Há miệng ra bị đau quai hàm không chỉ gây cản trở trong hoạt động ăn uống, giao tiếp hàng ngày mà còn là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe. Nếu tình trạng này đang khiến bạn khó chịu và lo lắng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Nguyên nhân gây đau hàm khi há miệng
Hàm là cấu trúc được tạo nên từ cơ hàm – răng – khớp thái dương. Sự liên hết giữa những bộ phận này giúp hàm chuyển động ăn khớp với nhau khi ăn nhai hoặc giao tiếp. Vì vậy, khi một trong những cấu trúc này gặp phải vấn đề, bạn có thể cảm thấy đau hàm khi há miệng. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:
Viêm khớp thái dương – hàm
Khớp thái dương hàm là khớp động tuy nhất trong cấu trúc sọ mặt, được xem như “bản lề” mỗi bên hàm, có vai trò hỗ trợ cử động của hàm. Viêm khớp thái dương hàm (hay rối loạn khớp thái dương hàm) có thể xảy ra do nhiễm trùng, chấn thương, thoái hoá khớp hoặc viêm khớp thoái hoá thứ phát.
Dấu hiệu đặc trưng của viêm khớp thái dương hàm những cơn đau xuất hiệu theo chu kỳ, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mặt. Ban đầu, người bệnh chỉ gặp phải những cơn đau nhẹ, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơn đau có thể xuất hiện liên tục và dữ dội, đặc biệt là khi có cử động hàm (ăn uống hoặc nói chuyện). Vị trí đau rõ rệt nhất là ở bên trong và xung quanh tai.
Ngoài ra, người bị viêm khớp thái dương hàm có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Khó cử động miệng và hàm.
- Có tiếng lục cục tại khớp hàm khi cử động hàm.
- Đau nhức vùng thái dương – cổ – đầu, chóng mặt.
- Mặt sưng to do phì đại tại vị trí khớp viêm ở cơ nhai.
Viêm khớp thái dương hàm nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: giãn khớp, dính khớp, trật khớp. Nguy hiểm nhất là biến chứng thủng đĩa khớp. Tình trạng này có thể phá hủy đầu xương, gây xơ cứng khớp và khiến người bệnh không thể há miệng được.
Hỏi đáp: Bị viêm khớp thái dương hàm có niềng răng được không?
Loạn năng khớp thái dương hàm
Loạn năng khớp thái dương hàm là tình trạng rối loạn chức năng của cơ nhai, khớp thái dương – hàm hoặc cả hai dẫn đến mất cân bằng ở khớp nối xương hàm dưới – xương sọ. Theo thống kê, chỉ khoảng 10% dân số gặp phải tình trạng này. Các triệu chứng trong giai đoạn đầu khá mờ nhạt, dễ bị bỏ qua.
Triệu chứng điển hình của loạn năng khớp thái dương hàm là cơn đau ở vị trí khớp thái dương – khớp hai bên đầu phía trước tai, tiếp điểm giữa xương hàm và xương sọ. Người bệnh có cảm giác nhức mỏi, khó khăn khi há miệng, siết chặt hàm, nói chuyện hay khi ăn nhai. Cơn đau rõ rệt ở các vị trí: góc hàm, dưới hàm, trước và trong tai.
Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Đau đầu vùng thái dương, đau nửa đầu.
- Nhức mỏi cổ – vai – gáy.
- Tiếng lục khục khi đóng – mở hàm, cứng hàm.
Loạn năng khớp thái dương hàm thường không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tình trạng này có thể tự khỏi nhưng lại rất dễ tái phát khi người bệnh bị căng thẳng, sốc tâm lý hay trầm cảm. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Sái quai hàm
Sái quai hàm (hay trật khớp hàm) xảy ra khi phần xương hàm bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh có va chạm mạnh ở vùng hàm hoặc miệng đột ngột há rộng quá mức. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau quai hàm gần tai khi há miệng.
Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng sái quai hàm thông qua cảm giác đau nhức vùng quai hàm gần tai, khó khăn khi mở miệng kèm theo tiếng lục khục. Cùng với đó, vùng quai hàm có cảm giác ê nhức, khó xoay cổ, đặc biệt là khi mới ngủ dậy.
Cơn đau trong sái quai hàm thường không khu trú riêng tại vị trí hàm mà có xu hướng lan lên đầu khiến người bệnh có cảm giác ù tại hoặc đau mỏi vùng trước tai. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể giảm hoặc mất thính giác tạm thời nếu cấu trúc tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, sai quai hàm có thể gây ra một số triệu chứng khác như:
- Hai hàm răng không khớp với nhau, gây khó khăn khi cử động ăn nhai.
