Không nhiều người biết rằng tình trạng lợi, màu sắc lợi cũng phần nào phản ánh được sức khoẻ răng miệng của chúng ta. Vì vậy với trường hợp lợi chân răng bị trắng, bạn không nên xem nhẹ và bỏ qua mà cần chú ý quan sát đầy đủ biểu hiện, sau đó nhanh chóng gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị sớm nhất.
Mục lục
Một số bệnh liên quan đến tình trạng lợi chân răng bị trắng
Nướu răng có vai trò quan trọng vì phần nào phản ánh sức khỏe răng miệng chúng ta. Do đó việc thay đổi màu sắc ở nướu dù là rất nhỏ nhưng vẫn phản ánh được dấu hiệu cảnh báo không ổn với sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số căn bệnh có thể liên quan đến tình trạng lợi chân răng bị trắng.
Bệnh bạch sản
Bạch sản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng lợi trắng. Tuy nhiên hãy yên tâm vì hầu hết các trường hợp đều vô hại, chỉ có một số trường hợp đặc biệt nghi ngờ là dấu hiệu tiền ung thư. Nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch sản hiện chưa được nêu rõ. Tuy nhiên theo một số nhà khoa học, thói quen sử dụng thuốc lá trong thời gian dài có thể góp phần không nhỏ gây ra căn bệnh này.
Bệnh thiếu máu
Bệnh thiếu máu xảy ra khi cơ thể thiếu hụt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Bệnh có nhiều dạng khác nhau với nguyên nhân phổ biến đến từ việc thiếu hụt sắt, vitamin B12, bệnh Celiac, bệnh Crohn,… Khi bị bệnh thiếu máu, bạn sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như: Mệt mỏi, nhịp tim bất thường, chóng mặt, khó thở, đau đầu, tay và chân lạnh, làn da nhợt nhạt, lợi chân răng màu trắng,…
Loét miệng
Loét miệng là tình trạng bao gồm các tổn thương phát triển trong miệng và trên nướu răng. Bệnh có thể gây đau đớn, đặc biệt bạn thực hiện hoạt động nói, ăn hoặc uống. Quan sát miệng bị loét, bạn dễ dàng nhận thấy vết loét hình tròn hoặc hình bầu dục, chính giữa vết loét có vùng màu nhạt (hơi trắng) với một đường viền đỏ.
Nếu lở loét xuất hiện trên lợi răng, bạn có thể thấy một số khu vực của đường lợi có màu trắng. Tuy nhiên nhìn tổng thể, chúng không làm thay đổi màu sắc của lợi ở toàn bộ miệng.
Viêm lợi
Viêm lợi là một dạng nhẹ của bệnh nha chu. Nguyên nhân dẫn đến viêm lợi đa phần từ việc vệ sinh răng miệng kém. Người bệnh khi đó sẽ có cảm giác lợi bị kích thích, ửng đỏ và sưng quanh răng. Bên cạnh đó, họ cũng có thể nhận thấy răng bị lỏng, dễ chảy máu khi chải răng và khi dùng chỉ nha khoa. Ban đầu, lợi người bệnh sưng đỏ, theo thời gian có thể chuyển sang trắng.
Bệnh Lichen Planus
Bệnh Lichen Planus hay còn gọi là Planen răng miệng. Đây là chứng bệnh gây ra các mảng trắng xuất hiện trên lợi, lưỡi và các mô khác bên trong miệng. Bệnh Lichen Planus là một tình trạng tự miễn dịch mạn tính với dấu hiệu bắt nguồn từ một loạt các triệu chứng đau, chảy máu và viêm lợi. Các bác sĩ khuyên rằng những người mắc chứng Planen răng miệng cần đi kiểm tra thường xuyên bởi họ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng, nhiễm khuẩn miệng hay nguy hiểm hơn là ung thư miệng.
Nấm miệng
Với tên gọi khác là nấm Candida, bệnh nấm miệng là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra các vết lở loét màu trắng bên trong miệng. Các vết loét này có thể xuất hiện ở bên trong má, lưỡi hoặc lợi có thể dễ cạo ra, khi cạo ra có thể chảy máu, đau, nóng rát.
Các đối tượng dễ bị nấm miệng bao gồm trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bệnh tiểu đường, người suy giảm miễn dịch,…
Ung thư miệng
Lợi chân răng bị trắng có thể là một trong những dấu hiệu của ung thư miệng. Nếu chẳng may mắc ung thư, bạn cần đến khám và điều trị sớm vì tình trạng này có thể lây lan nhanh chóng. Vậy đâu là dấu hiệu kèm theo cảnh báo bạn đang bị ung thư miệng? Hãy quan sát một số triệu chứng bao gồm: Loét miệng lâu lành, chảy máu trong miệng, sự dày lên của lớp da bên trong miệng, tăng trưởng hoặc xuất hiện cục u trong miệng, răng lỏng lẻo, đau bên trong miệng, khó nhai hoặc nuốt,…
Có thể bạn quan tâm:
Làm thế nào để khắc phục tình trạng lợi chân răng bị trắng?
