Răng trẻ bị xỉn đen là vấn đề phổ biến mà bố mẹ nào cũng có thể phải đối mặt trên hành trình chăm sóc những thiên thần nhỏ của mình. Tuy nhiên đừng quá lo lắng vì nếu hiểu rõ nguyên nhân, bố mẹ sẽ có được cách phòng ngừa tình trạng này hiệu quả.
Nguyên nhân khiến răng trẻ bị xỉn đen
Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân hàng đầu khiến răng trẻ bị xỉn đen. Cụ thể, thực phẩm giàu đường và carbohydrate dễ làm tăng sản xuất axit trong miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển. Với trẻ nhỏ, thật khó bỏ qua thói quen ăn đồ ngọt, uống thức uống có gas và thực phẩm chế biến có chất bảo quản. Do đó nguy cơ sâu răng, răng xỉn đen càng ngày càng tăng cao.
Bên cạnh những loại thực phẩm kể trên, tình trạng thiếu chất xơ và canxi từ chế độ ăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng. Trẻ em thường ít ăn rau củ quả, chỉ thích thịt, cá. Do vậy nếu không tạo hứng thú cho con trẻ về các loại thực phẩm này, tình trạng thiếu hụt chất xơ sẽ diễn ra.
Chất xơ đóng vai trò giúp kích thích sự tiết nước bọt, giảm lượng đường và axit trong miệng. Canxi là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của men răng. Vì vậy nếu bố mẹ không chú trọng đến việc cung cấp chất xơ, canxi cho trẻ qua thức ăn hằng ngày, tình trạng xỉn đen trên răng trẻ có thể xuất hiện.
Vệ sinh răng miệng không đảm bảo
Vấn đề không vệ sinh răng miệng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng xỉn đen trên răng trẻ. Khi trẻ không thực hiện đúng kỹ thuật chải răng hoặc không chải răng thường xuyên, vi khuẩn và mảng bám có thể tích tụ trên bề mặt răng, tạo điều kiện cho sự hình thành vết ố, lâu dần chuyển thành màu đen.
Như đã đề cập bên trên, thói quen ăn uống không lành mạnh cũng tăng nguy cơ xỉn đen răng khi kết hợp với vấn đề vệ sinh răng miệng. Thức ăn giàu đường và carbohydrate nếu không được loại bỏ đúng cách qua việc chải răng sẽ làm tăng sản xuất axit và gây tổn thương men răng.
Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, việc sử dụng núm hoặc bình sữa vào ban đêm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xỉn đen răng. Lý do vì thành phần đường từ sữa có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây hại phát triển. Trong tình huống trẻ bú sữa về đêm và đi vào giấc ngủ mà không được làm sạch răng miệng ngay lúc ấy, kết quả lâu ngày răng xỉn đen xuất hiện như một lẽ tất yếu.
Thiếu vitamin và các khoáng chất
Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của răng trẻ. Cụ thể, vitamin D và canxi là hai chất quan trọng giúp xây dựng, bảo vệ men răng. Thiếu hụt vitamin D có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng đến sự phát triển của men răng và làm tăng nguy cơ sâu răng.
Thiếu hụt canxi cũng gây ra vấn đề tương tự về độ chắc khoẻ của răng. Ngoài ra, khoáng chất như phosphorus và magnesium cũng quan trọng trong quá trình phục hồi răng, ngăn chặn sự hình thành vết ố.
Chế độ ăn uống không đủ cân đối và thiếu hụt các nhóm thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua và thực phẩm giàu vitamin D như cá hồi cũng là nguyên nhân khiến răng trẻ bị xỉn đen. Thêm vào đó, thói quen ăn uống chủ yếu là thức ăn chế biến sẵn cũng có thể làm giảm sự hấp thụ của cơ thể đối với các dạng chất dinh dưỡng này.
Do một số bệnh về răng
Một số bệnh phổ biến về răng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng xỉn đen ở răng trẻ. Cụ thể, nếu trẻ mắc phải các vấn đề về sâu răng, chấn thương răng, viêm nướu,… lớp bảo vệ chắc khỏe của răng sẽ mất đi, răng dần bị ăn mòn, chuyển đen rồi chết tủy.
Giải pháp khắc phục tình trạng xỉn đen ở răng trẻ
Răng trẻ bị xỉn đen không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé. Đặc biệt khi răng xỉn đen không phải là răng sữa mà là răng vĩnh viễn, mức độ phức tạp lại càng gia tăng hơn khi bố mẹ mong muốn tìm kiếm phương pháp điều trị cho con. Trước khi để tình trạng răng xỉn đen trở nên nghiêm trọng hơn, bố mẹ có thể tham khảo qua các giải pháp khắc phục sau đây.
Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng
Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng là yếu tố quyết định quan trọng để ngăn chặn tình trạng xỉn đen ở răng trẻ. Thế nhưng không phải trẻ em nào cũng đều hứng thú với việc mỗi ngày 2 lần phải chải răng sạch sẽ. Do đó bố mẹ nên có những lưu ý sau để việc hình thành thói quen vệ sinh răng miệng ở con trở nên dễ dàng hơn. Cụ thể:
- Chọn mua cho bé bàn chải đánh răng loại lông thật mềm với kích thước nhỏ phù hợp với miệng bé, tay cầm ngắn để bé dễ cầm nắm.
- Kể cho bé nghe những câu chuyện về răng sâu, chơi các trò chơi hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng cho trẻ để con có thể tiếp cận dần dần với khái niệm chải răng, đồng thời hiểu rõ mục đích của việc làm này giúp cho bản thân có hàm răng sạch, nụ cười tươi.
- Sử dụng kem đánh răng dành riêng cho trẻ nhỏ cũng như phù hợp với từng giai đoạn của trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi nên sử dụng kem đánh răng có hàm lượng fluor dưới 600ppm. Trẻ trên 3 tuổi có thể sử dụng kem đánh răng bình thường, tuy nhiên hàm lượng fluor không nên nhiều hơn 1500ppm.
- Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể được bố mẹ hướng dẫn sử dụng chỉ nha khoa để tăng hiệu quả làm sạch răng.
- Thay bàn chải đánh răng 3 tháng/ lần hoặc khi thấy lông bàn chải đã bị sờn, xơ cứng. Điều này giúp hạn chế tình trạng lông bàn chải làm trầy xước răng và nướu của bé.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống khoa học không những tốt cho sức khoẻ nói chung mà còn mang lại nhiều lợi ích cho răng miệng nói riêng. Dưới đây là những thực phẩm tốt cho răng mà bố mẹ nên ghi nhớ để bổ sung vào khẩu phần hằng ngày của con. Tuy nhiên cần lưu ý việc bổ sung dinh dưỡng phải được thực hiện tuần tự, theo quá trình và phù hợp với sở thích của con, tránh dung nạp quá nhiều cùng một lúc sẽ rất dễ dẫn đến việc quá tải, ngao ngán.
Các sản phẩm từ sữa
Bên trong các sản phẩm từ sữa có nhiều canxi. Do đó, việc bổ sung nhiều loại thực phẩm này sẽ góp phần bảo vệ răng từ bên trong. Cụ thể, sữa, sữa chua và pho mát rất giàu canxi cũng như phốt pho. Chúng là nguồn trung hòa các axit đồng bảo vệ men răng khỏi bị ăn mòn. Bên cạnh đó hỗ trợ quá trình điều tiết nước bọt, trung hòa axit trong miệng và tiêu diệt vi khuẩn. Đặc biệt sữa chua với thành phần ít chất béo, giàu Axit lactic sẽ góp phần bảo vệ vững chắc nướu.
Chuối
Đa phần khi nhắc tới chuối, mọi người sẽ nghĩ tới công dụng làm sạch răng của vỏ. Không nhiều người biết rằng việc ăn chuối cũng đem đến không ít lợi ích cho răng. Cụ thể, trong chuối chứa thành phần magie giúp tạo ra môi trường kiềm trong máu. Môi trường kiềm sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự hấp thụ vitamin D và quá trình trao đổi canxi.
Cần tây
Cần tây là một loại thực phẩm giàu chất xơ. Chính chất xơ dồi dào sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, nguồn chất xơ này còn giúp làm sạch răng, loại bỏ vi khuẩn có thể gây sâu răng và đánh bay các mảng bám trên răng.
Đến nha khoa thăm khám định kỳ
Việc đưa trẻ đến nha khoa thăm khám định kỳ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe răng miệng của trẻ. Vào những lần thăm khám này, nha sĩ có thể kiểm tra tình trạng men răng, xác định sự phát triển của răng và tình trạng nướu, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời.
Ngoài ra, việc khám răng định kỳ cũng mang lại lợi ích về mặt tâm lý. Môi trường phòng nha thoải mái và thân thiện sẽ giúp trẻ giảm đi sự lo lắng đối với việc điều trị nha khoa. Nha sĩ ân cần có thể tạo ra trải nghiệm tích cực, giúp trẻ có thêm động lực để duy trì thói quen chăm sóc răng.
Việc duy trì chế độ ăn uống cân đối, thói quen vệ sinh răng đúng cách và khám răng định kỳ là 3 yếu tố vô cùng quan trọng giúp trẻ phòng tránh được tình trạng xỉn đen răng. Bằng cách này, chúng ta không chỉ giúp trẻ bảo vệ sức khỏe răng miệng mà còn khuyến khích trẻ xây dựng thói quen lành mạnh suốt đời.