- Hàm sái có xu hướng nhô ra trước khiến người bệnh không thể ngậm kín miệng.
- Chảy nước dãi do miệng không ngậm kín.
- Gặp khó khăn trong phát âm.
- Vận động cổ khó khăn.
Sai quai hàm có thể được khắc phục thông qua một số phương pháp như: dùng thuốc, chườm ấm, xoa bóp – bấm huyệt. Đa số trường hợp đều không để lại di chứng và không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần có biện pháp thăm khám và khắc phục sớm để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Sâu răng
Sâu răng là tình trạng nhiễm khuẩn tổ chức canxi hóa trên răng. Sâu răng xảy ra khi acid do vi khuẩn (chủ yếu là Streptococcus mutans) trong mảng bám răng phá hủy khoáng răng và phá vỡ thành phần hữu cơ của mô cứng. Giai đoạn đầu, sâu răng chỉ xuất hiện ở phần men răng và không gây triệu chứng.
Khi vùng sâu răng tiến đến ngà răng, người bệnh sẽ bắt đầu có cảm giác đau nhức. Đầu tiên là cơn đau xảy ra khi tiếp xúc với đồ ăn nóng, lạnh hoặc đồ ăn ngọt. Sau đó, cơn đau xuất hiện rõ rệt khi người bệnh ăn nhai hoặc gõ vào răng. Cơn đau trở nên dữ dội và dai dẳng nếu vùng sâu tấn công vào tuỷ răng.
Ngoài cảm giác đau hàm, sâu răng có thể gây ra một số triệu chứng khác như:
- Răng có màu đen hoặc trắng bất thường ở bất kỳ bề mặt nào.
- Lỗ hổng màu nâu hoặc đen trên răng, thường gặp ở mặt nhai của răng.
Sâu răng là một trong những bệnh răng miệng thường gặp nhất. Người bệnh có thể dễ dàng kiểm soát và không gặp nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Ngược lại, những trường hợp không được điều trị, răng sẽ bị phá huỷ, nhiễm trùng dẫn đến phải nhổ răng và thay thế bằng răng giả.
Tìm hiểu thêm: Răng bị sâu lỗ to có nghiêm trọng không? Điều trị thế nào?
Răng khôn mọc
Răng khôn là răng số 8 mọc muộn nhất trên hàm, thường ở giai đoạn cơ thể đã trường thành. Thời điểm này, xương hàm đã cứng, lớp mô ở lợi cũng dày và chắc hơn khiến quá trình mọc răng khó khăn và dễ bị “lệch hướng”. Ngoài ra, cấu trúc xương hàm của người châu Á cũng nhỏ hơn nên không đủ chỗ răng mọc bình thường. Đây là nguyên nhân khiến răng khôn mọc lệch.
Khi răng khôn mọc lệch, người bệnh có cảm giác đau nhức bất thường ở chân răng bên cạnh và vùng má. Phần nướu căng cứng, lợi sưng đỏ khiến toàn bộ hàm bên mọc răng khôn đau nhức, khó mở rộng. Cơn đau có thể lan tỏa khắp hàm, thậm chí đau lan lên đầu.
Ngoài ra, mọc răng khôn cũng gây ra một số triệu chứng khác như:
- Mùi hôi khó chịu trong hơi thở.
- Tăng thân nhiệt, thậm chí sốt trong thời gian mọc răng khôn.
- Người mệt mỏi, giảm nhu cầu ăn uống có thể dẫn đến sút cân.
Những trường hợp răng khôn mọc thẳng, tình trạng đau hàm khi há miệng có thể hết hẳn sau khi răng mọc xong. Tuy nhiên, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm có thể phá huỷ răng số 7 khiến người bệnh bắt buộc phải nhổ bỏ răng thật và thay thế bằng răng giả. Do đó, khi có dấu hiệu mọc răng khôn, người bệnh nên đến cơ sở nha khoa thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ.
Câu hỏi thường gặp:
- Răng khôn có tự rụng được không?
- Răng khôn bị lợi trùm phải làm sao?
- Nhổ răng khôn sau 5 ngày vẫn thấy đau có sao không?
Cần làm gì nếu bị đau hàm khi há miệng?