Để khắc phục tình trạng lợi chân răng bị trắng, bạn cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh cũng như triệu chứng của bệnh nhằm tìm ra giải pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp khắc phục tương ứng với từng tình trạng bệnh.
Thiếu máu
Nếu xuất phát từ nguyên do thiếu máu, bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống bằng cách bổ sung nhiều loại thực phẩm bên dưới:
- Rau có màu xanh đậm: Rau chân vịt, cải xoăn, cải búp,… dùng kèm với thực phẩm giàu vitamin C sẽ làm tăng khả năng hấp thu sắt
- Thịt: Trong các loại thịt, thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) là nguồn cung cấp sắt tốt nhất, kế đến là thịt gia cầm.
- Gan: Thành phần gan giàu chất sắt và folate có thể giúp bạn cải thiện chứng thiếu máu. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều nội tạng động vật vì có nguy cơ tăng cholesterol máu.
- Hải sản: Hàu, nghêu, và tôm là nguồn hải sản cung cấp sắt rất dồi dào. Ngoài ra còn một số loại cá có nhiều chất sắt mà bạn có thể đưa vào khẩu phần ăn như cá mòi, cá ngừ, cá hồi, cá rô,…
- Các loại đậu, hạt: Đậu nành, đậu xanh, đậu tây, hạt điều, hạt thông, hạt hoa hướng dương, hạt bí,… là những nguồn thực phẩm bổ máu mà bạn có thể bổ sung.
Tình trạng lở loét
Nếu chỉ là tình trạng lở loét thông thường, bạn chỉ cần đợi thời gian 2 tuần để vết loét tự lành lại. Trong trường hợp lở loét nghiêm trọng hơn, thời gian chờ đợi có thể lâu đến khoảng 6 tuần, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc nha sĩ để khắc phục. Trong trường hợp này, phương pháp điều trị loét miệng thường là: Uống thuốc giảm đau, rửa miệng sạch bằng nước muối, thoa thuốc mỡ hoặc gel bên trong miệng.
Chứng bạch sản
Đối với chứng bạch sản, bạn có thể được can thiệp bằng phương pháp mổ truyền thống hoặc phẫu thuật laser. Song song đó, bác sĩ cũng sẽ kê toa thuốc kháng virus nếu bạn có hệ miễn dịch yếu cần được bảo vệ.
Planen miệng
Với bệnh Planen miệng, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát các triệu chứng bằng corticosteroids. Thuốc có tác dụng giảm viêm, ức chế hệ thống miễn dịch và giảm bớt việc dùng thuốc giảm đau.
Nấm miệng
Người bệnh có tình trạng lợi chân răng bị trắng do bệnh nấm miệng thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Khi đó, bác sĩ có thể kê toa dưới dạng viên nén, viên ngậm hoặc nước súc miệng để thuận tiện cho người bệnh áp dụng.
- Viên nén kháng nấm thường được dùng là fluconazole, itraconazole, hoặc ketoconazole.
- Viên ngậm kháng nấm thường được dùng là clotrimazole, nystatin, hoặc miconazole. Người bệnh cần ngậm viên thuốc trong miệng cho đến khi tan hết, không nên nuốt hoặc nhai. Viên ngậm kháng nấm có thể gây ra một số tác dụng phụ như nóng rát, khô miệng, nôn mửa, đau răng, dị ứng.
- Nước súc miệng: đây là dạng thuốc kháng nấm dùng đường miệng, có tác dụng điều trị nấm miệng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, đặc biệt là ở vùng vòm họng, thành sau họng, amidan. Nước súc miệng kháng nấm thường được dùng là nystatin, amphotericin B, hoặc chlorhexidine. Người bệnh cần súc miệng với dung dịch thuốc trong khoảng 1 đến 2 phút, rồi nhổ ra, không nên nuốt.
Ung thư miệng
Khoảng hơn 50% trường hợp ung thư miệng không được phát hiện cho đến khi khối u đã lan sang các khu vực khác, chẳng hạn như hạch bạch huyết. Vì vậy bạn cần thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ để có phương pháp điều trị bệnh ở giai đoạn sớm. Khi đó, những phương pháp điều trị ung thư phổ biến sẽ được áp dụng như hóa trị, phẫu thuật loại bỏ khu vực bị ảnh hưởng.
Qua bài viết này, bạn đã có được cho mình lượng kiến thức kha khá nếu chẳng may gặp phải tình trạng lợi chân răng bị trắng. Với trường hợp này, có thể đó chỉ là một bệnh viêm nhiễm nhẹ điều trị khỏi bằng thuốc, cũng có thể là một căn bệnh nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật. Do đó điều quan trọng vẫn là đến bệnh viện, phòng nha thăm khám để được chẩn đoán chính xác nhất, từ đó có giải pháp điều trị từ sớm cho bản thân.