Đau tai khi nuốt nước bọt không chỉ gây khó chịu mà còn là dấu hiệu cảnh báo các bất thường về sức khỏe. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối diện với những biến chứng nghiêm trọng hơn. Vậy, những nguyên nhân nào có thể gây đau tai khi nuốt nước bọt? Hãy cùng tìm lời giải trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Nuốt nước bọt đau tai là bị làm sao?
Nuốt nước bọt đau tai được mô tả là cảm giác đau nghẹn lan xuyên từ cổ họng đến tai hoặc xuất hiện trực tiếp ở tai mà không có bất kỳ dấu hiệu nào ở họng. Tình trạng này có thể xảy ra do những nguyên nhân bệnh lý dưới đây:
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ). Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ từ 6 – 36 tháng do miễn dịch chưa trưởng thành, chức năng và cấu trúc vòi nhĩ (ống thông từ vòm họng đến tai giữa) chưa hoàn thiện.
Khi viêm tai giữa xảy ra, vòi nhĩ có thể bị tắc nghẽn, ứ dịch và nhiễm trùng. Lúc này, một số hoạt động như nuốt, hắt hơi hoặc ngáp sẽ giải phóng áp lực vào vòi nhĩ, gây ra cảm giác đau tức ở trong tai. Triệu chứng viêm tai giữa có sự khác biệt ở từng đối tượng bệnh nhân:
- Trẻ nhỏ: Thường sốt cao trên 39 – 40 độ C kèm quấy khóc, bỏ bú, kém ăn, hay nôn trớ, vò tai, lắc đầu.
- Trẻ lớn: Kêu đau tai, đau đầu, nghe kém, khó ngủ, mất thăng bằng, có dịch chảy ra từ tai.
- Người lớn: Đau tai, ù nặng tai, nghe khó, chảy dịch ra từ tai.
Viêm tai giữa nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể làm giảm hoặc mất thính lực ngay cả khi đã điều trị khỏi. Tình trạng này kéo dài dẫn đến tình trạng chậm nói, chậm phản xạ. Trường hợp viêm tai giữa tái đi tái lại có thể gây thủng màng nhĩ và cần phẫu thuật khâu lại. Nghiêm trọng hơn, viêm tai giữa không được kiểm soát tốt có thể gây biến chứng viêm não hoặc viêm màng não.
Đa số trường hợp viêm tai giữa đều có thể được giải quyết bằng phương pháp điều trị nội khoa. Trong đó, thuốc kháng sinh là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ nhằm kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 7 – 10 ngày. Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp thuốc nhỏ tai và dẫn lưu mủ để tăng hiệu quả điều trị.
Có thể bạn quan tâm: Những bệnh nào thường lây qua đường nước bọt?
Viêm họng
Viêm họng là tình trạng họng bị sưng tấy, đau nhức, ngứa rát và nóng đỏ. Triệu chứng đau nhức thường trở nên rõ rệt hơn khi người bệnh có phản xạ nuốt hoặc ho. Nguyên nhân gây viêm họng thường là do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus. Ngoài ra, tình trạng dị ứng hay các tác động cơ học cũng có thể khiến họng bị viêm.
Tình trạng nuốt nước bọt đau tai do viêm họng được lý giải bởi dịch tiết ở vùng mũi họng tràn vào tai gây tắc vòi nhĩ trong tai. Vì vậy, áp lực khi nuốt không được giải phóng mà tác động vào vòi nhĩ dẫn đến triệu chứng đau nhói tai. Khi viêm họng xảy ra, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Đau họng, ngứa rát họng, khó nuốt.
- Sốt cao trên 38 độ C.
- Nhức đầu, mệt mỏi, ăn kém, nhức người, nổi hạch góc hàm.
- Ho, sổ mũi, ngạt mũi, khàn tiếng.
Viêm họng nếu không được điều trị tốt có thể tiến triển thành viêm tai giữa, viêm phế quản, áp xe quanh amidan, áp xe thành họng khiến việc điều trị kéo dài, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ và thiệt hại về kinh tế cho người bệnh. Nghiêm trọng hơn, những trường hợp viêm họng do liên cầu có thể khiến người bệnh bị nhiễm độc tố do vi khuẩn này sản xuất ra.
Phác đồ điều trị viêm họng được xây dựng dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm họng do virus, người bệnh chỉ cần dùng thuốc hạ sốt, giảm đau và vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm. Những trường hợp viêm họng do vi khuẩn, bệnh nhân được kê các thuốc kháng sinh, chống viêm và các dung dịch súc miệng kháng khuẩn. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 7 – 10 ngày. Người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất.
Có thể bạn muốn biết: HIV/AIDS có lây qua nước bọt không?
Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng xoang mũi chứa đầy dịch khiến niêm mạc bị sưng tấy, phù nề. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nhiễm nấm hoặc dị ứng. Khi viêm xoang xảy ra, dịch từ các hốc mũi có thể chảy vào tai thông qua vòi nhĩ, gây tắc vòi nhĩ và viêm tai giữa. Đây là lý do tại sao người bệnh viêm xoang có thể bị đau tai khi nuốt.
