự do của khẩu cái mềm ở giữa, tạo thành lưỡi gà. Ở hai bên chẻ đôi tạo thành hai trụ hầu, trong đó trụ trước là cung khẩu lưỡi, trụ sau là cung khẩu hầu.
Giữa trụ hầu là hốc hình tam giác chứa hạch hạnh nhân. Phần xuống của màng hầu và 2 trụ hầu tạo thành eo hầu. Từ đó, khẩu hầu thông với khoang miệng.
Lưỡi
Lưỡi được chia làm 2 phần gồm: đầu lưỡi có khả năng di động và đáy lưỡi cố định. Mặt trên lưỡi (lưng lưỡi) được phủ lớp niêm mạc màu hồng, sần sùi. Lưng lưỡi được chia thành 2 phần bởi dãy gai đàn (gồm 8 – 9 gai vị giác) hình chữ V có đỉnh quay vào trong.
Gai vị giác phía trước lưỡi được chia làm 3 loại gồm: gai chỉ (nhỏ mỏng như sợi chỉ trắng), gai nấm (tròn, đỏ tươi) và gai lá. Trên niêm mạc lưỡi có nhiều nốt lympho tròn (amidan lưỡi). Mặt dưới lưỡi (bụng lưỡi) được phủ lớp niêm mạc mỏng, có lớp gấp gắn liền với sàn miệng (thẳng lưỡi). Hai bên thắng lưỡi có 2 ụ thịt được tạo lên từ cơ cằm được phủ bởi lớp niêm mạc rất mỏng. Hai bên bụng lưỡi có các tĩnh mạch chạy ngoằn ngoèo.
Có thể bạn quan tâm: Lưỡi màu đen có phải dấu hiệu nguy hiểm?
Tuyến nước bọt
Tuyến nước bọt trong miệng được chia thành 3 cặp chính gồm: tuyến dưới lưỡi, tuyến dưới hàm và tuyến mang tai. Trong đó:
- Tuyến mang tai: Là tuyến nước bọt lớn nhất, tiết ra thanh dịch với ống tiết là Stenon chạy ở mặt ngoài cơ cắn. Dịch tiết ra đổ vào miệng, mặt trong má tương ứng với vị trí răng số 6 hàm trên.
- Tuyến dưới lưỡi: Là tuyến nước bọt có kích thước nhỏ nhất, bao gồm hỗn hợp rất nhiều tuyến nhỏ nằm ở dưới lưỡi. Dịch được tiết ra thông qua các ống dưới lưỡi và đổ trực tiếp đến sàn khoang miệng.
- Tuyến dưới hàm: Là tuyến nước bọt hỗn hợp, nằm ở giữa cơ hai bên, trong tam giác dưới hàm. Dịch được tiết ra thông qua ống tiết Wharton.
Trung bình, các tuyến nước bọt sản xuất khoảng 0.5 – 1.5 lít nước bọt mỗi ngày. Nước bọt giúp giữ ẩm, bôi trơn khoang miệng và thức ăn. Ngoài ra, các enzyme trong nước bọt cũng hỗ trợ hoạt động tiêu hoá.
Tìm hiểu thêm: Uống nhiều nước mà vẫn thấy khô miệng là bị gì?
Chức năng của khoang miệng
Dưới sự kết hợp nhịp nhàng của các bộ phận, khoang miệng tham gia vào hàng loạt hoạt động quan trọng trong cơ thể, bao gồm:
- Tiêu hoá: Thức ăn vào khoang miệng sẽ được răng nghiền nát và làm ẩm bằng nước bọt. Một phần tinh bột sẽ được tiêu hoá bởi enzyme amylase. Sau đó, thức ăn được lưỡi đẩy ra phía sau và dẫn xuống thực quản.
- Phát âm: Âm thanh sau khi được phát ra từ dây thanh quản sẽ được định hình nhờ chuyển động của lưỡi và môi. Ngoài ra, cấu trúc vòm miệng cứng, vòm mềm và mũi cũng ảnh hưởng đến thanh âm.
- Hô hấp: Khi mũi gặp vấn đề, khoang miệng sẽ hỗ trợ quá trình trao đổi không khí, giúp đảm bảo hoạt động tiêu hoá của cơ thể.
- Khác: Lưỡi, xương hàm cùng hệ thống thần kinh sinh ba giúp cơ thể giữ thăng bằng. Ngoài ra, xương hàm cũng hỗ trợ hoạt động của nhãn cầu, xương hàm không đầy đủ có thể làm tăng áp lực cho nhãn cầu.
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về khoang miệng:
Bệnh nào thường xảy ra trong khoang miệng?
Khoang miệng là nơi tiếp xúc đầu, tiêu hoá thức ăn và hỗ trợ hô hấp. Những hoạt động này khiến nơi đây trở thành một trong những “ổ chứa” vi khuẩn lớn nhất trong cơ thể. Vì vậy, nếu không được vệ sinh đúng cách, khoang miệng có thể gặp phải những bệnh lý như:
- Bệnh rộp môi: Do virus Herpes simplex(HSV) gây nên, thường xảy ra sau một đợt ốm, sức đề kháng suy giảm.
- Tưa lưỡi: Do sự phát triển của nấm Candida, phổ biến ở người già và trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu, mắc các bệnh chuyển hoá hoặc lạm dụng corticoid.
- Viêm loét miệng: Do nhiễm trùng hoặc các vấn đề về tâm lý khiến miễn dịch suy giảm. Các vết loét có thể xuất hiện ở lưỡi, niêm mạc má hoặc lợi.
- Lưỡi bản đồ: Xảy ra khi niêm mạc lưỡi bị viêm dẫn đến những nhú lưới nhỏ bị rụng làm hình thành những ban đỏ không định hình.
- Sâu răng: Xảy ra khi lớp khoáng ở men răng bị phá huỷ do mảng bám thức ăn không được làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn khu trú và gây bệnh.
Dấu hiệu ung thư khoang miệng là gì?
Ung thư khoang miệng có thể được biểu hiện bởi những tổn thương kéo dài, không khỏi tại các vị trí khác nhau trong khoang miệng như: môi, niêm mạc má, lưỡi, vòm họng,… Bên cạnh đó, khoang miệng của người bệnh có thể bị mất cảm giác, tê bì, xuất hiện hồng sản – bạch sản hoặc vết loét kéo dài.
Nổi mụn nước trong khoang miệng là bị gì?
Nổi mụn nước trong khoang miệng thường xảy ra khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn, virus hoặc suy giảm miễn dịch. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như: nhiệt miệng, mụn rộp sinh học, chân tay miệng, bạch sản niêm mạc miệng, thuỷ đậu hoặc ung thư khoang miệng.
Nổi nốt trắng trong khoang miệng trẻ sơ sinh là làm sao?
Đa số trường hợp trẻ sơ sinh nổi nốt trắng trong khoang miệng là do cặn sữa đọng lại, phổ biến ở trẻ dưới 2 tháng tuổi. Ngoài ra, tình trạng này có thể là do miệng nhiễm nấm, thường gặp là nấm Candida Albicans. Một số bệnh lý khác cũng có thể gây nổi nốt trắng trong khoang miệng của trẻ như: chân tay miệng, viêm loét miệng, nhiễm herpes,…
Khoang miệng là bộ phận quan trọng, đảm đương nhiều nhiệm vụ trong cơ thể. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết hôm nay có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cấu tạo, chức năng của khoang miệng cũng như các vấn đề liên quan. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ qua hotline 093 186 3366 để được bác sĩ hỗ trợ tư vấn.