Đau hàm khi há miệng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, bạn cần bình tĩnh để lựa chọn giải pháp phù hợp cho tình trạng của mình. Dưới đây là một số gợi ý:
Thăm khám và điều trị
Triệu chứng đau hàm khi há miệng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để điều trị dứt điểm được tình trạng này, bạn cần đến cơ sở y tế để làm rõ nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp, cụ thể:
- Đau do viêm khớp thái dương hàm: Các biện pháp có thể được chỉ định gồm: uống thuốc giảm đau, giãn cơ, chống viêm kết hợp với đeo máng nhai, tập vật lý trị liệu, chiếu tia hồng ngoại và tập vận động hàm.
- Đau do loạn năng khớp thái dương hàm: Các biện pháp có thể áp dụng gồm: dùng thuốc giảm đau – giãn cơ, tập vật lý trị liệu, đeo máng nhai, mài chỉnh khớp cắn, tái tạo khớp cắn, bơm rửa – phẫu thuật khớp.
- Đau do sái quai hàm: Người bệnh có thể được nắn hàm để chỉnh lại khớp kết hợp thuốc giảm đau. Trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh lại vị trí của khớp.
- Đau do sâu răng: Nếu sâu răng nhẹ, người bệnh chỉ cần loại bỏ ổ sâu kết hợp trám hoặc bọc lại răng. Ngược lại, răng sâu nặng có thể phải nhổ bỏ và thay thế bằng răng giả.
- Đau do răng khôn: Trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngang, mọc ngầm được chỉ định nhổ bỏ. Nếu răng khôn mọc thẳng, người bệnh có thể cần cắt lợi trùm để răng mọc dễ dàng hơn.
Việc dùng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp điều trị đều tiềm ẩn tác dụng phụ và nguy cơ biến chứng. Do đó, người bệnh nên tìm đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để đạt được hiệu quả tốt, giảm tối đa rủi ro cho bản thân.
Giảm đau tại nhà
Đau nhức kéo dài có thể khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, mệt mỏi dẫn đến ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Để giảm đau, bạn có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Chườm ấm: Bạn có thể dùng túi nhiệt hoặc khăn ấm chườm vào vị trí đau nhằm tăng lưu thông máu, giảm căng cơ – cứng khớp. Lưu ý: không áp dụng biện pháp này vùng hàm có biểu hiện sưng, viêm.
- Chườm lạnh: Hữu ích với đau do sưng viêm như: viêm khớp thái dương hàm, viêm lợi trùm, mọc răng khôn. Bạn chỉ cần dùng khăn mát hoặc chai nước mát áp vào vùng hàm bị đau khoảng 15 – 20 phút/ lần.
- Dùng thuốc: Thường gặp nhất là paracetamol hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng và thời gian dùng thuốc phù hợp.
- Massage: Chỉ cần dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn lực vừa phải vào vị trí đau và xoa tròn khoảng 5 – 10 vòng rồi cử động miệng. Lặp lại cho đến khi triệu chứng đau được cải thiện.
- Điều chỉnh thói quen nằm: Tránh nghiêng hẳn một bên hoặc kê tay dưới hàm khi ngủ. Những tư thế này có thể làm tăng áp lực lên cơ hàm, khiến triệu chứng đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Điều chỉnh chế độ ăn: Bạn nên lựa chọn đồ ăn mềm, dễ nhai. Tránh những món ăn dai, dính, cứng, đồ ăn ngọt và đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh răng miệng – một trong những nguyên nhân gây đau hàm khi há miệng. Những lưu ý cụ thể khi vệ sinh răng miệng gồm:
- Tần suất: Bạn nên duy trì thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày. Những ngày ăn nhiều đồ ngọt, bạn có thể đánh răng sau khi ăn để bảo vệ khoang miệng tốt hơn.
- Cách đánh răng: Bạn cần chải sạch sẽ tất cả các bề mặt răng. Thao tác chải từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài kết hợp với xoay tròn để đảm bảo loại bỏ mảng bám thức ăn trên răng tốt nhất.
- Kết hợp nhiều biện pháp: Để làm sạch thức ăn cùng vi khuẩn tốt hơn, bạn có thể kết hợp đánh răng cùng các biện pháp khác như dùng nước súc miệng, chỉ nha khoa, tăm nước,…
Đau hàm khi há miệng là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe. Vậy nên, bạn cần nghiêm túc theo dõi và thăm khám ngay khi triệu chứng không giảm bớt hoặc có dấu hiệu trở nặng. Nếu cần tư vấn thêm về tình trạng này, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ qua hotline: 093 186 3366 để được chuyên gia hỗ trợ.