Một số triệu chứng giúp nhận biết tình trạng viêm xoang có thể gồm:
- Đau vùng mặt tập trung hai bên sống mũi, đau nhức đầu vùng trán và đau răng.
- Đau tập trung ở sau và giữa hai mắt, chảy nước mắt.
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi dịch trắng trong hoặc xanh vàng.
- Tăng tiết dịch xuống vùng họng gây ngứa họng, đau họng, ho hoặc khàn giọng.
- Sốt, sưng mặt, hôi miệng, người mệt mỏi.
Viêm xoang nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm tấy quanh ổ mắt do vi khuẩn xâm nhập vào ổ mắt, áp xe ngoài màng cứng hoặc áp xe não.
Trong điều trị viêm xoang, người bệnh cần được áp dụng các biện pháp dẫn lưu dịch ở xoang như khí dung hay thuốc co mạch. Tiếp đó, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc kháng sinh, chống viêm corticoid, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng histamin tùy theo từng ca bệnh cụ thể.
Đọc thêm: Tại sao nước bọt có mùi hôi khi bôi lên da tay?
Hội chứng Eagle
Hội chứng Eagle (còn gọi là hội chứng trâm móng) xảy ra do động mạch cảnh trong và cấu trúc xung quanh bị chèn ép bởi mỏm trâm (mỏm xương gắn vào xương thái dương) dài bất thường. Ngoài ra, vôi hoá dây chằng trâm móng cũng gây ra hội chứng này.
Bệnh nhân mắc hội chứng Eagle có xương cổ họng dài hơn bình thường. Cấu trúc này làm tăng áp lực lên vùng họng và tai, khiến người bệnh thường bị đau tai khi nuốt. Ngoài ra, hội chứng Eagle cũng gây ra một số triệu chứng khác như:
- Đau khi người bệnh cử động hàm dưới hoặc xoay cổ.
- Cơn đau lan từ góc hàm dưới tới hố amidan, khớp thái dương hàm dưới tới gốc lưỡi.
- Cường độ đau trong mức trung bình đến dữ dội tuỳ vào mức độ tổn thương của từng người bệnh.
- Đau âm ỉ, dai dẳng kéo dài có thể gây nuốt khó, ù tai, đau mặt.
Ảnh hưởng lớn nhất của Hội chứng Eagle là gây đau đớn cho người bệnh. Những trường hợp đau dữ dội cần được phẫu thuật cắt bớt phần dài để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.
Viêm Amidan đáy lưỡi
Viêm amidan đáy lưỡi xảy ra khi tổ chức hạt lympho ở vùng đáy lưỡi bị tấn công bởi các tác nhân như: vi khuẩn, virus hay nấm dẫn đến viêm và nhiễm trùng. Khi bị viêm amidan đáy lưỡi, người bệnh có cảm giác vướng và đau họng khi nuốt. Cơn đau có thể lan ra vùng sau tai và có xu hướng tăng lên khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Họng sưng, tấy đỏ, khô rát.
- Amidan sưng to, bề mặt có chấm trắng hoặc mủ.
- Lưỡi bẩn, nhiều rêu lưỡi có màu trắng bệch.
- Sưng hạch góc hàm.
- Thở khò khè, viêm kết mạc, ho có đờm, khản tiếng, chảy nước mũi.
- Sốt kèm theo cơ thể mệt mỏi, đau nhức.
Viêm amidan đáy lưỡi nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách có thể dẫn đến loét amidan, sỏi amidan và viêm họng mãn tính. Ngoài ra, nhiễm trùng tiến triển có thể gây viêm hạch cổ mãn tính, viêm xoang, viêm tai giữa và viêm phế quản.
Phương pháp điều trị viêm amidan đáy lưỡi chủ yếu là dùng thuốc, thường gặp như: thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc giảm ho long đờm và thuốc kháng nấm. Nếu viêm amidan tái phát liên tục, khoảng 5 – 6 lần/ năm, amidan sưng to gây khó thở hoặc lan đến cơ quan khác, người bệnh có thể được chỉ định can thiệp ngoại khoa để cắt bỏ amidan.
Khi nào nuốt nước bọt đau tai cần đi khám bác sĩ?
Đau tai khi nuốt nước bọt hầu như không gây nguy hiểm nếu được thăm khám sớm và điều trị đúng cách. Ngược lại, những trường hợp không được điều trị nặng có thể tiến triển và gây ra biến chứng nghiêm trọng. Một số dấu hiệu cho thấy, bạn cần đi khám bác sĩ khi nuốt nước bọt bị đau tai gồm:
- Cơn đau kéo dài liên tục trên 1 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Đau có xu hướng nặng hơn, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khả năng nghe, giữ thăng bằng của người bệnh.
- Người bệnh bị sốt cao liên tục, ngưng thuốc thì sốt lại hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Xuất hiện các triệu chứng khác như: khó thở, cứng khớp, nhìn mờ, choáng,….
Khi bị nuốt nước bọt đau tai, người bệnh cần bình tĩnh theo dõi các vấn đề để nắm rõ tình trạng của mình. Khi nhận thấy các triệu chứng vượt khỏi tầm kiểm soát, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Chúc bạn luôn khỏe!